1. Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei
Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei là một đền thờ Đức Mẹ do Chân Phước Bartolo Longo xây dựng, nằm ở Pompei, Ý.
Bartolo Longo bắt đầu khôi phục một nhà thờ bị hư hỏng vào tháng 10 năm 1873 và quảng bá một lễ hội để tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1875, Longo nhận được bức tranh Đức Mẹ Mân Côi từ một tu viện ở Naples và đặt bức tranh ấy trong ngôi thánh đường mới được trùng tu. Các phép lạ bắt đầu được báo cáo và những người hành hương bắt đầu đổ xô đến nhà thờ. Đức Cha Giuseppe Formisano, Giám mục của Nola, khuyến khích Bartolo Longo xây dựng một nhà thờ lớn hơn. Hàng trăm người nhận được các ơn lạ hứa đóng góp tài chính, cho nên, viên đá đầu tiên đã được đặt vào ngày 8 tháng 5 năm 1876. Nhà thờ được thánh hiến vào ngày 7 tháng 5 năm 1891 bởi Đức Hồng Y Raffaele Monaco La Valletta, đại diện cho Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tặng Bông hồng vàng thứ sáu của mình cho đền thờ này vào ngày 19 tháng 10 năm 2008.
Bảo vật trong Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei là bức tranh “Đức Mẹ Mân Côi” với khung mạ đồng được trưng bày cho khách hành hương trên bàn thờ cao. Bức tranh mô tả Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Hài Đồng đang trao chuỗi hạt Mân Côi cho Thánh Đa Minh và Thánh Catêrina thành Siena. Linh mục Alberto Radente của dòng Đa Minh đã mua được bức tranh này ở Naples, và ngài tặng cho Bartolo Longo vào ngày 13 tháng 11 năm 1875 để ông trưng bày trong nhà thờ mà ông đang xây dựng ở Pompei.
Một họa sĩ nghiệp dư đã cố gắng khôi phục lại bức trang, và bức tranh đã được đặt trong nhà thờ vào ngày 13 tháng 2 năm 1876, ngày thành lập Hội Dòng Đức Mẹ Mân Côi ở đó. Năm 1880, họa sĩ nổi tiếng người Ý, Federico Madlarelli, đã đề nghị khôi phục lại bức tranh. Cuối cùng bức tranh đã được các nghệ sĩ của Vatican phục hồi một lần nữa vào năm 1965.
Bartolo Longo đã sáng tác “Novena di Petizione”, nghĩa là “Tuần Cửu Nhật Những Lời Cầu” vào tháng 7 năm 1879. Văn bản được lấy cảm hứng từ việc chiêm ngắm hàng ngày bức tranh “Đức Mẹ Mân Côi”. Chính Bartolo đã tự mình kiểm tra hiệu quả của những lời kinh này trong khi ông bị bệnh thương hàn. Thời ấy thương hàn là một trong các bệnh gây tử vong cao. Ông đã vượt qua được căn bệnh nguy hiểm này.
Bartolo Longo khuyến khích anh chị em giáo dân đọc “Tuần Cửu Nhật Những Lời Cầu” cùng với 30 kinh Kính Mừng trong suốt 54 ngày liên tục.
Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi được xây dựng theo hình thánh giá từ năm 1876 đến năm 1891 và được thiết kế bởi Antonio Cua. Nó chỉ rộng 420 mét vuông. Việc xây dựng mặt tiền, là công trình của Giovanni Rispoli, bắt đầu vào ngày 15 tháng 5 năm 1893. Mặt tiền đạt đến đỉnh cao với bức tượng Đức Mẹ Mân Côi nặng đến 18 tấn và cao 3.25 m của điêu khắc gia Gaetano Chiaromonte, được chạm khắc từ một khối đá cẩm thạch Carrara, bên dưới có chữ “PAX”, nghĩa là “Hòa bình của Chúa Kitô” và niên hiệu 1901 viết theo số La Ma3.
Để đáp ứng số lượng ngày càng tăng của những người hành hương, Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi đã được mở rộng từ năm 1934 đến năm 1939, giữ nguyên hình thánh giá ban đầu. Dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư-linh mục Đức Ông Spirito Maria Chiapetta. Tòa nhà mới rộng 2,000 mét vuông có thể chứa tới 6,000 người.
Tháp chuông cao 80 mét được xây dựng từ năm 1912 đến năm 1925 và được thiết kế bởi Aristide Leonori, với sự trợ giúp của anh trai ông là Pio Leonori.
Vào ngày 7 tháng 10 năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Vương cung thánh đường này. Chúng ta cũng hãy bắt chước vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cầu khẩn cùng Đức Mẹ Pompei cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta trong giờ phút nghiêm trọng này.
Source:Wiki
2. Từ đạo sĩ thờ Satan trở thành Chân Phước Công Giáo
Bartolo Longo sinh ngày 10 tháng 2 năm 1841 và qua đời ngày 5 tháng 10 năm 1926. Ông là một luật sư người Ý đã được Giáo Hội tuyên Chân Phước. Ông đã từng là một đạo sĩ của tà giáo thờ Satan, nhưng được ơn hoán cải trở lại với đức tin Công Giáo và trở thành một tu sĩ dòng Ba Đa Minh, hiến dâng cuộc đời của mình cho Kinh Mân Côi và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Bartolo Longo sinh ra trong một gia đình giàu có vào ngày 10 tháng 2 năm 1841 tại thị trấn nhỏ Latiano, gần Brindisi, miền nam nước Ý. Cha mẹ của ông là những người Công Giáo sùng đạo. Năm 1851, cha của Longo qua đời và mẹ anh tái hôn với một luật sư. Bất chấp việc cha dượng của Longo muốn anh trở thành một giáo viên, Longo đã quyết tâm trở thành một luật sư. Năm 1861, Longo thuyết phục thành công người cha dượng của mình và được gửi đến Đại học Naples để học luật.
