1. Báo cáo của CIA trước Quốc Hội về các nỗ lực tình báo chưa từng có của Trung Quốc
Hôm thứ Tư 14 tháng Tư, các nhà lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đang dành ‘ưu tiên chưa từng có’ cho ngành gián điệp, viện dẫn thái độ hung hăng trong khu vực và khả năng mạng của Bắc Kinh khi họ báo cáo tại phiên điều trần công khai về “Mối đe dọa trên toàn thế giới” của quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn hai năm qua.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện: “Trước việc Trung Quốc dành ‘ưu tiên chưa từng có’ cho cộng đồng tình báo, tôi sẽ bắt đầu bằng việc nêu bật một số khía cạnh của mối đe dọa từ Bắc Kinh.”
Bà mô tả Trung Quốc ngày càng trở nên “một đối thủ ngang tầm thách thức Hoa Kỳ trên nhiều đấu trường”.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, gọi tắt là FBI, Christopher Wray cho biết hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Hoa Kỳ ráo riết đến mức cứ 10 tiếng đồng hồ, cơ quan của ông lại phải mở một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc.
Haines cũng cho rằng những nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, sự đóng góp của Iran vào sự bất ổn ở Trung Đông, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và những nỗ lực tiềm tàng của Triều Tiên nhằm “thúc đẩy các mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh” là những mối đe dọa đáng kể.
Phần lớn cuộc điều trần tập trung vào công nghệ - mối đe dọa từ các điện tặc, tầm quan trọng của sự phát triển các kỹ thuật đánh cắp tiên tiến và ảnh hưởng xấu của truyền thông xã hội.
Sau khi nghe các báo cáo, Phó Chủ tịch đảng Cộng hòa Marco Rubio thở dài nói: “Môi trường công nghệ ngày nay đang trao vào tay kẻ thù khả năng tàn phá”.
Warner ghi nhận nỗ lực mà Bắc Kinh đã đưa ra nhằm đưa công ty Trung Quốc Huawei trở thành công ty dẫn đầu về hệ thống 5G tiên tiến và cho biết ông lo ngại họ có thể thực hiện những nỗ lực tương tự trong các công nghệ mới nổi khác.
Lưu ý về mối nguy hiểm của việc xâm nhập vào các mạng máy tính quốc tế như vụ tấn công SolarWinds gần đây, Warner cho biết: “Chúng tôi cũng có thể muốn phát triển các quy tắc quốc tế mới trong đó một số loại tấn công bị cấm, cũng như chúng ta đã từng đạt được việc cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học”.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương William Burns, Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Paul Nakasone và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Trung tướng Scott Berrier cũng điều trần tại Quốc Hội.
Burns cho biết gần một phần ba lực lượng lao động của CIA tập trung vào các vấn đề mạng.
Wray cho biết mạng xã hội đã trở thành “bộ khuếch đại chính” cho chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước và các ảnh hưởng ác ý từ nước ngoài. Wray nói: “Những thứ có thể tập hợp mọi người lại với nhau vì những lý do chính đáng cũng có khả năng gây ra đủ loại tác hại”.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã công bố một báo cáo sâu rộng về các mối đe dọa toàn cầu. Báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia cho biết dịch bệnh, khoảng cách giàu nghèo, biến đổi khí hậu và xung đột trong và giữa các quốc gia sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn, với COVID-19 đã làm trầm trọng thêm một số vấn đề đó.
Source:Reuters
2. Các giám mục Haiti lên án vụ bắt cóc các linh mục, nữ tu Công Giáo
Bẩy linh mục và và nữ tu Công Giáo bị bắt cóc ở Haiti vào hôm Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, và đang bị giam giữ để đòi tiền chuộc.
Năm linh mục và hai nữ tu bị bắt cóc tại Croix-des-Bouquets, ngoại ô thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Theo tin tức địa phương, họ bị bắt khi đang trên đường đi dự lễ nhậm chức của một linh mục quản xứ.
Theo các phương tiện truyền thông Haiti, băng đảng “400 Mawozo” đã thừa nhận tội phạm bắt cóc và đang đòi 1 triệu đô la tiền chuộc.
Hai trong số những người bị bắt cóc, một linh mục và một nữ tu, là công dân Pháp.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Haiti đã lên án vụ bắt cóc và kêu gọi hành động chống lại những kẻ gây án.
