1. Chưa từng có: Chính quyền một quốc gia lại đi cướp máy bay để bắt giữ nhà báo đối lập

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã bày tỏ sự phẫn nộ sau khi chính quyền Belarus buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh xuống thủ đô Minsk, để bắt giữ một nhà báo đối lập có mặt trên máy bay.

Một số nhà lãnh đạo Âu Châu đã bày tỏ sự phẫn nộ sau khi nhà chức trách Belarus hôm Chúa Nhật đã buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair phải hạ cánh xuống Minsk và bắt giữ một nhà báo đối lập có mặt trên máy bay.

Chiếc máy bay chở khách đang bay từ Athens đến Litva bất ngờ được chuyển hướng tới thủ đô của Belarus vì cho rằng có một quả bom hẹn giờ sắp phát nổ trên máy bay. Một máy bay chiến đấu của Belarus cũng bay lên để buộc chiếc máy bay dân sự phải hạ cánh xuống. Sau khi máy bay hạ cánh, nhà chức trách đã bắt giữ Roman Protasevich, 26 tuổi, và người bạn gái đi chung với anh.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu diễn ra vào hôm thứ Hai, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết trong một tuyên bố, rằng “các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về sự kiện chưa từng có này” trong Hội đồng Âu Châu và nó “không thể xảy ra mà không phải chịu hậu quả nào.”

“Tôi lên án trong những từ mạnh mẽ nhất có thể việc buộc hạ cánh một chuyến bay Ryanair ở Minsk, Belarus, vào ngày 23 tháng 5 năm 2021 và việc nhà báo Roman Protasevich bị chính quyền Belarus bắt giữ,” Michel nói.

“Tôi kêu gọi các nhà chức trách Belarus ngay lập tức trả tự do cho hành khách bị giam giữ và bảo đảm đầy đủ các quyền của anh ta.”

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào tháng 8 năm 2020, Tổng thống Belarus Lukashenko, người nắm quyền từ năm 1994 đã tung ra nhiều chiến dịch đàn áp người biểu tình.

Câu chuyện chính quyền một quốc gia lại đi cướp máy bay là một chuyện chưa từng có.

2. Độc tài Lukashenko bách hại Giáo Hội Công Giáo

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nhắc lại trò bách hại Giáo Hội Công Giáo của tên độc tài Alexander Lukashenko, hiện làm tổng thống bất họp pháp tại Belarus.

Từ cuối tháng 8 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mohilev, và đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Belarus, đã bị lưu vong tại Ba Lan. Nhà độc tài Alexander Lukashenko đã cấm không cho ngài về nước và cáo buộc ngài khích động dân chúng nước này tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ tự do.

Hộ chiếu của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã bị vô hiệu hóa và ngài đã bị lực lượng biên phòng ngăn chặn khi trở về Belarus sau chuyến viếng thăm Ba Lan vào ngày 31 tháng 8. Hành động này của nhà cầm quyền Belarus được coi là một đòn trừng phạt Đức Tổng Giám Mục vì ngài đã lên tiếng bảo vệ người dân tham gia các cuộc biểu tình sau một cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận.

Belarus đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng kể từ sau cuộc bầu cử đó. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 sau khi tổng thống Alexander Lukashenko được tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cùng ngày với hơn 80% số phiếu bầu.

Lukashenko cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz có thể là công dân của nhiều quốc gia, và nhận lệnh của các quốc gia khác nhằm xúi giục các cuộc biểu tình.

Đích thân, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, là ngoại trưởng Tòa Thánh, đã sang tận Belarus từ 11/9 đến 14/9 để thuyết phục Alexander Lukashenko cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz về nước nhưng không thành công.

Ngày 3 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozić, là Tân Sứ Thần Tòa Thánh đến trình quốc thư, vẫn không thành công sau rất nhiều vòng đàm phán cam go.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, đã đóng vai trò là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với Lukashenko hôm 17 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Gugerotti từng là Sứ thần Tòa thánh tại Belarus từ năm 2011 đến năm 2015. Ngài nói thông thạo tiếng Belarus.

