Với một vị giáo sĩ như Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington, Ngày Tổng Thống (Hoa Kỳ, 15 tháng Hai) chỉ có thể mang đến chiều kích tôn giáo. Chính vì thế, nhân dịp này, ngài nhớ lại việc các vị tổng thống đầu tiên của đất nước luôn nhắc nhở người ta rằng: chúng ta sống dưới sự che chở của Thiên Chúa (http://blog.adw.org/2021/02/on-presidents-day-we-should-remember-that-washington-and-lincoln-often-called-us-to-prayer-2/).
Theo Đức Ông Pope, chúng ta đang sống trong thời đại thế tục. Những lời phát biểu về tôn giáo của các viên chức chính phủ được một số người chào đón bằng sự ngạc nhiên hoặc thậm chí phẫn nộ. Trong khi vai trò chính của các nhà lãnh đạo dân sự không phải là vai trò tôn giáo, nhấn mạnh đến việc không bao giờ bày tỏ tình cảm tôn giáo là một hình thức của chủ nghĩa cực đoan bắt nguồn từ quan niệm cường điệu về ý tưởng tách biệt Giáo Hội và Nhà nước. Thực thế, “việc tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước” không xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Vào Ngày Tổng thống, chúng ta nên nhìn vào lịch sử để làm sáng tỏ điều này: những mối quan tâm cực đoan, hiện đại này không được Washington, Lincoln và nhiều nhà lãnh đạo khác chia sẻ. Đáng buồn thay, đối với những người theo “văn hóa triệt tiêu”, gương sáng của Washington và Lincoln hoặc của bất cứ Quốc Phụ nào cũng đều chết yểu khi vừa xuất hiện vì chúng không hợp với một số giá trị hoặc khái niệm “tỉnh thức” (woke). Nhưng đối với phần lớn chúng ta, những người vẫn còn tôn kính Washington, các vị Quốc Phụ khác, và Lincoln, gương sáng của họ về việc hướng về và cầu khẩn Thiên Chúa vừa minh họa lịch sử vừa xây dựng chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy học qua một chút về lịch sử này.
Tôn giáo và Tu chính án thứ nhất
Quốc hội không nên đưa ra luật nào liên quan đến việc thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm việc thực thi tự do tôn giáo; hoặc cắt bỏ quyền tự do ngôn luận, hoặc báo chí; hoặc quyền của người dân được tụ họp một cách hòa bình, và kiến nghị Chính phủ giải quyết các bất bình.
Mặc dù Tu chính án thứ nhất cấm Quốc hội thông qua luật liên quan đến việc thiết lập một tôn giáo (“Điều khoản thiết lập”), nhưng nó cũng chỉ rõ rằng Quốc Hội sẽ không thông qua luật nào ngăn cấm việc thực thi tự do tôn giáo (“Điều khoản tự do thực thi”). Trụ cột thứ hai, bảo vệ việc thực thi tự do tôn giáo, đã bị xói mòn trong những năm qua, với việc định nghĩa chữ "thực thi" ngày càng bị thu hẹp dần. Ngày càng có nhiều đòi hỏi cho rằng các bộ phận tôn giáo (hình như đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo) bị coi là không có quyền mưu toan gây bất cứ ảnh hưởng nào trong diễn trình lập pháp. Tất nhiên, điều này sẽ hạn chế khả năng của chúng ta được tự do thực thi đức tin của mình, một nguyên lý chính của việc này là chúng ta được truyền giảng Tin Mừng, trở thành ánh sáng cho thế giới và làm chứng cho sự thật. Những người theo chủ nghĩa thế tục ngày càng đề xuất rằng nơi duy nhất có thể chấp nhận để phát biểu tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào là trong bốn bức tường của tòa nhà Giáo Hội.
