1. Triển vọng Đức Thánh Cha thăm Bắc Hàn
Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ đến thăm Bình Nhưỡng. Ông nói rằng ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để điều đó trở thành hiện thực.
Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn, đã phát biểu như trên trong một thánh lễ ngày 5 tháng 7 kỷ niệm việc chỉ định Nhà thờ Thánh Trinh Đổng (Sanjeongdong, 정동) ở Mộc Phố (Mokpo, 목포) Nam Hàn là một tiểu vương cung thánh đường.
“Lý do đặc biệt mà tôi đến đây hôm nay là vì Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn Alfred Xuereb, và tôi đang làm việc để tổ chức một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng,” Ông Phác nói.
“Xin hãy cầu nguyện để chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bình Nhưỡng thành hiện thực và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên của chúng ta”.
Ông Phác Trí Nguyên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên vào năm 2000. Cuộc gặp gỡ của ông với Đức Tổng Giám Mục Quang Châu và Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn ủng hộ những nhận xét của Đức Cha Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), giám mục giáo phận Đại Điền (대전시, Daejon), là người vừa được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ tại Vatican.
Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Ngài làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn đến thăm Bắc Triều Tiên.
“Đức Giáo Hoàng đã nói rằng ngài muốn đến thăm Bắc Triều Tiên,” Đức Cha Du nói hôm 12 tháng 6.
“Nếu tôi được giao một vai trò trong việc sắp xếp chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện sứ mệnh của mình”.
Khả năng Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2018 khi một phát ngôn viên của chính phủ Nam Hàn nói rằng nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân,, hay còn gọi là Kim Jong-un, đã nói với Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần (Moon Jae-in) rằng ông ta sẽ “rất hoan nghênh” một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng.
Đức Tổng Giám Mục Du, là người đã thay mặt cho Hội đồng Giám mục Nam Hàn đến Bắc Triều Tiên nhiều lần, đã nói tại một cuộc họp báo của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào năm 2018 rằng sẽ thật “tuyệt vời” nếu có một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn, nhưng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện.”
Triều Tiên liên tục bị tổ chức bác ái Open Doors xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trong việc đàn áp các tín hữu Kitô. Kitô Hữu sống trong nhà nước vô thần này đã phải đối mặt với việc bắt bớ, cải tạo trong các trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin của họ.
Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống lại loài người, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.
Bình Nhưỡng từng được gọi là “Jerusalem của phương Đông” và được coi là trung tâm của Kitô Giáo ở Đông Bắc Á.
Theo Hội đồng Giám mục Nam Hàn, ngay trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, nhiều linh mục ở Triều Tiên đã bị bắt, bị giết hoặc mất tích.
Năm 1988, “Hiệp hội Công Giáo Bắc Hàn,” do chính quyền cộng sản thành lập, đã ghi danh 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng là một trong ba giáo hội do nhà nước bảo trợ hoạt động tại Bắc Triều Tiên dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà cầm quyền cộng sản.
Source:Catholic News Agency
2. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bắc Triều Tiên khó lòng xảy ra, nhưng sẽ thúc đẩy hòa bình
Đức Tổng Giám Mục Nam Hàn, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican nói rằng một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên dường như rất khó xảy ra, nhưng đó có thể là một sự can thiệp cần thiết từ bên ngoài để vượt qua bế tắc phân chia Bán đảo Triều Tiên.
“Về mặt con người, dường như có rất ít hy vọng, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tôi cố gắng, bằng cách cầu nguyện với Ngài, để có thể chào đón tất cả những gì có thể hữu ích để thúc đẩy hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị nói với Fides, hãng tin của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Fides đã công bố bình luận của Đức Tổng Giám Mục vào ngày 6 tháng 7 cùng với các báo cáo rằng Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, và Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn là Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb.
Fides cho biết họ đã xác nhận tuyên bố của Ông Phác Trí Nguyên với một số “nguồn tin địa phương”.
Ông Phác Trí Nguyên đã trở thành người đứng đầu Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2020. Ông từng là thư ký cho Tổng thống Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung, 김대중) và rõ ràng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhất ở Bình Nhưỡng vào năm 2000.