Năm ngày sau đó, hôm 22 tháng 12, Vladimir Makei, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, mới cho biết chính quyền Belarus nhượng bộ.

Makei nói:

“Vì sự tôn trọng sâu sắc nhất đối với Đức Giáo Hoàng và vì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Đức Tổng Giám Mục Gugerotti, nguyên thủ Belarus cho rằng có thể đáp ứng yêu cầu của Đức Giáo Hoàng và đã đưa ra các chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao tìm ra giải pháp cho vấn đề, có tính đến tất cả các cơ chế pháp lý hiện có,”

“Kỳ nghỉ lễ lớn sắp tới là Giáng sinh và các sự kiện lễ hội là một lý do bổ sung để đưa ra quyết định này đối với thành phố Minsk và Tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz mặc dù có một số điều tiêu cực về người này,” Makei nói thêm.

Việc Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz xuất hiện trong thánh lễ Giáng Sinh là một phép lạ mùa Giáng Sinh đối với người dân Belarus.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz sinh ngày 3/1/1946. Như thế, ngày 3/1/2021 ngài tròn 75 tuổi. Theo giáo luật ngài phải nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, thông thường, Đức Thánh Cha sẽ yêu cầu các Giám Mục đảm nhiệm chức vụ hiện nay thêm một thời gian nữa, trong nhiều trường hợp có thể lên đến vài năm.

Mất bao nhiêu công đàm phán như thế chỉ để làm thêm có 11 ngày! Hay đó là điều kiện của tên độc tài Lukashenko? Điều oái oăm gây ngơ ngác hơn nữa là người thay thế ngài, Đức Cha Kazimierz Wielikosielec (sinh ngày 5/5/1945) thậm chí còn già hơn ngài.
Source:Holy See Press Office

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý về những thay đổi lớn sắp xảy ra trong Giáo triều Rôma

Nhiều nguồn tin đã nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các giám mục Ý rằng sẽ sớm có một vị tổng trưởng mới của Bộ Phụng tự và việc bổ nhiệm có thể được đưa ra sớm nhất vào ngày 25 tháng Năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các giám mục Ý khi các ngài đang họp phiên khoáng đại lần thứ 74 của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị và sau đó tổ chức một cuộc thảo luận cởi mở với các giám mục.

Chính trong phiên họp kín này, Đức Giáo Hoàng đã cho biết trước một số quyết định sắp tới của mình, và đề cập rõ ràng về việc bổ nhiệm vị tổng trưởng mới của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ khi Đức Giáo Hoàng chấp nhận Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu vào ngày 20 tháng 2.

Sau khi Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, câu hỏi lớn xung quanh Vatican là ai sẽ thay thế vị trí của ngài.

Các nguồn tin thông thạo nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xem xét ba lựa chọn khả thi.

Đầu tiên là việc Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nâng Tổng Giám mục Arthur Roche, 70 tuổi, từ thư ký của bộ lên làm tổng trưởng.

Đức Tổng Giám Mục Roche được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào năm 2012. Trước đó, ngài là chủ tịch của Ủy ban Quốc tế về Phụng vụ của Anh từ năm 2002 đến năm 2012. Ngài cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Westminster từ 2001 đến năm 2002, Giám mục phó của giáo phận Leeds từ 2002 đến 2004, và Giám mục Leeds từ 2004 đến 2012.

Trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài là người đi giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Sarah trong các vấn đề phụng vụ. Ngài được giao phó viết bài bình luận cho Tự Sắc Magnum Principium – Nguyên tắc Chính yếu, trong đó chuyển giao trách nhiệm dịch các bản văn phụng vụ cho các hội đồng giám mục khu vực và quốc gia. Bản nhận xét này được đưa ra cùng với việc công bố Tự Sắc.

Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Roche làm thành viên của nhóm xem xét các kháng cáo về delicta graviora, tức là những tội ác nghiêm trọng thuộc trách nhiệm phán quyết của Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm cả tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Lựa chọn thứ hai là Đức Cha Claudio Maniago, Giám Mục giáo phận Castellaneta. Đức Cha Maniago, 62 tuổi, là chủ tịch Ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2015. Với cương vị đó, ngài giám sát bản dịch mới sang tiếng Ý của Sách lễ Rôma, trong đó có phiên bản mới của Kinh Lạy Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Maniago làm thành viên của Bộ Phụng tự vào năm 2016.