Cha Gilbert Peltrop, tổng thư ký của Liên Hiệp Các Dòng Tu Haiti, nói với Reuters rằng “quốc gia phải đứng lên để chống lại bọn côn đồ này”.
Đức Cha Pierre-André Dumas, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti và Đức Cha Anse-à-Veau et Miragoâne, nói với AFP rằng “Giáo hội cầu nguyện và đoàn kết với tất cả các nạn nhân của hành động tàn ác này”.
“Điều này là quá đáng”, ngài nói. “Đã đến lúc những hành động vô nhân đạo này phải dừng lại”.
Tổng giáo phận Port-au-Prince đã cảnh báo trong một tuyên bố rằng bạo lực băng đảng đã lên đến mức “chưa từng có” trong cả nước.
Tổng giáo phận cho biết: “Đã từ lâu, chúng tôi đã chứng kiến sự sa xuống địa ngục của xã hội Haiti. Các cơ quan công quyền không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này và điều đó khiến người ta nghi ngờ về thái độ đồng lõa và bao che”.
Số vụ bắt cóc đòi tiền chuộc gần đây đã gia tăng ở Haiti, và hàng loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra để tố cáo tình trạng bạo lực đang gia tăng ở đất nước này.
Source:Catholic News Agency
3. Sau vụ xả súng ở một trường học ở Tennessee, Đức Giám Mục Knoxville yêu cầu 'giải pháp tích cực' cho bạo lực súng đạn
Đức Cha Richard Stika của Giáo phận Knoxville đã yêu cầu “các giải pháp tích cực” đối với bạo lực súng đạn sau vụ xả súng gây chết người tại một trường trung học trong khu vực hôm thứ Hai.
“Một lần nữa và thật đáng tiếc, tôi đang cầu xin những lời cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ xả súng khủng khiếp khác ở Knoxville”, Đức Cha Stika viết trong một tuyên bố hôm thứ Hai. “Tôi đã theo dõi vụ việc đáng tiếc và bạo lực ngày hôm nay và cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân, bao gồm cả một nhân viên thực thi pháp luật”.
Theo chính quyền địa phương, một người đã thiệt mạng và một cảnh sát bị thương hôm thứ Hai trong một vụ xả súng tại trường trung học Austin-East của Knoxville. Theo ABC 8 News, cảnh sát Knoxville cho biết các viên chức cảnh sát đã phản ứng với các báo cáo về một nam sinh có vũ trang tại trường. Học sinh này sau đó đã bị giết trong khi chạm súng với cảnh sát.
Một cảnh sát bị thương và đang hồi phục tại một bệnh viện địa phương với những vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.
Đức Cha Stika hôm thứ Hai đã lên tiếng chỉ trích những hành động bạo lực đang diễn ra và kêu gọi những lời cầu nguyện và “những giải pháp tích cực”.
“Một loạt các sự kiện bi thảm đã diễn ra trong những tuần gần đây ở Knoxville, đặc biệt là liên quan đến cộng đồng Austin-East, và những sự kiện đã diễn ra trên khắp nước Mỹ, chứng tỏ rằng bạo lực trong xã hội của chúng ta vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, gần như xảy ra hàng ngày và giết hại các nạn nhân theo nhiều cách khác nhau”, vị Giám Mục viết.
“Là một quốc gia, chúng ta phải cam kết hành động để quay lưng lại với bạo lực và tìm ra các giải pháp thực sự dẫn chúng ta đến tình yêu thương, lòng trắc ẩn và liêm chính”, ngài nói.
“Với tư cách là Giám mục của Giáo phận Knoxville, tôi cam kết sẽ làm những gì có thể để giúp đỡ. Những lời cầu nguyện là quan trọng, nhưng các cộng đồng phải cùng nhau tìm ra những giải pháp tích cực cho vấn đề đang diễn ra này ở đất nước chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
4. Cảnh sát Luân Đôn xin lỗi vì việc tạm dừng cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh tại giáo xứ Ba Lan
Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Southwark và đại diện của Cảnh sát Thủ đô đã đến thăm giáo xứ Chúa Kitô Vua Ba Lan ở Luân Đôn vào hôm Chúa Nhật 11 tháng Tư, bày tỏ mong muốn được hợp tác và đưa ra lời xin lỗi sau khi lực lượng cảnh sát yêu cầu giải tán cử hành Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh ở ngôi nhà thờ đó.
