Điểm mấu chốt
Chúng ta hãy nhắc nhở bản thân một lần nữa về diễn tiến bên ngoài của cuộc đời Chúa Giêsu. Tuổi trẻ của Người có thể được coi như một chuẩn bị lâu dài, như một khai tâm tiệm tiến cho một thiếu niên bước vào sứ mệnh phổ quát của mình; Phép rửa của Người như một cuộc trao ban Thánh Thần và sứ mệnh, thời gian ở trong sa mạc, với cơn cám dỗ của ma quỷ, như một thử nghiệm và tôi luyện hiện sinh cuối cùng. Giờ đây, Người bước vào đời hoạt động của Người, trước hết kêu gọi một số cá nhân đi theo Người. Không phải với tư cách là khán giả, mà là như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình, những người phải tham gia vào tính vô điều kiện đáng sợ của cuộc sống Người. Trong cuộc giáp mặt của Người với thử thách, họ cũng sẽ giáp mặt cùng với Người, như Người khẳng định với họ khi Người nói với họ trong Bữa Tiệc Ly: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan” (Lc 22:28). Họ đã làm điều đó một cách tự do, vì bất cứ lúc nào họ cũng có cơ hội để bỏ rơi Người ("anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?"). Trong tình hiệp thông trung thành hoàn toàn như các môn đệ này, thoạt đầu, dường như chỉ liên hệ tới nhân đức nhân bản, như giữa công tước và thuộc hạ. Nhưng vì Chúa Giêsu là hơn thế, làm nhiều hơn thế, và đòi hỏi nhiều hơn một người bình thường, nên cả lòng trung thành của các môn đệ cũng phải hơn lòng trung thành chỉ có tính nhân bản; nó là đức tin. Tuy nhiên, hai điều này không bao giờ gặp nhau nếu Chúa Giêsu không hoàn tất hành động tối cao của Người trong hình thức nhân bản, một hình thức, do đó, về yếu tính, phải cởi mở và dễ tiếp cận đối với con người: hình thức tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Người không làm theo ý Người mà làm theo ý muốn của Chúa Cha. Người nhắc lại điều này giữa nước mắt và mồ hôi máu, trên Núi Cây Dầu, khi nhấn chìm ý chí nhân bản của chính Người, vượt quá giới hạn của ý chí và khả năng của Người, trong thánh ý Chúa Cha. Sự vâng phục này, phá tung các giới hạn của mọi khả năng con người để đi vào sự vô hạn của Thiên Chúa, là hình thức người Tôi tớ tự do chấp nhận Tình yêu vĩnh cửu, một Chúa Ba ngôi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Đó là quyết định tối cao của Tình yêu không sợ hãi bám víu vào hình thức thần linh của mình (như Thánh Phaolô nói) mà, đúng hơn, là từ bỏ nó trong sự cô đơn của hình thức nhân bản, trong sự vô danh của một đời sống cá nhân không nổi bật và cuối cùng, trong một sự vâng phục Thiên Chúa cho đến chết, thậm chí cái chết đáng xấu hổ nhất trên Thập giá. Sự vâng lời tự do hiến dâng trong tình yêu, chấp nhận cả những hậu quả khắc nghiệt nhất, đó chính là khuôn mẫu cuộc sống của Thiên Chúa làm người. Và trong khái niệm trung tâm này, người bình thường cũng được mở cửa bước vào tham gia cuộc sống, hành động và những đau khổ của Thiên Chúa làm người.
