1. Tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Đài Loan ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Trong vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất tại Đài Loan trong bảy thập kỷ, 50 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi một đoàn tàu tốc hành chật cứng chở gần 500 hành khách và các nhân viên hỏa xa đâm vào một chiếc xe tải gần thành phố Hoa Liên phía đông Đài Loan hôm thứ Sáu Tuần Thánh, khiến nó trật bánh và phần đầu xe nát bét.
Chiếc xe tải mà đoàn tàu đâm phải đã trượt xuống một con đường dốc, bên cạnh đường ray ngay bên ngoài một đường hầm.
Linh mục Tống Chí Cường (Sung Chih-chiang, 宋志强) là cha sở của giáo xứ Thiên Tường (Tianxiang, 天祥), là một trong những người đầu tiên chạy đến cấp cứu cho các nạn nhân. Trong tư cách là một linh mục, ngài còn có nghĩa vụ ban các phép bí tích sau cùng cho những người đang hấp hối. Ngài nói với thông tấn xã Reuters về cảnh kinh hoàng mà ngài chứng kiến tận mắt. Một phụ nữ hành khách đã nói với ngài câu chuyện đau lòng của cô ấy.
“Cô ấy không thể tìm thấy con gái mình. Khi hét lên, cô thấy con gái mình đang ở dưới những tấm thép. Cô ấy đã nỗ lực để di chuyển từng mảnh một, nhưng giọng nói của con gái cô ấy trở nên nhỏ dần và nhỏ dần, và sau đó không còn phản hồi nào”.
Các quan chức đang điều tra người quản lý của công trường, là ông Lý Nghĩa Tường (Lee Yi-hsiang, 李义祥), người bị nghi ngờ là thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản an toàn các loại xe dùng trong công trường của ông. Hệ thống thắng có vấn đề đã khiến chiếc xe trượt xuống con đường dốc và chắn ngay trước chiếc tàu hỏa đang lao tới.
Một tòa án ở Hoa Liên vào tối Chúa Nhật cho biết họ đã ra lệnh giam giữ ông Lý Nghĩa Tường trong hai tháng, vì có nguy cơ ông ta có thể tiêu hủy bằng chứng.
Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan quản lý đường sắt trực thuộc đang phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm tại sao không có hàng rào thích hợp tại địa điểm trên và liệu có xảy ra việc bán quá nhiều so với sức chứa của con tàu không. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Lâm Giai Long (Lin Chia-lung, 林佳龙) cho biết ông có trách nhiệm nặng nề trong vụ này.
Văn phòng của Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang, 苏增昌) cho biết bộ trưởng Lâm đã đưa ra lời đề nghị từ chức vào hôm thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng Thủ tướng đã từ chối vào lúc này, và nói rằng các nỗ lực hiện tại nên tập trung vào việc phục hồi đoạn đường sắt này và tìm kiếm những người mất tích.
Các công nhân đang tiếp tục tìm cách di chuyển đoàn tàu từ bên trong đường hầm ra bên ngoài và tìm kiếm các thi thể khác, và các quan chức đã cảnh báo số người chết có thể tăng lên.
Source:Reuters
2. An ninh nghiêm ngặt tại các nhà thờ Indonesia trong lễ Phục sinh
Các tín hữu Kitô ở Indonesia đã cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt với các lực lượng an ninh trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Quân đội và cảnh sát được trang bị vũ khí hùng hậu đã được nhìn thấy tại các nhà thờ trong tuần qua trên khắp quốc gia nơi đa số dân theo Hồi giáo. Các tín hữu Kitô chỉ chiếm không đến 10% dân số.
Indonesia từ lâu đã phải vật lộn với các cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, và đang ở trong tình thế khó khăn kể từ khi hai kẻ đánh bom liều chết tự nổ tung tại một nhà thờ ở thành phố Makassar trên đảo Sulawesi, khiến 20 người bị thương.
“Nhiệt tình của anh chị em giáo dân trong những ngày này vẫn cao bất chấp cuộc tấn công ở Makassar,” Philip Situmorang, phát ngôn viên của Hiệp hội các Giáo Hội Kitô ở Indonesia, nói với AFP.
“Cảnh sát đã phối hợp với chúng tôi để bảo đảm an ninh cho các nhà thờ”.