Như chúng tôi đã đưa tin, vào ngày 2 tháng 4, hai nhân viên cảnh sát đã làm gián đoạn nghi thức Phụng vụ tưởng niệm cuộc thương khó Chúa và nói với cộng đoàn rằng cuộc tụ tập là “bất hợp pháp” và họ phải giải tán, hoặc phải đối mặt với tiền phạt lên đến 200 bảng Anh một người, vì vi phạm các quy tắc về khoảng cách xã hội và khẩu trang y tế.
Trong một tuyên bố đăng trên trang web của họ, giáo xứ cho biết cộng đoàn đã phải tuân lệnh cảnh sát và giải tán trong khi đang đọc trình thuật cuộc thương khó Chúa Kitô.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng cảnh sát đã vượt quá quyền hạn của họ một cách tàn bạo khi ra lệnh mà không có lý do chính đáng,” tuyên bố cho biết.
“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng quyền của các tín hữu đã bị xâm phạm vào một ngày quan trọng như vậy đối với mọi tín hữu, và sự thờ phượng của chúng tôi đã bị xúc phạm,” tuyên bố tiếp tục.
Giáo xứ cho biết:
“Chúng tôi tin rằng các quan chức cảnh sát thành phố đã được thông tin sai lạc về các hướng dẫn hiện hành dành cho các địa điểm thờ phượng. Họ cho rằng lý do can thiệp của họ là do lệnh cấm tổ chức các cử hành có công chúng tham dự tại các địa điểm thờ phượng ở Luân Đôn được ban hành vào ngày 4 tháng Giêng năm nay”.
Thực ra, chỉ thị được đưa ra vào ngày 4 tháng Giêng năm nay đã được thay đổi và cảnh sát không nắm được. Các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở Anh cho phép tiếp tục các cử hành có công chúng tham dự, miễn là tuân thủ các quy tắc về khoảng cách xã hội.
Source:Catholic News Agency
5. Giáo phận Kingstown kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho cư dân đảo St. Vincent sau khi núi lửa phun trào
Một vụ phun trào núi lửa lớn ở Đông Caribe đã khiến hàng nghìn người phải di tản khỏi các khu vực của hai hòn đảo chính St. Vincent và Grenadines. Người Công Giáo đang yêu cầu những lời cầu nguyện và sự trợ giúp.
“Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho đất nước chúng tôi, xin anh chị em đặc biệt nhớ đến những người đã bị di dời,” Giáo phận Kingstown cho biết trong một bài đăng trên Facebook vào sáng thứ Bảy 10 tháng Tư.
Núi lửa La Soufrire trên đã St. Vincent phun trào lần đầu tiên lúc 8:41 sáng Thứ Sáu. Nó bao phủ hòn đảo trong tro bụi. Lần phun trào cuối cùng là vào năm 1979. Một vụ phun trào năm 1902 đã giết chết khoảng 1,600 người, theo báo cáo của AP.
Hơn 100,000 người sống trên chín hòn đảo có dân cư của quốc gia St. Vincent và Grenadines. Đảo St. Vincent có diện tích gấp đôi thủ đô Washington.
Khoảng 16,000 người sống trong “vùng báo động đỏ” ở phía bắc của đảo St. Vincent, một khu vực được coi là có nguy cơ cao nhất do hoạt động của núi lửa. Hầu hết những cư dân này đã được di tản.
Một vụ nổ thứ hai vào Chúa Nhật đã gây mất điện lớn và cắt nguồn cung cấp nước. Các vụ phun trào có thể tiếp tục trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Tro bụi và đất đá khiến việc đi lại khó khăn. Tro làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và có thể gây ra các vấn đề về hô hấp.
Những người di tản đã được đưa đến những nơi trú ẩn khẩn cấp, nhưng có những lo ngại rằng trong những điều kiện đông đúc như vậy, họ có thể nhiễm coronavirus.
Cư dân của St. Lucia, khoảng 47 dặm về phía bắc của St. Vincent, đã được cảnh báo rằng phẩm chất không khí sẽ bị ảnh hưởng. Tại Barbados, khoảng 124 dặm về phía đông, người dân đã được cảnh báo ở bên trong nhà đừng ra ngoài.
Một số trường học và nhà thờ Công Giáo đang đóng vai trò là nơi trú ẩn cho những người di tản. Giáo phận Kingstown cho biết đang có “nhu cầu cấp thiết” về nệm, khăn trải giường và gối. Giáo phận yêu cầu các nhà tài trợ địa phương gửi tiền quyên góp tại Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Kingstown.
Source:Catholic News Agency