‘Người đẹp của Đức Hồng Y’ được cho là có liên quan đến việc thả nữ tu bị bắt cóc

Nữ tu Gloria Cecilia Narváez Argoti, người Colombia, bị khủng bố Hồi Giáo bắt giam trong gần 5 năm, và vừa được trả tự do trong tuần qua. Sơ đã có mặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị hôm 10 tháng 10, và đã được yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Câu chuyện nữ tu người Colombia được trả tự do sau gần 5 năm bị bắt đã là một câu chuyện hi hữu. Câu chuyện có liên quan sau đây cũng lạ lùng không kém.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cô Cecilia Marogna, năm nay 40 tuổi, bị cáo buộc đã nhận hơn 500,000 euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám Mục Angelo Becciu, lúc ấy là phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau khi các báo cáo xuất hiện, Marogna nói với các phóng viên rằng cô ấy đã làm việc với tư cách là cố vấn an ninh cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và công việc của cô ấy liên quan đến việc xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” ở các quốc gia và khu vực có nguy cơ như Trung Đông và Châu Phi.

Elise Ann Allen, phóng viên của tờ Crux, tường trình từ Rôma rằng các phương tiện truyền thông tại Ý, kể cả các tờ báo lớn và mạng truyền hình quốc gia RAINews đều cho rằng Cecilia Marogna, người phụ nữ đang bị tòa án Vatican xét xử đã góp phần vào việc trả tự do cho người nữ tu Colombia.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm, sinh sống chủ yếu bằng nghề bán vé tàu du lịch tại Sardinia, quê hương của Hồng Y Becciu, lại có khả năng làm “cố vấn an ninh” và xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” xem ra có vẻ khó tin. Càng khó tin hơn với câu chuyện cô ta đã góp phần thương lượng với bọn khủng bố Hồi Giáo để trả tự do cho người nữ tu Colombia.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

ROME – Trong khi tin tức được lan truyền vào cuối tuần về việc trả tự do cho một nữ tu Colombia bị bắt cóc bởi các chiến binh thánh chiến gần năm năm trước, truyền thông Ý đã đưa ra một chú thích nổi bật cho câu chuyện: Một phụ nữ giáo dân Ý hiện đang bị xét xử ở Vatican vì tội phạm tài chính dường như đã nhúng tay vào trong việc bảo đảm quyền tự do của người nữ tu.

Nữ tu người Gloria Cecilia Narváez Argoti phục vụ với tư cách là một nhà truyền giáo ở quốc gia Phi Châu Mali khi sơ bị một nhóm chiến binh có vũ trang bắt cóc vào tháng 2 năm 2017, sau khi họ đột nhập vào giáo xứ ở làng Karangasso, gần Burkina Faso, nơi sơ Narváez đang phục vụ.

Là một thành viên của Dòng Phanxicô Đức Maria Vô nhiễm, sơ Narváez phụ trách sứ mệnh của nhà dòng ở Mali là điều hành một trung tâm y tế, một trại trẻ mồ côi, và một trung tâm dạy chữ và dạy giáo lý cho phụ nữ.

Cô được cho là đã tình nguyện cho những kẻ bắt cóc bắt đi thay cho hai nữ tu trẻ hơn mà chúng chuẩn bị đưa đi. Sơ bị bắt cóc cùng với một linh mục người Ý là Cha Pierluigi Maccalli, và một doanh nhân người Ý tên là Nicola Chiaccio, cả hai đều được tự do một năm trước.

Việc giải phóng Narváez đã được công bố vào cuối tuần qua, sau khoảng 4 năm 8 tháng đàm phán giữa nhiều chính phủ và các cơ quan tình báo. Sơ đã có mặt tại Rôma để tham dự Thánh lễ hôm 10 tháng 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô để khai mạc Thượng hội đồng Giám mục về tính đồng nghị.

Sơ Narváez đã nhận được lời chào đặc biệt từ Đức Giáo Hoàng trước khi Thánh lễ bắt đầu, và ngài đã ghé lại để ban phép lành cho cô trên đường ra về sau khi Thánh lễ kết thúc.

Việc trả tự do cho sơ Narváez rõ ràng là sản phẩm của các cuộc đàm phán hậu trường phức tạp và khi các nhà phân tích và phóng viên cố gắng ghép câu chuyện lại với nhau, một số phương tiện truyền thông Ý, bao gồm tờ báo có số độc giả lớn là tờ La Repubblica và kênh truyền hình nhà nước RAINews, đã đưa tin rằng một những người có liên quan trong việc giải thoát này là Cecilia Marogna, một người quê ở Sardinia, tự xưng là nhà tư vấn an ninh quốc tế, hiện đang bị xét xử tại Vatican với tội danh tham ô.

