1. Đức Tổng Giám Mục Minneapolis cầu nguyện cho hòa bình sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin

Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis đã cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi hòa giải chủng tộc trong thánh lễ hôm thứ Sáu sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin vì tội giết George Floyd.

“Tôi cầu nguyện rằng ngày tuyên án hôm nay sẽ mang lại một triển vọng hòa bình và hàn gắn cho gia đình của George Floyd, bạn bè của anh ấy và cộng đồng của chúng ta, đồng thời thúc đẩy chúng ta đi sâu hơn trong các cuộc đối thoại về chủng tộc, công lý, bạo lực và hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đưa ra lập trường trên vào hôm thứ Sáu.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong những cuộc đối thoại đó, bất kể những khó khăn và bất kể những ngần ngại khi đề cập đến những vấn đề này, đồng thời chúng ta hãy xin Chúa mang lại niềm an ủi cho gia đình Floyd, chữa lành cho cộng đồng của chúng ta và bảo vệ tất cả những ai làm việc vì hòa bình”.

Derek Chauvin, cựu viên chức cảnh sát Minneapolis bị kết án với ba tội danh vô ý giết người cấp hai, giết người cấp ba và ngộ sát cấp hai vì tội giết George Floyd vào tháng 5 năm 2020. Chauvin đã bị kết án 22 năm rưỡi tù vào hôm thứ Sáu.

Anh ta đã khống chế Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi, và đè chặt lên cổ anh ta vào ngày 25 tháng 5 năm 2020. Floyd bị cáo buộc sử dụng tờ 20 đô la giả tại một cửa hàng tạp hóa.

Người qua đường đã quay video cảnh bắt giữ, trong đó cho thấy Chauvin quỳ trên cổ Floyd trên một đường phố ở trung tâm thành phố Minneapolis gần chín phút trong khi Floyd thở hổn hển, rên rỉ, và phàn nàn là không thể thở được. Đến cuối video, Floyd rơi vào tình trạng bất tỉnh. Sau khi xe cấp cứu đến và chở Floyd đến bệnh viện gần đó, anh ta được báo cáo là đã chết.

Chauvin bị bắt vào ngày 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Các công tố viên sau đó đã nâng cáo buộc lên tội giết người không chủ ý cấp hai. Bốn cảnh sát viên liên quan đến việc bắt giữ, bao gồm cả Chauvin, cuối cùng đã bị Sở cảnh sát Minneapolis sa thải.

Sau cái chết của Floyd, các cuộc biểu tình và bạo loạn lan rộng diễn ra sau đó trên khắp đất nước và thế giới, làm nổi bật sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc.

Theo hãng tin AP, bản án của Chauvin là một trong những bản án tù dài nhất áp dụng cho một cảnh sát ở Hoa Kỳ vì tội giết người da đen, nhưng thấp hơn mức án 30 năm mà các công tố viên đã đưa ra. Anh ta sẽ đủ điều kiện để được ân xá sau 15 năm tù.

Bộ Cải Huấn Minnesota không cho biết Chauvin đang bị giam giữ ở đâu sau khi tuyên án.

Các Giám Mục nhận định rằng:

“Cái chết của George Floyd nhấn mạnh và mở rộng thêm các nhu cầu sâu sắc cần phải tôn trọng sự thánh thiêng của mạng sống tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người đã bị áp bức trong lịch sử”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sau quá nhiều nỗi đau và nỗi buồn, xin Chúa tiếp thêm sức mạnh để chúng ta tẩy sạch vùng đất của chúng ta khỏi tệ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn thể hiện theo những cách mà hầu như không bao giờ được nói ra, những cách không bao giờ xuất hiện trên tiêu đề báo chí.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Giám Mục Gibraltar bày tỏ nỗi buồn trước điều báo chí gọi là vụ bội giáo tập thể

Người dân Gibraltar đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm 24 tháng Sáu để thông qua dự luật hợp pháp hóa phá thai.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 24 tháng 6, sau khi bị hoãn lại từ tháng 3 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Dự luật đã được 7,656 phiếu thuận và 4,520 phiếu chống.

