Theo bách khoa mở Wikipedia, Edith Stein khai triển các công trình triết học của ngài theo ba thời kỳ: thời kỳ hiện tượng luận (1916-1925), thời kỳ so sánh (1925-33) và thời kỳ Kitô giáo (1935-42). Trên thực tế, cùng các nhân tố đã tự thành hình xuyên suốt công trình của ngài và thúc đẩy nó tiến bước: 1. Một cái hiểu sâu sắc về và một dấn thân đối với phương pháp hiện tượng luận như đã được Husserl và Reinach giảng dậy; 2. Một cảm thức trách nhiệm sâu sắc đối với người khác về điều chúng ta tin và 3. Một việc chấp nhận tôi không có khả năng hình thành một thế giới quan đầy đủ và có ý nghĩa mà không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ba thời kỳ trên được hiểu tốt nhất như các giai đoạn tích hợp 3 nhân tố này, với việc Edith Stein chịu Phép Rửa vào ngày đầu năm 1922 như đánh dấu một bước quyết định và việc ngài vào dòng Cát Minh ngày 14 tháng 10 năm 1933 như một dấu mốc khác.
Thời kỳ hiện tượng luận (1916-25)
Theo giải thích của Edith Stein, luận án của ngài về tương cảm [empathy] là một nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong công trình của Husserl. Trong cuốn tự truyện Cuộc sống trong Một Gia đình Do Thái của ngài, ngài nhắc lại rằng Husserl coi tương cảm là hành động chủ yếu trong đó tính liên chủ thể [intersubjectivity] được thiết lập, nhưng không có chi tiết chính xác nào nói nó có nghĩa gì. Do đó, ngài muốn thực hiện nhiệm vụ này và qua đó làm sáng tỏ ý tưởng chủ yếu này để phát triển phong trào hiện tượng luận. Trong khi làm phụ tá cho Husserl (1916-18), ngài đã hiệu đính các bản thảo của Husserl về những gì sau này được xuất bản với tên gọi Các Ý Niệm II và Các Ý Niệm III, và trong diễn trình này, ngài hiểu được tầm quan trọng đặc biệt của hành động này đối với kết cấu của chúng ta về thế giới liên chủ thể và cách riêng đối với các đối tượng nghiên cứu của tâm lý học và các khoa học nhân văn. Khi ngài từ chức phụ tá cho Husserl, kết cấu hiện tượng học của những đối tượng này: tức tâm hồn [psyche] và tinh thần, là công việc đầu tiên ngài đảm nhận. Kết quả là hai khảo luận về Triết học của Tâm lý học và Các Khoa Nhân văn, được xuất bản trên tạp chí Jahrbuch 1922 của Husserl; và cuốn Nguyên nhân tính Tâm hồn và Cá nhân cùng Cộng đồng (Psychic Causality, Individual and Community). Trong thời kỳ này cũng có cuốn Nhập môn Triết học, Một Cuộc Điều tra Liên quan tới Nhà nước, và rất quan trọng là cuốn Tự do và Ân sủng.
Thời kỳ so sánh (1925-33)
Được khuyến khích nghiên cứu và so sánh triết học của Thánh Tôma Aquinô với triết học của phong trào hiện tượng luận, Edith Stein bắt tay vào dự án dịch cuốn De Veritate (Về Chân Lý) của Thánh Tôma, sẽ được xuất bản thành hai tập vào năm 1932. Tác phẩm này, vốn phiên dịch cách suy nghĩ của Thánh Tôma thành một thành ngữ Đức hiện đại và viết lại nó như một khảo luận học thuật đương thời, vì thế được Stein viết trong tư cách một nhà hiện tượng luận, tức như một người quan tâm đến các vấn đề được Thánh Tôma thảo luận, chứ không phải cung cấp một giải thích về tư tưởng và trước tác của thánh nhân trong tư cách một người theo phái Tôma. Các tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ này là Husserl và Aquinas: Một So sánh, trong đó bà thảo luận về các phương pháp luận khác nhau của Husserl và Thánh Tôma và giải thích sự khác biệt giữa hai vị, Tiềm năng và Hành động (Potency and Act), trong đó bà cố gắng điều tra hiện tượng luận về tiềm năng’ và ‘hành động’ và công trình song sinh về nhân học: Cấu trúc Con người Nhân bản. Triết lý Nhân học và Con người Nhân bản là Gì? Nhân học Thần học (tập thứ hai vẫn là một bản thảo đã khai triển phần lớn hơn là một tác phẩm đã hoàn thành, vì các giảng khóa của Stein bị hủy bỏ vào năm 1933). Trong thời kỳ này, bà cũng thuyết giảng về giáo dục và ơn gọi của phụ nữ và giáo dục nói chung cho rất đông khán giả và được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong các bài giảng thuyết này, được xuất bản trong Edith Stein Gesamtausgabe (ESGA 13) và Edith Stein Gesamtausgabe (ESGA 16), bà tự tìm ra những vấn đề quan trọng liên quan đến loại hình và yếu tính xã hội, và được bà khai triển đầy đủ hơn trong Cấu trúc của Con người Nhân bản.
