1. Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã chứng kiến “phép lạ mặt trời nhảy múa” Fatima khi đi dạo trong các khu vườn của Vatican
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường” cho biết: trong một ghi chú viết tay, được lưu trong văn khố của Vatican, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 viết: “Tôi đã thấy ‘phép lạ mặt trời nhảy múa’, đây thuần túy là một sự thật”.
Vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, hàng ngàn người đã chứng kiến một quang cảnh kỳ diệu gần Fatima, Bồ Đào Nha. Theo một tờ báo địa phương, “Trước con mắt kinh ngạc của đám đông, khi họ đứng đầu trần, háo hức nhìn lên bầu trời, mặt trời run rẩy, đột ngột chuyển động lạ thường nằm ngoài mọi quy luật vũ trụ — nói tóm lại, mặt trời ‘nhảy múa’ theo cách diễn tả tiêu biểu của người dân”.
Kinh nghiệm này đã được xác nhận bởi những người tin cũng như những người không tin, và sự kiện đó đã được Đức Mẹ Fatima báo trước cho ba trẻ chăn cừu. Những trẻ này loan truyền tại địa phương dẫn đến việc tụ họp của đám đông dân chúng.
Tòa thánh đã xác nhận tính xác thực của phép lạ này và kể từ đó, địa điểm này đã trở thành nguồn cung cấp nhiều phép lạ và các sự kiện lành bệnh không thể giải thích được về mặt y khoa.
Năm tháng trước đó, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, cùng ngày mà ba đứa trẻ chăn cừu bắt đầu nhìn thấy Đức Mẹ, Đức Cha Eugenio Pacelli được phong làm tổng giám mục trong Nhà nguyện Sistina. Đức Tổng Giám Mục Pacelli sau đó được bầu làm giáo hoàng và trở thành Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 vào ngày 2 tháng 3 năm 1939.
Ngài có một tình yêu sâu đậm đối với Đức Trinh Nữ Maria và đã dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria vào năm 1942, để kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra.
Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đang cân nhắc việc công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Khi đang cầu nguyện trong vườn Vatican, Đức Piô XII đã nhìn thấy một điều kỳ diệu đập vào mắt mình.
Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã viết một ghi chú viết tay trong đó viết: “Tôi đã thấy ‘phép lạ mặt trời nhảy múa’, đây thuần túy là một sự thật”. Sau đó, ngài tiếp tục mô tả thêm những gì ngài đã nhìn thấy.
Ghi chú của Đức Giáo Hoàng nói rằng vào lúc 4 giờ chiều ngày 30 tháng 10 năm 1950, trong “đi dạo theo thói quen trong Vườn Vatican, đọc và nghiên cứu, tôi đã đến tượng Đức Mẹ Lộ Đức, về phía đỉnh đồi. Tôi đã bị kinh hoàng bởi một hiện tượng mà trước đây tôi chưa từng thấy. Mặt trời, lúc đó vẫn còn khá cao, trông giống như một quả cầu nhạt màu, mờ đục, được bao quanh hoàn toàn bởi một vòng tròn phát sáng. Và người ta có thể nhìn vào mặt trời, mà không thói chói mắt chút nào. Có một đám mây nhỏ rất nhẹ trước mặt nó”. Ghi chú của Đức Thánh Cha tiếp tục mô tả ‘quả cầu đục’ di chuyển ra bên ngoài một chút, hoặc là quay, hoặc di chuyển từ trái sang phải và ngược lại. Bạn có thể thấy các chuyển động với độ rõ nét hoàn toàn và không bị gián đoạn”.
Đức Piô 12 đã nhìn thấy hiện tượng này bốn lần riêng biệt và tin chắc rằng đó là một dấu chỉ thuận lợi từ Thiên Chúa rằng ngài nên tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Đức Piô 12 biết rõ các sự kiện ở Fatima và đã trò chuyện với một trong những thị nhân, Sơ Lucia, là người đã tâm sự với ngài về “bí mật thứ ba”.
Đức Piô 12 qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1958, và được chôn cất vài ngày sau đó - ngày 13 tháng 10 năm 1958, ngày kỷ niệm “phép lạ mặt trời” tại Fatima.
