1. Kim Chính Ân cấm sử dụng dược phẩm Trung Quốc trong bệnh viện Bình Nhưỡng

Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un đã ra lệnh cấm sử dụng các loại thuốc Trung Quốc trong các bệnh viện chính ở Bình Nhưỡng. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trích dẫn Daily NK, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh cấm các dược phẩm Trung Quốc sau khi một quan chức cấp cao của chế độ này qua đời hồi đầu tháng sau khi uống một loại thuốc được sản xuất tại Hoa Lục.

Lệnh cấm cũng bao gồm cả các vắc-xin của Trung Quốc chống lại Covid-19. Thuốc chống coronavirus của Trung Quốc thậm chí bị cấm không được sử dụng trong các nghiên cứu phát triển vắc-xin của Bắc Hàn. Cho đến nay quốc gia cộng sản này vẫn khẳng định rằng không có trường hợp lây nhiễm Covid ở nước này, một tuyên bố mà cộng đồng khoa học quốc tế tin là sai.

Tin tức về lệnh cấm thuốc Trung Quốc trái ngược với những tiết lộ của 19FortyFive. Vào tháng 12, trang web của Mỹ nói rằng Kim đã được tiêm vắc xin chống lại coronavirus bằng một loại thuốc thử nghiệm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nguồn tin Triều Tiên được Daily NK trích dẫn lại đặt câu hỏi về nguồn tin theo đó quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đã chết vì uống thuốc của Trung Quốc. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các bệnh viện ở thủ đô không có đủ phương tiện làm lạnh để bảo quản thuốc, đặc biệt là vắc xin Covid.
Source:Asia News

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhà báo Vatican luôn lên đường tìm kiếm sự thật

Sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Palazzo Pio - tòa nhà đặt Đài phát thanh Vatican, là đài phát thanh của Tòa Thánh; và tờ Quan Sát Viên Rôma, là nhật báo của quốc gia Thành Vatican.

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha diễn ra trong bối cảnh Đài phát thanh Vatican và tờ Quan Sát Viên Rôma đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 90 và 160 của họ trong năm nay. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Đài Phát Thanh.

Cả Đài phát thanh Vatican và tờ Quan Sát Viên Rôma đều là một phần của Bộ truyền thông Tòa thánh. Bộ này còn bao gồm nhiều cơ quan khác như Trung tâm Truyền hình Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Phòng Báo chí Tòa thánh, Dịch vụ Nhiếp ảnh, Dịch vụ Internet Vatican và nhà in Vatican.

Trong chuyến thăm kéo dài một giờ đồng hồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các nhà báo của Đài phát thanh Vatican, những người đã xếp hàng dọc các hành lang để chào đón ngài, và các viên chức khác thuộc Bộ Truyền thông.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm văn phòng của tờ Quan Sát Viên Rôma, nơi ngài gặp một số nhà báo và được giới thiệu một số ấn bản của nhật báo bằng các ngôn ngữ khác nhau. Ngài cũng ghé qua văn phòng đa phương tiện của Đài phát thanh Vatican, nơi ngài được nghe tóm tắt ngắn gọn về hoạt động bên trong của bộ phận kỹ thuật.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiến đến Nhà nguyện, nơi ngài dành một vài phút để cầu nguyện.

Ngài cầu nguyện như sau:

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con ra khỏi chính mình và lên đường tìm kiếm chân lý. Xin dạy chúng con đi và thấy, dạy chúng con biết lắng nghe, không nuôi dưỡng những thành kiến, không đưa ra những kết luận vội vàng”.

Ngài cũng dành ra một chút thời gian để đến phòng “phát sóng trực tiếp” của “Radio Vaticana Italia”, tại đó ngài trò chuyện với một số nhà báo về việc tiếp cận với càng nhiều thính giả và độc giả càng tốt.

Trong suốt chuyến thăm của mình, Đức Giáo Hoàng đã bắt tay và trao đổi những lời chào thân thiện, cũng như đưa ra những lời khuyên và động viên, thậm chí còn dừng lại trên tầng 4 của Palazzo để uống trà Mate, một thức uống truyền thống của Nam Mỹ.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới “Sala Marconi” của Palazzo Pio, nơi ngài nói chuyện ngắn gọn với một nhóm các nhà báo của Vatican, thúc giục họ làm việc cùng nhau hiệu quả hơn và tránh hành động như các công chức.
Source:Vatican News

3. Đức Thánh Cha chuẩn y bảy sắc lệnh cho các án tuyên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh Vatican ban hành 7 sắc lệnh, trong đó có một sắc lệnh liên quan đến tử đạo.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. Vị Hồng Y tổng trưởng đã trình bày với ngài, xin phê chuẩn 7 sắc lệnh liên quan đến án tuyên thánh của 7 ứng viên. Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Thánh Bộ ban hành một sắc lệnh về tử đạo và 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng.