Sự vâng lời tự do hiến dâng trong tình yêu, đó là nơi mà những điều khôn sánh chạm vào nhau, đến mức hình thành một bản sắc duy nhất. Về phía con người, sự vâng phục của tình yêu này mang tên khác biệt là đức tin. Đức tin này, như một hành vi nhân bản, là một nỗ lực phôi thai tự đỡ đẻ chính mình (“Lạy Chúa, con tin; xin giúp đỡ sự thiếu đức tin của con”) đã được Chúa tiếp nhận đưa vào sự vâng lời của chính Người, thực sự như thế, ngay ở cố gắng đầu tiên, đã được vỗ về, linh hứng, nâng đỡ và đưa đến thành quả nhờ ân sủng và sức mạnh của khuôn mẫu và gương sáng của Người (gratia praeveniens et consequens [ơn dự phòng và ơn tiếp hậu]). Hơi giống với cách trong đó, trong lãnh vực thuần túy nhân bản, sự tín thác, sự tận tâm, tiếng Yes (bằng lòng) cuối cùng của một cô gái đã được đánh thức và đưa đến sự thành toàn cuối cùng của nó nhờ sức mạnh yêu đương của một chàng trai trẻ. Giờ đây, sự phó thác bản thân của con người chúng ta, dù có thể tự tưởng tượng mình vô hạn bao nhiêu đi chăng nữa, có lẽ luôn phải chịu đâu đó các giới hạn vô thức, chẳng hạn, khi người mà ta đã trao thân gửi phận cho nay trở nên hoàn toàn bất trung, không biết yêu thương và xấu xa, đến nỗi mối ràng buộc với anh ta không thể kéo dài hơn nữa. Ngược lại, đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô được thử thách chính ở việc loại bỏ mọi giới hạn như vậy đối với việc tự hiến. Vì bất cứ sự bất trung nào về phía Chúa Kitô đều bị loại trừ tuyệt đối — ngay cả khi sự trung thành của Người có thể đã trở nên vô hình đối với chúng ta trong việc bị bỏ rơi hoàn toàn trong đêm đen Thập giá, vì lòng trung thành của Thiên Chúa theo định nghĩa là vô hạn và không hối tiếc, nên bất cứ hành động yêu thương nào, bất cứ lòng sùng kính vâng lời nào cũng có thể là vô điều kiện và không có giới hạn, như một sự đáp trả và phó mình cho quyền năng của ân sủng Thiên Chúa, một quyền năng cho phép và giúp nó có khả năng. Đó là một hành vi mà trong sự viên mãn của nó có nghĩa là đức tin — đức mến — đức cậy: đức tin đầy yêu thương, đức cậy hy vọng mọi sự, hoặc đức mến tràn đầy hy vọng, tin tưởng mọi sự, hoặc đức cậy đầy tin tưởng, yêu tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Đó là hành vi nằm ở cốt lõi bản sắc Kitô hữu – đến nỗi chúng ta đã bất ngờ tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình: “Kitô hữu là ai?” Người Kitô hữu là người “sống bằng đức tin” (xem Rm 1:17), nói cách khác, là người đã cam kết toàn bộ hiện hữu của mình với một cơ hội duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, vâng phục vì mọi người chúng ta cho tới Thập giá, đã mở ra cho chúng ta cơ hội tham gia vào công cuộc cứu chuộc thế giới, vào tiếng Xin Vâng đối với Thiên Chúa.
Về phía Chúa Kitô, hành vi vâng lời vì yêu thương là nền tảng cho sự hiện hữu của Người, vì Con Thiên Chúa đi vào hiện hữu, không phải vì thúc ép, nhưng vì sứ mệnh. Sự kiện Người hiện hữu mà thôi, và theo cách Người hành động, vốn đã cho chúng ta biết rằng Người là biểu hiện của tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta, Chúa Cha, Đấng đã dâng Con của Người cho những kẻ tội lỗi. Trong “sự dâng hiến” này có bao hàm ý niệm hy sinh, và trong điều này, sự thuận ý, sự vâng lời của Nạn nhân. Vì vậy, trong cuộc đời của Chúa Con vâng lời, cũng sáng lên một cách hết sức tỏ tường mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Con vâng lời, không phải vâng lời chính mình, mà là vâng lời một đấng khác, nhưng bằng một tình yêu vĩnh cửu, vốn là nền tảng cho khả thể của một sự vâng lời như thế và đồng thời cho sự thống nhất của đấng chỉ huy và của đấng vâng lời. Vì nếu Chúa Con vâng lời Thiên Chúa Cha trên cơ sở phục tùng tự nhiên, thì Người chỉ làm nhiệm vụ của mình bằng cách vâng lời và tính tự do tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa sẽ không được tỏ hiện trong đó. Nhưng nếu đấng ấy vâng lời một cách nhưng không, nghĩa là xuất phát từ tình yêu thương thuần túy, thì nơi đấng được dâng hiến, tình yêu thương nhưng không đối với tội nhân chúng ta của đấng dâng hiến được tỏ hiện, một tình yêu nhưng không đến nỗi Thánh Phaolô không ngần ngại gọi đó là sự điên rồ. Và nếu, sau khi cho toàn bộ dấu chỉ tình yêu này mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào lịch sử nhân loại, sau sự sống, cái chết và sự Phục sinh của đấng được hiến dâng, Thần Khí chung của Chúa Cha và Chúa Con được phái vào Giáo hội và thế giới như một nhân chứng vĩnh viễn của biến cố này, thì Thần Khí này sẽ không bao giờ là hoặc làm chứng cho bất cứ điều gì khác ngoài tình yêu nhưng không điên rồ của Thiên Chúa, một tình yêu vĩnh viễn không thể tiếp cận và không thể sử dụng được bởi mọi mưu kế gian manh của con người.
