1. Nữ tu làm video cho thấy trong 33 phút đầu tiên lửa thánh từ Mộ Chúa không hề làm phỏng khi giơ vào mặt

Như chúng tôi đã tường thuật, trưa ngày thứ Bẩy 1 tháng Năm, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã xảy ra.

Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp đã cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Mộ Chúa, hai tay cầm hai bó nến.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết lửa này rất đặc biệt, trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa. Các nữ tu Chính Thống Giáo tại Giêrusalem đã làm một video cho thấy họ giơ ngọn lửa vào mặt mình mà không bị phỏng.

Sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, Ngài đã hiện ra cho các môn đệ. Lúc đó ông Tôma vắng mặt. Khi nghe kể lại, Tôma đòi được chạm đến những vết thương của Đức Giêsu thì ông mới tin.

Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Các nữ tu thực hiện video này nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin. Tuy nhiên, cũng có những người không may mắn có được phúc ấy. Họ không nên bị loại trừ. Vì thế, chúng tôi làm video này để họ cũng có thể thốt lên như Thánh Tôma: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’”.
Source:Reuters

2. Tình hình nghiêm trọng tại Ấn Độ

Các bác sĩ và y tá tập sự ở Ấn Độ đang bị rút khỏi kỳ thi để tham gia cuộc chiến chống lại đợt nhiễm bệnh vì COVID-19 lớn nhất thế giới.

Hôm thứ Ba, một máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã chuyên chở các bình oxy và viện trợ khi Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên thế giới chạy đua để quyên góp tiếp tế trong bối cảnh hệ thống y tế của Ấn Độ bị sụp đổ.

Tổng số ca nhiễm của Ấn Độ đã tăng lên hơn 20 triệu.

Các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế có thể cao gấp 5 đến 10 lần.

Tại ngôi đền ngoại ô New Delhi này, các tình nguyện viên làm việc dưới những chiếc lều tạm bợ.

Cứ sau 20 phút lại có một bệnh nhân cần thở oxy.

Những lò hỏa táng quá tải với xác chết đã trở thành cảnh tượng phổ biến trong vài tuần qua.

Tại một bệnh viện ở thành phố Pune, bác sĩ Mekund Penurkar đã trở lại làm việc chỉ vài ngày sau khi cha mình qua đời vì COVID-19.

Anh ấy nói rằng bệnh nhân của anh ấy cần mọi sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được.

“Cha tôi đã qua đời vào thứ Hai. Tôi phải bắt đầu làm việc trở lại vào thứ Tư, bởi vì tình hình chung quá khó khăn, chúng tôi không thể chỉ nghỉ ngơi ở nhà và nhìn thấy sự đau đớn của người khác. Vì bản thân tôi đã phải trải qua hoàn cảnh như vậy, tôi không thể phó mặc những bệnh nhân khác cho số phận của họ. “

Ít nhất 11 bang và khu vực đã ra lệnh đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã miễn cưỡng ra lệnh đóng cửa quốc gia vì sợ ảnh hưởng kinh tế.

Mặc dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ không có đủ cho mình.

Những nỗ lực đã bị cản trở do thiếu nguyên liệu thô và vụ hỏa hoạn tại Viện Huyết thanh, nơi sản xuất vắc-xin AstraZeneca.
Source:Reuters

3. Phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Ba Lan

Hôm thứ Hai, 03 tháng 5, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã nhóm phiên khoáng đại thường niên tại đan viện Jasna Góra. Nội dung tập trung vào các đề tài: lễ phong chân phước cho Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski, dự kiến vào ngày 12 tháng 9 năm 2021; chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch; cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II; và cử hành phụng vụ và tái dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức Cha Artur G. Mizinski, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục cho biết, theo chương trình nghị sự, trước hết, các Giám mục bàn về việc chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch. Cụ thể, các vị mục tử tổng hợp tất cả những gì Giáo hội đã làm trong những tháng gần đây.

Ðề tài thảo luận tiếp theo của các Giám mục liên quan đến việc cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II. Thực tế, nhiều sáng kiến đã được lên kế hoạch cho năm 2020, trong đó có các cuộc hành hương quốc gia đến mộ Thánh Giáo hoàng tại Ðền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, đã không thể thực hiện được do đại dịch. Vì vậy, các Giám mục tập trung suy tư về cách sống cho những tháng cuối của năm thánh, “không chỉ liên quan đến việc tưởng nhớ, nhưng là những suy tư sâu sắc hơn về những lời giảng dạy của Thánh Gioan Phaolô II”.