Thời kỳ Kitô giáo (1934-42)
Nhiệm vụ đầu tiên Edith Stein được giao phó trong đan viện là viết cuốn tự truyện không hoàn tất của bà, Cuộc sống trong một gia đình Do Thái, một cuốn tự thú về cuộc đời bà phần lớn như một lời biện hộ theo nghĩa đen cho việc bà thuộc dòng dõi Do Thái. Nhiệm vụ tiếp theo của bà là chuẩn bị xuất bản cuốn Tiềm năng và Hành động, một nhiệm vụ mà bà hoàn thành bằng cách viết một cuốn sách mới: Hữu thể Hữu hạn và Vô hạn – Một cuộc Đi lên tới Ý nghĩa của Hữu thể (Finite and Eternal Being – An Ascent to the Meaning of Being). Công trình này đã đề ra một lý thuyết hiện tượng luận về hữu thể (Seinslehre), đầy chất Kitô giáo, vì bà lấy Mạc khải Kitô giáo để góp phần hướng tới thế giới quan trong đó nó đi tìm và tìm ra ý nghĩa của hữu thể trong diễn biến của nó. Stein cũng nghiên cứu Dionysius thành Areopagite, bằng cách dịch các tác phẩm của ông sang tiếng Đức và viết (cho ông) một tác phẩm về thần học biểu tượng. Tác phẩm cuối cùng của Stein, Khoa học Thập giá, là một cuốn bình luận về Thánh Gioan Thánh giá, nhằm khai triển cái hiểu đặc trưng có tính Cát Minh về các chiều sâu thẳm của linh hồn, vốn làm Stein quan tâm trong các trước tác ban đầu của ngài.
Các Trước tác Linh đạo và thần học của Edith Stein
Theo Bách khoa Triết học Standford (Standford Encyclopedia of Philosophy), quan tâm sâu sắc của Edith Stein đối với linh đạo được khởi xướng bằng việc đọc cuốn tự truyện của Thánh Teresa thành Avila, nhưng được thâm hậu hóa nhờ đọc Thánh Tôma Aquinô, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh John Henry Newman và Dionysius thành Areopagite.
Nghiên cứu Thánh Tôma Aquinô khiến ngài xác tín rằng người ta có thể phụng sự Thiên Chúa trong khi thực hiện các công trình tri thức. Bởi thế, ngài phối hợp nền linh đạo của ngài với các cố gắng trí thức. Ngài viết một số nghiên cứu huyền nhiệm học, nổi tiếng hơn cả là Khoa học Thập giá. Cuốn này nghiên cứu nền huyền nhiệm của Thánh Gioan Thánh Giá, việc vị thánh này tìm việc kết hợp thiêng liêng, và lòng tận hiến của ngài cho tình yêu. Bà dấn thân vào việc suy niệm tính biểu tượng của Thập giá và đêm đen, vốn là một biểu tượng nổi bật của Thánh Gioan Thánh Giá. Đêm đen là một điều tự nhiên, vô hình và vô hình thức, nhưng không phải là hư vô; nó như tiền vị của sự chết. Với Stein, “đêm đen chỉ tính tối tăm sâu thẳm của đức tin”. Đêm đen huyền nhiệm không phát xuất từ bên ngoài mà phát xuất từ bên trong. Chỉ bằng cách cảm nhận sức nặng của thập giá, người ta mới học được “khoa học thập giá”, một khoa học “được chôn vùi trong linh hồn như một hạt giống”. Linh hồn phải được giáo dục để nhận biết Thiên Chúa và khía cạnh thiêng liêng của hữu thể con người phải tự tách mình ra khỏi các giác quan. Phó mình cho Thiên Chúa trong đức tin làm ta trở nên các thuần thần, thoát khỏi mọi hình ảnh và do đó bước vào bóng tối. “Chiêm niệm tối tăm” là chiếc thang bí mật dẫn đến Thiên Chúa.
Một trong các ấn phẩm xuất bản sau khi bà qua đời là tiểu luận bác học, tựa là “Những Cách Biết Thiên Chúa” viết về nhà huyền nhiệm Kitô giáo, Pseudo-Dionysius thành Areopagite. Đối với Stein, thần học huyền nhiệm của Dionysius không phải là một môn khoa học mà là một cách nói về Thiên Chúa. Tri nhận [perception] luôn chỉ quá nó thế nào, thì kinh nghiệm của chúng ta về thế giới cũng quá nó chỉ cho thấy nguồn cội thần linh của nó. Thế giới này là nền tảng của nền thần học tự nhiên. Thiên Chúa là “nhà thần học đệ nhất đẳng” (Ur-Theologe; 1993: 27]) và toàn bộ sáng thế là nền thần học biểu tượng của Người. Thần học khẳng định [affirmative theology] đặt căn bản trên loại suy hữu thể [analogia entis]; thần học phủ định đặt căn bản trên sự bất tương đồng giữa tạo vật và Thiên Chúa. Đối với Stein, thần học phủ định “leo thang tạo vật” để khám phá ra rằng ở từng bình diện, không tìm thấy Thiên Chúa ở đấy: “chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa hơn bằng cách bác bỏ điều Người không là”.
Nhưng Stein bênh vực tự do của con người: “linh hồn có quyền đưa ra các quyết định cho chính nó”. Bà ý thức rõ điều này: rất ít người sống trong những tầng sâu thẳm nhất của họ và càng ít người hơn nữa sống nhờ các tầng sâu thẳm nhất của họ”. Trong bài Các Con đường dẫn tới Thinh Lặng, bà viết: “Mỗi chúng ta đều mãi mãi sống trên lưỡi dao cạo: một đàng, là hư vô tuyệt đối; đàng khác, là đời sống thần linh viên mãn”.
Kỳ sau: Có chăng một nền linh đạo nữ giới Edith Stein