Vì điều được mạc khải về bản chất của tình yêu này trong sự hiện hữu của Chúa Con là sự từ bỏ quyền sở hữu bản thân. Chỉ riêng sự từ bỏ này đã mang lại cho việc chu toàn sứ mệnh của Người một tác động mạnh mẽ chưa từng có. Người đã từ chối mọi điều thấy trước và phó thác nó hoàn toàn cho Sự Quan Phòng thấy trước mọi điều của Chúa Cha, Đấng sai đi và hướng dẫn Người. Điều này giải phóng Người khỏi mọi nghĩa vụ phải tính toán, cân đo đong đếm, ngoại giao, và cho Người nguồn năng lực bất tận không cần quan tâm gì đến những bức tường mâu thuẫn, đau đớn, thất bại và cái chết, vì Chúa Cha đang dẫn dắt Người và sẽ đem Người lên, ngay cả lúc cuối đêm thăm thẳm. Như thế, nhờ hành động hoàn toàn vâng phục của Người, Chúa Con đã đạt được tự do hoàn toàn, và toàn bộ không gian vô biên của Thiên Chúa, vốn thực sự là sự chết, đêm đen vô tận, sự sống vĩnh cửu, giờ đây được mở rộng để Người hành động. Ngay từ ban đầu, Người đã vượt lên trên mọi sự “quan tâm lo lắng” (“đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc” (Mt 6:25) và trong trạng thái vô tư của người đã để mọi sự, một lần và mãi mãi, cho người Cha luôn chăm sóc và chu cấp.
Người ta có thể thấy thần học tín lý, trong hai trụ cột căn bản của nó – Nhập Thể và Ba Ngôi - cũng là hiện thân của học thuyết Kitô giáo về sự sống. Tín điều và hiện hữu thăng trầm với nhau. Vì Chúa Giêsu Kitô không những là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng trong cuộc đời và trong đau khổ của Người đã tỏ cho chúng ta và mang ân sủng của Chúa Cha đến cho chúng ta; Người cũng là người thật, Đấng trong tư cách như thế đã bước vào sự sống Kitô hữu một cách “độc đáo” và như “người đầu tiên”. Người thiết lập và cung cấp cho chúng ta lãnh vực đức tin, nhưng theo cách mà chính Người hoàn thành hành vi đức tin như khuôn mẫu và gương mẫu của nó. Quả thật, nếu Thiên Chúa có thể tỏa sáng và được nhận ra dù bằng hàng nghìn cách rời rạc trong lãnh vực tạo vật của Người, thì trong lãnh vực này chỉ có một cách duy nhất để Người có thể xuất hiện trong chính yếu tính của Người (mặc dù vẫn còn bị che phủ trong mầu nhiệm), và đó là sự thuận ý vô điều kiện của tạo vật thiêng liêng, một tạo vật tuyên bố sẵn lòng đi bao xa tùy theo ý muốn của Thiên Chúa, thuận ý để được sử dụng và tiêu hao bao nhiêu tùy Thiên Chúa cho là cần thiết, và qua sự phục tùng của mình, tạo vật này sẵn lòng cung cấp càng nhiều không gian càng hay để Thiên Chúa tự ý lựa chọn.
Theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, đó có thể là lời cầu nguyện hàng ngày của chúng ta. Chúng ta vốn cầu nguyện: “Danh Cha cả sáng” và chúng ta hiểu một cách nghèo nàn xiết bao những chữ này có nghĩa gì. "Danh Cha" có nghĩa là nhờ danh này, chúng con, ở trên thế giới này, biết Cha một cách khác biệt; có nghĩa là điều mà thực tại duy nhất của Cha như Thiên Chúa duy nhất, chân thật, toàn năng và yêu thương đã mạc khải cho chúng con; những việc làm mà một mình Cha mới có thể làm và qua đó Cha đã tạo cho Cha một “cái tên” nơi chúng con, đây là điều cần được “cả sáng”, thắng vượt và được nhìn nhận là thánh, là thần linh. Cầu mong thực tại thần linh của Cha nắm quyền lực nơi chúng con; cầu mong nó thắng thế nơi chúng con, bất chấp mọi chống đối của chúng con; cầu mong nó vượt qua, nơi chúng con, mọi gánh nặng đối lập đang đè nặng lên chúng con.
Chúng ta cũng vốn cầu nguyện: "Nước Cha trị đến". Bản thân Người là Vương quốc của Thiên Chúa, bao lâu Người được công nhận là Chúa độc nhất. Người, đúng như Người là, chứ không phải như chúng ta thích tưởng tượng Người là. Dù các định kiến của chúng ta nổi bật trong lĩnh vực này, nó vẫn chỉ là lĩnh vực của chính chúng ta. Người, bằng quyền lực của chính Người, chứ không phải chúng ta, bằng quyền lực của chính chúng ta, thứ mà chúng ta cho là sử dụng nhân danh Thiên Chúa để đạt được quyền lực của mình theo cách riêng của chúng ta. Không gì có thể che khuất quyền năng của Thiên Chúa một cách trầm trọng, có thể cản trở Nước của Người trị đến nhiều hơn là việc chúng ta lạm dụng quyền lực của chính chúng ta để đẩy mạnh việc trị đến của Nước Thiên Chúa.
Chúng ta còn cầu nguyện: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” Như ở trên trời với Cha thế nào, thì ở dưới đất cũng thế giữa chúng con. Nếu ý Cha tràn đầy trên trời — “chỗ” Cha đang ở, chỗ tên Cha được cả sáng và Nước Cha đã trị đến — thì nguyện ý Cha cũng tràn đầy trái đất, nơi chúng con đang ở và quản lý, nơi tên Cha vẫn còn ít được biết đến và Nước Cha vẫn hiếm khi có thể phát hiện được. Trái đất của chúng con có những quy tắc riêng của nó, mà Cha đã đặt bên trong nó và giao phó cho chúng con để chúng từ từ diễn ra. Vậy, xin Cha hãy ban ơn để trong những lề luật này, những lề luật trần gian chứ không phải thiên giới, tạo vật chứ không phải thần linh, ý trên trời của Cha có thể được biết đến và kết hợp, và việc này nhờ sự quản lý và hợp tác của chúng con, mà cuối cùng phải trong tinh thần và cảm thức, không phải của trái đất, nhưng phải là của trên trời.
Bởi thế, chúng ta cầu nguyện, và nếu chúng ta không muốn lảm nhảm tệ hơn những người ngoại giáo, thì chúng ta sẽ nhận ra, trong sự tỉnh táo của tạo vật, sự khác biệt rõ ràng giữa trời và đất trong những lời này và, trong đức cậy Kitô giáo, chúng ta sẽ bám chặt lấy lời hứa rõ ràng rằng Ý Thiên Chúa sẽ thắng, nếu chúng ta dành chỗ cho nó, không những cho Thiên Chúa ở trên trời mà còn ở đây, giữa chúng ta trên mặt đất.
