Theo bản tin ngày 14 tháng 5, 2021 của Edward Pentin, giáo dân Công Giáo ở Giáo phận Parramatta của Úc đã thành công trong việc yêu cầu giám mục của họ điều chỉnh sự ủng hộ công khai của ngài đối với bản sắc phái tính sau khi họ tiến hành một chiến dịch khiến ngài sửa đổi việc ngài phản đối một dự luật tiểu bang nhằm cấm thảo luận về ý thức hệ phái tính trong trường học.
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long của Parramatta vốn bị nhiều người Công Giáo địa phương chỉ trích vì điều họ cho là phương thức ủng hộ và sai lầm của ngài đối với nghị trình đồng tính luyến ái, đặc biệt liên quan đến các trường học trong giáo phận.
Theo những người chỉ trích ngài, nghị trình ủng hộ LGBT của vị giám mục này đặc biệt biểu lộ rõ khi ngài phản đối dự luật do chính trị gia người Úc Mark Latham đưa ra vào tháng 4. Dự luật được đệ nạp tại cơ quan lập pháp tiểu bang New South Wales sẽ “cấm dạy ý thức hệ lỏng lẻo phái tính [gender fluidity] cho trẻ em trong các trường học” và tìm cách đảm bảo rằng các trường học không “chiếm đoạt vai trò của cha mẹ”.
Nó đề nghị thêm rằng “việc giảng dạy liên quan đến các giá trị cốt lõi phải hoàn toàn không mang tính ý thức hệ và không được bênh vực hoặc cổ vũ ý thức hệ có tính giáo điều hoặc luận chiến không phù hợp với các giá trị mà cha mẹ học sinh nắm giữ”.
Luật lệ được đề nghị, phù hợp với cả giáo huấn của Giáo hội lẫn những lời bình luận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ sự lỏng lẻo về phái tính, nhưng đã bị các nhà hoạt động đồng tính lên án mạnh mẽ.
Giáo phận Parramatta dưới sự lãnh đạo của Đức Cha Long đã tách mình ra khỏi các nhà lãnh đạo Công Giáo khác trong tiểu bang, và đã phản đối dự luật, bằng cách, trong một bản góp ý ngày 27 tháng 4, mô tả nó như là “chống lại việc cổ vũ và tôn trọng nhân phẩm của mọi người”.
Lo ngại rằng các học sinh tự nhận là đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng giới tính hoặc chuyển phái tính có thể bị xách nhiễu vì việc dự luật cấm dạy tính lỏng lẻo về phái tính, giám đốc điều hành giáo dục Công Giáo của giáo phận, Greg Whitby, nói với truyền thông ngày 28 tháng 4 rằng dự luật là một “sự xâm phạm không thể chấp nhận được vào sự phán xét chuyên môn của các trường học và hệ thống Công Giáo”.
Sau phản ứng dữ dội từ một số linh mục giáo phận, phụ huynh và giáo dân, Đức Cha Long rõ ràng đã sửa đổi quan điểm của ngài bằng cách đệ nạp một bản góp ý mới vào ngày 5 tháng 5, trong đó ngài nói rằng Giáo phận Parramatta “khẳng định việc cấm giảng dạy ý thức hệ phái tính (phái tính lỏng lẻo) trong khung cảnh giáo dục”. Ngài cũng nói thêm rằng ngài có "mối quan tâm nghiêm trọng, giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về ý thức hệ này".
Ngoài ra, hơi khác với tuyên bố trước đó, ngài cho biết Giáo phận Parramatta “khẳng định mạnh mẽ giáo huấn Công Giáo, một giáo huấn vốn dạy rằng cha mẹ là các nhà giáo dục chính của con cái họ trong các vấn đề đức tin và giáo dục”.
Latham đã tweet lời cảm ơn của ông đối với Đức Cha Long vì đã “rút lại” bản góp ý trước đó của ngài và “thay thế nó bằng một tuyên bố nhìn nhận quyền ưu tiên của cha mẹ trong việc giáo dục và ủng hộ việc cấm giảng dạy tính lỏng lẻo phái tính trong trường học”.
Dù có sự sửa đổi như trên, các tín hữu ở Parramatta vẫn cho rằng vị giám mục này tiếp tục có thiện cảm với nghị trình của các nhà tranh đấu cho bản sắc phái tính.
