Viết trên GetReligion ngày 3 tháng 6, Clemente Lisi cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, năm 2012, là vị Giáo Hoàng đầu tiên khai mở thời đại truyền thông xã hội của Tòa Thánh, khi gửi Tweet đầu tiên “Các bạn thân mến, tôi vui mừng tiếp xúc với các bạn qua Twitter. Cám ơn các bạn đã đáp ứng một cách rộng lượng. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các bạn”.

Tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Anh - và các tài khoản liên quan bằng các ngôn ngữ khác nhau - vẫn tiếp tục cho đến ngày nay dưới thời Đức Phanxicô. Đối với nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo Rôma trên thế giới, đây vẫn là một cách để truyền giáo qua máy vi tính, nhất là trong thời kỳ đại dịch.

Điều đáng chú ý khi Đức Phanxicô – nhân chuyến viếng thăm Bộ Truyền thông vào ngày 24 tháng 5 để đánh dấu kỷ niệm 90 năm thành lập Đài phát thanh Vatican và kỷ niệm 160 năm tờ L'Osservatore Romano của Vatican - đã sử dụng dịp này để kêu gọi các phương tiện truyền thông nội bộ của Vatican luôn phải có tính có liên quan trong bối cảnh phương tiện truyền thông đầy thách thức.



Associated Press, trong bản tin của họ, đã lưu ý những điều sau đây:

Đức Phanxicô đã đoan hứa sẽ không sa thải bất cứ ai để bù đắp cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 và việc đóng cửa một trong những nguồn thu chính của Tòa thánh, các vé vào Bảo tàng Vatican giảm vì đại dịch, gây ra.

Nhưng trong một lời coi như cảnh cáo gửi tới các nhân viên truyền thông của Vatican, ngài đã đưa ra nhiều nhận xét ứng khẩu vào hôm thứ Hai bằng một nghi vấn rõ ràng.

Đức Phanxicô hỏi, “Có rất nhiều lý do để lo lắng về Đài Phát Thanh, về L’Osservatore, nhưng một lý do đụng tới trái tim tôi là: Có bao nhiêu người nghe Đài Phát Thanh? Có bao nhiêu người đọc L’Osservatore Romano?”.

Ngài nói rằng công việc của họ rất tốt, văn phòng của họ đẹp và có tổ chức, nhưng có một "nguy cơ" là công việc của họ không đến tai đến mắt những người nó giả thiết phải đến. Ngài cảnh cáo họ không nên trở thành con mồi của tính chức năng "gây chết người", trong đó họ thực hiện các động tác nhưng không thực sự đạt được bất cứ điều gì.

Khi đối phó với các phương tiện truyền thông do Vatican điều hành, các nhà báo cần đặt một số câu hỏi:

* Tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại nghi vấn chính các phương tiện truyền thông của ngài?

* Giống như cựu Tổng thống Donald Trump, có phải Đức Phanxicô tin rằng mạng lưới xã hội là cách rẻ hơn và có sức lan tỏa rộng rãi hơn để truyền bá thông điệp của ngài?

* Đức Phanxicô có tin rằng báo chí chính dòng làm tốt công việc đưa tin về ngài hay không?

Những nhận xét của Đức Giáo Hoàng và những lời đe dọa sa thải của ngài, không khác gì những đại chủ nhân các phương tiện truyền thông đang điều hành các hãng thông tấn chính dòng. Mặc dù internet đã làm cho tin tức phổ biến khắp nơi nhiều hơn, nó cũng làm cho nó rẻ tiền hơn. Người ta không muốn trả tiền cho nó. Nó đã trở nên có óc đảng phái nhiều hơn. Hiện nó cũng đang được sản xuất với số lượng lớn hơn khi chu kỳ tin tức không bao giờ ngưng.

Tòa Thánh không quan tâm đến việc kiếm tiền, nhưng quả có tốn tiền để sản xuất nội dung cho báo chí, đài phát thanh và internet. Mặc dù Giáo Hội vẫn nhất thiết cần phải quảng bá thông điệp của mình, nhưng cách Giáo Hội thực hiện nó có thể cần phải thay đổi. Dù sao, ngay cả Tòa Thánh cũng có hóa đơn phải thanh toán.

Ngay trong số những người Công Giáo đang đọc báo này, có bao nhiêu người trong số các bạn đọc báo của Tòa Thánh? Đọc Cổng thông tin trực tuyến Vatican News của nó? Hoặc thậm chí nghe đài phát thanh của nó?

Lisi nhận rằng ông có đọc, nhưng rất hạn chế. Tại Hoa Kỳ, độc giả và khán giả may mắn có một hệ thống sinh thái truyền thông rất lớn, bao gồm một số lượng ngày càng tăng các ấn phẩm Công Giáo độc lập với nhiều thể loại khác nhau (xin xem bài gần đây trên The Pillar). Đó cũng chính là phương tiện truyền thông mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đôi khi nặng lời chỉ trích nhân khi việc nói tới ly giáo xuất hiện trong các cuộc họp báo trên máy bay của ngài.