Người phụ nữ đơn độc này bị truy tố trong một phiên tòa siêu đẳng xoay quanh một thỏa thuận bất động sản ở London đã có nhiều vấn đề, Marogna đang phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến việc được Hồng Y Becciu thanh toán 500,000 euro (khoảng 590,000 USD) cho bản thân cô và cho công ty tư vấn có trụ sở tại Slovenia từ ngân sách của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hồng Y Becciu, cũng là người quê ở Sardinia, đã bị truy tố vì tội tham ô và lạm dụng chức vụ - khi đang giữ chức vụ sostituto, tức là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Kể từ khi tên tuổi của cô lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc điều tra của cảnh sát Vatican về các giao dịch tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Marogna đã bảo vệ số tiền cô nhận được là tiền thanh toán cho các dịch vụ hợp pháp liên quan đến công việc tư vấn của cô, và nói rằng cô từng là cố vấn cho Vatican về những rủi ro có thể xảy ra đối với các nhân viên ngoại giao và những người truyền giáo đang phục vụ ở những nơi nguy hiểm trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, một số báo cáo cho rằng Marogna bị cáo buộc đã thực hiện một số vụ mua sắm xa xỉ bằng tiền của Vatican, bao gồm cả những ví đầm hàng hiệu, cư ngụ ở những khách sạn sang trọng và những kỳ nghỉ đắt tiền, có khi được tính vào tài khoản của một công ty do anh em Hồng Y Becciu điều hành. Trên hầu hết các phương tiện truyền thông Ý, cô được gọi là “Phu nhân của Hồng Y” vì các mối quan hệ chặt chẽ của cô với Hồng Y Becciu.

Marogna đã bị quản thúc ở Milan vào năm ngoái khi Tòa thánh yêu cầu Ý dẫn độ.

Các báo cáo hiện nay lại cho rằng một trong những trường hợp mà Marogna đã tham vấn cho Vatican là trường hợp của sơ Narváez và các yêu cầu đòi tiền chuộc mạng người nữ tu.

Vào tháng 12 năm 2018, vài tháng sau khi video Narváez xuất hiện cầu xin sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Becciu được cho là đã trao đổi tin nhắn văn bản với Đức ông người Ý Alberto Perlasca - một nhân chứng quan trọng trong vụ xét xử tài chính, và là cựu lãnh đạo văn phòng tài chính trong Bộ Ngoại giao - về trường hợp của Narváez.

Hồng Y Becciu rõ ràng đã bảo Đức Ông Perlasca gửi tiền cho Marogna như một khoản thanh toán cho những nỗ lực của cô ấy trong việc làm trung gian cho việc trả tự do cho Narváez, và chia khoản tiền này thành nhiều đợt.

Trong các tin nhắn văn bản, Hồng Y Becciu đã nói với Đức Ông Perlasca rằng mọi thứ đang được đẩy nhanh hơn trong trường hợp của Narváez và số tiền đó cần được cung cấp cho Marogna ngay lập tức, vì vậy Hồng Y Becciu đã cung cấp các thông tin tài khoản và yêu cầu chuyển 75,000 euro và được ghi vào sổ sách là “khoản đóng góp tự nguyện cho một sứ mệnh nhân đạo”.

Trong văn bản thứ hai, Hồng Y Becciu được tường thuật đã nói rằng Narváez có khả năng được trả tự do, và ngụ ý rằng việc thanh toán sẽ được thực hiện với sự ủy quyền của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà theo Hồng Y Becciu nói, đã biết về kế hoạch và muốn giữ bí mật về tình hình.

Nhiều người trên khắp thế giới đã lên tiếng vui mừng và nhẹ nhõm trước tin tức về việc sơ Narváez được trả tự do, bao gồm cả tài khoản Twitter chính thức của tổng thống Mali, người đã ca ngợi Narváez vì “lòng can đảm và sự dũng cảm”.

Sau khi sơ Narváez được trả tự do, một ủy ban truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Colombia đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “niềm vui vô hạn” khi biết tin này.

Đức Cha Mario de Jesús Álvarez Gómez của Istmina-Tadó, người đứng đầu ủy ban truyền giáo, cảm ơn những người đã hỗ trợ việc trả tự do cho người nữ tu, và nói rằng, “chúng tôi dâng vinh quang và những lời chúc tụng cho Chúa vì khoảnh khắc vui mừng này của giáo hội hoàn vũ và giáo hội ở Colombia. “

Hành xử như một điệp viên thứ thiệt, bản thân Marogna đã không đưa ra lời bình luận nào.

Trên các mạng xã hội, nhiều người Ý bắt đầu tỏ ra có cảm tình với Cecilia Marogna, và lên tiếng yêu cầu Tòa Thánh không nên truy cứu nữ hiệp này nếu thực sự là nữ hiệp đã ra tay giải cứu người nữ tu Colombia.


Source:Crux