Linh mục Dòng Phanxicô Nguyễn Đình Anh Nhuệ, một linh mục Việt Nam và là giám đốc Fides, viết: “ Cùng với tất cả các tín hữu Hàn Quốc, chúng tôi mong muốn rằng, nếu Chúa muốn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm Bắc Triều Tiên để bắt đầu một kỷ nguyên hòa bình mới. Chuyến viếng thăm của ngài sẽ không phải là một điểm đến nhưng là một điểm khởi đầu cho một thời kỳ hòa giải, hòa hợp, hiệp nhất, nhân danh Tin Mừng. Đó sẽ là một khoảnh khắc của ân sủng và phước lành cho toàn bộ bán đảo”.
Văn phòng báo chí Vatican ngày 8/7 cho biết chuyến tông du duy nhất của Đức Giáo Hoàng đang được chuẩn bị tích cực vào lúc này là chuyến tông du tới Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng 9.
Trong cuộc phỏng vấn với Fides, Đức Tổng Giám Mục Du kể lại rằng khi Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2018, Tổng thống đã chuyển lời mời đến thăm Bắc Hàn từ nhà độc tài Kim Chính Ân. Lời mời đó đã được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, trích lời thư ký báo chí của tổng thống Văn.
“Đức Giáo Hoàng sau đó trả lời rằng ngài có thể đến thăm Bắc Triều Tiên ngay khi nhận được lời mời chính thức từ chính quyền Bình Nhưỡng”, Đức Tổng Giám Mục Du nói. “Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẵn sàng, tôi thực sự xúc động. Kể từ đó, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho chuyến thăm của Giáo hoàng tới Bắc Triều Tiên được diễn ra”.
“Cuộc đối đầu tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những nỗi đau lớn nhất của nhân loại ngày nay”, Đức Tổng Giám Mục nói với Fides. “Đáng chú ý là khu vực được gọi là 'Khu phi quân sự' giữa hai miền Nam - Bắc, trớ trêu thay lại là khu vực quân sự nghiêm trọng nhất trên thế giới”.
Theo Đức Cha Du, một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, “có thể đại diện cho một bước ngoặt, cho phép người Hàn Quốc chúng tôi đối thoại và hiểu nhau hơn, bắt đầu từ những việc nhỏ và kết thúc bằng những việc lớn, và thậm chí có thể đạt đến sự thống nhất giữa hai miền Nam Bắc”.
Source:Crux
3. Phán quyết của tòa lưu động thứ năm: Việc cấm truyền giáo tại chợ trời là vi phạm tự do ngôn luận
Trong vụ Denton kiện Thành phố El Paso, Texas, vào ngày 6 tháng 7 năm 2021, Tòa phúc thẩm vòng 5 của Hoa Kỳ đã chuyển vụ án lên một tòa án quận liên bang Texas yêu cầu tòa án ban hành lệnh sơ bộ cấm El Paso không được ngăn cấm việc truyền giáo tại Chợ Nông sản và Nghệ thuật El Paso ngoài trời hàng tuần. Các cấm đoán này dựa trên một sắc lệnh của thành phố cấm gây quỹ, vận động chính trị và ủng hộ tôn giáo tại chợ trời. Tòa án cho rằng những loại trừ này là sai trái và kết luận rằng:
Không rõ liệu Thành phố có bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ hay không. Chúng tôi không muốn phải quyết định vấn đề này nhưng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả khi giả định rằng Thành phố bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ, thì việc hạn chế quyền tự do ngôn luận dựa trên một quan điểm khó có thể biện minh cho các quy định ngặt nghèo hiện nay.
Source:Religon Clause
4. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023
Hôm 8/7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục giáo phận Luxembourg, làm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ tiến hành tại Roma vào tháng Mười năm 2023, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội công nghị đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.
Đức Hồng Y Hollerich thuộc dòng Tên, năm nay 63 tuổi (1958), nguyên là thừa sai tại Nhật Bản và là Phó Viện trưởng đại học Sophia của dòng tại Tokio. Năm 2011, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Luxembourg và được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y, hồi tháng Mười năm 2019. Hiện nay, Đức Hồng Y cũng là Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là Comece, qui tụ 27 vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thuộc Liên hiệp này.
Trong tư cách là Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng Y Hollerich sẽ giới thiệu đề tài và các vấn đề cần bàn đến trong Công nghị, đúc kết các bài phát biểu và xác định các vấn đề cần đào sâu trong các cuộc thảo luận nhóm, để đi tới các đề nghị cụ thể của Thượng Hội đồng Giám mục.
Source:Catholic News Agency