Gibraltar là Lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực nam của Bán đảo Iberia với dân số khoảng 32,000 người trong đó có đến 25,000 người Công Giáo chiếm 78% dân số. Biên giới phía bắc của Gibraltar là với Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha luôn khẳng định Gibraltar là một phần lãnh thổ của họ.

Hơn 23,000 người Gibralta đã ghi danh bỏ phiếu. Hầu hết dân chúng bỏ phiếu tại các phòng đầu phiếu. Tuy nhiên, phiếu bầu có thể gởi qua bưu điện; và việc ủy nhiệm người khác bầu thay cũng được cho phép.

Trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này phá thai là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù chung thân ở Gibraltar, ngoại trừ trường hợp tính mạng của người mẹ gặp rủi ro.

Vào năm 2019, Quốc hội Gibraltar đã tìm cách thông qua Dự luật Tu chính các Tội phạm 2019 với ý định hợp pháp hóa việc phá thai lên đến 12 tuần nếu sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của người phụ nữ bị coi là có nguy cơ hoặc nếu người phụ nữ ấy phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Phá thai cũng sẽ được cho phép bất cứ lúc nào nếu thai nhi có dị tật bất thường.

Dự luật không thông qua được tại Quốc Hội nên mới có cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này.

Phong trào Vì sự sống Gibraltar phản đối dự luật và tiến hành chiến dịch “Cứu trẻ sơ sinh. Hãy bỏ phiếu không trước cuộc trưng cầu dân ý”.

Khoảng 500 người đã tham dự Tuần Hành Phò Sinh của nhóm vào ngày 15 tháng 6.

Gibraltar chỉ có một giáo phận Công Giáo và ước tính có khoảng 25.000 người Công Giáo.

Các nhà thờ ở Giáo phận Gibraltar đã tổ chức các giờ thánh và các sự kiện cầu nguyện khác với ý định bảo vệ sự sống chưa sinh trước cuộc bỏ phiếu.

Đức Cha Carmel Zammit của Gibraltar đã ban hành một bức thư mục vụ vào ngày 19 tháng 6 kêu gọi người dân Gibralta bảo vệ quyền được sống.

“Người dân Gibraltar đang được đưa ra một sự lựa chọn: Lựa chọn giữa sự sống hoặc cái chết; lựa chọn xem liệu những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta sẽ tiếp tục được hưởng tình trạng hiện tại của quyền sống, hay sự sống của thai nhi sẽ bị chấm dứt một cách hợp pháp.”

“Bỏ phiếu 'không' là để bảo vệ một cách dứt khoát quyền được sống đã được ghi trong Hiến pháp Gibraltar”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ Âu Châu, Đấng Bảo trợ và là Mẹ của chúng ta, cũng như Thánh Giuse, để các ngài có thể bảo vệ chúng ta bằng sự chăm sóc từ mẫu và phụ mẫu”.

“Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, bảo vệ tất cả các bà mẹ, tất cả các thai nhi, và soi sáng cho tất cả chúng ta trong bổn phận của chúng ta thể hiện tình yêu thương và sự ủng hộ trong việc bảo vệ quyền sống của thai nhi”.

Trước kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này, Đức Cha Zammit nói ngài “chết điếng trong lòng.”
Source:Catholic News Agency

3. Vatican xác nhận đang điều tra các cáo buộc về tội sơ suất của Đức Hồng Y Ba Lan Dziwisz

Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan hôm thứ Bảy xác nhận rằng Tòa thánh đã cử Đức Hồng Y người Ý Angelo Bagnasco đến để điều tra những tuyên bố sơ suất chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz.

Vị Sứ thần Tòa Thánh đưa ra thông báo ngày 26 tháng 6 sau khi các phương tiện truyền thông Ba Lan và Ý đưa tin về một cuộc điều tra của Vatican liên quan đến cựu bí thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Thông báo cho biết: “Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục hiệu tòa của Genoa, đã đến thăm Ba Lan từ ngày 17 đến 26 tháng Sáu theo yêu cầu của Tòa Thánh”.

