1. Khủng hoảng bí tích hòa giải tại New Jersey: Không vắc xin, không được xưng tội
Một giáo xứ trong giáo phận Trenton đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự đối với bí tích hòa giải khi tuyên bố rằng chỉ những ai đã được chủng ngừa COVID mới được xưng tội.
Hôm Chúa Nhật Lễ Lá, Nhà thờ Máu Châu Báu ở bãi biển Monmouth, New Jersey, đã đăng trên trang web của mình rằng nhờ những nới lỏng trong các hạn chế liên quan đến coronavirus, tòa giải tội sẽ một lần nữa được mở lại - nhưng chỉ dành cho những người đã được chủng ngừa coronavirus.
Trang web của giáo xứ cho biết: “Chỉ những người được chủng ngừa mới có thể đến với bí tích hòa giải để bảo vệ chính mình, và quan trọng hơn, để bảo vệ những người khác.”
Thông báo này đã gây ra các chỉ trích mạnh trên các phương tiện truyền thông, nhắm vào Cha chánh xứ Michael Sullivan, khiến giáo phận Trenton phải can thiệp. Trong một thông báo vào chiều Thứ Hai Tuần Thánh, Giáo Phận Trenton nói rõ rằng giáo xứ sẽ cho phép những người chưa tiêm vắc-xin được xưng tội.
“Giáo phận đã liên hệ với các linh mục có liên quan và trang web của giáo xứ đã được cập nhật để chào đón tất cả những người tìm kiếm bí tích hòa giải, bất kể tình trạng tiêm chủng”, Giáo phận Trenton cho biết vào chiều thứ Hai.
Bộ Giáo luật của Giáo hội quy định rằng không được từ chối việc giải tội, miễn là đáp ứng các điều kiện thích hợp.
Ðiều 843 triệt 1 nêu rõ “Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh Bí Tích”.
Trong bối cảnh đại dịch coronavirus, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã có những hướng dẫn cụ thể về vệ sinh phòng dịch liên quan đến tòa giải tội. Thiết tưởng, không nên đặt ra thêm các rào cản đối với anh chị em giáo dân muốn tìm kiếm bí tích hòa giải trong Tuần Thánh, và họ nên được tạo điều kiện để giữ luật xưng tội ít là một lần trong một năm.
Source:Catholic News Agency
2. Những cách thức để nhận được Ơn Toàn Xá trong Tuần Thánh
Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.
Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.
Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong Tuần Thánh cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong những công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định. Cứ mỗi lần thực hiện một trong những công việc này thì được một Ơn Toàn Xá.
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh
a. Sau khi Mình Thánh Chúa được kiệu sang một bàn thờ phụ sau Thánh Lễ Tiệc Ly, Ơn Toàn Xá được ban cho những ai đọc hay hát bài thánh ca Thánh Thể “Tantum Ergo”.
Tiếng Latinh:
1. Tantum ergo Sacramentum
Veneremur cernui:
Et antiquum documentum
Novo cedat ritui:
Praestet fides supplementum
Sensuum defectui.
2. Genitori, Genitoque
Laus et iubilatio,
Salus, honor, virtus quoque
Sit et benedictio:
Procedenti ab utroque
Compar sit laudatio.
Amen.
1. Nào ta hãy sấp mình thờ lạy,
Trước bí tích cực trọng này.
Nghi lễ cũ nhường nghi lễ mới
Thông ban tràn đầy ân sủng.
Đức tin sẽ dạy ta biết Đức Kitô
hiện diện,
Khi giác quan con người không
cảm thấy gì.
2. Dâng về Chúa Cha trường tồn,
Cùng Chúa Con, Đấng giải thoát,
Cùng Chúa Thánh Thần, Đấng
phát sinh từ Thiên Chúa
Ơn cứu độ, danh dự, phép lành,
Sức mạnh và quyền năng vô tận
Là của Ba Ngôi muôn đời.
Amen.
b. Ơn Toàn Xá cũng được ban cho những ai chầu Mình Thánh Chúa trong nửa giờ.
Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tôn kính Thánh Giá trong Phụng Vụ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa.
b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai sốt mến đi Đàng Thánh Giá.
Trong Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh
a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc lần chuỗi Mân Côi từ hai người trở lên.
b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc cử hành Canh thức Phục sinh vào ban đêm và lặp lại các lời hứa khi rửa tội, là một phần của phụng vụ trong Thánh lễ đó.