Các nhà chức trách cáo buộc những kẻ đánh bom Makassar là thành viên của một nhóm cực đoan ủng hộ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Rusdi Hartono cho biết hôm thứ Năm rằng cảnh sát trên khắp đất nước đã được lệnh ứng trực trước các dự đoán bi quan về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra nhắm vào các nhà thờ trong lễ Phục sinh.
Ngoài vụ tấn công nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, đã có một vụ tấn công khác vào hôm thứ Tư Tuần Thánh tại thủ đô Jakarta. Một phụ nữ 25 tuổi đeo khăn che mặt bước vào khu phức hợp cảnh sát ở trung tâm thành phố Jakarta và nổ súng vào các viên chức cảnh sát trước khi cô ta bị bắn chết.
Cảnh sát mô tả cô là một “con sói đơn độc” của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Source:Reuters
3. Số liệu thống kê của Vatican cho thấy sự gia tăng liên tục số người Công Giáo trên toàn thế giới
Theo số liệu thống kê của Vatican, số lượng người Công Giáo và các phó tế vĩnh viễn trên thế giới đã tăng trưởng một cách ổn định, trong khi số các nam nữ tu sĩ tiếp tục giảm.
Vào cuối năm 2019, dân số Công Giáo trên toàn thế giới đã vượt quá 1.34 tỷ người, tiếp tục chiếm khoảng 17.7% dân số thế giới. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết như trên.
Các con số thống kê này đánh dấu sự gia tăng 16 triệu người Công Giáo – như thế là tăng 1.12% so với năm 2018 trong khi dân số thế giới tăng 1.08%.
Bài báo đã trích đăng thống kê trong Niên giám Thống kê của Giáo hội, là tài liệu trình bày các số liệu của Giáo hội trên toàn thế giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Tờ Quan Sát Viên Rôma cũng công bố “Annuario Pontificio” hay Niên Giám Tòa Thánh 2021, một tập sách chứa thông tin về mọi cơ quan của Vatican, cũng như mọi giáo phận và dòng tu trên thế giới.
Theo niên giám thống kê, số người Công Giáo tăng ở mọi châu lục, ngoại trừ Âu Châu.
Vào cuối năm 2019, 48.1% người Công Giáo trên thế giới đang sống ở Mỹ châu, tiếp theo là Âu Châu với 21.2%, Phi Châu với 18.7%, 11% ở Á Châu, và 0,8% ở Đại Dương Châu. Các số liệu thống kê liên quan đến Á Châu không bao gồm Trung Quốc vì không thể có các con số thống kê chính xác về tình hình Giáo Hội tại đây.
Niên giám cho thấy số giám mục trên thế giới hiện nay là 5,364 vị - giảm 13 giám mục so với năm 2018.
Tổng số linh mục – bao gồm linh mục triều và dòng - trên khắp thế giới tăng từ 414,065 vào năm 2018 lên 414,336 vào năm 2019.
Mức tăng lớn nhất là ở Phi Châu và Á Châu, với mức tăng tương ứng là 3.45% và 2.91%, tiếp theo là Âu Châu với mức tăng 1.5% và Mỹ châu với mức tăng khoảng 0.5%.
Vào cuối năm 2019, 40.6% linh mục trên thế giới đang phục vụ ở Âu Châu, trong khi 28% linh mục ở Phi Châu và Á Châu.
Số lượng ứng viên cho chức linh mục - cả chủng sinh triều và dòng - đã tiếp tục giảm trên toàn thế giới, từ 115,880 vào cuối năm 2018 xuống 114,058 vào năm 2019, tức là giảm 1.6%.
Số lượng các phó tế vĩnh viễn được báo cáo là 48,238 vị tăng 1.5% so với năm trước. 97% các phó tế vĩnh viễn trên thế giới sống ở Mỹ Châu và Âu Châu.
Số lượng các nam tu sĩ không có chức linh mục trong các dòng tu tiếp tục giảm nhẹ nhưng đều đặn trên toàn thế giới từ 50,941 vị vào năm 2018 xuống còn 50,295 vị vào năm 2019.
Số lượng các nữ tu đang có xu hướng giảm ở mức 1.8%, cụ thể từ 641,661 nữ tu vào năm 2018 xuống còn 630,099 nữ tu vào năm 2019.
Source:Catholic News Service