Vào những năm 1860, tướng Giuseppe Garibaldi, người đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất nước Ý, coi Đức Giáo Hoàng là người chống lại chủ nghĩa dân tộc Ý và tích cực vận động để xóa bỏ hoàn toàn chức vụ giáo hoàng. Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu cũng đang phải vất vả đối phó với sự phổ biến ngày càng tăng chủ nghĩa Huyền bí.
Trong bối cảnh này, nhiều sinh viên tại Đại học Naples đã tham gia các cuộc biểu tình chống lại Đức Giáo Hoàng với sự cổ vũ của các nhóm thờ Satan cùng với các phương tiện truyền thông.
Longo tham gia vào phong trào này và cuối cùng bị dẫn dụ vào một tà giáo thờ Satan. Sau một khóa đào tạo ngắn hạn Longo được phong chức đạo sĩ của tà giáo này.
Trong những năm tiếp theo, cuộc sống của Longo trở thành “trầm cảm, căng thẳng và bối rối”. Lo lắng trước sự suy sụp nhanh chóng về tinh thần, anh tìm đến một người bạn cùng quê, là Vincenzo Pepe, để được hướng dẫn. Theo lời kể của Longo, chính Pepe là người đã thuyết phục anh từ bỏ tà giáo Satan và giới thiệu anh với Cha Alberto Radente, là người đã dẫn dắt anh đến với việc sùng kính Kinh Mân Côi.
Vào ngày 7 tháng 10 năm 1871, Longo gia nhập Dòng Ba Đa Minh và lấy tên là “Rosario”. Bartolo vẫn tiếp tục hành nghề luật sư, và điều này đã đưa anh đến ngôi làng Pompei gần đó. Anh đến Pompei để lo việc của nữ bá tước Marianna Farnararo De Fusco.
Ở Pompei, Longo bị sốc trước sự xói mòn đức tin của người dân. Anh viết: “Tôn giáo của họ là sự pha trộn giữa mê tín và truyền thống bình dân. Đối với mọi nhu cầu của họ, họ sẽ đến tìm một thầy phù thủy trong vùng, để có được bùa chú và phép thuật. Bartolo nhận ra họ không được dạy giáo lý đến nơi đến chốn. Khi anh hỏi một người có bao nhiêu Đức Chúa Trời, anh ta trả lời: “Khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ người ta nói với tôi rằng có ba. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi không biết một trong hai người đã chết hay một người đã lập gia đình”.
Với sự giúp đỡ của nữ bá tước Mariana di Fusco, ông đã khánh thành nhà thờ Mân Côi vào tháng 10 năm 1873 và đã tài trợ cho một lễ hội tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi. Ông cũng bắt tay vào xây dựng lại một ngôi thánh đường đổ nát mà ngày nay chúng ta gọi là Đền thánh Giáo Hoàng Đức Mẹ Mân Côi.
Năm 1875, Longo nhận được một món quà là bức tranh vẽ Đức Mẹ Mân Côi. Cha Alberto Radente của dòng Đa Minh đã mua được bức tranh này ở Naples, và ngài tặng cho Bartolo Longo vào ngày 13 tháng 11 năm 1875 để ông trưng bày trong nhà thờ mà ông đang xây dựng ở Pompei.
Longo đã gây quỹ để khôi phục bức tranh và đặt nó trong nhà thờ trong nỗ lực khuyến khích các cuộc hành hương. Các phép lạ bắt đầu được báo cáo và mọi người bắt đầu đổ xô đến nhà thờ.
Bartolo Longo và nữ bá tước Mariana di Fusco kết hôn vào ngày 7 tháng 4 năm 1885. Hai vợ chồng tiếp tục làm nhiều công việc bác ái, đặc biệt là giúp cho các trẻ em mồ côi. Năm 1906, họ đã hiến tặng toàn bộ tài sản của đền thờ Pompei cho Tòa thánh. Longo tiếp tục quảng bá Kinh Mân Côi cho đến khi ông qua đời vào ngày 5 tháng 10 năm 1926, ở tuổi 85. Quảng trường nơi Vương Cung Thánh Đường do ông xây dựng đã được đặt tên là Bartolo Longo để tưởng nhớ Longo. Cơ thể của ông được bao bọc trong một ngôi mộ bằng kính đang mặc áo choàng của các Hiệp sĩ Thánh Mộ, theo một lệnh phong tước hiệp sĩ của Đức Giáo Hoàng.
Ngày 26 tháng 10 năm 1980, ông được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên chân phước. Vị Giáo Hoàng Ba Lan gọi ông là “Tông đồ của Kinh Mân Côi” và đặc biệt nhắc đến tên ông trong tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, nghĩa là Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria.
Source:Wiki