Trong Chúa Nhật Phục Sinh
Ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu tham dự buổi đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới (Urbi et Oebi) bằng cách hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô hay theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo lên án vụ nổ bom tự sát
Các giám mục Công Giáo Indonesia đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom tự sát vào Chúa Nhật Lễ Lá vào Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu trên đảo Sulawesi khiến ít nhất 20 người bị thương.
Hai kẻ tấn công, cả hai đều chết trong vụ đánh bom, được cho là một phần của nhóm Jamaah Ansharut Daulah liên kết với bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám Mục Jakarta, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 29 tháng 3 rằng các nạn nhân bị thương của vụ đánh bom đang nằm nhà thương và đang hồi phục.
Ngài nói rằng vụ tấn công vào ngày đầu tiên của Tuần Thánh đã “gây sốc cho tất cả mọi người ở Indonesia, không chỉ người Công Giáo”, và lưu ý rằng “các nhà lãnh đạo của tất cả các cộng đồng tôn giáo đã lên án bạo lực tàn bạo này”.
“Sau vụ đánh bom tự sát, chính phủ đã bảo đảm với chúng tôi những người Công Giáo, và các tín hữu Kitô nói chung, rằng các cử hành Tuần Thánh có thể được thực hiện theo kế hoạch - với sự bảo đảm an ninh từ chính phủ”, Đức Hồng Y Suharyo nói.
“Tất cả chúng tôi đều cầu nguyện rằng chúng tôi có thể cử hành Tuần Thánh này một cách hòa bình và tất cả người Indonesia - không chỉ người Công Giáo – có thể trải nghiệm hòa bình mà Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta."
Source:National Catholic Register
4. Hai kẻ đánh bom tự sát ở Indonesia là hai vợ chồng mới cưới nhau được 6 tháng
Trong một thông báo được đưa ra hôm thứ Ba Tuần Thánh 30 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Indonesia bày tỏ lo buồn sâu sắc của các ngài trước các phát hiện mới nhất của cảnh sát liên quan đến vụ nổ bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Makassar.
Các quan chức Indonesia hôm thứ Hai cho biết hai kẻ đánh bom tự sát là một cặp vợ chồng mới kết hôn được có 6 tháng. Họ đã sử dụng bom áp suất trong cuộc tấn công bên ngoài nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá.
Vụ tấn công đã làm 20 người bị thương, trong đó có 4 nhân viên bảo vệ nhà thờ, và làm vỡ các cửa sổ của nhà thờ và các nhà dân lân cận ở Makassar, thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi.
Người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia Argo Yuwono cho biết cặp vợ chồng này chỉ mới kết hôn cách đây 6 tháng và cảnh sát đang điều tra ngôi nhà của họ ở Makassar. Cho đến nay, ít nhất đã có 9 người liên quan đến vụ tấn công nhà thờ chính tòa Makassar bị bắt. Trong một diễn biến mà báo chí tại quốc gia này cho rằng có liên quan đến những vụ bắt giữ này, nhà máy lọc dầu Balongan ở Tây Java đã chìm ngập trong một đám cháy lớn bùng phát trong đêm, khiến 6 người bị thương. Khoảng 950 cư dân gần đó đã phải di tản. Ngọn lửa khổng lồ nhấn chìm cơ sở sản xuất đến 125,000 thùng dầu mỗi ngày. Từ cách xa đó, người ta có thể nghe rõ những tiếng nổ rất lớn.
Ông Argo Yuwono cho biết cảnh sát không loại trừ khả năng vụ cháy này là do khủng bố gây ra. Trở lại vụ tấn công nhà thờ chính tòa Makassar, Yuwono cho biết người đàn ông tên là Lukman 26 tuổi và vợ anh ta là Dewi 23 tuổi.
Những kẻ tấn công đã cho nổ bom của họ khi họ bị các nhân viên bảo vệ chặn lại bên ngoài nhà thờ.
Cảnh sát trưởng thành phố Makassar, là ông Witnu Urip Laksana, cho biết các bom áp suất chứa các vật liệu gây cháy và đinh nhọn để tăng khả năng sát thương.
Hai vợ chồng được cho là thành viên của Jemaah Anshorut Daulah, trong tổ chức Jemaah Islamiyah, trung thành với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom tự sát ở Indonesia.
Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia Listyo Sigit Prabowo cho biết người chồng trong vụ tấn công ở Makassar có liên quan đến vụ tấn công tự sát năm 2019 khiến 23 người thiệt mạng tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmêlô ở tỉnh Sulu của Phi Luật Tân.
