Theo Vatican News, điều đáng lưu ý đầu tiên của các sửa đổi là việc nhấn mạnh tới cặp song hành đức ái và chế tài. Thực vậy, trong Tông hiến công bố các sửa đổi, Đức Phanxicô viết rằng “đức ái và lòng thương xót đòi một người cha kiên quyết chấn chỉnh điều đôi khi đi sai lệch”.
Việc chấn chỉnh sửa sai trên phải “thi hành vì đòi hỏi cụ thể và bất khả nhượng của đức ái không những đối với Giáo Hội, đối với cộng đoàn Kitô hữu và các nạn nhân có thể có, mà còn đối với cả những người phạm tội, những người vốn yêu cầu được Giáo Hội xót thương và chỉnh sửa. Trong quá khứ, nhiều thiệt hại đã gây ra vì thiếu sự tri nhận mối liên hệ trong Giáo Hội giữa việc thi hành đức ái và việc sử dụng, khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi, các chế tài hình sự”.
Ngài cũng cho hay, luật mới đem vào nhiều thay đổi cho luật hiện hành và đặt để nhiều nhiều chế tài đối với một số vi phạm mới. Luật mới cũng đem lại nhiều cải thiện về phương diện kỹ thuật, nhất là liên quan tới các khía cạnh căn bản của luật hình sự như quyền bênh vực, thời tiêu của các hành vi hình sự, và ấn định hình phạt chính xác hơn. Nghĩa là cung cấp “các tiêu chuẩn khách quan để nhận diện chế tài thích đáng nhất cần áp dụng vào một trường hợp cụ thể”.
Vatican News cũng cho hay, theo Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, Tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về các Bản văn Lập pháp, các thay đổi nhằm đáp ứng 3 tiêu chuẩn hướng dẫn. Tiêu chuẩn thứ nhất, bản văn mới tạo ra nét dứt khoát thỏa đáng cho các qui tắc hình sự, một điều trước đây không có, nhằm đưa ra định mức chính xác và chắc chắn ai phải áp dụng chúng.
Tiêu chuẩn thứ hai là bảo vệ cộng đồng và chú ý tới việc sửa chữa tai tiếng và đền bù thiệt hại.
Tiêu chuẩn thứ ba là cung cấp cho các mục tử các phương thế cần thiết để ngăn ngừa các vi phạm và can thiệp kịp thời để chỉnh sửa tình thế rất có thể trở nên nghiêm trọng hơn, tuy nhiên, không loại bỏ các thận trọng cần thiết để bảo vệ người bị coi là vi phạm theo bảo đảm nay được khẳng định trong điều 1321 §1: “mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh ngược lại”.
Đức Cha Arieta cũng cho hay các trường hợp hình sự trong phần thứ hai của Quyển VI đã được sắp xếp lại, chuyển vị các điều luật và tái định hướng ý nghĩa đầu đề của từng từng tiêu đề. Thí dụ rõ nhất là tội ác lạm dụng trẻ em nay được xếp không phải vào nhóm chống lại các nghĩa vụ đặc biệt (bậc giáo sĩ), mà vào nhóm chống lại sự sống, phẩm giá và tự do của con người. Điều này có nghĩa, điều 1398 mới bao gồm các hành vi không phải chỉ của các giáo sĩ, mà còn của các tu sĩ và giáo dân đảm nhiệm một chức vụ trong Giáo Hội.
Hãng tin A.P. thì lưu ý nhiều hơn tới các qui định mới về tội lạm dụng tình dục. Theo Nicole Winflield của hãng tin này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thay đổi luật Giáo Hội để minh nhiên kết tội hình việc các linh mục cũng như tín hữu giáo dân lạm dụng thẩm quyền của mình để lạm dụng tình dục người lớn (các điều 1395 và 1398).
Luật mới kết tội các giáo sĩ và giáo dân giữ chức vụ trong Giáo hội “gạ gẫm” (grooming) các vị thành niên và người lớn buộc họ tham gia văn hóa khiêu dâm. Đây là lần đầu tiên luật Giáo Hội chính thức thừa nhận là hành vi hình sự phương pháp các kẻ săn mồi tình dục sử dụng để tạo mối liên hệ với các nạn nhân bị họ nhắm để khai thác tình dục.
Winfield cũng cho rằng trước đây Tòa Thánh vẫn coi bất cứ liên hệ tình dục nào giữa giáo sĩ và người lớn là tội lỗi nhưng không phải là tội ác, vì tin rằng người lớn có khả năng bằng lòng hay không. Nhưng phong trào #MeToo và các tai tiếng liên quan đến các chủng sinh và nữ tu bị các bề trên lạm dụng tình dục cho thấy cả người lớn cũng có thể trở thành nạn nhân, nếu có sự chênh lệch cán cân quyền lực trong mối liên hệ. Điển hình là vụ cựu Hồng Y Theodore McCarrick.
Winfield cũng cho rằng tập chú mới vào các giáo dân dùng quyền lạm dụng tình dụng là kết quả của vụ tai tiếng liên quan tới Luis Figari, người giáo dân sáng lập phong trào Sodalitium Christianae Vitae có trụ sở ở Peru, một phong trào bảo thủ hiện có đến 20,000 thành viên rải rác khắp Châu Mỹ La Tinh và Hoa Kỳ.