Ngoài ra, trong các giờ thảo luận, các Giám mục còn chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2021 tại đền thánh Kalwaria Zebrzydowska ở Krakow. Đức Cha Mizinski nhấn mạnh rằng, cử hành phụng vụ, trung tâm của buổi gặp gỡ này, sẽ là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tại Thánh lễ trọng thể này sẽ có cử hành việc tái thánh hiến quốc gia Ba Lan cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhân dịp 100 năm sự kiện này. Vào năm 1920, trước sự tấn công của Hồng quân, các Giám mục Ba Lan đã tập trung tại Jasna Góra để thánh hiến quốc gia cho Thánh Tâm.

Sau cùng, cũng vào ngày 03 tháng 5, tại đền thánh Czestochowa, Đức Cha Stanislaw Gadeck, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, chủ sự Thánh lễ kính Ðức Mẹ Jasna Góra, Nữ Vương Ba Lan, trong sự hiệp thông với Ðức Thánh Cha và toàn thể các tín hữu trên thế giới cùng cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Và tinh thần hiệp thông được tiếp tục vào lúc 18 giờ bằng giờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi.
Source:Catholic News Agency

4. Cầu nguyện toàn cầu cho sự kết thúc của đại dịch tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra

Hôm thứ Hai 3 Tháng Năm, Đền thờ Công Giáo Ba Lan Jasna Góra đã tham gia vào cuộc marathon lần hạt toàn cầu để chấm dứt đại dịch coronavirus.

Đền thánh ở Częstochowa, miền nam Ba Lan, là ngôi đền thứ ba trong số 30 đền thờ Công Giáo trên toàn thế giới được chọn để lần hạt trong sáng kiến kéo dài một tháng do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động.

Cha Samuel Pacholski, Bề trên Tu viện Jasna Góra, nơi có bức tượng Đức Mẹ Đen của Częstochowa, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy vinh dự và đặc ân khi tham gia cuộc marathon cầu nguyện này”.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu cuộc marathon cầu nguyện vào ngày thứ Bẩy 1 tháng 5, ngày bắt đầu tháng Hoa truyền thống kính Đức Mẹ, khi ngài lần hạt Mân Côi ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sáng kiến này sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 5 tại vườn Vatican.

Đền thờ đầu tiên cử hành sự kiện này là Walsingham ở Anh vào ngày 1 tháng 5, tiếp theo là đền thờ Chúa Cứu thế và Mẹ Maria ở Elele, Nigeria, vào ngày 2 tháng 5.

Bổi lần chuỗi Mân Côi diễn ra tại Jasna Góra lúc 6 giờ chiều giờ địa phương và được phát trực tiếp. Cộng đoàn đã lần hạt Năm Sự Vui bằng năm thứ tiếng khác nhau.

Sự kiện này rơi vào một ngày quan trọng đối với người Công Giáo Ba Lan. Ngày 3 tháng 5 đánh dấu Lễ Đức Mẹ Đồng trinh Maria, Nữ vương Ba Lan, cũng là Ngày Hiến pháp, một ngày lễ nghỉ quốc gia.

Người Ba Lan đã tôn kính Đức Maria là Nữ vương Ba Lan kể từ khi Vua John Casimir Đệ Nhị tuyên bố Đức Mẹ là “Nữ vương của Vương triều Ba Lan” vào năm 1656. Lễ ngày 3 tháng 5 được thiết lập theo yêu cầu của các giám mục Ba Lan sau khi đất nước giành lại độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Ngày Hiến pháp kỷ niệm việc thông qua Hiến pháp Ba Lan vào ngày 3 tháng 5 năm 1791.

Ngoài cuộc thi marathon cầu nguyện, đền thờ còn tổ chức cuộc họp của hội đồng thường trực của hội đồng giám mục Ba Lan vào ngày 3 tháng 5. Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã chủ trì một thánh lễ tại đền thờ đánh dấu ngày lễ Đức Mẹ.
Source:Catholic News Agency

5. Kết quả công nghị tuyên thánh ngày 3/5/2021

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì công nghị để chuẩn y việc tuyên thánh cho bảy vị chân phước vào hôm thứ Hai 5 tháng 5.

Công nghị đã diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 3 tháng 5 theo giờ địa phương tại phòng họp Công nghị tại điện Tông Tòa của Vatican với các vị Hồng Y hiện đang cư trú hoặc đến thăm Rôma.

