Trong thông báo đưa ra hôm 8 tháng Hai, Tòa Thánh đã cho biết chương trình tổng quát chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Iraq. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong các chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng, Tòa Thánh đã không nói rõ chi tiết ngài rời khỏi Rôma lúc mấy giờ, và đáp xuống phi trường Baghdad lúc mấy giờ, cũng như không công bố các thời biểu cụ thể khác. Điều này là dấu chỉ cho thấy có những lo lắng về an ninh cho chuyến tông du.

Quân Iraq tuần tra trên đường phố
Giới nghiêm trong ba ngày từ thứ Sáu đến Chúa Nhật
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Qaraqosh
Những lo lắng này được khẳng định chỉ một tuần sau đó khi quân khủng bố pháo kích vào thành phố Erbil hôm 15 tháng Hai. Erbil là thành phố nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Ba.

Một sóng gió khác cũng vừa nổi lên. Đức Tổng Giám Mục Slovenia Mitja Leskovar, Sứ Thần Tòa Thánh tại Iraq, người được tường trình là sẽ tháp tùng Đức Phanxicô trong suốt chuyến tông du từ ngày 5 đến 8 tháng 3, đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào hôm thứ Bảy 27 tháng Hai và hiện đang bị cách ly.

Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Baghdad, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ cư trú trong ba ngày ở Iraq, đã cho biết như trên.

Đây sẽ là chuyến tông du đầu tiên sau 15 tháng gián đoạn của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, và khả năng chuyến đi bị hủy bỏ do đại dịch coronavirus hoặc lo ngại về an ninh luôn có nguy cơ rất cao.

Đầu tháng này, trong một cuộc gặp gỡ với các nhân viên tùng sự tại Rôma của Catholic News Service, hãng thông tấn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ngài nói rằng ngài thực sự muốn thực hiện chuyến đi và điều duy nhất có thể ngăn cản ngài là sự gia tăng của các trường hợp coronavirus ở Iraq.

Cả Đức Giáo Hoàng và tất cả những người cùng đi với ngài đều đã được tiêm phòng, bao gồm gần 70 phóng viên tháp tùng. Tuy nhiên, những người sẵn sàng chào đón ngài, bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Leskovar, thì chưa được chích.

Vị Tổng Giám Mục hiện đang bị cô lập, không còn ở trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh nữa, và tất cả nhân viên đã được kiểm tra coronavirus và cách ly trong khi chờ kết quả. Trong khi đó, Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã được làm sạch hoàn toàn, và Vatican không đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc có thể hoãn chuyến tông du do những diễn biến mới nhất này hay không.

Nếu chuyến tông du vẫn được thực hiện theo dự trù, Đức Phanxicô sẽ trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đến thăm Iraq, một nơi đã từng nằm trong chương trình nghị sự của cả Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nhưng các cuộc đàm phán đã thất bại vào phút cuối, hay tình hình chiến sự đã không cho phép.

Trong chuyến thăm bốn ngày của mình, Đức Phanxicô dự kiến sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, có bài phát biểu trước cộng đồng tôn giáo địa phương, các linh mục và giám mục trong cùng một nhà thờ, nơi mà vào năm 2010, năm kẻ khủng bố đã sát hại 48 người, trong đó có hai linh mục, trong Lễ Vọng Kính Các Thánh Nam Nữ.

Đức Tổng Giám Mục Leskovar không phải là người đầu tiên tham gia vào việc chuẩn bị chuyến tông du đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong những ngày gần đây: Ahmed Al Safi, phát ngôn viên của Đại Giáo Trưởng Ali Al Sistani của Hồi Giáo Shiite, người sẽ tiếp đón Đức Giáo Hoàng tại dinh thự riêng của mình, cũng có kết quả dương tính với coronavirus vào tuần trước.

Iraq đang trải qua làn sóng virus thứ hai khi lần đầu tiên, sau nhiều tuần lễ, số ca nhiễm coronavirus hàng ngày vượt quá 4,000 trường hợp.

Đức Phanxicô sẽ gặp al-Sistani ở thành phố phía nam Najaf, được coi là thành phố linh thiêng thứ ba của Hồi giáo Shiite sau Mecca và Medina.

Sự gia tăng số ca nhiễm coronavirus, không xa so với mức cao nhất là 5,025 ca một ngày từ cuối tháng 9, đã buộc chính quyền địa phương phải thực thi lại các biện pháp nghiêm ngặt trên toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm hoàn toàn vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chúa Nhật.

Đối với các ngày còn lại trong tuần, giới nghiêm bắt đầu lúc 8 giờ tối và kết thúc lúc 5 giờ sáng. Các trường học bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới, và tất cả các nơi thờ phượng, bao gồm cả đền thờ Hồi Giáo và các nhà thờ Kitô Giáo, đều bị đóng cửa.

Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng nhằm gửi một thông điệp khích lệ tới những người Iraq vẫn đang vật lộn để phục hồi sau cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS, trong khi họ ngày càng mất niềm tin vào chính phủ hiện tại.

Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp thủ tướng Iraq, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thành viên của cộng đồng Kitô Giáo Iraq, là những người đã chịu đựng sự đàn áp và bức hại chết người dưới thời IS vào năm 2014.

Ngoài Najaf, Đức Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm vùng đồng bằng Ur, được coi là vùng đất của Tổ Phụ Abraham, Tổ Phụ chung của người Do Thái, các Kitô hữu giáo và người Hồi giáo. Ngài cũng viếng thăm vùng đồng bằng Niniveh, từng là nơi sinh sống của một cộng đồng Kitô hữu, ngày nay là nơi vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau khi ISIS đã gây ra tội ác diệt chủng chống lại những người theo đạo Kitô Giáo, người Yazidis và các dân tộc thiểu số khác.
Source:Crux