Màu đỏ huyết trên áo choàng của vị Hồng Y, là màu của máu, màu của sự tử đạo, chứ không màu sắc của một sự “ưu việt” thế tục.
Giữa bối cảnh nghẹt thở của một cuộc đảo chính kinh hoàng trong đó toàn bộ chính quyền dân sự và ban lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị bắt. Các nhà báo, nhà văn, thanh niên, sinh viên, thậm chí một số các nhà sư ôn hòa cũng bị binh lính lôi đi, một tiếng nói cho sự thật, hòa bình, và hòa giải đã được cất lên. Đó là tiếng nói của Đức Hồng Y Charles Bo. Trong chương trình này chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em thông điệp của Đức Hồng Y Charles Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin đề cập đến một vài nét về bối cảnh của cuộc đảo chính đang làm thế giới ngơ ngác trước khả năng thao túng của bọn cầm quyền Bắc Kinh.
1. Tham vọng của Tướng Min Aung Hlaing và Bắc Kinh trong cuộc đảo chính tại Miến Điện
Chính quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã khởi xướng 10 năm cải cách vừa qua và giám sát tiến trình này rất chặt chẽ. Tatmadaw đã viết hiến pháp, bảo đảm rằng nó kiểm soát ba bộ chủ chốt: Nội vụ, Hải quan, và Quốc phòng - và dành một phần tư số ghế quốc hội cho quân đội. Nó đã kẹp chặt đôi cánh của Suu Kyi, ngăn cản bà trở thành tổng thống, sử dụng bà như một bức tường lửa để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tội ác chống lại loài người, đồng thời giữ quyền kiểm soát ngân sách và lợi ích kinh doanh của nó. Nói cách khác, Tatmadaw đã nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, vậy tại sao họ lại trực tiếp nắm quyền và đưa Miến Điện trở lại chế độ độc tài quân phiệt?
Một trong những động lực đằng sau chương trình cải cách cách đây một thập kỷ là các tướng lĩnh không chịu nổi các áp lực liên tục của Trung Quốc, và họ biết cách duy nhất để làm loãng ảnh hưởng của Bắc Kinh là cải cách để thu hút sự tham gia của cộng đồng quốc tế.
Điều đó đã có tác dụng trong một vài năm, dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, các chuyến thăm liên tiếp của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo thế giới khác. Đến năm 2014, Miến Điện đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đất nước này.
Các vị tướng đã đạt được tất cả những điều này mà không phải nhượng bộ bao nhiêu. Trái lại, họ còn được hưởng nhiều lợi thế. Mối quan hệ giữa Tatmadaw và bà Suu Kyi đã phát triển trong những năm gần đây, đến mức bà đã đến The Hague để bảo vệ các tướng lĩnh trước cáo buộc diệt chủng. Bà đã phải phá vỡ danh tiếng quốc tế của mình vì họ.
Thành ra, cuộc đảo chính này là vô nghĩa và bất ngờ đối với nhiều người, nếu chúng ta không nhìn nó từ góc độ của Tướng Min Aung Hlaing. Ông ta phải nghỉ hưu, giã từ tư cách tổng tư lệnh quân đội vào tháng 6 tới đây. Gia đình ông ta có nhiều lợi ích kinh doanh, ông ta bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh, ông ta muốn trở thành tổng thống nhưng đảng của ông ta đã thua đậm trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Không bằng lòng với việc nghỉ hưu để đọc hoặc viết sách, chăm sóc vườn tược hay vẽ tranh như những người khác đã làm, và không an tâm tin tưởng rằng tài sản của mình sẽ được bảo vệ, ông ta đã ra tay sau khi có những hứa hẹn từ bọn cầm quyền Trung Quốc, được thể hiện cụ thể qua chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại Giao Bắc Kinh Vương Nghị.
Kết quả là người dân Miến Điện sẽ bị thiệt hại. Tất cả những ai muốn tự do, đã tận hưởng sự mở cửa của thập kỷ trước, giờ đây lại bị rơi vào một kỷ nguyên mới đầy những sợ hãi và nguy hiểm. Và trên hết, các sắc dân thiểu số và các tôn giáo thiểu số của đất nước đang gặp nhiều nguy hiểm hơn.
Việc quân đội, được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng lãnh đạo Phật Giáo cực đoan, trở lại quyền kiểm soát trực tiếp chính phủ chỉ có thể là tin xấu đối với các sắc dân thiểu số - xung đột leo thang, tăng cường các cuộc tấn công và tiếp tục các hành động tàn bạo.
Về tự do tôn giáo, nó đẩy Miến Điện sâu hơn vào bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, khiến cuộc sống đa dạng trở nên khó khăn hơn. Cuộc sống của người Công Giáo, một thiểu số chỉ có 6.4% tại quốc gia này sẽ vô cùng khó khăn.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính này cần phải rất thận trọng để dừng đẩy Miến Điện rơi ngược trở lại tầm kiểm soát của Trung Quốc như trong các thập niên trước.