Nhiều người cho rằng các Quốc Phụ của nước Mỹ muốn điều đó theo cách này, là họ muốn có một "bức tường tách biệt" bởi vì hầu hết họ đều là những người phi tôn giáo hoặc duy thần tự nhiên (deists). Điều đáng lưu ý là mặc dù vậy, hầu hết họ đều nói một cách thoải mái về Thiên Chúa, kể cả những lời kêu cầu Người và thánh ý của Người trong các nhận định của họ. Điều này đúng ngay cả với Thomas Jefferson (người nổi tiếng nhắc đến “bức tường tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước” trong một bức thư). Nhưng nếu phải giải thích điều này một cách tuyệt đối, như một số người mong muốn, thì chính Jefferson chưa bao giờ có một thông tri như thế. Trong số năm chữ khắc trên các bức tường của Đài tưởng niệm Jefferson, được chọn lọc từ các trước tác của ông, ba câu đề cập đến Thiên Chúa và một câu nhắc đến Đấng Tạo Hóa. Hầu hết các Quốc phụ (những người công khai muốn có sự tách biệt đáng kể giữa Giáo hội và Nhà nước) đã tham gia vào việc soạn thảo Hiến pháp.
Nhiều người thích nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ được nhắc đến trong Hiến pháp. Ồ, nhưng Người được nhắc đến! Dòng cuối cùng của Hiến pháp viết như sau:
Được thực hiện trong Công nghị bởi sự đồng ý nhất trí của các Tiểu Bang hiện diện Ngày thứ Mười bảy của tháng Chín trong Năm của Chúa chúng ta một nghìn bảy trăm tám mươi bảy và Năm Độc lập của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ lần thứ mười hai. Để làm chứng điều này, Chúng tôi xin ghi Tên của chúng tôi”.
“Trong năm của Chúa chúng ta…” câu này phát xuất từ đâu? Đức Ông Pope đoán những người soạn thảo Hiến pháp không bao giờ nhận được thông tri cho họ hay: không được đề cập đến Thiên Chúa trong các văn kiện của chính phủ hoặc các buổi lễ của chính phủ. Chúa được nhắc đến ở đây không ai khác chính là Chúa Giêsu Kitô, vì năm tương ứng với số năm kể từ khi Người sinh ra và Người nhắc đến như là “Chúa của chúng ta”.
Chữ ký đầu tiên trên Hiến pháp là chữ ký của George Washington. Rõ ràng là ông cũng không bao giờ nhận được bản thông tri đó về việc ngăn chặn Thiên Chúa và tôn giáo không tham dự chút gì vào mọi sự việc của chính phủ vì ông thường xuyên nhắc đến Thiên Chúa trong các bài viết và bài phát biểu của mình. Dưới đây chỉ là ba thí dụ. Thí dụ thứ nhất nói về nghĩa vụ của chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa; đó là một sắc lệnh tuyên bố một Ngày Lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 11 năm 1789. Thí dụ thứ hai lấy từ bài phát biểu trước một hội nghị của các tù trưởng da đỏ Delaware năm 1779 (ngày nay nó được coi là rất không chính xác về mặt chính trị). Thí dụ thứ ba lấy từ bài phát biểu cuối cùng của ông trước Cơ quan Lập pháp Hoa Kỳ.
* Trong khi mọi quốc gia có bổn phận phải thừa nhận sự quan phòng của Thiên Chúa Toàn Năng, vâng theo thánh ý của Người, biết ơn các ơn phúc của Người, và khiêm nhường cầu khẩn sự che chở và ưu ái của Người; và trong khi cả hai viện Quốc hội, qua ủy ban hỗn hợp của họ, đã yêu cầu tôi “đề nghị với người dân Hoa Kỳ một ngày tạ ơn và cầu nguyện công khai, được tuân giữ bằng cách nhìn nhận với lòng biết ơn nhiều ân huệ đáng kể của Thiên Chúa Toàn năng, đặc biệt đã ban cho họ cơ hội thiết lập cách hòa bình một hình thức chính phủ lo cho sự an toàn và hạnh phúc của họ". Vì vậy, bây giờ, tôi đề nghị và ấn định Thứ Năm, ngày 