1. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục sau khi hai phụ nữ Á Châu bị đâm.

Ðức Cha Salvatore Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, đã kêu gọi người Công Giáo địa phương “tham gia cầu nguyện, chầu Thánh Thể và ăn chay để chấm dứt bạo lực và hận thù”, sau khi hai phụ nữ Á châu bị đâm tại một trạm xe buýt ở trung tâm thành phố San Francisco chiều ngày thứ Ba 4 tháng 5.

Cả hai nạn nhân được đưa đến các bệnh viện gần đó, trong đó có một cụ bà 85 tuổi phải tiến hành phẫu thuật.

Trong một tuyên bố, Ðức Tổng Giám Mục Cordileone viết: “Bạo lực đã xảy ra một lần nữa. Lần này, hai phụ nữ Á châu bị đâm trên đường phố San Francisco giữa ban ngày. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Thành phố thân yêu của chúng ta đang trở nên tồi tệ hơn. Tenderloin là trung tâm của tình trạng vô gia cư và nghèo đói. Các giải pháp đòi hỏi có những ý tưởng mới và sáng tạo, cũng như một cái nhìn cứng rắn và trung thực về một số thực tế rất đau đớn.”

Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói rằng nếu mọi người hiệp nhất với nhau trong tình yêu sâu sắc đối với thành phố và người dân thì điều tồi tệ sẽ không xảy ra.

Ngài kêu gọi: “Chúng ta phải ngừng thù ghét nhau. Chúng ta phải nhận ra tha nhân không phải là đối tượng của bạo lực hoặc thù hận, mà là anh chị em được dựng nên theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Ðây là một thách đố lớn đối với tất cả chúng ta. Tôi xin các tín hữu Công Giáo San Francisco tham gia cầu nguyện, chầu Thánh Thể và ăn chay để chấm dứt bạo lực và hận thù.” Đức Tổng Giám Mục đã kết thúc lá thư với lời nguyện: “Lạy thánh Phanxicô, Ðấng bảo trợ của San Francisco, xin cầu cho chúng con.”

Theo một nhân chứng, người đàn ông đã tấn công các phụ nữ và bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra.

Hai tiếng sau đó, cảnh sát San Francisco đã bắt tên Patrick Thompson, 54 tuổi.
Source:Catholic News Agency

2. Từ nhân chứng Giê-hô-va trở thành linh mục Công Giáo

Miguel Mendoza, 25 tuổi, người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, được tấn phong phó tế ngày 13 tháng 2 vừa qua, cùng với 8 chủng sinh khác của tổng giáo phận Denver, Colorado, nơi anh sinh ra. Từng là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh sẽ được phong chức linh mục Công Giáo trong những tháng tới.

Trong một bài báo trên trang web El Pueblo Católico, thuộc tổng giáo phận Denver, vị phó tế trẻ tuổi nói về câu chuyện của gia đình anh:

Khi tôi chào đời, họ đã là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi biết rằng mẹ tôi muốn trở thành một nữ tu khi bà ở Mễ Tây Cơ, nhưng bà ngoại tôi không đồng ý. Sau đó ít lâu, họ từ bỏ đức tin Công Giáo và tìm đến với giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va.

Miguel biết ơn vì mẹ anh đã truyền cho anh “tình yêu thương chân thật của Thiên Chúa”, mặc dù anh nhận xét rằng “Các Nhân chứng Giê-hô-va có ý tưởng khác với người Công Giáo”. Về vấn đề này, vị tân phó tế giải thích:

Các nhân chứng Giê-hô-va hiểu không đúng về đức tin Công Giáo. Họ không đồng ý với các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và gần như có sự căm thù đối với Giáo Hội. Và tôi lớn lên cùng với suy nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là một điều tốt.

Miguel quyết định tìm hiểu thêm về Công Giáo khi 16 tuổi. “Tôi muốn biết tại sao chúng tôi chống lại Giáo Hội Công Giáo, tại sao các nhân chứng Giê-hô-va cho rằng Giáo Hội Công Giáo 'dạy những điều sai trái', như 'tôn thờ' Đức Mẹ Đồng trinh hoặc 'tôn thờ' giáo hoàng, và những điều được coi là sai trái khác nữa”.

Chính trong quá trình nghiên cứu, anh đã tìm hiểu sâu về các câu hỏi về chức tư tế từ bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang cử hành Thánh lễ. Miguel muốn biết thêm về lễ phục phụng vụ, về bàn thờ và về những người quỳ gối trước “mảnh bánh mỳ.” Và càng nghiên cứu, tìm hiểu, anh càng thấy hứng thú.

“Tôi cảm nhận được ơn gọi,” anh nói với El Pueblo Católico. “Chúa đã kêu gọi tôi làm điều gì đó đẹp đẽ như cử hành thánh lễ và đưa Chúa Kitô lên bàn thờ. Tôi quyết định xin được rửa tội. Và hai năm sau tôi vào chủng viện”.

Đó chỉ là sự khởi đầu của điều kỳ diệu của niềm tin. Không chỉ Miguel trở lại với Giáo Hội, mà anh trai của anh cũng trở về, và sau đó là mẹ và cha của anh.

Hôm nay, toàn thể gia đình của linh mục tương lai Miguel Mendoza cử hành đức tin Công Giáo. Họ mong chờ vị phó tế trẻ tuổi đã bị mê hoặc bởi chân lý của Giáo hội được sớm truyền chức linh mục.
Source:Aleteia

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan lên tiếng về cuộc khủng hoảng luân lý tại Âu châu.