Các ứng viên đến từ Peru, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hung Gia Lợi gồm 3 nữ và 4 nam. Các sắc lệnh mới gồm:

- Sắc lệnh nhìn nhận phúc tử đạo của Tôi tớ Chúa Maria Agostina Rivas López, còn được gọi là Aguchita, nhũ danh Antonia Luzmila, một nữ tu của hội dòng Đức Mẹ Bác ái Mục tử Nhân lành. Sơ sinh ra ở Coracora, Peru ngày 13 tháng 6 năm 1920. Sơ đã làm việc và nâng đỡ cho các trẻ em gái và người dân bản địa trong cộng đồng rừng nghèo của sơ ở Peru. Sơ bị giết vào ngày 27 tháng 9 năm 1990 tại Coracora bởi một nhóm khủng bố vì thù hận Đức tin. Với việc công nhận phúc tử đạo này, Sơ Aguchita sẽ được phong chân phước.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Felice Canelli, một linh mục triều, sinh tại San Severo, bên Ý vào ngày 14 tháng 10 năm 1880 và qua đời tại đó ngày 23 tháng 11 năm 1977.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Bernard của Mẹ Tình yêu Cao Cả, nhũ danh Zygmunt Kryszkiewicz, một linh mục đã khấn trọn cho Dòng Thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Ngài sinh ra ở Mława, Ba Lan vào ngày 2 tháng 5 năm 1915 và mất tại Przasnysz vào ngày 7 tháng 7 năm 1945.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Mariano Gazpio Ezcurra, một linh mục khấn trọn trong Dòng Augustinô thuyết giảng. Ngài sinh ở Puente la Reina, Tây Ban Nha vào ngày 18 tháng 12 năm 1899 và mất tại Pamplona vào ngày 22 tháng 9 năm 1989.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Colomba di Gesù Ostia, nhũ danh Anna Antonietta Mezzacapo, Tu viện trưởng Santa Teresa delle Carmelitane Scalze di “Marcianise”. Sơ sinh ở Marcianise, bên Ý vào ngày 15 tháng 6 năm 1914 và mất tại đó vào ngày 13 tháng 8 năm 1969

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Antonia Lesino, thuộc Dòng Ba Đa Minh. Bà sinh ra tại Milan, bên Ý vào ngày 11 tháng 10 năm 1897 và mất tại Brescia vào ngày 24 tháng 2 năm 1962;

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Alessandro Bálint, một giáo dân và là cha của một gia đình. Ông sinh ra ở Szeged-Alsóváros, ngày nay là Hung Gia Lợi, vào ngày 1 tháng 8 năm 1904 và mất tại Budapest vào ngày 10 tháng 5 năm 1980.

Với 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng, các ứng viên nhận được danh hiệu Bậc Đáng kính.
Source:Vatican News

4. Nhận định của Cha Raymond J. de Souza về việc bổ nhiệm tân Giám Mục Hương Cảng

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài đã có một bài phân tích đăng trên tờ First Things ngày 24 tháng Năm, 2021, là ngày thế giới Công Giáo cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

A New Bishop For Hong Kong

by Raymond J. de Souza

Một tân Giám Mục cho Hương Cảng


Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thiết lập “ngày cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc” vào ngày 24 tháng 5 hàng năm. Ngày đó được đánh dấu ở Trung Quốc là ngày lễ Đức Mẹ Xà Sơn, một đền thờ ở Thượng Hải dành để kính Đức Mẹ là quan thầy của quốc gia này. Ở nhiều nơi khác nhau trong Giáo hội hoàn vũ, ngày này là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Năm nay, ngày cầu nguyện này trùng hợp thật vui mừng với ngày lễ Đức Maria, Mẹ Giáo hội, rơi vào Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống.

Có nhiều điều để cầu nguyện. Người Công Giáo Trung Quốc là một đàn chiên bị coi thường, và vị mục tử mới của họ sẽ sớm phải đối mặt với bầy sói hung hãn. Tuần trước, Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) được bổ nhiệm làm giám mục mới của Hương Cảng. Ngài miễn cưỡng nhận công việc này đến nỗi ngài sẽ không nhậm chức cho đến tháng 12 tới đây, mặc dù các quy tắc giáo luật thông thường yêu cầu ngài phải bắt đầu sau bốn tháng.

Giáo hội có thể ấn định ngày được tấn phong cho ngài. Chế độ cộng sản Bắc Kinh sẽ ấn định ngày bắt giam ngài. Vatican sẽ khôn ngoan hơn khi sử dụng thời gian từ bây giờ cho đến lúc đó để quyết định xem mình sẽ giải quyết tình huống đó như thế nào. Tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc có thể phụ thuộc vào điều đó.