“Mục đích là để xác minh những sơ suất đã được đưa ra công khai chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Kraków từ 2005 đến 2016”.

“Đức Hồng Y Bagnasco đã tự làm quen với các tài liệu và tổ chức một số cuộc họp, và sẽ trình bày báo cáo về chuyến thăm này với Tòa Thánh”.

Đức Hồng Y Dziwisz, 82 tuổi, từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II cho đến khi vị Giáo hoàng Ba Lan qua đời vào năm 2005. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Kraków, và đã nghỉ hưu vào năm 2016.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết vào tháng 11 năm 2020 rằng các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz được phát sóng trong một chương trình truyền hình cần được Vatican làm rõ.

Đức Cha Gądecki đã đưa ra nhận xét về chương trình “Don Stanislao: Khuôn mặt khác của Hồng Y Dziwisz”, được chiếu trên TVN24, một kênh tin tức thương mại của Ba Lan.

Chương trình dài 82 phút, do nhà báo Marcin Gutowski trình bày, cáo buộc cựu thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô II đã sơ suất không điều tra các cáo buộc lạm dụng giáo sĩ.

Đức Cha Gądecki cho biết ngài hy vọng rằng “bất kỳ nghi ngờ nào được trình bày trong báo cáo này sẽ được làm rõ bởi ủy ban hữu quan của Tòa thánh”.

Trong một tuyên bố ngày 9 tháng 11, Đức Hồng Y Dziwisz nói rằng ngài muốn thấy các cáo buộc được làm rõ một cách minh bạch.

“Đó không phải là về việc tẩy trắng hoặc che giấu những sơ suất có thể xảy ra, mà là về việc trình bày sự thật một cách trung thực. Phúc lợi của nạn nhân là điều tối quan trọng. Trẻ em và người trẻ không bao giờ có thể phải gánh chịu những điều sai trái đã xảy ra trong quá khứ của Giáo Hội”.

“Tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với một ủy ban độc lập để làm rõ những vấn đề này”.

Vào tháng Giêng, một công tố viên Ba Lan tuyên bố rằng ông nhận thấy các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz là hoàn toàn không có căn cứ.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận ở Kraków nói với truyền thông Ba Lan vào ngày 21 tháng Giêng rằng công tố viên đã quyết định rằng chẳng có cơ sở nào cho một cuộc điều tra sau khi đánh giá thông tin do Łukasz Kohut, một thành viên của Nghị viện châu Âu, gửi sau bộ phim tài liệu.

Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đang bị tấn công ác liệt về tình trạng tình dục của hàng giáo sĩ. Vào năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ban hành một báo cáo kết luận rằng 382 giáo sĩ đã lạm dụng tình dục tổng cộng 624 nạn nhân từ năm 1990 đến 2018.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra theo Tự sắc Vos estis lux mundi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cũng là đối tượng của một cuộc điều tra cho rằng ngài không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng đã minh oan cho Đức Tổng Giám Mục.
Source:Catholic News Agency

4. Tin vui cho Giáo Hội Pháp: 12 thầy đã được phong chức linh mục tại nhà thờ Saint-Sulpice vào ngày 26 tháng 6

Hôm thứ Bẩy 26 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã phong chức linh mục cho 12 thầy phó tế.

Mở đầu bài giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói:

Khi tôi nghe anh em trả lời “Này con đây” trước lời mời gọi của Chúa, tôi không thể không nghĩ đến những lời này trong Phúc Âm: “Ngài đã chọn Nhóm Mười Hai”. Đúng thế, chính Chúa Giêsu chọn chúng ta. Và tại sao Ngài lại làm điều đó? Thưa: Câu trả lời trong Phúc Âm rất đơn giản: “Để ở với Ngài”.

