1. Những người Công Giáo trẻ tuổi treo biểu ngữ để phản đối việc treo cờ cầu vồng trên Nhà thờ cổ nhất của Vienna
Những người Công Giáo trẻ tuổi đã treo một biểu ngữ tuyên bố “Roma locuta, causa finita”, nghĩa là Rôma đã lên tiếng, vụ việc đã khép lại, bên dưới một lá cờ cầu vồng trên nhà thờ lâu đời nhất của Vienna.
Một video được đăng lên YouTube ngày 26 tháng 4 cho thấy những người trẻ tuổi leo lên tường của Nhà thờ St. Rupert vào ban đêm và treo một biểu ngữ với nội dung: “Chúa không thể chúc lành cho tội lỗi. Roma locuta, causa finita”.
Đoạn video giải thích rằng họ đã thực hiện hành động trên sau khi một lá cờ cầu vồng, còn được gọi là cờ tự hào LGBT, được treo từ tháp của nhà thờ để phản đối việc Bộ Giáo Lý Đức Tin nói “không” đối với việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.
Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một bản phúc đáp vào ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi, “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính hay không?” Bộ Giáo lý Đức tin đã trả lời là ‘Không thể’ và phác thảo các lý luận của mình trong một lưu ý giải thích, kèm theo lời bình luận.
Văn bản giải thích, được ký bởi Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi, thư ký của Bộ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho tất cả “những con cái của Ngài trên đường lữ thứ trần gian”.
“Nhưng Ngài không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.
Các nhà vận động ở Áo và Đức đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức một ngày chúc phúc cho những người đồng giới vào ngày 10 tháng 5 bất chấp tuyên bố của Vatican, được đưa ra với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Các bạn trẻ đã treo biểu ngữ phản đối cờ cầu vồng tại Nhà thờ Thánh Rupert nói với CNA rằng họ coi việc treo lá cờ cầu vồng là một “sự khiêu khích”.
“Một mặt, chúng tôi muốn chứng tỏ rằng một hành động khiêu khích như vậy không thể được dung thứ ở Vienna và mặt khác, chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể kích hoạt một số viên chức suy nghĩ lại.”
“Chúng tôi cũng nghĩ rằng một hành động như vậy có thể mang lại cho những người Công Giáo khác lòng can đảm và hy vọng. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sẽ không cần có thêm hành động nào nữa, nhưng nếu có một hành động khác, thì nó sẽ xuất phát từ cùng một ý định, đó là bảo vệ đức tin Công Giáo.”
Source:National Catholic Register
2. Lệnh cấm thánh lễ được dỡ bỏ tại Ái Nhĩ Lan từ ngày 10 tháng 5
Trong một diễn biến đáng mừng, Thủ tướng Micheál Martin đã xác nhận rằng một lệnh cấm gây tranh cãi về việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được dỡ bỏ vào ngày 10 tháng 5. Điều này có nghĩa là người Công Giáo sẽ được tự do tham dự Thánh lễ mà không sợ bị kết tội hình sự.
Trong suốt 30 tuần qua, các tín hữu Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan đã bị cấm tham dự Thánh lễ trong suốt 27 tuần. Chính phủ Ái Nhĩ Lan gần đây còn đưa ra những lời cảnh cáo kết tội hình sự với các linh mục và những người tham dự Thánh lễ, với án tù nhẹ nhất là sáu tháng.
Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin đã mô tả các điều khoản hình sự là vừa “hà khắc” vừa “khiêu khích”.
Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối thứ Năm 29 Tháng Tư, ông Martin xác nhận rằng lệnh cấm này sẽ tiếp tục trong gần hai tuần nữa, nhưng kể từ ngày 10 tháng Năm, cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được cho phép.
Tuy nhiên, số lượng sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 50 người bất kể mọi người đã được tiêm phòng hay chưa và bất chấp quy mô của nhà thờ.
Giới hạn tối đa 50 người cũng được áp dụng cho tang lễ và lễ cưới, tuy nhiên tiệc cưới phải chỉ giới hạn ở mức 6 người nếu diễn ra trong nhà và 15 người nếu chiêu đãi ngoài trời.
Chính phủ Ái Nhĩ Lan đã áp đặt những hạn chế hà khắc nhất đối với các cử hành tôn giáo ở Âu Châu và hiện là quốc gia duy nhất trong Liên minh Âu Châu có lệnh cấm người dân tham dự các thánh lễ.
Trong khi đó tại Bắc Ái Nhĩ Lan, việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự đã được cho phép kể từ ngày 26 tháng Ba.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, doanh nhân Công Giáo Declan Ganley đã thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm tại tòa án. Vụ án đã nhiều lần bị hoãn lại, với phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao đưa ra vào ngày 17 Tháng Tư hoãn vụ án đến ngày 18 Tháng Năm.
Source:Irish Catholic
3. Thống đốc Arizona Doug Ducey ban hành luật cấm phá thai đối với trẻ mắc hội chứng Down
Thống đốc Arizona Doug Ducey đã ký ban hành một luật ủng hộ cuộc sống, cấm phá thai vì phân biệt đối xử đối với những thai nhi có những bất thường về gen chẳng hạn như di truyền hội chứng Down.
