1. Duterte phỉ báng mẹ của Đức Cha David. Các Giám Mục bầu ngài làm chủ tịch Hội Đồng

Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã bầu Đức Cha Pablo Virgilio David của Caloocan làm chủ tịch mới vào ngày 8 tháng 7. Ngài sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hai năm với tư cách là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục vào ngày 1 tháng 12.

Đức Cha David, 62 tuổi, người đã giữ chức phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục trong bốn năm qua, sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao.

Ngài nổi tiếng là một nhà phê bình kiên quyết đối với cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte. Vào năm 2017, ngài đã ví hàng ngàn nạn nhân như “những con cừu bị đem đi giết thịt”.

Tổng thống Duterte nói với Đức Cha David vào năm 2019: “Bạn biết nếu bạn là một linh mục và bạn muốn tấn công tôi thì nghe này, bạn chỉ là con của một con điếm, hãy ra khỏi bục giảng của bạn. Đừng lợi dụng tôn giáo. Đến đây. Trong nhà thờ, bạn tấn công tôi. Ra đây tôi sẽ đánh trả”.

Vị giám mục cũng nằm trong số các giáo sĩ bị buộc tội kích động bạo loạn sau khi các video xuất hiện trên mạng cáo buộc gia đình tổng thống Duterte có liên quan đến các hoạt động ma túy bất hợp pháp.

Giáo phận của quê hương Đức Cha David là tổng giáo phận thủ đô Manila của Phi Luật Tân, là một trong những nơi đầu tiên chúc mừng ngài.

“Thật vui mừng khi người mục tử của chúng ta đã được bầu làm tân chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân,” tổng giáo phận Manila cho biết như trên trong một bài đăng trên Facebook.

Đức Cha David theo học tại Chủng viện San Jose và Đại học Ateneo de Manila do Dòng Tên điều hành, nơi ngài là bạn cùng lớp thần học với cựu tổng giám mục Manila là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, hiện là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Đức Cha David cũng có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain ở Bỉ.
Source:Crux

2. Ngôi nhà thờ lịch sử bị cháy rụi gần hồ Redberry

Một ngôi thánh đường lịch sử của người Công Giáo Ba Lan gần Hồ Redberry đã bị thiêu rụi vào ngày chiều thứ Năm 8 tháng 7.

Địa điểm này cách Battlefords chỉ chưa đầy một giờ về phía đông.

Vụ hỏa hoạn xảy ra sau một chuỗi các vụ đốt phá các nhà thờ trên khắp đất nước, liên quan đến những phát hiện gần đây về những ngôi mộ vô danh tại các Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở British Columbia và Saskatchewan.

Không có bình luận ngay lập tức từ cơ quan thực thi pháp luật về nguyên nhân của vụ cháy nhưng những hình ảnh ghi lại hiện trường cho thấy ngọn lửa lan rất nhanh.

Theo Lenore Swystun, người đã trông coi tòa nhà và cung cấp video cho các phương tiện truyền thông, nhà thờ này là một địa danh lịch sử của khu vực.

“Thật đáng buồn, ngọ tháp nhà thờ vút cao trên nền trời đã biến mất. Không thể tin được”.

Theo báo cáo, nhà thờ đã tồn tại ít nhất một thế kỷ và đã được sửa chữa trong những năm gần đây.

Không có tuyên bố từ cơ quan thực thi pháp luật đã được phát hành vào thời điểm này.
Source:Ckom

3. Tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về trò cáo gian linh mục Dòng Tên Ấn Độ

Liz Throssell, Cao ủy trưởng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã ra tuyên bố sau trước cái chết của linh mục Dòng Tên Ấn Độ bị vu cáo

Ngày 6 tháng 7 năm 2021

Chúng tôi vô cùng đau buồn và băn khoăn trước cái chết của linh mục 84 tuổi Stan Swamy, một nhà bảo vệ nhân quyền và linh mục Dòng Tên, ở Mumbai hôm qua, sau khi ngài bị bắt vào tháng 10 năm 2020 theo Đạo luật Phòng ngừa và Ngăn chặn Hoạt động Bất hợp pháp của Ấn Độ gọi tắt là UAPA.

Cha Stan đã bị giam giữ trước khi xét xử mà không được tại ngoại kể từ khi bị bắt, bị buộc tội liên quan đến khủng bố vì các cuộc biểu tình từ năm 2018. Ngài là một nhà hoạt động lâu năm, đặc biệt là về quyền của người bản địa và các nhóm người bị thiệt thòi khác. Khi ở trong Nhà tù Trung tâm Taloja của Mumbai, sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi và ngài đã nhiễm COVID-19. Đơn xin tại ngoại nhiều lần của ngài đều bị từ chối. Ngài qua đời khi Tòa án Tối cao Bombay đang xem xét đơn kháng cáo về việc bác đơn xin bảo lãnh của ngài.