Đức Hồng Y Charles Bo đã chỉ ra rằng: “những kết luận và phán xét đột ngột cuối cùng không có lợi cho dân tộc nào cả... Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các bạn đừng buộc những người có liên quan đến bước đường cùng là bán rẻ chủ quyền của chúng tôi”.
Source:UCANews
2. Thông điệp của Đức Hồng Y Charles Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế
Đức Hồng Y Charles Bo, tiếng nói can đảm của Miến Điện, một tiếng nói thẳng thắn cho nhân quyền trong những năm gần đây, đã về tới Yangon. Ngài đang viếng thăm mục vụ tiểu bang Kachin khi cuộc đảo chính xảy ra. Trong tuyên bố đầu tiên của ngài gời đến nhân dân Miến Điện, phe đảo chính và chính quyền dân sự đang bị bắt giam, Đức Hồng Y kêu gọi lên án cuộc đảo chính này là một bước lùi cho nền dân chủ tại Miến Điện. Đồng thời, ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng vội vàng đưa ra các biện pháp cấm vận vì chỉ có lợi cho bọn cầm quyền Bắc Kinh. “Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Ngày: 3 tháng 2 năm 2021
Bạn bè thân yêu của tôi,
Tôi viết những dòng này với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, đồng cảm với tâm tư của hàng triệu người lúc này. Tôi viết thư cho những người thân yêu của tôi, các nhà lãnh đạo dân sự, Tatmadaw (giới quân nhân Miến Điện) và cộng đồng quốc tế. Tôi đã buồn bã theo dõi những khoảnh khắc tăm tối trong lịch sử của chúng ta và theo dõi với hy vọng về sự kiên cường của nhân dân chúng ta trong cuộc đấu tranh vì nhân phẩm của họ. Chúng ta đang hành trình vượt qua hầu hết các thời điểm thử thách trong lịch sử của chúng ta. Tôi viết với tình yêu hướng đến tất cả, tìm kiếm một giải pháp lâu dài, cầu nguyện cho sự chấm dứt vĩnh viễn cho bóng tối từng nơi từng lúc đang bao trùm đất nước thân yêu của chúng ta.
1. Gửi những đồng bào Miến Điện thân yêu nhất của tôi
Tôi chia sẻ tình đồng bào sâu sắc với tất cả các bạn trong thời điểm này khi các bạn vật lộn với những sự kiện bất ngờ, gây sốc đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người, hãy bình tĩnh, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đã đổ máu đủ rồi. Đừng đổ máu nữa trên mảnh đất này. Ngay cả trong thời điểm thử thách nhất này, tôi tin rằng hòa bình là con đường duy nhất, hòa bình là có thể. Luôn có những cách thức bất bạo động để thể hiện sự phản đối của chúng ta. Các sự kiện đang diễn ra là kết quả đáng buồn của sự thiếu vắng đối thoại và giao tiếp cũng như các tranh chấp đa dạng về quan điểm. Chúng ta đừng tiếp tục hận thù vào lúc này khi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá và sự thật. Cầu xin cho tất cả các nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện và thúc đẩy cộng đồng phản ứng hòa bình với những sự kiện này. Cầu cho tất cả, xin cho tất cả, tránh những dịp khiêu khích.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ đại dịch. Các nhân viên y tế dũng cảm của chúng ta đã cứu sống nhiều người. Chúng tôi hiểu nỗi đau của các bạn. Một số đã từ chức để phản đối, nhưng tôi cầu xin các bạn, đừng bỏ rơi những người đang cần đến các bạn vào lúc này.
2. Gửi đến các Tướng lĩnh Tatmadaw và Gia đình của họ:
Thế giới đã phản ứng với sự bàng hoàng và đau đớn trước những gì đã xảy ra. Vào năm 2015, khi quân đội tiến hành một quá trình chuyển đổi hòa bình sang chính phủ dân sự được dân bầu, Tatmadaw đã giành được sự ngưỡng mộ của thế giới. Ngày nay, thế giới cố gắng hiểu những gì đã xảy ra trong những năm tiếp theo. Có phải đã thiếu đối thoại giữa các cơ quan dân sự được bầu và Tatmadaw không?
Chúng tôi đã thấy rất nhiều nỗi đau trong các cuộc xung đột. Bảy thập kỷ đổ máu và sử dụng bạo lực không mang lại kết quả gì. Tất cả các bạn đều hứa hẹn hòa bình và dân chủ thực sự. Dân chủ là hy vọng giải quyết các vấn đề của đất nước từng rất giàu có này. Lần này hàng triệu người đã bỏ phiếu cho nền dân chủ. Nhân dân chúng tôi tin tưởng vào sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Bây giờ Tatmadaw đã đơn phương nắm chính quyền. Điều này đã khiến cả thế giới và người dân Miến Điện bàng hoàng. Các cáo buộc về sự bất thường trong cuộc bỏ phiếu có thể được giải quyết bằng đối thoại, với sự hiện diện của các quan sát viên trung lập. Một cơ hội tuyệt vời đã bị mất. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án và sẽ lên án động thái gây sốc này.
