1. Giám Mục Ấn Độ cho biết không còn chỗ trong nghĩa trang
Đức Cha Athanasius Rathna Swamy, Giám mục giáo phận Ahmedabad thuộc bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ, đã công bố thư mục vụ hôm 12/4 vừa qua, trong đó ngài báo động rằng nghĩa trang ở địa phương hầu như không còn chỗ vì lý do có quá nhiều người chết vì Covid-19 và được an táng theo thể thức thông thường. Vì thế, Đức Cha kêu gọi các tín hữu hãy hỏa táng thân nhân qua đời, tuy nhiên vẫn phải tôn trọng ý muốn của người quá cố, và phải cử hành lễ an táng một cách xứng đáng, kể cả trong thời kỳ đại dịch hiện nay.
Trong thư, Đức Cha Swamy cũng nhắc nhở rằng hỏa táng không phải là điều trái nghịch với giáo lý Công Giáo, và trong tình trạng đại dịch hiện nay, các tín hữu nên hỏa táng người quá cố, không những vì tình trạng thiếu chỗ trong nghĩa trang, nhưng còn vì những lý do vệ sinh.
Cha Jelastin, đặc trách các nghĩa trang ở vùng Sabarmati nói với hãng tin Ucan rằng dân chúng vẫn muốn an táng bình thường hơn là hỏa táng, vì họ đã quen với lối an táng này và cảm thấy nó thánh thiêng hơn.
Tại Ấn Độ, mặc dù có những tiến bộ lớn trong chiến dịch chích ngừa, nhưng số người bị lây nhiễm Coronavirus tiếp tục gia tăng. Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 11/4 vừa qua, các ca nhiễm tăng từ 72,000 trong một ngày lên gần 170,000 trong một ngày. Vì thế, Ấn Độ cùng với Mỹ và Brazil là ba nước có tỷ lệ người lây nhiễm cao nhất thế giới. Vì các biện pháp hạn chế mới, nhiều công nhân di dân lại chạy về các thành phố lớn. Năm ngoái, vì đại dịch, với các biện pháp chống Covid-19, trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Sáu, đã có ít nhất hai triệu rưỡi công nhân di dân bị mất công ăn việc làm. Do đó ít nhất một triệu người đã trở về làng quê của họ, nhiều khi đi bộ hoặc đi xe đạp, và hiện tượng này càng góp phần làm gia tăng số người bị lây nhiễm tại các nơi trong nước.
Theo Pew Research, năm ngoái có 75 triệu người Ấn Độ lâm vào tình trạng dưới mức nghèo đói vì Coronavirus, nghĩa là những người sống với hai Mỹ kim một ngày.
Source:UCANews
2. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: Cuộc khủng hoảng Covid của Brazil đã không còn chừa một ai
Đức Thánh Cha Phanxicô liên đới và gần gũi với các giám mục và toàn dân Brazil, đang chịu đau thương vì đại dịch và ngài mời gọi các giám mục tin tưởng, hy vọng và tăng cường tình đoàn kết để vượt thắng những thách đố hiện nay.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp Video gửi các giám mục Brazil đang nhóm đại hội lần thứ 58, từ ngày 12 đến 16 tháng 4 năm 2021, giữa lúc đất nước Brazil đang phải đối phó với đại dịch Covid-19: cho đến nay đã có hơn 13 triệu rưỡi ca nhiễm và hơn 353,000 người chết.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc đến và bày tỏ sự gần gũi với hàng trăm ngàn gia đình Brazil bị mất người thân yêu, trẻ già, cha mẹ, các bác sĩ và những người thiện nguyện, các thừa tác viên thánh, người giàu người nghèo. Ðại dịch không loại trừ ai trong tình cảnh đau khổ này. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt nghĩ đến các giám mục nạn nhân của Covid-19.
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha nhắc đến niềm tín thác nơi chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh trên sự chết và tội lỗi. Đức Thánh Cha nói: Niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô Phục sinh chứng tỏ cho chúng ta rằng chúng ta có thể vượt thắng thời điểm đau thương này. Niềm hy vọng mang lại cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy. Ðức bác ái thúc đẩy chúng ta khóc với người khóc, và giúp đỡ đặc biệt những người túng thiếu nhất để họ vui cười trở lại.
Đức Thánh Cha không quên nhắc nhở các giám mục Brazil hãy đoàn kết và cổ võ sự đoàn kết trong dân. Giáo hội phải là một dụng cụ hòa giải và hiệp nhất. Ðó là sứ mạng của Giáo hội tại Brazil hơn bao giờ hết. Cần gạt qua một bên những chia rẽ và bất đồng. Trong Hội đồng Giám mục, sự hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng là một sự hòa hợp, hiệp nhất, mà chỉ Chúa Thánh Linh mới có thể ban.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh em thân mến, thách đố thật lớn lao. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa đồng hành với chúng ta, Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (xc Mt 28:20).
Source:Vatican News
3. Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế về cải thiện Sức khỏe Con người
Theo tin Tòa Thánh, Hội nghị quốc tế lần thứ năm: Khám phá Tâm trí, Cơ thể & Linh hồn. Việc Canh tân và Các Hệ thống Cung Cấp Mới Cải thiện Sức khỏe Con người Ra sao, sẽ được Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và Quỹ Cura đứng ra tổ chức.
Hội nghị sẽ diễn ra dưới hình thức ảo từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5 năm 2021 và quy tụ các bác sĩ, nhà khoa học, nhà đạo đức học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người ủng hộ quyền bệnh nhân, các nhà hoạch định chính sách, các nhà từ thiện và các nhà bình luận để thảo luận về những đột phá mới nhất trong y khoa, trong việc cung cấp và phòng ngừa chăm sóc sức khỏe, cũng như những hệ lụy cho con người và tác động văn hóa của các tiến bộ kỹ thuật.
Ban tổ chức cũng sẽ cổ vũ một hội nghị bàn tròn về việc “Bắc cầu giữa Khoa học và Đức tin”, nhằm khám phá mối tương quan của tôn giáo và linh đạo với sức khỏe và phúc lợi, bao gồm mối tương quan giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn.
Cuộc thảo luận sẽ đề cập đến ý nghĩa sâu sắc hơn của nhân sinh và tìm các lĩnh vực gặp nhau giữa các khoa nhân văn và khoa học tự nhiên.
Lúc kết thúc Hội nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gửi một thông điệp video tới những người tham dự. Các linh mục, nhân viên chăm sóc sức khỏe mục vụ và sinh viên từ các Đại học Giáo hoàng và Công Giáo trên toàn thế giới được mời tham gia Hội nghị.
Mạng của Hội Đồng Văn hóa cho biết thêm: biến cố này là biến cố thứ năm trong một chuỗi biến cố của thập niên qua nhằm khám phá và thăng tiến sự hợp tác giữa các ngành để nâng cao sức khỏe con người.
Được điều hành bởi các nhà báo giàu kinh nghiệm, hội nghị sẽ quy tụ một nhóm diễn giả thuộc mọi lĩnh vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra để chia sẻ những hiểu biết của họ về sức khỏe, nhân loại và tương lai y khoa.
Cuộc thảo luận sẽ đi sâu vào các khía cạnh nhân học và văn hóa của con người và tìm kiếm các lĩnh vực gặp nhau giữa các khoa nhân văn và khoa học tự nhiên. Các cuộc thảo luận xung quanh tầm quan trọng của sự tương cảm và lòng cảm thương, ý nghĩa đạo đức của những tiến bộ kỹ thuât, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và tác động của đổi mới đối với nhân học, một trong nhiều lĩnh vực cần phải đối thoại.
Source:Vatican