Giao ước và Xin vâng
Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy việc sử dụng thuật ngữ “giao ước” để mô tả mối liên hệ này là bấp bênh như thế nào. Không thể có trường hợp Thiên Chúa và con người thiết lập một thỏa thuận với nhau, trong đó mỗi bên đưa ra những điều kiện riêng của mình và sau đó cả hai cùng đồng ý một phương thức ở giữa. Trong giao ước này, không có hai đối tác bình đẳng theo một nghĩa nào đó như thông lệ, thực thế, điều này ít ỏi đến nỗi mô tả con người như một “đối tác của Thiên Chúa”, về mặt thần học, quả không đúng điệu chút nào (giống như mô tả Đức Maria như “đối tác” của Chúa Thánh Thần vậy!). Nay, ở đây, điều xem ra như giao ước hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đơn phương của Thiên Chúa. Quyết định này (trở nên rõ rệt nơi Ápraham) sau đó dẫn đến một lời hứa và việc chấp nhận lời hứa này, một điều đối với con người có nghĩa là họ được đặc ân chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa đối với mình như một thực tại, khẳng định nó, tin nó, xây dựng đời mình dựa trên sự thật này của ân sủng. Trên núi Sinai, cuộc tuyển chọn cá nhân trở thành cuộc tuyển chọn tập thể, mà mọi người được tự do thỏa thuận. Trong hành vi ân sủng này, trong sự tự do quyết định của một mình Thiên Chúa, là việc cho phép được chấp nhận một cách tự do thực tại trọn vẹn của sự lựa chọn này và của việc Thiên Chúa cư ngụ giữa mọi người. Ở đây một lần nữa, chúng ta lại thấy sự thống nhất giữa tự do và vâng lời.
Sự đáp trả tự do này đối với Thiên Chúa được nên trọn trong lời xin vâng của Đức Maria, trong tư cách “nữ tử Sion”, đối với sự hoàn thành đầy ân sủng giao ước trong việc Nhập Thể của Thiên Chúa. Lời Xin Vâng của ngài là sự nên trọn của biến cố Sinai và là mô hình và khuôn mẫu của mọi cuộc sống Kitô hữu trong Giáo hội sắp tới. Đó là sự nên trọn của ba lời thỉnh cầu đầu tiên trong Kinh Lạy Cha, những thỉnh cầu mà nhờ sự phù hợp hoàn hảo này, cũng sẽ được Thiên Chúa hoàn toàn lắng nghe. Tính vô điều kiện, và do đó là tính bất khả hủy tiêu, của lời Xin vâng này của Đức Maria mở ra con đường dẫn đến sự tự hiến tối hậu, không do dự và không đòi hỏi gì của Thiên Chúa cho thế giới, vượt quá điều không có gì tối hậu hơn nữa có thể mong đợi nơi Thiên Chúa. Điểm yếu của tiếng Xin vâng trong Cựu ước đã buộc Thiên Chúa phải bao quanh giao ước của Người bằng những điều kiện và đe dọa. Chính Người sẽ không bất trung, nhưng Israel thì sẽ bất trung, và chính vì Thiên Chúa không thể rút khỏi giao ước của Người mà dân Israel sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp cho sự bất trung đối với Đấng chân thật đời đời. Do đó, trong lời xin vâng dứt khoát của Thiên Chúa tại thời điểm đó có chứa một cách ngụ ý và ẩn tàng một tiếng Không. Nhưng “Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi rao giảng giữa anh em, Silvanô và Timôtê và tôi, không phải là Vâng và Không; nhưng trong Người luôn là Vâng. Vì mọi lời hứa của Thiên Chúa đều tìm được chữ Vâng ở nơi Người ”(2Cr 1:19–20). Lời xin vâng hữu hình này mà Thiên Chúa ngỏ cùng thế giới trong Chúa Kitô và cái chết cứu chuộc của Người hoàn toàn phù hợp với lời Xin vâng ít nghe thấy (đối với thế giới) nhưng không thể tách biệt của “nữ tỳ của Chúa”, và tiếng Xin vâng này là cơ sở và hữu thể của Giáo Hội Tân Ước. Bất cứ ai lấy lời Xin vâng này làm của mình đều là thành viên sống động của Dân Thiên Chúa, và người này càng có khả năng thốt ra lời ấy một cách toàn diện, họ càng là thành phần của Giáo hội.
Lời Xin vâng của Dân Thiên Chúa vang lên ở Sion, ở Đức Maria, ở Giáo hội hoàn toàn được điều kiện hóa và làm cho khả hữu không những bởi ân sủng lời hứa của Thiên Chúa mà còn bởi việc nên trọn của nó nhờ ân sủng trong Chúa Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chính Người là sự hợp nhất bất khả phân ly giữa lời Có của Thiên Chúa ngỏ với con người và lời Xin vâng của con người ngỏ với Thiên Chúa. Như thế, Người là Giao ước mới và vĩnh cửu tồn hữu. Người là thế một cách như chúng ta đã thấy, nhân tính của Người sẵn sàng hoàn toàn tuân theo thần tính của Người, để làm cho Thiên Chúa tỏ hiện và để Người được tiêu thụ và sử dụng hoàn toàn trong chức vụ này: cùng một lúc là cả Linh Mục lẫn Lễ Vật Hy Sinh.
