1. Báo cáo của Cảnh sát Liên bang Úc cho thấy câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell hoàn toàn hoang đường.
Hôm thứ Tư 3 tháng Hai, Cảnh sát Liên bang Australia cho biết họ không tìm thấy bất cứ hành vi sai trái hình sự nào trong cuộc điều tra về việc chuyển tiền từ Vatican đến Australia.
Cảnh sát liên bang Úc, gọi tắt là AFP, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 3 tháng 2 rằng “không có hành vi phạm tội nào được xác định cho đến nay.”
AFP khẳng định tất cả số tiền chuyển ngân được sử dụng cho các chi phí hợp pháp, chẳng hạn như đi lại, tiền lương và trả lương hưu.
Đến đây đã hoàn toàn rõ ràng rằng câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell là hoàn toàn hoang đường.
Ngày 7 tháng 4 năm ngoái, 2020, Tối Cao Pháp Viện Úc, bao gồm bảy thẩm phán, đã đồng thanh nhất trí Đức Hồng Y Pell vô tội trong trò cáo gian lạm dụng tính dục, đồng thời mạnh mẽ phê phán phán quyết của các tòa dưới. Đức Hồng Y liền được ra tù ngay lập tức, sau 400 ngày bị giam giữ.
Các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc vẫn chưa nản chí trong cố gắng bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo.
Ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã buộc Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ liên quan đến vụ mua bán bất động sản tại Luân Đôn.
Sau khi bị buộc phải từ chức, Đức Hồng Y Becciu lập tức bị rơi vào tầm ngắm: Câu chuyện Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc hại chết Hồng Y Pell bắt đầu được dàn dựng.
Họ tung tin giả ngay tại Thượng Viện Úc về các vụ chuyển ngân đáng ngờ từ Vatican sang Australia trong thời gian có vụ xét xử Đức Hồng Y Pell với thâm ý vu cáo cho Đức Hồng Y Becciu và chung cuộc là sỉ nhục Giáo Hội Công Giáo.
Hơn thế nữa, những kẻ nghĩ ra mưu độc này là những kẻ cực kỳ hiểm ác. Sau những kỳ đóng cửa dài hạn các nhà thờ vì đại dịch coronavirus, ngân sách của từng giáo xứ, giáo phận, và Tòa Thánh đã rất thê thảm. Tung ra tin giả các Hồng Y lấy tiền các tín hữu dâng cúng để hãm hại lẫn nhau là đòn chí tử đánh vào một Giáo Hội đã tơi tả vì coronavirus.
Trong phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Úc vào ngày 20 tháng 10, giám đốc điều hành Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Úc, gọi tắt là AUSTRAC, là bà Nicole Rose, đã được hỏi về các cáo buộc rằng quỹ của Giáo hội đã được gửi đến Úc theo lệnh của Hồng Y Becciu với mục đích ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử của Hồng Y George Pell về tội lạm dụng tình dục.
Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells đã hỏi Rose về các báo cáo chuyển tiền “được cho là từ quỹ của Vatican cho một người hoặc nhiều người ở Úc.”
“Có, tôi có thể xác nhận AUSTRAC đã xem xét vấn đề và chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Cảnh sát Liên bang Úc và Cảnh sát Victoria,” Rose nói với Ủy ban Hiến pháp và Pháp chế Sự vụ.
Theo tờ The Australia, AUSTRAC đã thông báo với Thượng viện Australia về một “đánh giá chi tiết” liên quan đến khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim, tức là 2.3 tỷ Úc Kim đã được chuyển từ Vatican đến Australia trong khoảng 47,000 lần chuyển tiền riêng biệt kể từ năm 2014.
Tòa Thánh làm gì có nhiều tiền như thế. Do đó, Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là ASIF, đã làm việc với AUSTRAC. Kết quả cuối cùng là chỉ có 362 lần chuyển tiền từ Vatican đến Úc từ năm 2014 đến năm 2020, chứ không phải là 47,000 lần chuyển tiền; và số tiền chỉ lên đến 7.4 triệu Mỹ Kim tức là 9.5 triệu Úc Kim mà thôi, chứ không phải là 2.3 tỷ Úc Kim.
