1. Đền Thánh Đức Mẹ Li Băng tại Harissa
Diễn biến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn còn phức tạp, xin anh chị em đừng nản chí nhưng hãy cùng chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ Li Băng, quê hương của những cây bách lý hương, khẩn cầu Đức Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam.
Đền thánh Đức Mẹ Li Băng nằm tại làng Harissa, cách thủ đô Beirut 20 km về phía bắc. Ngôi đền thuộc về Tòa Thượng Phụ Công Giáo Maronite, do Phái Bộ Truyền giáo Maronite Li Băng trực tiếp quản lý kể từ khi thành lập vào năm 1904. Đây là một trong những đền thờ quan trọng nhất trên thế giới để tôn vinh Đức Maria.
Khu đất này đã được tặng cho Giáo Hội bởi Yousef Khazen, một vị mạnh thường quân đã được Vua Lu-y thứ 14 của Pháp tặn danh hiệu Hoàng Tử Maronite.
Phái Bộ Truyền giáo Maronite Li Băng, chịu trách nhiệm quản lý ngôi thánh đường, trong tinh thần củng cố mối quan hệ giữa tất cả các Giáo hội địa phương, các cộng đồng Kitô Giáo và các phong trào tông đồ.
Ngôi đền nổi bật bởi bức tượng đồng khổng lồ nặng 13 tấn do Pháp làm bằng đồng và sơn màu trắng. Tượng Đức Trinh nữ Maria, dang tay về phía Beirut, được dựng lên vào năm 1907 trên đỉnh đồi cao 650m so với mực nước biển để tôn vinh Đức Mẹ Li Băng.
Tượng được tạo thành từ bảy phần được ghép trên một bệ đá, có chu vi đáy là 64m, với chiều cao tổng thể là 20m. Chiều cao của bức tượng là 8.50 m. Bề ngang là 5.50m. Bức tượng và điện thờ được khánh thành vào năm 1908, và đã trở thành một điểm hành hương rất lớn trong vùng Trung Đông.
Sau khi được khánh thành, Đền thờ Đức Mẹ Li Băng đã nhanh chóng thu hút hàng triệu tín hữu Kitô giáo và cả những người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Năm Thánh thứ 50 diễn ra vào năm 1954 cũng là năm kỷ niệm một trăm năm thiết lập tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Dịp này Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã cử đặc sứ của ngài là Đức Hồng Y Angelo Roncalli, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đến Li Băng đến mừng 50 năm khánh thành ngôi thánh đường này.
Tại Li Băng, các tín hữu Kitô cũng như người Druze và người Hồi giáo có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Giáo chủ Công Giáo Maronite thành Antiôkia đã gọi Đức Mẹ là “Nữ vương Li Băng” vào năm 1908 sau khi hoàn thành điện thờ của ngôi đền.
Nhìn ra vịnh Jounieh, ngôi đền đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn của Li Băng.
Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng cũng như tư dinh của bốn vị giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Đông phương đều cư trú trong vùng lân cận đền thờ Đức Mẹ Li Băng.
2. Các chuyến viếng thăm của các vị Giáo hoàng
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đền thánh Đức Mẹ này khi ngài thăm chính thức Li Băng vào ngày 10 tháng 5 năm 1997. Ngài đã cử hành một thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ hiện đại này. Vào ngày 8 tháng 12 năm 1998, Vatican thông báo rằng Ngày Thế giới Bệnh Nhân được cử hành vào ngày 11 tháng 2 năm 1999 tại đền thánh Đức Mẹ Li Băng ở Harissa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cầu nguyện xin Đức Mẹ, Đấng đã theo dõi nỗi thống khổ tột cùng của người dân Li Băng phù hộ tất cả những ai đang đau khổ trên thế giới.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phát động lời kêu gọi hòa bình ở Li Băng và Gaza bằng cách kêu cầu sự bảo vệ của Đức Mẹ Li Băng vào ngày 28 tháng Giêng năm 2007. Ngài nói, “Đối với các Kitô hữu ở Li Băng, tôi lặp lại lời kêu gọi hãy là người thúc đẩy đối thoại thực sự giữa các cộng đồng khác nhau, và tôi cầu xin sự bảo vệ của Đức Mẹ Li Băng cho tất cả mọi người Li Băng”.
3. Người Công Giáo và Hồi Giáo Li Băng tin là đất trên mộ thánh Charbel có thể chữa được coronavirus
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết hàng dài các Kitô hữu và cả người Hồi giáo đang nườm nượp kéo nhau tới xếp hàng để viếng mộ thánh Charbel, là vị thánh quan thầy của nước Li Băng, mục đích là múc lấy một muỗng đất để mang về làm thuốc chữa và phòng coronavirus.
Cha Louis Matar, thủ quỹ của Tu viện Saint-Maron ở thành phố Annaya, và cũng là người trông coi ngôi mộ thánh Charbel ở ngay cổng tu viện than thở: “Cứ đà này thì trước ngày 22 tháng này, ngôi mộ sẽ không còn đất nữa!”
Ngày 22 mỗi tháng là ngày có một cuộc rước lớn thường có đến ngàn người tham dự để vinh danh vị thánh của Li Băng.
Đài truyền hình OTV của Li Băng cho biết câu chuyện đã bắt đầu từ tuần trước sau khi một phụ nữ 25 tuổi có lòng sùng kính thánh Charbel cho biết cô được vị thánh báo mộng là hãy lấy đất ở ngôi mộ bỏ vào nước, đun sôi lên, lọc cho sạch và đem đến cho các bác sĩ chữa bệnh coronavirus.