26 tháng 11 tới, được người dân của các Tiểu Bang dành riêng để phụng sự Đấng cao cả và vinh hiển, Đấng là tác giả từ ái của mọi điều tốt đẹp đã, đang, hoặc sẽ có; để rồi tất cả chúng ta có thể đoàn kết dâng lên Người các lời cảm tạ chân thành và khiêm nhường của chúng ta vì sự chăm sóc và che chở ân cần của Người đối với nhân dân của đất nước này trước khi họ trở thành một quốc gia; đối với các thương xót đa dạng và đáng kể cũng như các can thiệp thuận lợi đầy quan phòng của Người trong tiến trình và kết thúc cuộc chiến tranh vừa qua; vì mức độ thanh bình, liên kết, và thịnh vượng tuyệt vời mà chúng ta đã tận hưởng kể từ đó; vì cách thức hòa bình và hữu lý trong đó chúng ta đã được tạo điều kiện để thiết lập các hiến pháp của chính phủ vì sự an toàn và hạnh phúc của chúng ta, và đặc biệt là chính phủ quốc gia gần đây đã được thiết lập vì tự do dân sự và tôn giáo mà chúng ta được ban phước, và các phương tiện chúng ta có để thủ đắc và truyền bá kiến thức hữu ích; và nói chung, vì tất cả những ân huệ lớn lao và khác nhau mà Người đã vui lòng ban cho chúng ta. Và cũng để sau đó chúng ta có thể đoàn kết hết lòng khiêm nhường dâng những lời cầu nguyện và khẩn nài của chúng ta lên Chúa và là Đấng Cai trị các Quốc gia và cầu xin Người tha thứ các vi phạm quốc gia và các vi phạm khác của chúng ta; giúp tất cả chúng ta, bất luận ở phạm vi công cộng hay phạm vi tư riêng, thi hành một số nhiệm vụ liên hệ của chúng ta một cách đúng đắn và kịp thời; biến Chính phủ Quốc gia của chúng ta thành một phước lành cho mọi người dân bằng cách không ngừng là một Chính phủ có những luật lệ khôn ngoan, công bằng và hợp hiến, được thực thi và tuân thủ một cách thận trọng và trung thành; bảo vệ và hướng dẫn mọi thẩm quyền và quốc gia (đặc biệt là biểu lộ lòng tốt với chúng ta), và ban phước cho họ các chính phủ tốt, hòa bình và hòa thuận; cổ vũ sự hiểu biết và thực hành tôn giáo và đức hạnh chân chính, và gia tăng khoa học giữa họ và chúng ta; và, nói chung, ban cho tất cả nhân loại một mức độ thịnh vượng trần thế mà chỉ riêng Người biết là tốt nhất.
Chính tay tôi ban hành, tại thành phố New York, ngày thứ 3 của tháng 10, Năm của Chúa 1789, Tổng thống George Washington.
* Quả là điều tốt khi các bạn muốn học các nghệ thuật và lối sống của chúng ta, và trên hết là tôn giáo của Chúa Giêsu Kitô. Những điều này sẽ làm cho các bạn trở thành một dân tộc tuyệt vời và hạnh phúc hơn hiện nay (Bài phát biểu trước các tù trưởng da đỏ Delaware ngày 12 tháng 5 năm 1779).
* Bây giờ tôi thực hiện lời cầu nguyện tha thiết nhất của tôi xin Thiên Chúa... nhân từ nhất vui lòng giúp tất cả chúng ta có thiên hướng thực thi công lý, yêu lòng thương xót, và hạ mình một cách bác ái, khiêm tốn và tâm tính ôn hòa vốn là những đặc điểm của Đấng Thần Thiêng đã tạo ra tôn giáo diễm phúc của chúng ta (Bài phát biểu chính thức cuối cùng của George Washington với Cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ).
Abraham Lincoln cũng thường nói đến Thiên Chúa và đức tin:
* Về Đức tin như trong số các nhân đức công dân - Trí hiểu, lòng yêu nước, Kitô giáo, và lòng tin cậy vững vàng vào Người, Đấng chưa bao giờ bỏ rơi lãnh thổ ưu ái này, vẫn có đủ khả năng điều chỉnh, theo cách tốt nhất, mọi khó khăn hiện nay của chúng ta (Diễn văn nhậm chức lần thứ nhất, Ngày 4 tháng 3 năm 1861).