Source:Aleteia
2. Phải mất 60 năm khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus trải qua biết bao đau khổ
Một nghệ sĩ xăm mình đang giúp khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus theo lời mời của cha sở địa phương.
Julia Kulba - được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh hình xăm với cái tên Pipetka - đã áp dụng kỹ năng của mình vào 14 bức phù điêu Thánh giá tại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh Đức Maria ở Adamovichi, một ngôi làng ở vùng Grodno phía tây bắc.
Catholic.by, trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus, đưa tin rằng cha Alexander Shemet cũng yêu cầu Kulba khôi phục lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử Nhân Lành.
Kulba, một nghệ sĩ xăm mình được đánh giá cao với hơn 15 năm kinh nghiệm, chưa từng phục chế một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo nào trước khi Cha Shemet tiếp cận cô vào đầu năm 2021. Cô làm việc cùng với em gái, cũng là một nghệ sĩ được đào tạo.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1854. Một cựu tù nhân của một trại tù Liên Xô đã bắt đầu khôi phục lại các chặng đàng Thánh giá cách đây 60 năm nhưng bị buộc phải từ bỏ công việc do sức khỏe yếu.
Người cựu tù làm việc dưới sự hướng dẫn của Cha Sở lúc bấy giờ là Cha Kazimir Orlowski. Ngài được thụ phong linh mục năm 1939, làm tuyên úy cho phong trào kháng chiến Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Năm 1950, ông bị bắt vì tội tuyên truyền chống Liên Xô và bị kết án tử hình. Bản án của ngài cuối cùng được giảm xuống 25 năm trong trại kiên giam.
Sau khi chấp hành một phần bản án của mình, Orlowski được trở lại nhà thờ và giám sát việc trùng tu.
Belarus là một quốc gia không có bờ biển giáp ranh với Nga, Ukraine, Ba Lan, Litva và Latvia. Người Công Giáo là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai sau Chính thống, chiếm khoảng 15% trong dân số 9.5 triệu người.
Source:Catholic News Agency
3. Phép lạ đáng kinh ngạc trên sa mạc Ai Cập
Thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Côrintô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. (1 Cr 11:27-29).
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường”, nhận định rằng trong cuộc tranh cãi về vấn đề rước lễ của ông Joe Biden tại Hoa Kỳ, và việc cho những người Tin lành tại Đức được rước lễ, một mẫu số chung là người ta không tin có sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Aleteia cho biết vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 nhiều người đàn ông và phụ nữ được truyền cảm hứng từ các gương sáng của một ẩn sĩ khiêm tốn nay chúng ta gọi là Thánh Antôn Viện Tu. Họ để lại tất cả những gì họ có, để sống một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm trong sa mạc Ai Cập.
Một trong những trung tâm chính của kiểu sống viện tu này là một khu vực được gọi là Scetis, nằm ở phía tây bắc đồng bằng sông Nile. Theo một tài liệu cổ có tên là Những Lời Nói Của Các Giáo Phụ, có một tu sĩ sống trong cộng đồng này, là người đã nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ.
Ngài thường nói với các tu sĩ cùng dòng rằng “Bánh mà chúng ta nhận được không hẳn là Mình của Chúa Kitô, nhưng chỉ là một biểu tượng của Mình Chúa Kitô”. Đối mặt với sự phản đối của các thành viên trong cộng đồng tu viện về tuyên bố này, tu sĩ này trả lời, “Trừ khi bạn có thể cho tôi xem bằng chứng, tôi sẽ không thay đổi ý định của mình”.
Sau đó, trong một thánh lễ Chúa Nhật, khi tu sĩ không tin này nói lời truyền phép trên bánh Thánh Thể, một cậu bé xuất hiện trên tay vị tu sĩ thay vì bánh thánh. Vị tu sĩ cho biết cậu bé ấy chính là Chúa Hài Đồng và một lúc sau lại trở lại nguyên dạng là bánh thánh. Trước phép lạ bất ngờ này, vị tu sĩ tuyên bố: “Lạy Chúa, con tin rằng Bánh là Mình Chúa và Máu Chúa ở trong chén này”.