Hôm thứ Tư 13 Giêng, tờ The Australian cho biết Cơ Quan Giám Sát Tội Phạm Tài Chính của Úc đã phải nhìn nhận họ đã tính toán quá sai sự thật các khoản chuyển ngân của Vatican; và giải thích việc tính toán sai lầm kinh hoàng này là do “computer coding error”, nghĩa là do lỗi của thảo chương điện toán. Những ai có chút kiến thức điện toán đều hiểu rằng lỗi thảo chương điện toán, nếu có, phải có tính chất đại trà, sai lầm với nhiều người chứ không thể nào chỉ nhắm vào Vatican mà sai lầm!
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer: Bảo vệ đạo lý Công Giáo luôn là điều cần thiết
Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF, đã nhấn mạnh nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo là quảng bá và bảo vệ đạo lý Công Giáo chân thực như các Tông đồ đã truyền lại.
Phát biểu với Vatican News hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, lưu ý rằng “điều trước đây được gọi là ‘quan tâm đến đạo lý ngay chính’ đã tồn tại trước khi CDF được thành lập vào năm 1542 và có nguồn gốc từ Tân Ước.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là quảng bá và bảo vệ đạo lý đức tin. Một nhiệm vụ sẽ luôn luôn cần thiết trong Giáo hội, trong đó bao gồm nhiệm vụ truyền bá giáo huấn của các Tông đồ cho các thế hệ mới”, Đức Hồng Y nói trong cuộc phỏng vấn ngày 1 tháng 2.
Đức Hồng Y Ladaria lưu ý rằng “cách thức cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ và chúng ta có thể nghĩ rằng nó sẽ lại thay đổi nữa. Nhưng mối quan tâm về sự trung thành với đạo lý của các Tông đồ sẽ luôn luôn được duy trì”.
Khi được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tam vào năm 1542, Bộ này được gọi là Thánh Bộ Tối Cao Về Pháp Tòa Điều Tra Tại Roma Và Hoàn Vũ, với trách nhiệm là tòa phúc thẩm cuối cùng trong các phiên tòa xét xử tội dị giáo.
Đức Hồng Y Ladaria nhận xét rằng CDF “không còn là Tòa án Dị giáo” và “Danh mục các sách cấm không còn tồn tại.”
Thánh Bộ về các sách cấm trước đây là một Bộ trong Giáo triều La Mã, có nhiệm vụ công bố Danh Mục Các Sách Cấm (Index Librorum Prohibitorum). Đó là một danh sách các ấn phẩm bị đánh giá là vô luân hoặc dị giáo. Danh Mục Các Sách Cấm cuối cùng được công bố vào năm 1948, và chính thức bị bãi bỏ vào năm 1966.
Vị tổng trưởng CDF giải thích rằng quá khứ của Bộ, đôi khi được gọi là Thánh Bộ, “vẫn còn nặng nề, bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng nhận ra những thay đổi sâu sắc đã diễn ra trong Giáo hội và Giáo triều Rôma trong thời gian gần đây”.
Ngài nhấn mạnh: “Sứ mệnh của chúng tôi là phổ quát, ngay cả khi công việc của chúng tôi diễn ra chủ yếu ở Rôma. Các tài liệu của chúng tôi là dành cho Giáo hội hoàn vũ, và những quyết định chúng tôi phải đưa ra hàng ngày, trong phạm vi khả năng của mình, rất ít khi liên quan trực tiếp đến Rôma”.
Đức Hồng Y Ladaria nói rằng đôi khi nhiệm vụ của các nhân viên CDF buộc họ phải ra ngoài Rôma, chẳng hạn như khi họ đi dự các cuộc họp với các ủy ban giáo lý của các Hội Đồng Giám Mục. CDF cũng thường xuyên có các cuộc gặp gỡ với các giám mục trong các chuyến đi ad limina của các ngài đến Rôma, diễn ra 5 năm một lần, để gặp Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện tại mộ phần hai Thánh Phêrô và Phaolô.
Ngài nói: “Những cuộc gặp gỡ này có tầm quan trọng lớn, và chúng tốn rất nhiều thời gian và năng lượng”.
