1. Cựu Bộ trưởng Nội các Sri Lanka bị bắt vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ khủng bố chống Kitô Giáo vào Lễ Phục sinh năm 2019

Hai năm sau khi các vụ đánh bom ở Sri Lanka giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào ngày lễ Phục sinh, cảnh sát hôm thứ Bảy đã bắt giữ một cựu bộ trưởng Sri Lanka và anh trai của ông ta vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.

Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo một đảng đối lập trong Quốc hội Sri Lanka và trước đây từng phục vụ trong nội các, và anh trai Reyaj của ông đã bị bắt tại Colombo ngày 24 tháng 4 vì bị cáo buộc “hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ đánh bom tự sát thực hiện cuộc thảm sát vào Chúa Nhật Phục sinh”, phát ngôn viên cảnh sát Ajith Rohana cho biết như trên, theo Associated Press. Hai anh em vẫn chưa bị buộc tội chính thức, nhưng Rohana cho biết có những bằng chứng trực tiếp, và “khoa học” về sự liên quan của họ trong các vụ tấn công.

Báo Ấn Độ The Hindu đưa tin rằng ông Rohana nhấn mạnh rằng: “Họ bị bắt sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra các giao dịch và đường dây liên lạc”.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, chín kẻ đánh bom liều chết nhắm vào hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu dân cư gần như đồng thời. Các vụ đánh bom xảy ra vào giữa các buổi lễ Chúa Nhật Phục sinh đã giết chết hơn 260 người và làm hơn 500 người bị thương.

Hai nhóm người Sri Lanka có quan hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị cáo buộc tổ chức các vụ tấn công.

Tình báo nước ngoài đã cảnh báo chính phủ trước các vụ đánh bom, nhưng cuộc tranh giành quyền lực và liên lạc đứt đoạn giữa tổng thống và thủ tướng vào thời điểm đó được cho là đã dẫn đến việc không thể phối hợp trong các phản ứng an ninh.
Source:Catholic News Agency

2. Phản ứng từ Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của thủ đô Columbo

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Columbo là người thẳng thắn ủng hộ việc điều tra thêm về các vụ đánh bom. Ngài chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ và bày tỏ lo ngại rằng tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố các thủ phạm và các cộng tác viên.

Hôm thứ Bảy, Rishad Bathiudeen, người vừa bị bắt, đã đăng lên Facebook rằng cảnh sát đã có mặt bên ngoài nhà anh ta từ sáng sớm và “đang cố bắt tôi dù không có chứng cứ buộc tội”.

“Họ đã bắt anh trai tôi rồi. Tôi đã ở trong Quốc hội và đã hợp tác với tất cả các cơ quan hợp pháp cho đến nay. Điều này thật bất công”, ông nói.

Luật sư của ông, Rushdie Habeeb, cho biết các vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Habeeb cho biết các vụ bắt giữ nhằm “trừng phạt giới lãnh đạo chính trị Hồi giáo, vốn không liên quan gì đến biến cố ngày 21 tháng 4, 2019, vì những hành vi đê tiện của một số thanh niên Hồi giáo, những người được nhiều người cho là đã bị các thế lực nước ngoài dùng làm con tốt”.

Bathiudeen từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Sri Lanka, và hiện lãnh đạo một đảng Hồi giáo thiểu số, là đảng chính trị đối lập. Anh trai Riyaj của ông bị bắt vào tháng 5 năm 2020 vì bị cáo buộc có liên hệ với những kẻ đánh bom tự sát nhưng được tại ngoại vào tháng 10.

Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta đã bị cáo buộc về những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom. Một số nghi phạm khác đã bị bắt nhưng cuối cùng đã được thả với lý do thiếu bằng chứng.

Vào thời điểm đó, Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đánh bom đã bị bắt giữ. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân bày tỏ lo ngại rằng việc thả các nghi phạm là dấu hiệu của tham nhũng hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng từ phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.

Bản thân Rishad Bathiudeen trước đó đã bị bắt vào tháng 10 vì cáo buộc chiếm đoạt tài nguyên nhà nước, và được tại ngoại vào tháng 11.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo và các tôn giáo khác đã kỷ niệm hai năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào ngày 21 tháng 4, và cầu nguyện mong cho chấm dứt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đức Hồng Y Ranjith đã cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo tham gia buổi lễ, và đã phát biểu tại Đền thờ Thánh Antôn, nơi xảy ra một trong những vụ đánh bom. Buổi lễ bao gồm những lời cầu nguyện và hai phút im lặng để tưởng nhớ những người đã khuất.

Ranjith đã yêu cầu cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và giúp người Công Giáo xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Giáo sĩ Hồi giáo Hassan Moulan cho biết đức tin Hồi giáo không biện minh cho tội ác, và nói rằng người Hồi giáo trên khắp thế giới lên án vụ tấn công. Cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka đã không cho phép chôn cất thi thể của những kẻ đánh bom liều chết trong nghĩa trang của họ, để tách biệt họ với Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency

3. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức tìm cách tách mình ra khỏi cuộc biểu tình chống Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 5

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức cho biết hôm thứ Tư rằng một cuộc biểu tình được dự trù diễn ra vào ngày 10 tháng 5 nhằm phản đối việc Vatican “không chúc lành cho các cặp đồng tính không phải là một dấu chỉ hữu ích”.