Ðức Tổng giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, tố giác rằng Âu châu đang bị suy tàn vì một cuộc khủng hoảng luân lý: dân chúng hiểu lầm tự do là được sống đồi trụy. Nhưng đại lục này có thể được cứu thoát, nếu dân chúng vâng phục Chúa Giêsu và hiểu rằng tự do là phục vụ và hy sinh.

Đức Cha Gadecki cũng là Tổng giám mục giáo phận Poznan. Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong bài giảng thánh lễ ngày 3 tháng 5 năm 2021, lễ kính Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan, cùng với các giám mục thuộc ban Thường vụ Hội đồng Giám mục, tại Ðền thánh Ðức Mẹ Jasna Góra, ở thành phố Czestochowa.

Ðức Tổng giám mục trình bày một suy tư về bản chất tự do trong thế giới ngày nay và nhận định rằng: “Các cá nhân và quốc gia yêu mến tự do và tìm kiếm tự do, đó là một dấu chỉ tích cực trong thời đại chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, có nhiều người nghĩ rằng có một thứ tự do tuyệt đối và cho rằng tự do đòi phải độc lập đối với mọi nguyên tắc luân lý... Sự mê tín này đặc biệt thường thấy trong thế giới khoa học và nghệ thuật. Người ta cho rằng nhà khoa học phải được sự tiến bộ của kiến thức hướng dẫn, và nghệ nhân biểu lộ các ý tưởng của mình, bất chấp mọi nguyên tắc luân lý. Nếu đúng như vậy, thì có nghĩa là các bác sĩ Ðức đã thí nghiệm trên các tù nhân ở các trại tập trung có toàn quyền được hành động như thế và họ hoàn toàn vô tội”.

Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan cũng nhận xét rằng: “Dân chúng thường dễ nhận ra các cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, và đẩy lùi các cuộc khủng hoảng tâm trí, tinh thần và luân lý vào hậu trường, mặc dù những cuộc khủng hoảng thuộc loại này là nguy hiểm nhất: nay các cuộc khủng hoảng này đang bao phủ Âu châu và đang làm hư hỏng Ba Lan. Tuy nhiên, mặc dù nhiều người thường hiểu tự do như là tự do sống đồi trụy, tôi xác tín rằng vâng phục Chúa Giêsu, nhờ Mẹ Maria vẫn còn là điều có thể và có sức thu hút... Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng là tự do làm điều thiện. Con người trở nên tự do theo mức độ họ nhận biết sự thật, theo mức độ sự thiện hướng dẫn ý chí của họ, chứ không phải là sức mạnh nào khác. Tự do của Chúa Giêsu là để phục vụ. Tự do theo tinh thần Kitô là noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã hiến mình, hy sinh trên thập giá... Chúng ta cần nhau để hăng say theo mẫu gương phục vụ vô song mà Mẹ Maria và là Mẹ Nữ Vương để lại cho chúng ta”.

90% dân Ba Lan là tín hữu Công Giáo, nhưng trong những năm gần đây có sự sa sút về tôn giáo: số người dự lễ giảm sút và số người bỏ đạo gia tăng. Tiến trình này càng được đẩy mạnh với những việc tiết lộ những vụ lạm dụng tính dục và có những giám mục che đậy các vụ đó. Vụ tòa án tối cao Ba Lan cấm phá thai càng làm cho một số thành phần trong dân Ba Lan phẫn nộ và quy trách cho Giáo hội.
Source:Deon

4. Cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 tại Đền thánh Fatima

Thông cáo của Ban giám đốc Đền thánh, được công bố ngày 5 tháng 5 vừa qua cho biết: “Cộng tác với nhà chức trách y tế, một lần nữa Đền thánh sẽ đón tiếp các tín hữu hành hương, với các biện pháp an ninh tối đa, theo các qui luật hiện hành trong tình trạng đại dịch đối với tất cả các buổi lễ. Chẳng hạn, các tín hữu phải mang khẩu trang, giữ giãn cách xã hội, và khử trùng tay.

Trong cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 năm ngoái, các buổi lễ kỷ niệm Đức Mẹ bắt đầu hiện ra tại Fatima được cử hành nhưng không có các tín hữu hành hương, ngoại trừ một đoàn đại diện tượng trưng. Tiếp đến ngày 13 tháng 10 năm ngoái, kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã có 6,000 tín hữu hành hương được tham dự.

Cuộc hành hương ngày 13 tháng 5 tới đây có chủ đề là “Hãy chúc tụng Chúa, Đấng nâng người yếu đuối trỗi dậy”. Chủ sự cuộc hành hương là Đức Hồng Y José Tolentino Mendoxa, người Bồ Đào Nha, Thư viện trưởng của Tòa thánh.

Tại Quảng trường có vẽ những vòng tròn nhỏ để các tín hữu đứng tại đó, giữ sự giãn cách đối với nhau.

Chương trình hành hương bắt đầu từ tối ngày 12 tháng 5, với buổi đọc kinh Mân côi lúc 9 giờ 30, và theo đó là cuộc rước nến, và cử hành Phụng vụ Lời Chúa.

Ngày 13 tháng 5, lúc 9 giờ sáng có kinh Mân côi và sau đó là thánh lễ quốc tế lúc 10 giờ. Ban chiều lúc 5 giờ, có cuộc đọc kinh Mân côi marathon để cầu cho đại dịch chấm dứt, do Đức Thánh Cha đề xướng, và ý chỉ cầu nguyện là cầu cho tất cả các tù nhân.
Source:Agencia