Source:Catholic News Agency
3. Phải chăng Hồng Y Cupich đang được điều sang Vatican?
Vào ngày 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, người đang ở Rôma để dự cuộc họp của Bộ Giám mục Vatican.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh không công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc họp, ngoài việc cho biết là cuộc gặp gỡ đã diễn ra, và phần lớn báo chí phỏng đoán rằng cuộc họp có lẽ là để thảo luận về những gì đã xảy ra 10 ngày trước, khi Đức Hồng Y công khai chỉ trích tuyên bố chính thức của các giám mục Hoa Kỳ vào ngày lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden. Đáp lại, nhiều Giám Mục đã lên tiếng công khai ủng hộ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ như một hình thức phản đối Hồng Y Cupich.
Nhưng các nguồn tin ở Rôma đã nói chuyện với CNA rằng Hồng Y Cupich gặp Đức Giáo Hoàng không phải để nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ gần đây, mà là những gì có thể xảy ra trong tương lai gần: Hồng Y Blase Cupich sẽ thay thế Đức Hồng Y Marc Ouellet làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Theo một nguồn tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “nghiêm túc xem xét việc bổ nhiệm một cách bất ngờ, một giám mục từ ngoại vi” để thay thế Đức Hồng Y Ouellet, một trong số những người đứng đầu các cơ quan trung ương Vatican đã đến tuổi nghỉ hưu.
Nguồn tin tương tự cho biết ứng cử viên có khả năng cao nhất là Đức Cha Robert Francis Prevost, một nhà truyền giáo dòng Augustinô sinh tại Chicago, người gốc Pháp và Tây Ban Nha, là người đã dành một phần lớn cuộc đời mục vụ của mình ở dãy núi Andes phía Bắc Peru trước khi được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám mục Chiclayo, Peru. Vào năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã bổ nhiệm Đức Cha Prevost trở thành một trong số ít các thành viên không phải là Hồng Y của Bộ Giám mục vào tháng 11 năm 2020.
Tuy nhiên, theo nguồn tin, Giáo hoàng đã bắt đầu nghiêng về Hồng Y Cupich nhiều hơn vì thế giá cao hơn của ngài và vì “thông điệp mà việc bổ nhiệm của ngài sẽ mang lại liên quan đến mô thức giám mục mà ngài muốn cho Giáo hội”.
Trách nhiệm chính của Bộ Giám mục là giám sát việc tuyển chọn và bổ nhiệm các giám mục. Bộ này cũng đề cập đến việc xây dựng và giải thể các giáo phận, giám sát các giám mục, và chuẩn bị cũng như đáp ứng các chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rôma.
Tổng trưởng Bộ Giám mục không có quyền hạn vô hạn trong việc bổ nhiệm giám mục. Thay vào đó, quy trình bổ nhiệm một giám mục thường bắt đầu với một loạt các cuộc tham vấn ở cấp địa phương, kế đó Sứ thần Tòa thánh đưa ra các khuyến nghị. Sau đó, một hồ sơ được chuẩn bị, thường là bởi các quan chức của Bộ Giám Mục, và được thảo luận giữa tất cả các thành viên của Bộ, với sự chủ trì của Tổng trưởng. Quy trình có thể trở lại Tòa Sứ thần Tòa thánh nếu không tìm được ứng viên thích hợp. Cuối cùng, một cái tên hoặc những cái tên được đề xuất cho Đức Thánh Cha, là người bổ nhiệm giám mục tương lai.
Một nguồn tin nhấn mạnh với CNA rằng dù sao thì vị Tổng trưởng Bộ Giám Mục có ảnh hưởng đáng kể.
“Tổng trưởng Bộ Giám Mục không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình này (chỉ định một giám mục,) mà còn là một trong số ít các thành viên của Giáo Triều Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha thường xuyên, hầu như mỗi thứ bảy”.
Đức Hồng Y Ouellet, người trước đây là Tổng giám mục của Quebec, là một giám mục với một bản lý lịch giáo hội đáng nể phục. Là thành viên của Hiệp hội các Linh mục Xuân Bích, ngài là giáo sư thần học, nhà truyền giáo ở Colombia, và thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Quebec - và do đó là Giáo chủ Công Giáo Canada - bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2002.
Đức Hồng Y Ouellet được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục vào năm 2010. Với tư cách là tổng trưởng Bộ Giám Mục, ngài nghiễm nhiên trở thành chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh. Vị Hồng Y người Canada nói thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý đã đạt tuổi nghỉ hưu truyền thống là 75 vào tháng 6 năm 2020.
