1. Đức Tổng Giám Mục Aldo Giordano, sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại Liên Hiệp Âu Châu, qua đời ở tuổi 67 vì COVID
Đức Tổng Giám Mục Aldo Giordano, vừa mới được bổ nhiệm vào đầu năm nay làm Sứ thần Tòa thánh tại Liên Hiệp Âu Châu, đã qua đời ngày 2 tháng 12 tại Leuven, Bỉ, nơi ngài đã phải nhập viện vì COVID-19.
Theo Vatican News, tình trạng của vị giám mục 67 tuổi người Ý đã trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần qua và ngài đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt thì qua đời.
Đức Cha Giordano đã làm Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela trong tám năm và, trong một tuyên bố, hội đồng giám mục Venezuela đã thương tiếc cái chết của ngài và gọi ngài là một tôi tớ “thân thiết và huynh đệ” của Giáo Hội.
Các giám mục cho biết Đức Tổng Giám Mục Giordano đã chiến đấu với COVID-19 kể từ tuần đầu tiên của tháng Mười.
Trước khi lâm bệnh, Đức Tổng Giám Mục nằm trong số những người đã cử hành thánh lễ cuối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại đền thánh Đức Mẹ Bảy Sự Sầu Bi ở Sastin, Slovakia, ngày 15 tháng 9.
Một số giám mục, bao gồm cả Hồng Y người Ý Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu, đã được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 sau khi tham dự thánh lễ này.
Hội đồng Giám mục Venezuela đã tưởng nhớ Đức Tổng Giám Mục Giordano như một người coi mình là “một trong những người dân Venezuela”.
“Trong nhiều dịp, ngài đã kể một giai thoại rằng, trước khi đến Venezuela, ngài đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô ngài nên đóng gói những gì trong vali” cho công việc của mình tại quốc gia Mỹ Châu Latinh này.
“Và ngài chia sẻ rằng câu trả lời của Đức Giáo Hoàng là “hãy đóng gói rất nhiều sự hài hước và niềm vui trong vali của bạn,” và ngài trả lời rằng ngài sẽ vâng lời và ngài đã làm như vậy.”
Sinh tại Cuneo, bên Ý, ngài từng là quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hiệp Âu Châu. Năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giordano kế vị Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin khi đó làm Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela.
Vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm ngài làm sứ thần Tòa thánh tại Liên Hiệp Âu Châu.
Giáo phận Cuneo thông báo ngày 2 tháng 12 rằng tang lễ của ngài sẽ được tổ chức tại quê hương Cuneo. Tuy nhiên, giáo phận chưa cho biết thông tin chính xác về thời điểm tang lễ được tổ chức.
Source:Crux
2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô XVI đã tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba vì 'tin tưởng'
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã nói rằng cả ngài và Đức Bênêđíctô XVI đều đã nhận được ba liều vắc-xin COVID-19 vì “tin tưởng” vào y học.
Thư ký riêng của Giáo hoàng danh dự đã đưa ra nhận xét trong một cuộc phỏng vấn dài 9 trang trong ấn bản tháng 12 của ấn phẩm tiếng Đức Vatican Magazin.
Tòa thánh bắt đầu cung cấp các liều vắc-xin Pfizer-BioNtech vào tháng Giêng và xác nhận vào tháng Hai rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã nhận được liều vắc-xin thứ hai. Từ tháng 10, Tòa Thánh bắt đầu cung cấp liều thứ ba.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã được hỏi về sự phản đối của người Công Giáo đối với vắc-xin coronavirus, một số vắc-xin được sản xuất bằng cách sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá thai.
Người phỏng vấn nói rằng Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, đã chỉ trích Vatican vì đã thúc đẩy một chiến dịch tiêm chủng.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng ngài không thể hiểu được những lời chỉ trích.
“Người ta không thể nâng vấn đề tiêm chủng lên mức độ đức tin. Nhân tiện, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và tôi đã được chủng ngừa lần thứ ba. Và chúng tôi đã làm như vậy vì tin tưởng”.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein thừa nhận rằng “mọi loại vắc xin đều có ưu điểm và nhược điểm.” Nhưng ngài nhớ lại rằng Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch hội đồng giám mục Ý, bị ốm nặng sau khi nhiễm COVID-19 và sau đó đã cảnh báo “chống lại bất kỳ hình thức thập tự chinh ý thức hệ nào chống lại việc tiêm chủng”.
“Người ta không được ép buộc ai phải tiêm phòng, điều đó khá rõ ràng. Nhưng người ta nên kêu gọi lương tâm”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhận xét.
Khi được hỏi liệu Benedict XVI có nhìn nhận vấn đề này theo cách tương tự hay không, ngài trả lời khẳng định: “Nếu không thì ngài đã không tiêm ba lần.”
Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người đến từ vùng Schwarzwald, phía Tây Nam của Đức, cũng chỉ trích phản ứng của Giáo hội đối với virus ở quê hương ngài.
Ngài nói: “Đối với những gì có liên quan đến nước Đức, tôi chưa bao giờ hiểu tại sao các nhà chức trách Giáo hội đôi khi thậm chí còn vượt quá các hướng dẫn của nhà nước và trung thành quá mức với nhà nước trong suốt cuộc khủng hoảng”.