Ông cho biết hai kẻ tấn công có liên quan đến một nhóm chiến binh bị tình nghi bị bắt ở Makassar vào ngày 6 tháng Giêng, khi một đội chống khủng bố của cảnh sát tiêu diệt hai chiến binh bị tình nghi và bắt giữ 19 người khác.
Prabowo nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng đội chống khủng bố tinh nhuệ của cảnh sát, được gọi là Densus 88, đã bắt giữ bốn chiến binh bị tình nghi có liên hệ với những kẻ tấn công ở Makassar trong một cuộc đột kích vào tối Chúa Nhật ở Bima, một thành phố trên đảo Sumbawa ở tỉnh Tây Nusa Tenggara. Một nghi phạm khác bị bắt một ngày sau đó trong một cuộc đột kích riêng biệt trong tỉnh này.
Prabowo cho biết 5 nghi phạm nằm trong cùng một nhóm nghiên cứu kinh Koran với hai kẻ tấn công vào nhà thờ chính tòa Makassar. Trước khi chết, người đàn ông này đã để lại di chúc cho cha mẹ, nói lời từ biệt và rằng anh ta đã sẵn sàng trở thành một liệt sĩ.
Ông cho biết đội chống khủng bố hôm thứ Hai cũng đã bắt giữ bốn chiến binh bị tình nghi tại khu phố Condet ở phía đông Jakarta. Trong các cuộc đột kích riêng biệt ở ngoại ô Jakarta, họ đã thu giữ 5 quả bom ống tự chế và hơn 5.5 ký hóa chất có thể sử dụng làm thuốc nổ.
Source:Crux
5. Ý nghĩa của Tam Nhật Vượt Qua theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
Trong bản tin ngày hôm qua, chúng tôi đã tường trình về quyết định của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đóng cửa Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, trong khu vực Beaubourg-Les Halles.
Quyết định này được đưa ra chủ yếu vì Hội Đồng Giáo Xứ gồm khoảng 20 người có đầu óc cấp tiến rất cực đoan, họ không hiểu được cốt lõi của đức tin Kitô. Họ cho rằng “đạo nào cũng là đạo, cũng dạy ăn ngay ở lành.” Đó là một lời ngụy biện nham hiểm.
Nghĩ như thế nên 20 vị giáo dân này đã tấn công các linh mục để buộc các ngài phải chấp nhận cho họ mời các nhà sư, các đạo trưởng Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và các thầy rabbi Do Thái Giáo đến thuyết pháp, để bổ sung cho đức tin Công Giáo. Họ tự hào là những người Công Giáo cởi mở, có khả năng tinh thông các khái niệm Phật Pháp như Niết Bàn, thuyết Luân Hồi, Nghiệp Chướng, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, có khả năng giải thích các surah của Kinh Koran vân vân và vân vân. Họ bị tẩu hỏa nhập ma với các đạo lý trái ngược và mâu thuẫn gay gắt với nhau.
Hôm nay, bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua, chúng tôi mời quý vị và anh chị em nghe lại lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 19 tháng Ba, 2008. Tam Nhật Vượt Qua trình bày với chúng ta cốt lõi của đức tin Kitô qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tam Nhật Vượt Qua làm rõ với chúng ta niềm tin rằng Chúa Giêsu là người thật, và trong bản tính con người này, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta; và Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, và với bản tính Thiên Chúa, Ngài đã sống lại từ trong cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Đó mới là cốt lõi đức tin của chúng ta, và là hy vọng của chúng ta. Ăn ngay ở lành chỉ là hệ quả tất yếu của đức tin nơi Chúa Giêsu, đó không phải là toàn bộ đức tin của chúng ta.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:
Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Vượt Qua, cũng gọi là Tam Nhật Thánh. Ba ngày sắp tới thường được gọi là “thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong cốt lõi của đức tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ “nguồn gốc của mọi lễ”, như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.
Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác. Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.
Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức. Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất. Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô. Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người. Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ. Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ. Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm.
Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô. Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá. Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.
Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm. Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt. Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm. Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.
Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội canh thức bên lửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết. Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới. Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.
Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa. Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.
Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá. Các lễ nghi của Tam Nhật Vượt Qua và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.
Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự. Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới. Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử. Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian. Tình yêu thương mạnh hơn thù hận. Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương. Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.
Source:Libreria Editrice Vaticana