Công nghị đã được mở đầu với Kinh Giờ Ba, hay lời cầu nguyện giữa buổi sáng, từ Phụng vụ Các Giờ Kinh.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, sau đó trình bày tóm tắt về cuộc đời của bảy vị cho Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y.

Các Hồng Y đã bỏ phiếu đồng thuận đối với các án tuyên thánh này.

Cuộc bỏ phiếu này là bước cuối cùng trong quy trình tuyên thánh và mở đường cho việc xác định một ngày được ấn định cho một Thánh lễ tuyên thánh.

Trái với thông lệ, Vatican đã không công bố ngày hoặc địa điểm của các lễ phong thánh vào hôm thứ Hai. Điều này không có gì khó hiểu, xét vì các khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện giữa bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành trên thế giới.

Vatican News nói rằng bảy ứng cử viên sẽ được “đưa lên bàn thờ trong những tuần và những tháng tới, theo một lịch trình sẽ được ấn định sau”.

Nhân vật nổi bật nhất trong số bảy người là Charles de Foucauld, nhà truyền giáo người Pháp bị giết ở Algeria năm 1916. Ngài là một người lính, một nhà thám hiểm, người trở lại đạo Công Giáo, linh mục, ẩn sĩ và tu sĩ phục vụ những người Tuareg ở sa mạc Sahara ở Angiêri.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn án tuyên thánh cho Chân Phước Charles de Foucauld vào tháng 5 năm 2020.

Công nghị đã cũng đã bỏ phiếu về việc tuyên thánh cho Devasahayam Pillai, một giáo dân người Ấn Độ, đã chịu tử đạo sau khi cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Công Giáo vào thế kỷ 18.

Pillai, người còn được biết đến với tên rửa tội là Lazarus, đã được tuyên chân phước vào năm 2012 ở miền nam Ấn Độ. Ông sẽ là người giáo dân Công Giáo đầu tiên ở Ấn Độ được tuyên thánh.

Các án tuyên thánh khác được xét đến liên quan đến Chân Phước Maria Francesca của Chúa Giêsu (nhũ danh Anna Maria Rubatto), là vị sáng lập dòng Ba Capuchin Tertiary các Nữ tử miền Loano, và Chân Phước Maria Domenica Mantovani, đồng sáng lập và là Bề trên tổng quyền đầu tiên của Tu viện Các Chị Em Gia đình Thánh Gia.

Các Hồng Y cũng đã bỏ phiếu về tuyên thánh cho ba linh mục đã thành lập các dòng và tu viện: Chân Phước César de Bus, Chân Phước Luigi Maria Palazzolo, và Chân Phước Giustino Maria Russolillo.

Ngoài việc thông qua các án tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã quyết định công bố việc nâng 8 Hồng Y từ đẳng phó tế lên đẳng linh mục.

Tưởng cũng nên biết, Hồng Y đoàn được chia thành ba cấp bậc: Hồng Y phó tế, Hồng Y linh mục và Hồng Y giám mục.

Khi một vị Giám Mục đang coi sóc một giáo phận hay một tổng giáo phận được nâng lên hàng Hồng Y, ngài thuộc vào hàng Hồng Y linh mục. Nhưng một vị đang phục vụ trong giáo triều Rôma, khi được nâng lên hàng Hồng Y, thì hầu chắc ngài thuộc vào hàng Hồng Y phó tế.

Mười năm sau khi nhận được chiếc mũ đỏ, các Hồng Y phó tế có thể yêu cầu Đức Giáo Hoàng nâng họ lên hàng Hồng Y linh mục và lựa chọn một nhà thờ hiệu tòa. Thực hành này được gọi bằng tiếng Latinh là “Optatio”.

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết vào ngày thứ Hai, tám Hồng Y đã được nâng từ Hồng Y phó tế lên Hồng Y linh mục: Đó là các Đức Hồng Y Angelo Amato (hiệu tòa Santa Maria ở Aquiro); Robert Sarah (hiệu tòa San Giovanni Bosco ở Via Tuscolana); Francesco Monterisi (hiệu tòa San Paolo alla Regola); Raymond Leo Burke (hiệu tòa Sant’Agata de ’Goti); Kurt Koch (hiệu tòa Nostra Signora del S. Cuore); Mauro Piacenza (hiệu tòa San Paolo alle Tre Fontane); Gianfranco Ravasi (hiệu tòa San Giorgio ở Velabro); và Walter Brandmüller (hiệu tòa San Giuliano dei Fiamminghi).
Source:Catholic News Agency