Phép lạ này gợi lại một mối liên hệ mà nhiều người thánh thiện trong suốt lịch sử Giáo Hội đã nói lên qua nhiều thế kỷ. Họ tin rằng mỗi Thánh lễ đều giống như lễ Giáng sinh, khi Chúa Kitô từ trời xuống ngự trên bàn thờ của chúng ta. Theo cách này, mỗi ngày đều là ngày “Giáng sinh”, khi Chúa Giêsu “ngự giữa chúng ta” dưới hình dạng của bánh thánh.
Source:Aleteia
4. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng huân chương cho nữ tu y tá phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý
Một nữ tu và đồng thời là một y tá đã tình nguyện phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh với Giải thưởng “Phụ nữ Dũng cảm”.
Sơ Alicia Vacas Moro là một Nữ tu Truyền giáo dòng Comboni người Tây Ban Nha. Sơ đã phục vụ người nghèo và người bệnh như một y tá ở Ai Cập, Bờ Tây, và giữa đại dịch coronavirus.
Sơ Vacas đã được Ngoại trưởng Anthony Blinken trao Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế trong một buổi lễ trực tuyến vào ngày 8/3 cùng với 13 phụ nữ khác.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh ở Rôma đã tổ chức một buổi lễ ảo trao giải “Phụ nữ Dũng Cảm” vào Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Trước buổi lễ, Đại Biện Lâm Thời đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh là ông Patrick Connell nói rằng cá nhân ông được truyền cảm hứng từ “Sự tận tụy suốt đời của Sơ Alicia cho hòa bình và công lý, đặc biệt là thay mặt cho những người dễ bị tổn thương nhất”.
“Trong hơn 20 năm Sơ Alicia đã phục vụ trong các cộng đồng bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông nâng đỡ những người không có tiếng nói ở những nơi bị bao vây bởi chiến tranh và mất an ninh”, Connell nói.
“Sơ đã làm việc với tư cách là một y tá và một nhà vận động nhân quyền cho phụ nữ, giáo dục trẻ em và chăm sóc y tế trong các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo”.
Là một Nữ tu Truyền giáo Comboni, Sơ Vacas đã dành tám năm để phục vụ người nghèo ở Ai Cập. Sơ điều hành một phòng khám y tế phục vụ 150 bệnh nhân có thu nhập thấp mỗi ngày. Sau đó sơ được gửi đến Bethany ở Bờ Tây, nơi sơ thành lập các trường mẫu giáo và các chương trình đào tạo cho phụ nữ nghèo.
Sơ Vacas hiện là điều phối viên khu vực của các chị em dòng Comboni ở Trung Đông, giám sát công việc của 40 chị em giúp đỡ nạn nhân buôn người, người tị nạn và người xin tị nạn trong khu vực, nhưng vào năm 2020, sơ đã bay đến Ý để giúp phục vụ các chị em trong dòng sau khi bùng phát COVID-19 tại tu viện của các sơ ở miền bắc nước Ý.
Nữ tu 41 tuổi đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thời kỳ đại dịch tại một hội nghị chuyên đề ảo do các đại sứ quán Hoa Kỳ và Anh tổ chức tại Tòa Thánh vào tháng 6 năm 2020.
“Thật không may một trong các cộng đồng của chúng tôi tại Bergamo đã bị nhiễm bệnh ngay từ đầu, và chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức rất xấu từ cộng đồng”, sơ nói.
“Chúng tôi tình nguyện đi để giúp đỡ họ”.
Khi đến Bergamo, nằm ở Lombardy, là tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus ở Ý, sơ Alicia nói rằng nhà mẹ Comboni “thực sự hỗn loạn” vì “hầu hết mọi người đều nhiễm bệnh”.
45 sơ trong số 55 nữ tu sống ở Bergamo nhiễm coronavirus. Mười sơ dòng Comboni trong cộng đồng này đã chết trong trận dịch.
“Đó là một kinh nghiệm rất mạnh mẽ khi sống từ bên trong nỗi đau khổ của người dân ở Bergamo”, sơ nói và nói thêm rằng đó là một kinh nghiệm về Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.
Source:Catholic News Agency