1. Ăn cắp số tiền Giuđa bán Chúa trong nhà thờ, 10 năm sau bất ngờ bị bắt
Hơn 10 năm sau khi văn phòng Nhà thờ St. Camillus bị đột nhập và lục soát, một cựu cư dân thành phố Fitchburg, hiện đang sống ở West Roxbury, đã bị buộc tội liên quan đến vụ đột nhập sau khi máu được tìm thấy tại hiện trường được kết luận là có liên quan đến anh ta qua xét nghiệm DNA.
Tháng 5 năm 2011, Cha Joseph M. Dolan của giáo xứ St. Camillus de Lellis đã báo cáo với cảnh sát rằng văn phòng nhà thờ đã bị đột nhập và các tài liệu và tủ hồ sơ đã bị lục tung. Ngài cũng nói với cảnh sát rằng hộp đựng tiền của nhà thờ đã bị mất.
Hộp tiền mặt chứa 30 đô la và được tìm thấy bên ngoài nhà thờ trống rỗng một ngày sau vụ đột nhập.
Trong quá trình điều tra, các cảnh sát xác định ai đó đã mở một tấm lưới kim loại bảo vệ một cửa sổ nhỏ bên hông tòa nhà để vào văn phòng, tọa lạc tại 333 Mechanic St.
Khi kiểm tra hồ sơ và tủ, các cảnh sát nhận thấy thứ có vẻ là máu khô trên một số hồ sơ và thu thập cho cuộc điều tra.
Vài tuần sau vào năm 2011, Thám tử Ernest Martineau đã phỏng vấn Javier Gonzalez-Garcia, lúc đó 32 tuổi sau khi anh ta bị bắt vì liên quan đến một vụ trộm khác. Cảnh sát ghi nhận trong hồ sơ rằng anh ta có một số vết cắt và trầy xước trên tay chân nhưng không nghĩ những vết thương này là do đột nhập vào văn phòng nhà thờ.
Gần đây Gonzalez-Garcia, giờ đã dọn sang khu vực West Roxbury lại bị bắt vì trộm cắp. Cảnh sát sinh nghi nên gởi DNA đi xét nghiệm. Vào ngày 14 tháng 6, phòng thí nghiệm tội phạm đã gửi kết quả xác định Gonzalez-Garcia là nghi phạm.
Gonzalez-Garcia đã bị triệu tập đến tòa án vào hôm thứ Hai 28 tháng Sáu vì tội đột nhập, trộm cắp và phá hủy tài sản có mục đích.
Tờ Sentinel And Enterprise nhận định vụ này thật thú vị và lưu ý độc giả rằng Giuđa cũng đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc.
Source:Sentinel & Enterprise
2. Triển lãm ở Rôma kỷ niệm 70 năm linh mục của Đức Bênêđíctô 16
Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, đã khánh thành một cuộc triển lãm ở Rôma để kỷ niệm 70 năm ngày Đức Joseph Ratzinger được thụ phong linh mục và Thánh lễ đầu tiên của ngài, diễn ra tại Bavaria vào ngày 29 tháng 6 năm 1951.
Sáng kiến này được thúc đẩy bởi Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđíctô XVI của Vatican, Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, và Bảo tàng các Giáo hoàng.
Triển lãm này có các đồ vật thuộc về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, lần đầu tiên rời khỏi nơi ở của ngài tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, và những bức ảnh về cuộc đời linh mục của Đức Joseph Ratzinger.
Sáng kiến này sẽ mở cửa cho công chúng bắt đầu từ ngày 29 tháng 6 tại Phòng trưng bày Arte Poli tại số 88 đường Borgo Vittorio ở Rôma.
Phát biểu với EWTN, Đức Tổng Giám Mục Ganswein cho biết cuộc trưng bày có “những phần trong cuộc đời ngài, những phần trong trái tim ngài, nó cũng có những đồ vật khác nhau từ nhiều thời kỳ khác nhau trong cuộc đời của ngài, từ lần Rước lễ lần đầu, cho đến chiếc nhẫn mà ngài vẫn sử dụng bây giờ khi cử hành Thánh lễ trong Nhà nguyện Mẹ Giáo Hội”.
Đức Tổng Giám Mục Ganswein tiết lộ rằng khi Đức Bênêđíctô biết được sáng kiến này “ngài rất ngạc nhiên và vui mừng”.
“Ngài rất hạnh phúc vì được làm linh mục; đối với ngài đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Ngài đã sống để trở thành một linh mục, ngài đã sống như một linh mục”.
Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI nói rằng do “tuổi cao và không còn sức lực nên Đức Giáo Hoàng danh dự sẽ không làm gì trước công chúng vào ngày kỷ niệm thụ phong của ngài vào ngày 29 tháng 6”.