Ông ta bị điều tra và bị kết tội là người bị ám ảnh bởi tình dục. Nhưng là một giáo dân, nên Tòa Thánh không biết phải xử sự thế nào về hình sự với ông ta. Nay thì tiêu chuẩn đã rõ ràng.
Tờ New York Times cũng thế, cũng lưu ý tới tội lạm dụng tình dục và cho hay “Đức Giáo Hoàng mở rộng luật Giáo Hội để nhắm vào việc giáo sĩ và giáo dân lạm dụng tình dục người lớn”.
Tờ này cũng nhắc đến vụ McCarrick lạm dụng tình dục người lớn. Và nhận định rằng với các sửa đổi lần này, Đức Phanxicô nhấn mạnh quan điểm cố hữu của ngài rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục chủ yếu là do lạm dụng quyền hành.
Tờ New York Times dường như cũng nhận định rằng nét mới của Đức Phanxicô là nhấn mạnh tới tội ác lạm dụng quyền hành để lạm dụng tình dục người lớn, một “điểm mù” mà lâu nay Giáo Hội không mấy lưu tâm bằng việc lạm dụng tình dục trẻ em. Tờ báo nay trích dẫn phát biểu của Cha Hans Zollner: việc lồng người lớn vào các luật mới “phù hợp với sự phát triển trong 4 năm qua” của phong trào #MeToo và việc chú ý tới các lạm dụng đối với các chủng sinh đã trưởng thành.
Thực ra luật hình sự mới không phải chỉ bàn đến việc lạm dụng tình dục. Theo Phil Lawler, luật hình sự mới bao trùm các tội danh đủ loại, thí dụ phần nói tới các tội danh tài chánh như biển thủ tài sản của Giáo Hội chẳng hạn. Ngoài ra, còn các tội danh phạm tới các bí tích, tín lý Giáo Hội trong đó có các tội phạm đến bí mật Giáo Hoàng, phạm tới Thánh Thể, tội tham dự các nghi lễ mưu toan phong chức linh mục cho nữ giới.
Lẽ dĩ nhiên, luật mới không tránh khỏi một số phê phán. Phê phán năng gặp nhất là việc thiếu định nghĩa ai là người lớn nạn nhân. Thuật ngữ thường dùng vẫn nhắc đến “người lớn dễ bị tổn thương”. Bản văn mới không minh nhiên nhắc đến thuật ngữ ấy, mà chỉ nói chung là người lớn, nhưng ngầm hiểu những người lớn này. Đức Cha Arieta thì cho rằng bản văn cố ý để ngỏ chữ “người lớn” để bất cứ người lớn nào bị một giáo sĩ hay một giáo dân giữ một chức vụ trong Giáo Hội lợi dụng thẩm quyền lạm dụng tình dục đều bị chế tài theo luật mới.
Edward Peters, một giáo luật gia Hoa kỳ, ca ngợi luật mới: “Dù sao, tông hiến Pascite Gregem của Đức Phanxicô đã đưa vào rất nhiều cải tiến cho Quyển VI, nhiều hơn tôi có thể đánh giá”. Tuy nhiên, theo ông, điều 1331§1 n.4 dự liệu cấm người bị tuyệt thông “tham dự tích cực vào các cử hành [phụng vụ]” trong khi điều 1331 § 1 n. 1 cũ cấm họ: “bất cứ việc tham gia nào có tính thừa tác” vào các cử hành đó.
Ông cho rằng luật cũ rất rõ trong việc người phạm tội theo giáo luật không được làm những việc như đọc sách hoặc thừa tác viên thánh thể, nhưng để nguyên nghĩa vụ căn bản của họ là tham dự Thánh Lễ và nhờ thế có thể lãnh được ơn ích của việc nghe Lời Chúa và chứng kiến các người Công Giáo khác cử hành. Tuy nhiên, luật mới khi dùng cụm từ rất chủ yếu của phụng vụ là tham dự “tích cực” để cấm các thừa tác ấy khiến người ta đặt câu hỏi liệu những người bị tuyệt thông có còn bị buộc giữ bổn phận Chúa Nhật hay không, một bổn phận phải tham dự Thánh lễ tuy không rước lễ, và nếu họ còn bị bó buộc, họ có phải tham dự Thánh lễ cách nghiêm túc hay không, hay chỉ ngồi đó cho có lệ, chứ không cần “tham dự tích cực”.
Một khía cạnh khác là chế tài đối với giáo dân phạm tội. Đối với các giáo sĩ thì bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ là hình phạt năng nề nhất. Còn đối với các giáo dân, hình phạt chỉ có thể là bị mất việc, bị loại khỏi cộng đồng hay nộp tiền phạt. Hai khoản đầu dễ áp dụng, nhưng khoản sau cùng không biết có bắt chấp hành được không. Theo Winfield, Kurt Martens, một luật gia Giáo Hội và là giáo sư tại Đại Học America, cho rằng hình phạt đó là một thứ mơ mộng hão huyền của Vatican.