Giám mục Georg Bätzing cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 4 trên trang web của Hội Đồng Giám Mục rằng các buổi lễ chúc lành “không phù hợp để trở thành một công cụ cho các cuộc biểu tình chính trị hoặc các hành động phản đối Giáo hội”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo rằng Giám mục Bätzing đã đưa ra lập trường trên nhằm đáp lại lời kêu gọi người Công Giáo tham gia vào một cuộc biểu tình khổng lồ trên toàn quốc vào ngày 10 tháng 5 để phản đối phán quyết của Vatican, được ban hành vào tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuộc biểu tình này do phong trào “Segnungsgottesdiensten für Liebende”, nghĩa là “chúc lành cho những người yêu nhau” tổ chức. Các nhà tổ chức hy vọng rằng các cặp vợ chồng đồng tính trên toàn nước Đức sẽ tham gia vào sự kiện này.

Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã công bố một “Responsum ad dubium” nghiã là một bản “phúc đáp cho một vấn đề hồ nghi” ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng giới không?” CDF đã trả lời, ‘Không’ kèm với một bản giải thích và một lời bình luận.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng với một số giám mục Đức đã lên tiếng phản đối Tòa Thánh, và thách thức Tòa Thánh bằng cách tổ chức một cuộc chúc lành cho các cặp đồng tính lớn nhất trên thế giới vào ngày 10 tháng 5. Một số nhà thờ trong thế giới nói tiếng Đức còn treo cờ tự hào LGBT. Tuy nhiên, khi một số phong trào đòi biến ngày 10 tháng 5 thành một ngày biểu tình khổng lồ chống lại Tòa Thánh thì Giám mục Georg Bätzing, người được giới truyền thông Đức tung hô là “Neuer Papst”, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”, cảm thấy cần phải tách mình ra trò nguy hiểm này. Một cuộc biểu tình như thế có thể đẩy Tòa Thánh đến chỗ tung ra các phản ứng quyết liệt mà Georg Bätzing không thể lường trước được.

Trong tuyên bố của mình, Giám Mục Bätzing cho biết: “Sau khi hội đồng thường trực của Hội Đồng Giám Mục Đức trao đổi quan điểm cách đây vài ngày, tôi muốn tuyên bố một cách dứt khoát rằng: Tất nhiên, những người có xu hướng đồng tính luyến ái, bao gồm cả những người sống trong quan hệ đồng giới, có một vị trí trong Giáo hội. Họ được chào đón.”

“Nhiệm vụ mục vụ của Giáo hội là thực thi công lý cho tất cả những người này trong những hoàn cảnh cụ thể tương ứng trên con đường sống của họ và đồng hành với họ trong mục vụ”.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh này, tôi không coi các hành động công khai, chẳng hạn như những hành động được lên kế hoạch vào ngày 10 tháng 5, là một dấu chỉ hữu ích và là một con đường phía trước”.

“Các buổi lễ chúc lành có phẩm giá thần học và ý nghĩa mục vụ riêng của chúng. Chúng không phù hợp như một công cụ cho các biểu hiện chính trị-giáo hội hoặc các hành động phản đối”.

Bätzing, giám mục 60 tuổi của Limburg, lưu ý rằng ở Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới đã diễn ra các cuộc thảo luận trong nhiều năm về giáo huấn Công Giáo về luân lý tình dục, bao gồm cả đồng tính luyến ái.

Ông nói rằng những cuộc thảo luận này tập trung vào việc làm thế nào để giáo huấn của Giáo hội “có thể được phát triển hơn nữa với những lập luận khả thi - trên cơ sở các chân lý cơ bản của đức tin và đạo đức, các suy tư thần học tiến bộ, và cũng để mở ra những kết quả mới hơn trong khoa học nhân văn và trong các tình huống cuộc sống của con người ngày nay”.
Source:Catholic News Agency

4. Bức tranh Đức Mẹ Guadalupe tại một nhà thờ ở Los Angeles bị phá phách bằng búa tạ

Tuần trước, một người đàn ông đã dùng búa tạ để đập vỡ khuôn mặt Đức Mẹ Guadalupe trong một bức bích họa được vẽ trên gạch tại một nhà thờ ở Los Angeles.

Toàn bộ cảnh tấn công đã được ghi lại trên video camera an ninh tại Nhà thờ Công Giáo St. Elisabeth ở quận Van Nuys vào ngày 21 tháng 4.

Trang web của giáo xứ đã đăng những bức ảnh về thiệt hại và gọi vụ phá hoại là “một trong những khoảnh khắc đáng buồn nhất của chúng tôi” bên cạnh những gì mọi người đã phải chịu đựng trong đại dịch coronavirus.

Đức Trinh nữ Guadelupe được coi là trung tâm của bản sắc Mễ Tây Cơ và được tôn thờ như vị thánh bảo trợ của Mỹ châu.

Linh mục Vito Di Marzio, cha sở của nhà thờ, đã hướng dẫn anh chị em giáo dân và các học sinh “cầu nguyện cho hòa bình, hiệp nhất và trật tự trong cộng đồng giáo xứ cũng như cho người đã gây ra hành động xúc phạm này đối với Đức Mẹ”.

Sơ Angelie Marie Inoferio nói với KTLA-TV rằng sơ đau buồn vì vụ phá hoại.

“Chúng tôi không thể đánh giá điều gì thực sự bên trong con người này. Hiện tại, chúng tôi đang cầu nguyện, và hy vọng một ngày nào đó con người này sẽ hoán cải đạo và nhận ra rằng những gì mình đã làm là sai”.

Giáo xứ đã yêu cầu quyên góp để khôi phục lại bức tranh tường được vẽ cách đây 35 năm và lắp đặt một lớp vỏ bằng thủy tinh để bảo vệ.
Source:AP