Đức Bênêđíctô XVI sẽ cử hành thánh lễ ngày 29 tháng 6 một cách riêng tư trong nhà nguyện Mẹ Giáo Hội. Tuy nhiên, một số người đàn ông đã hát trong ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburg, bên Đức, khi anh trai ngài là người phụ trách ca đoàn, cũng sẽ có mặt ở đó.
Nhóm sáu người đàn ông này từ 40 đến 65 tuổi và sẽ đến tham dự Thánh lễ trong nhà nguyện “để hát một thánh lễ tuyệt đẹp của một nhà soạn nhạc người Đức”. Đối với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 “đây là một niềm vui”, Đức Tổng Giám Mục Ganswein nói, và nhận định rằng Đức Bênêđíctô sẽ rất hài lòng khi điều đó diễn ra.
Source:Catholic News Agency
3. Nhà thờ Công Giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị đánh bom, hai giáo dân bị thương nặng. Thành phố Benin giới nghiêm.
Một vụ nổ bên trong một nhà thờ Công Giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến ít nhất hai người bị thương nặng.
Vụ nổ, xảy ra vào sáng sớm ngày 27 tháng 6 tại Giáo xứ Emmanuel-Butsili ở thị trấn Beni, là do một quả bom tự chế được đặt ở hàng đầu tiên ngay sau bàn thờ. Ngay sau vụ nổ, đô trưởng thủ đô Benin đã ra lệnh giới nghiêm.
Cha Isidore Kambale Masingo, cha sở của giáo xứ, nói với ACI Africa vào ngày xảy ra vụ tấn công rằng “vụ nổ bên trong nhà thờ xảy ra ngay trước khi bắt đầu Thánh lễ Chúa Nhật”.
“Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng khi Thánh lễ vẫn chưa bắt đầu. Hai bà mẹ bị thương nặng và đã được đưa tới bệnh viện”.
Vị linh mục người Congo nói rằng những người phụ nữ đã “đến nhà thờ từ sáng sớm để sắp xếp nhà thờ cho buổi lễ Chúa Nhật”.
“Quả bom tự chế được đặt ở nơi dàn hợp xướng đặt nhạc cụ của họ, ở hàng đầu tiên sau bàn thờ”.
Đức Ông Laurent Sondirya, tổng đại diện của giáo phận Butemb-Beni, nói với truyền thông địa phương rằng ngài tin rằng những kẻ tấn công đang “nhắm vào một đám đông lớn” vì một Thánh lễ Thêm sức đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày hôm đó.
“Họ đang nhắm mục tiêu một đám đông lớn vì buổi lễ sẽ quy tụ con cái, cha mẹ và các tín hữu”, Cha Sondirya nói.
Khu vực đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo nơi xảy ra vụ nổ đã hứng chịu các cuộc tấn công từ Lực lượng Dân chủ Đồng minh, một nhóm phiến quân liên kết với IS từ nước láng giềng Uganda.
Theo thông tấn xã AFP, đã xảy ra ba vụ đánh bom ở thành phố Beni vào cuối tuần qua.
Sau vụ nổ tại nhà thờ Công Giáo, một vụ đánh tự sát đã xảy ra bên ngoài một quán bar. Trước đó, một quả bom khác phát nổ tại một trạm xăng ở ngoại ô thành phố vào ngày 26 tháng 6.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Bộ trưởng Mỹ Antony Blinken tại Vatican
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong một buổi tiếp kiến riêng tại thư viện Dinh Tông Tòa của Vatican vào sáng thứ Hai.
Tòa thánh không tiết lộ nhiều chi tiết về những gì đã được thảo luận trong cuộc họp kéo dài 40 phút vào ngày 28 tháng 6, ngoài việc Đức Đức Giáo Hoàng nhắc lại chuyến thăm năm 2015 của mình tới Hoa Kỳ và bày tỏ “tình cảm và sự quan tâm của ngài đối với người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức chính quyền Biden tới Vatican kể từ khi các giám mục Hoa Kỳ bỏ phiếu để soạn thảo một tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Ngoại trưởng Blinken và Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về Trung Quốc, cũng như “các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Li Băng, Syria, vùng Tigray của Ethiopia và Venezuela”.
Blinken cũng cảm ơn Đức Đức Giáo Hoàng vì “sự lãnh đạo từ lâu của ngài về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Ông lưu ý rằng Tòa thánh duy trì một mạng lưới ngoại giao chính thức rộng khắp và quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia. “Vì vậy, cùng với Hoa Kỳ, một trong những mạng lưới ngoại giao lớn nhất, Tòa Thánh đang có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.”
“Hoa Kỳ và Tòa thánh có quan hệ đối tác rất chặt chẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thúc đẩy nhân quyền, chống buôn bán người; Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng cần được nhấn mạnh. Và chúng tôi cùng nhau tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho một số cuộc khủng hoảng trên thế giới”.
Chuyến thăm buổi sáng của Blinken tới Thành phố Vatican cũng bao gồm cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, cũng như chuyến thăm Nhà nguyện Sistina.
Source:Catholic News Agency