Cô đã làm y như vậy nhưng ban đầu Bệnh viện Đại học Rafic Hariri không cho cô vào khu cách ly. Họ yêu cầu cô để lại cái chai nhưng cô đã từ chối vì sợ người ta vất đi.
Một số bệnh nhân đã nghe được câu chuyện và lập tức cả khu cách ly đã biểu tình yêu cầu các bác sĩ phải “cho thiên đàng một cơ hội”.
Bệnh viện Đại học Rafic Hariri đã phải dành riêng một tầng với khoảng 100 giường để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất. Vào thời điểm xảy câu chuyện, bệnh viện có 41 bệnh nhân đang được cách ly.
Trước yêu cầu của các bệnh nhân, hôm thứ Hai 9 tháng Ba, bác sĩ giám đốc bệnh viện Firas el-Abiad đã đồng ý mời cô đến bệnh viện. Đi cùng với phóng viên của đài OTV, người phụ nữ trẻ đã gặp bác sĩ Firas và bác sĩ Mahmoud Hassoun, trưởng khoa dịch tễ học, là người đang phụ trách phân khoa coronavirus của bệnh viện.
Đến nay, người phụ nữ trẻ vẫn từ chối không cho đài truyền hình nêu tên, và buộc đài truyền hình phải làm mờ mặt cô đi vì cô nói mình chỉ làm theo lời thánh Charbel, không cốt ý muốn nổi tiếng. Khi trao bình thuốc đặc biệt này cho bác sĩ Hassoun, một người Hồi Giáo, cô nói cô yên tâm là vị bác sĩ này sẽ không cho chuyện này là nhảm nhí và đổ đi.
Câu chuyện đã diễn ra như thế. Bác sĩ Hassoun cùng với bác sĩ Pierre Abi Hanna đã phân tích chất dung dịch do người phụ nữ trẻ mang đến và quyết định cho các bệnh nhân uống, nếu họ muốn.
Sau khi tin này được công bố trên đài OTV, người ta ùn ùn kéo tới thi nhau đào bới trước cổng tu viện.
Tưởng cũng nên biết thêm là thánh Charbel qua đời vào năm 1898 và xác của ngài được chôn ở ngay lối vào của Tu viện. Ngay sau đó, nhiều người thấy có những luồng ánh sáng không giải thích được xuất hiện ròng rã bốn tháng sau khi ngài qua đời. Vì thế, người ta khai quật ngôi mộ lên, và khám phá ra rằng thi thể của ngài vẫn còn nguyên, không bị thối rữa theo định luật tự nhiên. Vị Tu viện trưởng đã quyết định di quan vào bên trong tu viện.
Ngày nay ngôi mộ nguyên thủy ở cửa tu viện chỉ là một gò đất và chiếc tường bên cạnh có treo một bức chân dung lớn của thánh Charbel.
Cha Matar cho biết “vẫn có người nhìn thấy ánh sáng lạ xuất hiện trên ngôi mộ cũ”, và nhiều người đã được chữa lành một cách kỳ diệu nhờ sự can thiệp của vị thánh.
Với một đám đông càng ngày càng lớn hơn tụ tập ở cổng tu viện, trong đó không chỉ có người Công Giáo mà còn rất nhiều người Hồi Giáo và các giáo phái khác, một câu hỏi được đặt ra là tu viện sẽ làm gì với chiếc mộ bây giờ đang trở thành một cái hầm, cha Matar cho biết “Chúng tôi sẽ mang đất mới đến và phủ cỏ lên.”
Cha Fadi Bassil, từng phụ trách một giáo xứ ở vùng này, bây giờ đang phục vụ tại ngôi đền Miraculous Medal ở rue du Bac, Paris, cho biết ngài rất mừng khi thấy “Thánh Charbel đang mang các Kitô hữu và Hồi giáo đến với nhau, và người Hồi giáo đã coi Ngài là một 'wali', tức là một vị thánh có sự khôn ngoan và sức mạnh chữa lành.
“Đức tin là điều mà Chúa tỏ ra trên đôi môi của những người chất phát”, Cha Bassil nói. Điều này “không mâu thuẫn với khoa học, nhưng đôi khi đặt ra những câu hỏi khó”. Chẳng hạn, trong Kinh thánh, người ta có thể đọc câu chuyện về một vị tướng quân mắc bệnh phong, đã đến với tiên tri Elisha để chữa bệnh. Và vị tiên tri chỉ khuyên ông ta tắm bảy lần trong nước sông Giođan rời bỏ đi. Tướng quân cảm thấy bị xúc phạm, muốn bỏ về nhà. Nhưng một người hầu đã can gián: “Nếu nhà tiên tri này đòi hỏi ông một điều gì khó khăn hơn, thì ông chắc sẽ làm chứ? Vậy thì có gì dễ dàng hơn là đi tắm.” Vị tướng nghe lời và làn da của ông đã trở nên sạch sẽ như của một đứa trẻ.
Cho dù người phụ nữ trẻ này có được mặc khải thực sự hay không, cuối cùng thì ở đây vấn đề niềm tin mới là quan trọng, đó là niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa hiện diện trong ngụm nước lọc mà chúng ta nhận được. Một số người sẽ cười trước chuyện này; những người khác sẽ thách thức Thiên Chúa và nói, “hãy chờ xem”; và một ít người sẽ đón nhận câu chuyện này trong đức tin và được chữa lành. Họ là những người chiến thắng.
Source:Asia News