* Về Ơn Quan phòng của Thiên Chúa >- Ở địa vị rất có trách nhiệm mà tôi tình cờ được đặt vào, trở thành một công cụ khiêm tốn trong bàn tay Cha Trên Trời của chúng ta, như tôi và tất cả chúng ta hiện nay, để thực hiện các mục đích lớn lao của Người, tôi vốn mong muốn rằng mọi công việc và hành vi của tôi có thể phù hợp với thánh ý của Người, và để được như vậy, tôi đã cầu khẩn sự trợ giúp của Người — nhưng nếu sau khi đã cố gắng làm hết sức mình theo ánh sáng mà Người đã ban cho tôi, tôi thấy những nỗ lực của mình thất bại, tôi phải tin rằng vì mục đích nào đó mà tôi chưa biết, Ngài muốn làm điều đó cách khác. Nhá tôi có cách của riêng mình, cuộc chiến này có lẽ không bao giờ được bắt đầu; nhá tôi được phép theo cách của riêng mình thì có lẽ cuộc chiến này đã kết thúc trước khi điều này xảy ra, thế mà chúng ta thấy nó vẫn tiếp tục; và chúng ta phải tin rằng Người cho phép nó vì một số mục đích khôn ngoan nào đó của riêng Người, mầu nhiệm và không được chúng ta biết đến; và mặc dù với sự hiểu biết hạn chế của chúng ta, chúng ta có thể không có khả năng hiểu thấu nó, nhưng chúng ta không thể không tin rằng, Đấng tạo ra thế giới này vẫn cai quản nó (Thư gửi Eliza Gurney, ngày 26 tháng 10 năm 1862).
* Về Tự do Tôn giáo - Nhưng tôi phải nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ không được, theo lệnh này, đảm nhận việc điều hành các giáo hội. Khi một cá nhân, trong một nhà thờ hoặc ngoài một nhà thờ, trở nên nguy hiểm đối với lợi ích công cộng, thì người đó phải được kiểm soát; nhưng hãy để các giáo hội tự lo liệu lấy. Hoa Kỳ sẽ không bổ nhiệm các Ủy viên, Người giám sát hoặc các tác nhân khác cho các giáo hội (Thư gửi Samuel Curtis, ngày 2 tháng 1 năm 1863).
* Về Công lý của Thiên Chúa - Chúng ta tha thiết hy vọng — chúng ta nhiệt thành cầu nguyện — để tai họa chiến tranh dữ dội này có thể nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa muốn nó tiếp tục, cho đến khi mọi của cải thu lượm được trong hai trăm năm mươi năm vất vả làm lụng của tôi đòi phải chim lỉm, và cho đến khi mọi giọt máu đổ ra vì roi đòn sẽ được đền trả bởi một kẻ khác bị rút gươm, như người ta thường nói cách đây ba nghìn năm, vì vậy vẫn phải nói rằng “các phán xét của Chúa, hoàn toàn đúng và công chính (Diễn văn nhậm chức lần thứ hai, ngày 4 tháng 3 năm 1865).
Trên đây chỉ là một vài mẫu cho thấy: ác cảm đối với bất cứ nhắc nhở nào tới tôn giáo là điều tương đối mới và là một khuynh hướng phần lớn không được các Quốc Phụ của chúng ta cũng như những người ở thời Lincoln biết đến. Những trích dẫn trên không "chứng minh" rằng các Tổng thống Washington và Lincoln là những người Kitô hữu hoàn hảo hay họ không bao giờ chỉ trích bất cứ khía cạnh nào của tôn giáo, nhưng họ quả có cho thấy: cả hai đều hiểu tầm quan trọng của đức tin tôn giáo đối với đất nước chúng ta và khá thoải mái khi trình bày rõ ràng cả nhu cầu đức tin lẫn các ơn phúc của nó.
Chủ nghĩa cực đoan - Những nỗ lực gần đây nhằm hoàn toàn cấm bất cứ phát biểu tôn giáo nào, bất cứ lời nói đánh giá cao tôn giáo nào, hoặc bất cứ khuyến khích thực hành tôn giáo nào, chắc chắn có vẻ cực đoan đối với những người này - cực đoan và xa vời vòng tay mà trong lịch sử, đất nước Hoa Kỳ vốn dành cho đức tin.
Washington và Lincoln đã không ngần ngại cầu khẩn Thiên Chúa, cầu xin các phước lành của Người và khuyến khích đồng công dân của họ cầu nguyện. Đức Ông Pope kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước của chúng ta và cho mọi nhà lãnh đạo của chúng ta. Chúc các bạn một Ngày Tổng thống hạnh phúc!"