Các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh đóng vai trò như nguồn chính cho các nhà báo đưa tin về Công Giáo và các quan sát viên Tòa Thánh. Nó giúp cung cấp đường lối chính thức của Đức Giáo Hoàng lúc các Hồng Y và giám mục đôi khi bất đồng hoặc giải thích những lời của Đức Giáo Hoàng một cách khác. Nó có thể cũng cung cấp sự rõ ràng, mặc dù đôi khi không.

Điều đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng không nói về truyền thông xã hội, một điều chắc chắn đòi có người điều hành, nhưng việc điều hành này không quá tốn kém. Chỉ cần hỏi Trump về điều đó, ít nhất cho đến khi ông ấy bị Facebook và Twitter hủy tài khoản gần đây. Liệu Đức Giáo Hoàng có nên lo lắng về cùng một điều như thế hay không? Chắc chắn đây là một khả thể. Không giống như Trump, Đức Giáo Hoàng không tweet trên điện thoại của ngài cả ngày. Thay vào đó, văn phòng báo chí của Tòa Thánh, với sự chấp thuận của ngài, tuôn ra các dòng tweet cả ngày.

Tất nhiên, các kênh truyền thông xã hội của Đức Giáo Hoàng từng gặp rắc rối trước đây - như có lần ai đó liên kết vào tài khoản Instagram của ngài việc mình “thích” bức ảnh một người mẫu Brazil ăn mặc hở hang.

Các tài khoản truyền thông xã hội của Đức Giáo Hoàng vẫn rất phổ biến, nhưng các tài sản truyền thông khác của ngài thì sao? Không phổ biến lắm.

Một chút đào sâu và sử dụng một số phân tích, loại mà tất cả các tòa soạn sử dụng ngày nay, cho thấy một số vấn đề. Giống như sự thất bại của Trump về diễn đàn truyền thông, Đức Phanxicô chắc chắn sẽ cần đánh giá lại các cung ứng truyền thông của Tòa Thánh.

Thí dụ, theo Similarweb, một công ty phân tích lưu lượng truy cập web, ấn bản tiếng Anh của Vatican News (có thể tìm thấy tại www.vaticannews.va) xếp hạng 7,199 hoàn cầu tính đến tháng trước. Nó có 11.3 triệu lượt truy cập trong khoảng thời gian sáu tháng qua.

Để so sánh, The New York Times xếp thứ 126, theo cùng cơ quan đo lường, với 362.7 triệu lượt truy cập.

Hãy nhìn vào L’Osservatore Romano. Ấn bản tiếng Anh hàng tuần (có thể tìm thấy tại www.osservatoreromano.va/en.html) xếp hạng thứ 206,001 hoàn cầu với 228,800 lượt truy cập.

Những con số này xấu tốt lẫn lộn. Điều rõ ràng là Đức Giáo Hoàng có lý khi hỏi ai đọc nội dung của Tòa Thánh.

Câu hỏi chủ chốt: Ai là khán giả của các phương tiện truyền thông này? Vấn đề lớn hơn là Internet đã làm gián đoạn mô hình kinh doanh, ngay cả đối với một nơi như Tòa Thánh, và cần phải hình thành các ý niệm mới.

Trở lại năm 2010, L’Osservatore Romano được Slate mô tả “đầu tiên và quan trọng nhất, là một loại tờ báo cho những người ủng hộ (fanzine) Đức Giáo Hoàng”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đùa gọi nó là “báo đảng”. Năm 2007, tờ báo đã kinh qua một khởi động lại (reboot), bằng cách lồng vào các bài kiểm phim và nối kết Giáo Hội với văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, đó là điều mà càng ngày càng ít người đọc – nhất là khi bạn xem ấn bản hàng ngày được xuất bản bằng tiếng Ý và chủ yếu được bán ở Rome.

Chức năng chính của tờ báo là cung cấp thông điệp của Đức Giáo Hoàng, cũng như của Tòa Thánh, về các vấn đề gần gũi như các vấn đề của Ý và xa hơn là các vấn đề liên quan đến vai trò của Giáo Hội trong các vụ việc hoàn cầu. Trọng điểm của tờ báo là gây ảnh hưởng những người khác vì không thể dựa vào tin tức chính dòng để đưa thông điệp đó ra bên ngoài. Tuy nền báo chí chính dòng cũng có xu hướng đưa tin thuận lợi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là ở Tây phương, nhưng Tòa Thánh vẫn hoàn toàn nhận thức được rằng báo chí thế tục không thể đảm đương vai trò đó.

Nhiều người không coi Đức Giáo Hoàng như một tổng giám đốc điều hành, nhưng ngài quả là thế khi nói đến vấn đề tài chính của Tòa Thánh. Tòa thánh đang trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn (do các tai tiềng liên tục của Ngân hàng Vatican), nhưng cánh tay vươn xa của các phương tiện truyền thông của họ có thể sẽ thấy nhiều thay đổi lớn trong tương lai. Đó là điều mà các nhà báo cần để mắt tới - và là điều khiến rất nhiều người trong ngành kinh doanh tin tức phải đối đầu với tình trạng sa thải và cắt giảm ngân sách trong thời đại internet.