Trước tiên, đó là sự sống trong tình thân mật với Chúa Kitô. Đối với tất cả chúng ta, điều đó được hình thành trong lời cầu nguyện, trong sự tôn thờ, trong lòng trung thành từ trái tim đến trái tim với Người. Nhưng trên hết, trong Bí tích Thánh Thể, sự thân mật này giữa linh mục và Chúa Kitô đạt đến mức cao nhất. Nó mạnh mẽ đến nỗi chính Chúa Giêsu đến để nói trong miệng vị tư tế: “Này là Mình Thầy”. Vị linh mục không thể nói những lời này một cách xác thực nếu Chúa Kitô không phải là người bạn thân nhất, người bạn thân tình của vị linh mục ấy. Được như thế, anh em sẽ có thể cử hành cho thế giới, và trên thế giới với những người đã chịu phép rửa tội, những người đã hiến mình với Chúa Kitô vì ơn cứu rỗi của muôn dân và ơn cứu rỗi của cả những người chưa biết Chúa.

Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô tóm tắt lại tất cả những gì Ngài đã trải qua trên thế giới, những gì đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tác Tạo, Đấng hành động mặc dù chúng ta phớt lờ Người. Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha món quà này của chính Người và của Giáo hội để cứu rỗi mọi người.

Anh em đã đọc lời cầu nguyện của Giáo Hội mà anh em nhận được khi còn là các phó tế. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện của Giáo Hội cho thế giới này, cho thế giới do Thiên Chúa tạo dựng.

Trong một thời gian ngắn sắp đến, mọi người sẽ gọi anh em là “Cha”. Nó phải làm anh em ngạc nhiên, phải làm anh em kinh ngạc. Trong mọi trường hợp chúng tôi phải gọi anh em như thế. Tại sao lại có sự xưng hô như thế? Qua phép Rửa trong Chúa Giêsu Kitô, trước hết chúng ta là anh chị em với nhau. Tất cả cùng nhau, chúng ta là con trai và con gái của Thiên Chúa và chính tình anh em đã tạo nên chúng ta. Đầu tiên anh em phải học làm con. Làm con nghĩa là nhận mình từ người khác. Đối mặt với ảo tưởng về sự tự tạo đang phổ biến ngày nay, có một thực tế cơ bản đã tạo nên chúng ta. Chúng ta đến từ một công đoàn yêu thương. Chúng ta được sinh ra từ một hành động của tình yêu mà nhất thiết chúng ta phải nói đến hành động ban đầu và tối cao của tình yêu: đó là sự sáng tạo bởi Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu”.

Tất cả tình phụ tử chỉ có thể đến từ Cha trên trời. Không có tình phụ tử nào lại thiếu yếu tố linh thánh. Mọi người cha trên trái đất đều nhận được tình phụ tử của mình từ Thiên Chúa. Do đó, một linh mục không phải là một người cha trừ khi anh ta nhận mối quan hệ làm cha thiêng liêng này như nguyên ủy của mọi sự sống, của sự sống tuyệt đối nhận được từ sự sống tự hữu duy nhất của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao nhiệm vụ của anh em về cơ bản là truyền đạt sự sống này mà anh em không tạo ra trên trái đất nhưng là sự sống mà Thiên Chúa đã tạo ra từ muôn thuở trong mỗi người, và qua anh em Ngài tiếp tục sinh ra hôm nay và mỗi ngày trong cuộc đời anh em.

Đó là một ân sủng lạ thường được ban cho anh em ngày hôm nay. Anh em sẽ thực sự là những người cha bằng cách thông truyền cuộc sống này của Thiên Chúa mà anh em đã nhận lãnh trách nhiệm.

Đó là vì anh em có thể nói như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), vì anh em tham dự vào tình thân mật sâu xa với Người, để với Người như thánh Phaolô nói “anh đã được hiến tế”, để anh em nhận lại chính mình trong Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, để rồi anh em có thể đảm nhận vai trò làm cha này, là điều ban sự sống, sự sống dồi dào, sự sống đời đời.


Source:L'Eglise Catholique à Paris