Các người chỉ trích ngài nhắc đến tuyên bố ngày 5 tháng 5 của ngài, trong đó có điều nhấn mạnh rằng dự luật không được “cấm trường học hỗ trợ trẻ em vốn đã có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề vì các vấn đề về bản sắc phái tính”. Họ cũng trích dẫn những lời vị giám mục này trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Amoris Laetitia, rằng “những người trẻ cần được giúp đỡ để chấp nhận cơ thể của chính họ như nó đã được tạo dựng”, và chính ngài nói rằng “điều quan trọng là cộng đồng trường học có thể thách thức các thái độ không lành mạnh, thiếu hiểu biết và kỳ thị”.
Theo tờ The Sydney Morning Herald, Dallas McInerney, giám đốc điều hành các Trường Công Giáo NSW, một định chế ủng hộ dự luật và ủng hộ các cuộc biểu tình, hoan nghênh bản góp ý mới của Đức Cha Long. Ông nói “[Chúng tôi] mong muốn được tương tác hơn nữa với cuộc điều tra của ông Latham về vấn đề này vì nay chúng tôi được thuận lợi nhờ một chủ trương nhất trí hơn”.
Trong khi đó, theo Pentin, các giáo dân vẫn tiếp tục gây áp lực.
Zana, một người Công Giáo ở Parramatta, nói với tờ Register: “bản góp ý mới của Đức Giám Mục không được coi như một thắng lợi lớn gì cả. Đó là một sự xoa dịu để chúng tôi im tiếng, trong khi ngài vẫn tiếp tục các nghị trình không trung thành của ngài trong nhiều lĩnh vực".
Bernadette Ching, người đã dẫn đầu nhiều cuộc phản đối vị giám mục, cho biết cô không đồng ý với Latham khi cho rằng Đức Cha Long đã rút lại bản góp ý ban đầu của ngài vì cô tin rằng vị giám mục vẫn muốn một chương trình giảng dạy mới được thực hiện để tiếp tục cổ vũ nghị trình LGBT. Ching nói rằng vị giám mục nhắc đến các văn kiện của Vatican và của Đức Giáo Hoàng, nhưng lại “bất chấp chữ nghĩa những điều Đức Giáo Hoàng đã nói” - rằng việc giảng dạy các vấn đề LGBT trong trường học “là nhồi sọ”.
Cô nói với Register, "Công Giáo có nghĩa là phổ quát. Chúng tôi hoan nghênh mọi người học hỏi giáo huấn của Chúa Kitô, nhưng điều mà Đức ChaLong muốn nói về việc này là chúng ta cần học hỏi thêm về tội lỗi [của những người đồng tính luyến ái] để khiến họ cảm thấy được chào đón. Vậy tại sao không dạy trẻ em giết người và ngoại tình nữa?”
Một giáo dân khác, Craig Donaldson, cho biết ông nhận thấy bản góp ý sửa đổi là “tẻ nhạt và sai lầm,” và nêu vấn đề với lời khẳng định của nó là giáo phận “được các gia đình địa phương tin tưởng” về các vấn đề giáo dục nhạy cảm. Ông nhấn mạnh: “Giáo phận không được các gia đình địa phương tin tưởng” về những vấn đề này, đồng thời ông nói thêm rằng một số phụ huynh đã lấy con em họ ra khỏi các trường học trong giáo phận “vì họ quá lo ngại về việc thúc đẩy nghị trình”. Ông cũng nói rằng sự hợp tác hứa với phụ huynh đã không thành hiện thực và vị giám mục “tránh bất cứ sự can dự nào”.
Việc phản đối phương thức của Đức Cha Long đối với dự luật tiếp theo những lo ngại trước đó đối với văn phòng giáo dục của giáo phận và lập trường của cơ quan này đối với các mối liên hệ đồng tính, bao gồm chương trình giảng dạy ở trường học mới có thiện cảm với nghị trình LGBT. Các giáo dân cũng có những khiếu nại khác chống lại vị giám mục bao gồm những lo ngại về chương trình giảng dạy (rằng nó chứa các môn học “gây chia rẽ” như Black Lives Matter [sinh mạng da đen quan yếu] và thuyết phiếm thần) và các cáo buộc tham nhũng tài chính và quản lý kém.
Điều này dẫn đến một số kiến nghị do giáo dân lãnh đạo cũng như kháng cáo được gửi đến Bộ Giáo lý Đức tin, kêu gọi Đức Cha Long, vị tổng đại diện phụ trách giáo dục, Cha Chris de Souza, và ông Greg Whitby từ chức.
Các tín hữu của giáo phận tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình lần chuỗi Mân Côi bên ngoài văn phòng giám mục, cuộc biểu tình mới nhất diễn ra vào ngày 13 tháng 5, lễ Đức Mẹ Fatima và Lễ Chúa Thăng Thiên.