Cao ủy Michelle Bachelet và các chuyên gia độc lập của LHQ đã liên tục nêu ra các trường hợp của Cha Stan và 15 nhà bảo vệ nhân quyền khác có liên quan đến các sự kiện tương tự với Chính phủ Ấn Độ trong ba năm qua và kêu gọi trả tự do cho họ khỏi cảnh giam cầm trước khi xét xử. Cao ủy cũng đã nêu lên những lo ngại về việc sử dụng UAPA liên quan đến những người bảo vệ nhân quyền, một đạo luật mà Cha Stan đã thách thức trước các tòa án Ấn Độ vài ngày trước khi ngài qua đời.

Do tác động nghiêm trọng liên tục của đại dịch COVID-19, các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, càng phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, kể cả những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm chỉ trích hoặc bất đồng. Điều này sẽ phù hợp với lời kêu gọi của cơ quan tư pháp Ấn Độ trong việc giảm bớt tình trạng đông người trong các nhà tù.

Chúng tôi nhấn mạnh, một lần nữa, Cao ủy kêu gọi Chính phủ Ấn Độ phải bảo đảm rằng không ai bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ đối với tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và lập hội.
Source:OHCHR

4. Giáo Hội Haiti sững sờ trước vụ ám sát tổng thống

Đức Cha Alphonse Quesnel của Fort Liberté, Haiti, cho biết Giáo Hội tại Haiti sững sờ trước vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse.

“Các giám mục chúng tôi không chỉ phải kêu gọi sự bình tĩnh mà còn mời gọi tất cả người Haiti ngồi lại với nhau, thay đổi cách nhìn về nhau và cùng nhau tìm kiếm con đường phía trước”, vị giám mục nói với Vatican News vài giờ sau khi tổng thống Haiti bị bắn hạ bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính trong phòng ngủ ở tư gia vào đầu ngày 7 tháng 7. Vợ ông, bà Martine Moïse, bị thương trong vụ tấn công. Hãng tin AP cho biết bà đang trong tình trạng ổn định.

Đức Cha Quesnel nói rằng vụ ám sát nên tạo ra cơ hội cho “sự thay đổi tâm lý” và “sự hoán cải thực sự”.

Vụ ám sát tổng thống Haiti cuối cùng diễn ra vào năm 1915 và dẫn đến cuộc chiếm đóng kéo dài 19 năm của quân đội Mỹ. Nhưng vị giám mục cho biết đã có một số dấu hiệu cảnh báo rằng một thảm kịch tương tự có thể xảy ra và mô tả những tháng trước đó là những tháng “hỗn loạn” đòi hỏi sự thận trọng và suy xét cẩn thận.

Đức Cha Quesnel cho biết căng thẳng đã gia tăng ở quốc gia Caribê này trong vài tháng qua với sự gia tăng của các hoạt động bạo lực liên quan đến các băng nhóm vũ trang mà các nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết đã khiến gần 15,000 người phải di tản khỏi các khu dân cư nghèo của Port-au-Prince. Các tổ chức nhân quyền cho biết các băng nhóm vũ trang này có liên hệ với các chính trị gia khác nhau, bao gồm cả các thành viên trong chính phủ đương quyền.

Các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc của các băng nhóm này đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với 91 người được ghi nhận là bị bắt cóc vào tháng 4 năm 2021. Trong số đó có 7 linh mục, bao gồm 2 công dân Pháp bị bắt cóc giữa ban ngày khi họ đang lái xe trong một đoàn xe đến dự lễ tấn phong của một tân linh mục.

Các băng đảng đã tiếp quản các khu phố nghèo ở Martissant, nằm trên con đường dẫn đến miền nam Haiti, ít nhiều đã chia cắt một nửa đất nước khỏi thủ đô. Vào ngày 4 tháng 7, sáu người, trong đó có hai nhà truyền giáo Tin lành Hoa Kỳ, đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay nhỏ gặp nạn khi đang bay từ Port-au-Prince đến thành phố đông nam Jacmel, trong một nỗ lực tránh phải đi ngang qua Martissant.

Moïse đã cầm quyền bằng cách tung ra hàng loạt các sắc lệnh kể từ tháng Giêng năm 2020, khi nhiệm kỳ của hầu hết các thượng nghị sĩ và dân biểu đã kết thúc. Trong một tuyên bố vào tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Haiti phản đối một cuộc trưng cầu dân ý không được lòng dân do Moïse kêu gọi. Các giám mục cho biết một cuộc trưng cầu dân ý như vậy sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại khi mà bọn tội phạm đang làm tê liệt và gây bất ổn nghiêm trọng chính trị xã hội.

Đức Cha nhấn mạnh rằng:

“Hội Đồng Giám Mục hiện nay có một vai trò quan trọng trong việc thấm nhuần các giá trị Phúc âm, để mọi người có thể học cách nhìn đối mặt với các vấn đề, biết nhìn nhận nhau và biết hướng đến tương lai đất nước. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tình huống này”.

Vụ ám sát đã gây ra một làn sóng chấn động khắp cả nước.
Source:OSVNews