Hồng Y Blase Cupich, một linh mục được thụ phong tại Tổng giáo phận Omaha, Nebraska, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm để kế vị Đức Cha Charles Chaput lãnh đạo Giáo phận Rapid City, Nam Dakota vào năm 1998.
Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm giám mục Spokane. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Francis George với tư cách là Tổng giám mục của Chicago và đặt Giám Mục Cupich là người kế vị.
Sự nghiệp giám mục của Hồng Y Cupich không phải là không có tranh cãi.
Tại Rapid City, trước khi có Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum vào năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Cha Cupich đã cấm trẻ em không được Thêm sức hay là Rước lễ lần đầu trong một Thánh lễ như vậy. Ngài cũng cấm một cộng đoàn theo nghi lễ Latinh truyền thống không được cử hành Tam Nhật Thánh theo sách lễ năm 1962.
Tại Spokane vào năm 2011, Đức Cha Cupich đã yêu cầu các linh mục và chủng sinh trong giáo phận của mình không được tham gia biểu tình trước các phòng khám của tổ chức phá thai Planned Parenthood, cũng không được ủng hộ chiến dịch phò sinh “40 Ngày cho Cuộc sống”. Để đối phó với sự náo động phản đối của các tiếng nói phò sinh, giáo phận đã ban hành một tuyên bố minh định rằng “Đức Giám Mục nhìn nhận rằng một linh mục có lương tâm ngay lành có thể cảm thấy cần phải tham gia vào các buổi canh thức và ngài không bao giờ bị buộc phải làm ngược lại lương tâm ngay chính và được hình thành tốt của mình. Đức Giám Mục chỉ yêu cầu tất cả các linh mục thành tâm suy ngẫm về những gì ngài đã nói với họ, cam kết thực hiện việc giảng dạy một cách hữu hiệu ưu tiên hàng đầu và luôn ghi nhớ sức mạnh không gì thay thế được của chứng tá hiệp nhất giữa họ với nhau”.
Người ta vẫn chưa biết làm thế nào mà Giám mục Spokane lúc đó lại thu hút được sự chú ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng Đức Phanxicô đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đức Cha Cupich rõ ràng là khá nhanh chóng. Dư luận rộng rãi ở Hoa Kỳ là Đức Cha Cupich được Theodore McCarrick tiến cử, đó là điều Đức Cha Cupich luôn bác bỏ.
Năm 2015, Đức Phanxicô đề cử Đức Cha Cupich tham gia Thượng hội đồng Giám mục sau khi ngài không được Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bầu vào thượng hội đồng. Tại thượng hội đồng, ông ủng hộ đề xuất gây tranh cãi về việc cho phép Rước lễ, trong một số trường hợp hạn chế, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự. Sau Thượng hội đồng, tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chỉ trích và bối rối về những gì được coi là thiếu rõ ràng về vấn đề này.
Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Cupich là thành viên của Bộ Giám mục. Việc bổ nhiệm này được coi là một động thái để thay thế Hồng Y Raymond Burke. Đức Hồng Y Burke đã không được gia hạn tư cách thành viên.
Cuối năm đó, Đức Tổng Giám Mục Cupich được phong làm Hồng Y. Ngay sau khi được thăng chức, Đức Giáo Hoàng đã giao cho ngài một số sứ mệnh, và công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các quan điểm thần học và mục vụ của Đức Cha Cupich. Vị Tổng Giám Mục này được đặc biệt yêu cầu đi đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy tông huấn Amoris Laetitia tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha Phanxicô ưa chuộng ngài chưa bao giờ được phản ánh trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nơi ngài đã phục vụ trong một số ủy ban, nhưng luôn luôn bị đánh bại một cách có hệ thống trong mọi cuộc bầu cử hoặc trong các đề xuất lớn.
Theo các nguồn tin do CNA tham khảo, nếu Đức Hồng Y Cupich thực sự lãnh đạo Bộ Giám mục, Giám mục Robert McElroy của San Diego, người sẽ bước sang tuổi 67 vào ngày 5 tháng 2, là ứng cử viên có nhiều khả năng trở thành người kế nhiệm Đức Hồng Y Cupich ở Chicago.
Source:Catholic News Agency