1. Những người vô gia cư hăm dọa chiếm Tòa Giám Mục Nantes làm nơi cư trú
Hai tuần sau khi bị trục xuất khỏi trường Công Giáo Notre Dame du Bon Conseil, nghĩa là Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành ở Nantes, những người vô gia cư trong nhóm Maison Du Peuple và những người ủng hộ họ đang tiếp tục vận động với các tổ chức để tìm ra giải pháp lâu dài.
Lúc 1 giờ chiều, thứ Tư, ngày 11 tháng 8, họ tập trung trước Tòa Giám Mục, gần nhà thờ chính tòa Nantes. Các đại diện của Maison Du Peuple đã được mời vào Tòa Giám Mục và có một cuộc hẹn vào chiều thứ Sáu, lúc 2:30 chiều, với Đức Cha Laurent Jean Lucien Marie Percerou, Giám Mục Nantes.
Những người vô gia cư muốn tận dụng cuộc họp này để thực hiện yêu cầu của họ là giáo phận phải mở cửa trở lại trường Công Giáo Notre Dame du Bon Conseil và cho họ thuê. Tuy nhiên, hợp đồng thuê này rất bấp bênh.
Sau khi những người vô gia cư chiếm dụng trái phép, giáo phận đã phải nhờ cảnh sát can thiệp để lấy lại ngôi trường cho các hoạt động giáo dục. Một ngày sau khi sơ tán, ba người được phép vào các tòa nhà trong vòng 45 phút để lấy đồ đạc cá nhân bị bỏ lại vào thời điểm cảnh sát can thiệp, trước khi nơi này hoàn toàn bị niêm phong. Nhưng vẫn còn đồ đạc và vật dụng, đặc biệt là từ các khoản quyên góp.
Trên mạng xã hội, không thiếu những lời chỉ trích và hăm doạ tấn công vào Tòa Giám Mục.
Source:Ouest France
2. Đức Hồng Y Krajewski: Dân chúng quảng đại hỗ trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha
Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ba Lan của Đài Vatican, Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đã cám ơn tất cả các ân nhân, đã gửi các khoản tiền lớn nhỏ vào tài khoản của Đức Thánh Cha để ngài có thể giúp đỡ người nghèo. Đức Hồng Y cũng cho biết có nhiều người, trong di chúc, đã để lại tài sản của họ cho Đức Thánh Cha, để ngài sử dụng cách nào tốt đẹp nhất.
Đức Hồng Y Krajewski cho biết cả trong mùa hè này, ngài “vét” hết tiền trong tài khoản của Đức Thánh Cha để giúp người nghèo ở các nơi trên thế giới. Tòa Thánh đã mau lẹ giúp đỡ để các trợ giúp của Đức Thánh Cha được chuyển tới mau lẹ và an toàn nhất những người cần được giúp đỡ. Đức Hồng Y kể rằng: “qua các vị Sứ thần Tòa Thánh tại nhiều nước, chúng tôi được thông báo về những vấn đề có liên hệ tới đại dịch Covid-19 mà thế giới thường bỏ quên. Trong số các nước ấy, có Ecuador, Phi Luật Tân, Burundi, Congo. Mới đây, tôi nhận được thông tin báo động của Đức Sứ thần từ Tunisia. Chúng tôi giúp đỡ dựa trên các thông tin ấy. Hôm 11 tháng Đức Thánh Cha đã mua một máy chụp CT để giúp Madagascar, trị giá nửa triệu đôla, nhờ đó không những người giàu, nhưng cả các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện do các thừa sai đảm trách cũng có thể được chụp bằng máy cắt lớp vi tính.
“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ gửi nửa triệu Euro cho 4 nước để họ có thể thiết lập các bệnh xá cho những nơi nghèo nhất nước, để những người nghèo cũng có thể đến, không những để được chích vắcxin cũng còn nhận được sự săn sóc y tế cần thiết. Chúng tôi cũng gửi nhiều thuốc men qua đường ngoại giao. Chỉ trong vòng hai ba ngày các thứ thuốc cần thiết có thể gửi đến nơi người nghèo. Hôm 11 tháng 8, chúng tôi cũng đã gửi các thuốc men qua đường ngoại giao đến Colombia”.