Lựa chọn thứ ba sẽ là Đức Cha Vittorio Viola, Giám Mục giáo phận Tortona. Một thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Cha Viola, 55 tuổi, đã trở thành giám mục từ năm 2014.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng Cha Viola lên hàng giám mục lên từ vị trí của ngài là chủ tịch của Assisi Caritas. Ngài cũng từng là Bề trên dòng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ vương các Thiên thần ở Assisi. Ngài quen biết Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm Assisi vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, khi ngài ngồi bên cạnh Đức Thánh Cha trong một bữa ăn trưa với người nghèo.

Trước đó ngài được Đức Cha Luca Brandolini, một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Tổng Giám Mục Annibale Bugnini, truyền chức linh mục.

Đức Cha Viola cũng là bạn thân của Đức Cha Domenico Sorrentino của Assisi, người từng là thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 2003 đến năm 2005.

Được biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá cao cách Đức Cha Viola tái tổ chức các giáo xứ ở Tortona, và ngài đã thể hiện kỹ năng ra những quyết định mạnh mẽ. Truyền thông Ý cho rằng Đức Cha Viola nằm trong số các ứng viên cho chức vụ Tổng giám mục Genova. Tuy nhiên, vào ngày 8 tháng 5 năm ngoái 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một tu sĩ Dòng Phanxicô ở Genoa, là Cha Marco Tasca làm Tổng Giám Mục Genoa. Nay truyền thông Ý giải thích quyết định này của Đức Thánh Cha là vì ngài quyết định gọi Đức Cha Viola đến Vatican.
Source:Catholic News Agency

4. Quân phiệt Miến Điện đánh bom một nhà thờ Công Giáo ở bang Kayah, hai người chết trong số những người tị nạn

Các binh sĩ của quân đội Miến Điện đã tấn công làng Kayan Tharyar, cách Loikaw, thủ phủ của bang Kayah, 7 km, bằng đạn pháo vào đêm Chúa Nhật, với mục đích đánh vào các nhóm nổi dậy bị nghi ngờ. Một trong những quả đạn cối đã bắn trúng nhà thờ, giết chết ít nhất hai phụ nữ và làm bị thương nhiều người di tản khác đang tìm nơi ẩn náu ở đó. Các tu sĩ Dòng Tên ở Miến Điện báo cáo với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Dân làng Kayan Tharyar tin rằng nhà thờ giáo xứ sẽ là “nơi trú ẩn an toàn cho những người chạy trốn các vụ xả súng trong khu vực, nhưng bi thảm là quân Miến Điện đã không tha cho các nhà thờ”, các tu sĩ Dòng Tên viết.

Nhà thờ Thánh Tâm ở Pekhon (cách Loikaw khoảng mười lăm cây số) cũng bị đạn pháo làm hư hại. Các tu sĩ Dòng Tên lên án “những tội ác tày trời này theo cách mạnh nhất có thể” và yêu cầu “quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Quân đội phải ngay lập tức ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại dân thường và nhà thờ”. Những quả bom đã phá hủy các tòa nhà, biến chúng thành đống đổ nát, với những hình ảnh gợi lại khung cảnh chiến tranh rõ nét.

Bang Kayah, nơi 75% cư dân thuộc các dân tộc thiểu số, là bang Miến Điện có tỷ lệ Kitô hữu cao nhất Miến Điện. Sự hiện diện của Công Giáo ở khu vực này bắt đầu vào cuối những năm 1800 với sự xuất hiện của các nhà truyền giáo đầu tiên từ Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME.

Ngày nay có hơn 90,000 người Công Giáo Kayah, gần một phần ba trong số 355,000 cư dân của Bang. Mức độ đối đầu đang gia tăng ở Miến Điện, nơi, tính đến ngày 23 tháng 5, ít nhất đã có 818 người đã chết kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2
Source:Fides