Lời Xin vâng tuyệt đối, nghĩa là thoát khỏi mọi tình trạng hạn chế (có ý thức hoặc vô thức), của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ, Nàng dâu, Maria, Giáo Hội của Người là tiêu chuẩn để đo lường tính Kitô giáo của Kitô hữu. Đó là hình thức đời sống Kitô hữu mà người nào muốn làm cho đời sống của mình phù hợp với khuôn mẫu này có thể bước vào. Một hình thức vô điều kiện, chấp nhận vô điều kiện, đòi hỏi mọi sự, quá nhiều đối với người có tội (người luôn đòi hỏi các điều kiện), nhưng vẫn là một hình thức giúp người ta biết chấp nhận (trong đức tin) một cách nhẹ nhàng, nhưng cương quyết và đôi khi tàn bạo, (Thập giá, chẳng hạn, không tàn bạo đó sao?) việc trải nghiệm các hậu quả không tưởng tượng được của lời Xin vâng. Vì họ đã nói Xin vâng, không phải cho kế hoạch thấy trước của riêng họ, nhưng cho các kế hoạch của Thiên Chúa đời đời vĩ đại hơn, những kế hoạch, trong mọi biến cố, trông khác với những gì con người tưởng tượng cho mình. Từ trải nghiệm này về Người khác, chúng ta có thể quyết định xem liệu lời Xin vâng của chúng ta ngỏ cùng Thiên Chúa hay ngỏ cùng chính chúng ta, bất kể đó là sự vâng lời của đức tin hay sự suy đoán của bản thân, bất kể đó là Vương quốc của Thiên Chúa hay vương quốc của loài người sẽ trị đến.
Vì vậy, Sự Phán xét thực sự, một sự phán xét vốn tách chiên ra khỏi dê và làm sáng tỏ đức tin và việc không tin, là Thập giá. Chúa Giêsu hứa Thập giá với Phêrô bằng những lời này: “Người khác sẽ thắt dây lưng cho anh và chở anh đi đến nơi anh không muốn đi” (Ga 21:18). Tiên tri Agabô dự báo Thánh Phaolô sẽ chịu những đau khổ trong tương lai bằng cách lấy thắt lưng của Thánh Phaolô và trói tay chân ngài lại, mà nói rằng: “Đây là điều Thánh Thần phán : ‘người có dây lưng này sẽ bị người Do-thái trói lại như thế ở Giêrusalem mà nộp vào tay người ngoại’” (Cv 21 : 10–12). Việc cương quyết mở rộng ý chí con người, luôn quan tâm sợ hãi lo tự bảo tồn, đến tầm cỡ ý chí thần linh vô tư và không lường trước không đạt được nhờ hành động của con người mà là nhờ đau khổ bị áp đặt. Bao lâu con người là người hành động, thì người ta đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng khi làm như thế, họ không vâng lời Thiên Chúa. Sự tuân phục đau khổ đem đến điều này. Không có gì có thể thay thế trải nghiệm này, việc “giới thiệu” hay “dẫn nhập” vào sự bao la của Thiên Chúa. Về chính Chúa Kitô, chúng ta được cho biết rằng Người “đã học được sự vâng phục qua những gì Người chịu đau khổ” (Dt 5: 8). Như thế, giữa hiểu biết và học hỏi, có một sự khác biệt thiết yếu trong con người, và, đúng hơn, trong mối liên hệ với đức tin. Vì lý do này, khái niệm “thử thách” (của con người bởi Thiên Chúa) là một trong những phạm trù căn bản của Kinh thánh. Có thể nói, chính Thiên Chúa chỉ “chắc chắn” về một con người khi Người đã thử người ấy như vàng trong lò. “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gcb 1: 2).
Kỳ sau: Nó dẫn xa hơn bạn nghĩ