“Tôi hiểu mối quan tâm về an toàn và an ninh. Nhưng khi phúc lợi của thể xác được đặt lên trên sự cứu rỗi của linh hồn, và đó không chỉ là ấn tượng của tôi, thì điều gì đó thật tồi tệ đang diễn ra”.
Đức Tổng Giám Mục mô tả Đức Bênêđíctô XVI là người “ổn định về thể chất mặc dù yếu ớt và cảm ơn Chúa, trong đầu ngài mọi chuyện vẫn hiện rõ như pha lê”.
“Nhưng cũng có thể hiểu được rằng ở tuổi 94 và sau cái chết của người anh trai khiến ngài đau buồn, thể lực của ngài tiếp tục suy giảm. Nó cũng tương tự với giọng nói của ngài. Vị thuốc tốt nhất cho ngài là sự hài hước và nhịp điệu đều đặn hàng ngày,” vị tổng giám mục nói.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein trở thành thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI tương lai vào năm 2003.
Ngài được bổ nhiệm làm Quản Gia Phủ Giáo hoàng vào năm 2012, và tiếp tục đảm nhiệm vai trò này sau khi Đức Bênêđíctô XVI từ chức và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu ngài đảm trách chức vụ này một năm sau đó.
Nhưng ngài đã được cho nghỉ việc với tư cách là Quản Gia Phủ Giáo Hoàng vào năm 2020 để có thể dành riêng thời gian của mình cho Đức Giáo Hoàng danh dự.
Source:National Catholic Register
3. Mười sáu vị tử vì đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha sắp được tuyên chân phước ở Granada
Lễ tuyên chân phước cho mười sáu vị tử đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha sẽ được tổ chức vào tháng Hai tại nhà thờ chính tòa Granada.
Cha Cayetano Giménez Martín và 15 bạn tử đạo của ngài sẽ được tuyên chân phước vào ngày 26 tháng 2 năm 2022. Trong nhóm, hầu như tất cả các vị đều là linh mục, ngoại trừ một chủng sinh và một giáo dân.
Nội chiến Tây Ban Nha diễn ra từ năm 1936 đến năm 1939 giữa các lực lượng Quốc gia, do Francisco Franco lãnh đạo và Mặt Trận Bình Dân của cộng sản. Trong chiến tranh, cộng sản đã giết hàng ngàn giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân; trong số này, 11 vị đã được tuyên thánh, và hơn 2,000 vị đã được tuyên chân phước.
Cha Cayetano từ chối trốn đến nơi an toàn khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ. Khi nhà thờ giáo xứ của ngài bị đốt cháy, ngài đã lánh nạn cùng một gia đình trong hai tuần nhưng bị bắt, và sau đó bị bắn vào ngày 1 tháng 8 năm 1936. Khi bị bắn, ngài hét lên “Viva Cristo Rey”, nghĩa là “Vạn tuế Chúa Kitô Vua”.
Trong số các bạn tử đạo cùng với Cha Cayetano có chủng sinh Antonio Caba Pozo, khoảng 22 tuổi khi bị bắt vào ngày 19 tháng 7 năm 1936. Anh bị bắn khi đang đọc kinh Mân Côi hai ngày sau đó.
Một vị khác là Muñoz Calvo, một giáo dân, chủ tịch của thanh niên Công Giáo Tiến hành. Anh bị bỏ tù ngày 27 tháng 7 năm 1936 vì từ chối từ bỏ tư cách thành viên của mình trong nhóm, và bị giết vào ngày 30 tháng 7.
Giai đoạn giáo phận nghiên cứu án phong chân phước cho các ngài được mở vào ngày 1 tháng 7 năm 1999 và kết thúc vào ngày 28 tháng 9 cùng năm. Vào ngày 29 tháng 11 năm 2019, Tòa Thánh đã công bố việc ban hành sắc lệnh về các cuộc tử đạo.
Theo một linh mục người Tây Ban Nha phục vụ ở Rome, mặc dù có xu hướng chỉ liên kết các vị tử đạo Tây Ban Nha vào thế kỷ 20 với cuộc nội chiến 1936-39, nhưng thực ra tại Tây Ban Nha đã có nhiều thập kỷ chuẩn bị dẫn đến điều này, qua các chống báng Giáo Hội.
Đức Ông José Jaime Brosel Gavilà, Giám đốc Đền thờ Quốc gia Santa Maria ở Monserrato degli Spagnoli nhận định rằng: Cuộc đàn áp tôn giáo ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 20 cần “một số chuẩn bị. Nó không phải là thứ có thể bùng nổ tức khắc, nó không thể bị giới hạn đơn thuần trong những tháng đầu tiên của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha”.
Trong khi một số lớn các vị tử đạo đã hy sinh trong cuộc nội chiến, cũng có những thời kỳ khác, chẳng hạn như Tuần lễ bi thảm, cuộc nổi dậy của Mặt Trận Bình Dân, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ ở Catalonia vào tháng 7 năm 1909; tuyên ngôn của nền Cộng hòa Tây Ban Nha thứ hai vào năm 1931; và cuộc Cách mạng năm 1934.
Những biến cố này cũng đi kèm với việc phá hủy các nhà thờ, các cuộc khủng bố, bắt bớ, và giết hại các linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ, và giáo dân vì lòng căm thù đức tin.
Source:Catholic News Agency