“Mỗi cuộc sống đều có giá trị vô biên - bất kể cấu tạo gen,” Thống đốc Ducey nói sau khi ký luật. “Chúng ta phải tiếp tục ưu tiên bảo vệ sự sống cho những đứa trẻ sơ sinh của chúng ta”.
Luật mới nghiêm cấm việc phá thai vì phân biệt đối xử từ các chẩn đoán trước khi sinh, đặc biệt là trong trường hợp thai nhi có hội chứng Down. Nó cũng đảm bảo rằng thuốc phá thai không được vận chuyển qua đường bưu điện, ngăn chặn việc sử dụng tiền thuế của người đóng thuế cho nghiên cứu liên quan đến thi hài các thai nhi sau khi phá thai và yêu cầu đối xử đàng hoàng và tôn trọng đối với thi hài của những đứa trẻ bị phá thai.
Dự luật cũng sẽ cấm các loại thuốc phá thai nguy hiểm được gửi qua đường bưu điện. Trước khi luật mới được ban hành phụ nữ có thể mua thuốc phá thai mà không cần đi khám hay gặp bác sĩ. Luật mới cũng cấm các trường công lập giới thiệu học sinh đến các cơ sở phá thai. Nó cũng yêu cầu hài cốt của những đứa trẻ bị phá thai phải được chôn cất hoặc hỏa táng.
Sự phân biệt đối xử trong việc phá thai xảy ra ở mức báo động, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn với những tiến bộ trong xét nghiệm trước khi sinh.
Tờ Telegraph đưa tin khoảng 90% trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với hội chứng Down ở Vương quốc Anh đều bị phá thai. Một báo cáo gần đây trên Tạp chí Journal of Human Genetics ở Âu Châu cho thấy số lượng trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down sinh ra ở Anh đã giảm 54% kể từ khi các xét nghiệm sàng lọc trước sinh được áp dụng cách đây khoảng một thập kỷ. Trong khi đó tại một số quốc gia Âu Châu, không có trẻ em nào mắc hội chứng Down được sinh ra.
Source:Life Site News
4. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ báo động: Quá nhiều linh mục ở Mỹ Latinh đang chết vì COVID-19
Hội Thánh tại Mỹ Châu Latinh đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch coronavirus. Số các linh mục ở nhiều quốc gia nhiễm bệnh và chết vì coronavirus đang tăng ở mức chóng mặt. Các ngài đã chống chọi với vi rút trong khi thực hiện công việc mục vụ của mình, hỗ trợ các tín hữu, và đồng hành với họ khi họ phải đối phó với những nỗi sợ hãi và đau đớn. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết như trên trong bản tin ngày 29 Tháng Tư.
Theo một tuyên bố gần đây được Hội đồng Giám mục Venezuela, gọi tắt là CEV, gửi tới ACN, các Giám Mục cho biết kể từ năm 2020, khi COVID-19 lần đầu tiên lan rộng khắp đất nước, 201 trong số 2002 linh mục, tức là 10%, các linh mục hiện đang phục vụ tại Venezuela, đã mắc bệnh. 24 linh mục đã chết sau đó.
CEV giải thích thêm rằng “những người phục vụ trong Giáo hội không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với COVID-19. Các linh mục nhiễm bệnh và các linh mục qua đời đã hoàn thành ơn gọi phục vụ cộng đồng, như các ‘Bác sĩ của Linh hồn’. Các ngài đã biết rằng, ngay cả khi đã thực hiện cẩn trọng mọi biện pháp phòng ngừa trong nhà thờ và tuân thủ mọi quy tắc vệ sinh, các ngài vẫn có nguy cơ lây nhiễm và do đó có nguy cơ tử vong”.
ACN nhận thấy rằng hoàn cảnh của các linh mục ở Mễ Tây Cơ thậm chí còn thảm khốc hơn. Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ đã báo cáo rằng, từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020 cho đến tháng 3 năm 2021, 5 giám mục, 221 linh mục và tu sĩ, 11 phó tế và 8 nữ tu đã chết vì căn bệnh quái ác này.
Tình hình ở Peru cũng rất nghiêm trọng. Đặc biệt xúc động là tin tức về cái chết của Đức Cha Luis Armando Bambarén Gastelumendi Dòng Tên, giám mục hiệu tòa của Chimbote và là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru. Ngài qua đời ngày 19 tháng 3. Cha Eduardo Peña Rivera, tuyên úy trưởng của Lực lượng Không quân Peru ở Piura, một khu vực phía bắc đất nước, cũng chết vì COVID-19 vào tháng Ba.
Columbia cũng đã chứng kiến sự mất mát một giám mục: Đức Cha Luis Adriano Piedrahita của Santa Marta qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 2021. Theo thông tin ACN nhận được, 10 linh mục Dòng Tên sống trong cùng một ngôi nhà ở quận Chapinero của Bogotá đã chết chỉ trong vòng hai tuần vào cuối năm 2020. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, 12 tu sĩ Dòng Tên trong toàn quốc Colombia nước đã chết vì vi rút Tầu độc địa này.
Source:Aid To The Church In Need