Chế độ của đại đế Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng rằng họ có ý định nghiền nát bất cứ tàn dư nào của tự do tôn giáo còn sót lại ở Trung Quốc. Các cuộc đàn áp Pháp Luân Công được nhiều người biết đến. Các trại tập trung dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ được quốc tế ghi lại. Các biện pháp chống Kitô Giáo đã bao gồm những hành vi phạm thánh (như buộc các nơi thờ phượng phải treo hình ảnh của Tập Cận Bình), cho đến các thủ thuật tẩy não tinh vi (như nhấn mạnh rằng các tài liệu giáo lý phải tuân theo các nguyên tắc “Trung Hoa hóa” ), và cả các biện pháp chuyên chế (như triệt để cấm trẻ em đi nhà thờ).

Vị Giám mục Công Giáo Hương Cảng đã đột ngột qua đời vào tháng Giêng năm 2019. Vào tháng 9 năm 2018, Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ký kết một thỏa thuận “tạm thời” và bí mật về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Ngay sau đó, quyền đối với các vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc đã được chuyển giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc Thỏa thuận tạm thời, vẫn còn trong vòng bí mật, đã được gia hạn vào tháng 10 năm 2020. Như thế, trên thực tế, Tòa Thánh đã có một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục.

Thỏa thuận tạm thời không áp dụng cho Hương Cảng, Ma Cao hoặc Đài Loan. Tuy nhiên, nó vẫn có thể ảnh hưởng đến họ. Lựa chọn đầu tiên của Tòa Thánh cho Hương Cảng là Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing, 夏志誠). Đức Thánh Cha Phanxicô được tường trình là đã chấp thuận việc bổ nhiệm ngài, nhưng sau đó đã thay đổi quyết định khi chính quyền Trung Quốc phản đối việc Đức Cha Hạ Chí Thành tham dự công khai các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Vì vậy, cuộc tìm kiếm đã xảy ra để tìm một giám mục đủ Công Giáo đối với Tòa Thánh, nhưng không quá Công Giáo đối với Bắc Kinh. Vào ngày 17 tháng 5 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắm đến một vị cùng Dòng Tên, Cha Châu Thủ Nhân, giám tỉnh hiện tại của Dòng Tên ở Trung Quốc.

Về cuộc bổ nhiệm giám mục này, Cha Nhân, thành thật đến mức rất lạ, tiết lộ rằng khi được hỏi vào tháng 12 năm ngoái, ngài đã từ chối việc bổ nhiệm. Rõ ràng những chiếc đinh vít sau đó đã được thắt chặt bởi vị Giáo Hoàng Dòng Tên và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên, và cuối cùng Cha Nhân cũng phải chịu.

Người ta có thể đồng cảm với Cha Nhân. Bắc Kinh đã bãi bỏ một cách hiệu quả bảo đảm “một nước hai hệ thống” đối với quyền tự do hạn chế ở Hương Cảng. Các cuộc đàn áp ở cựu thuộc địa của Anh đã gia tăng, đặc biệt theo chiều hướng nhắm vào giới Công Giáo như trong trường hợp của Martin Lee và Jimmy Lai, hai người Công Giáo sùng đạo, nổi bật trong hàng lãnh đạo phong trào dân chủ Hương Cảng. Họ đã bị bỏ tù vào Thứ Sáu Tuần Thánh, trở thành nạn nhân của một phiên tòa trình diễn kiểu cũ của cộng sản. Đáp lại, Tòa Thánh giữ im lặng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc biết hai sự thật về Tòa Thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không bổ nhiệm một giám mục ủng hộ phong trào dân chủ, và ngài sẽ không công khai phản đối việc bỏ tù những người Công Giáo nổi tiếng. Bước tiếp theo là hiển nhiên. Liệu Tòa Thánh có phản đối không nếu giám mục Hương Cảng bị bỏ tù và Giáo hội địa phương bị chặt đầu một cách hiệu quả?

Bắc Kinh rất muốn kiểm tra xem họ có thể đi bao xa trong việc loại bỏ đời sống Công Giáo ở Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2012, Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá của Thượng Hải. Khi được tấn phong, ngài công khai từ chức khỏi “Hiệp hội Yêu nước”, là hiệp hội “Công Giáo” được Bắc Kinh dựng lên. Ngài bị bắt và bỏ tù ngay lập tức, và vẫn bị quản thúc cho đến ngày nay.

Thượng Hải là một giáo phận cực kỳ quan trọng ở Trung Quốc, nhưng Hương Cảng được kết nối quốc tế nhiều hơn với Giáo hội hoàn vũ. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm ở Hương Cảng những gì đã làm ở Thượng Hải, thì đời sống Công Giáo ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại trong nhiều thế hệ và bị Giáo hội hoàn vũ bỏ rơi.

Một ngày cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc là cần thiết. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sớm kiểm tra xem những lời cầu nguyện đó có được ủng hộ bằng lời nói và quyết tâm kiên định ở Rôma hay không.
Source:First Things