3. Đề nghị đáng kinh ngạc của Đức Tổng Giám Mục Lima thay thế các cha sở bằng giáo dân
Đức Tổng Giám Mục Lima đã trình bày với Tòa Thánh đề xuất thay thế các cha sở bằng anh chị em giáo dân tại các giáo xứ ở thủ đô Peru.
Đức Tổng Giám Mục Carlos Gustavo Castillo Mattasoglio cho biết trong một hội nghị ngày 21 tháng 7 rằng ngài đang xin Vatican cho phép giáo dân được trao quyền quản lý các giáo xứ.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng “có một triết lý sống đơn giản hàng ngày của người dân mà chúng ta phải tiếp thu một lần nữa”.
“Tôi nghĩ rằng, với tư cách là một Giáo hội, chúng ta sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để đưa Giáo hội đến gần hơn với mọi người, trong một sự bình đẳng lớn hơn”.
Đức Tổng Giám Mục Castillo cho biết thêm rằng: “Đây là điều tôi đang cố gắng làm ngay bây giờ, tôi đã đến Rôma, tôi đã ở đó một thời gian dài, một tháng. Tôi đang khuyến khích các vị ở Rôma cho phép tôi làm nhiều điều không được phép?”
“Ví dụ, tôi xin họ cho phép tôi giao cho các gia đình, các cặp vợ chồng, hoặc các nhóm vợ chồng hoặc những giáo dân lớn tuổi tiếp quản các giáo xứ để có thể gửi các linh mục đi học”
Đức Tổng Giám Mục Lima đề xuất rằng “giáo dân có thể đóng vai trò là cha sở hoặc người đứng đầu nhà thờ giáo xứ, giữ cho các cộng đồng hoạt động trong khi các linh mục đến Âu Châu du học”.
“Ở Âu Châu, có rất nhiều điều rất khác trong các nhà thờ ở Paris, chẳng hạn, giáo dân đã đứng lên và điều hành, và họ giữ cho cộng đồng tiếp tục hoạt động mà không cần đến các linh mục”.
“Sau đó, có một linh mục cử hành thánh lễ cho họ mỗi tuần một lần hoặc hai lần vào Chúa nhật, chúng ta phải nghĩ ra những cách thức bình đẳng hơn, gần gũi hơn với người dân.”
Đức Tổng Giám Mục Castillo nhấn mạnh thêm rằng đây là điều mà “tính đồng nghị” muốn đề cập đến.
Chính Đức Tổng Giám Mục Castillo cũng thừa nhận rằng đề nghị này của ngài trái với giáo luật.
Giáo luật 515, triệt 2, định nghĩa “Giáo xứ là cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được uỷ thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám Mục giáo phận”.
Giáo luật 517, triệt 2 nói thêm rằng “Nếu thiếu các tư tế, Giám Mục giáo phận xét thấy cần phải ủy thác cho một phó tế, hoặc cho một người không có chức tư tế, hoặc cho một nhóm người, được tham gia vào việc thi hành trách nhiệm mục vụ của một giáo xứ, thì ngài phải đặt một tư tế có các quyền và các năng quyền của một cha sở làm người điều hành trách nhiệm mục vụ.”
Năm 2019, Tổng giáo phận Lima báo cáo có 487 linh mục, trong đó 206 vị là linh mục triều và 124 là linh mục dòng. Tổng cộng tổng giáo phận có 124 giáo xứ và 22 cứ điểm truyền giáo. Với con số 487 linh mục trên 146 nhà thờ, tức là bình quân 3.3 vị trong một giáo xứ hay một cứ điểm truyền giáo, đề xuất thay “cha sở” bằng “anh sở”, “chị sở” để các linh mục có thể đi du học là một đề xuất không hợp lý.
Source:Catholic News Agency