Bây giờ anh em hứa hẹn một nền dân chủ lớn hơn - sau cuộc điều tra và một cuộc bầu cử khác. Người dân Miến Điện mệt mỏi với những lời hứa suông. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ lời hứa giả mạo nào. Anh em cũng hứa sẽ tổ chức bầu cử đa đảng sau một năm. Làm thế nào anh em sẽ đạt được sự tin tưởng của người dân của chúng tôi? Họ sẽ chỉ tin tưởng khi lời nói đi đôi với hành động chân thành.
Sự đau khổ và thất vọng của họ phải được hiểu. Hành động của anh em cần chứng minh rằng anh em yêu mến họ, quan tâm đến họ. Một lần nữa, tôi cầu xin các anh em, hãy đối xử với họ trong niềm tôn trọng nhân phẩm thật sự và hòa bình. Không để xảy ra bạo lực với những người dân Miến Điện thân yêu của chúng ta.
Đáng buồn thay, các đại diện dân cử của chúng tôi thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đang bị bắt. Nhiều nhà văn, nhà hoạt động và thanh niên cũng bị bắt. Tôi mong các anh em, tôn trọng nhân quyền của họ và trả tự do sớm nhất cho họ. Họ không phải là tù nhân chiến tranh; họ là tù nhân của một quá trình dân chủ. Anh em hứa hẹn hứa dân chủ; vậy thì anh em bắt đầu với việc giải phóng họ. Thế giới sẽ hiểu anh em.
3. Gửi tới Chị Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint cùng tất cả các nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta.
Kính gửi các nhà lãnh đạo NLD: Anh chị em đang ở trong hoàn cảnh này trong cuộc đấu tranh không ngừng của anh chị em để mang lại nền dân chủ cho quốc gia này. Những biến cố bất ngờ đã khiến anh chị em trở thành tù nhân. Chúng tôi cầu nguyện cho anh chị em và kêu gọi tất cả những người liên quan trả tự do cho anh chị em sớm nhất.
Chị Aung San Suu Kyi thân mến, chị đã sống cho nhân dân chúng ta, hy sinh cuộc sống của mình cho nhân dân của chúng ta. Chị sẽ luôn là tiếng nói của nhân dân chúng ta. Đây là những ngày đau khổ. Chị đã biết bóng tối, chị đã biết ánh sáng trong quốc gia này. Chị không chỉ là người con gái yêu mến của người cha của quốc gia, Tướng quân Aung San. Chị là Amay Suu cho quốc gia. Sự thật sẽ thắng. Thiên Chúa là trọng tài cuối cùng của sự thật. Nhưng Chúa vẫn đợi. Vào lúc này, tôi xin bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của chị và cầu nguyện rằng chị có thể một lần nữa bước đi giữa những người thân yêu của chị, và nâng cao tinh thần của họ.
Đồng thời, tôi muốn xác nhận rằng biến cố này xảy ra do thiếu ĐỐI THOẠI và giao tiếp và thiếu sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta hãy lắng nghe người khác.
4. Đối với Cộng đồng Quốc tế:
Chúng tôi biết ơn sự quan tâm của các bạn và đánh giá cao cảm giác kinh ngạc của các bạn. Chúng tôi rất biết ơn vì sự đồng hành đầy cảm thông của các bạn vào lúc này. Điều đó rất quan trọng.
Nhưng lịch sử đã chỉ ra một cách đau đớn rằng những kết luận và phán xét đột ngột cuối cùng không có lợi cho dân tộc nào cả. Các biện pháp trừng phạt và lên án không mang lại nhiều kết quả, thay vào đó chúng đóng cửa và không đối thoại. Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các bạn đừng buộc những người có liên quan đến bước đường cùng là bán rẻ chủ quyền của chúng tôi. Cộng đồng quốc tế cần tiếp xúc với thực tế, hiểu rõ về lịch sử và kinh tế chính trị của Miến Điện. Các lệnh trừng phạt có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Thu hút các tác nhân tham gia vào tiến trình hòa giải là con đường duy nhất.
Những gì đã xảy ra thật đau đớn. Nó đã làm tan nát con người của chúng tôi. Tôi viết điều này với mong muốn an ủi họ. Tôi viết không phải với tư cách một chính trị gia. Tôi tin rằng tất cả các bên liên quan ở đất nước này đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người dân của chúng ta. Tôi viết với những lời cầu nguyện và hy vọng rằng quốc gia vĩ đại của chúng tôi, mảnh đất vàng của một dân tộc đầy ân sủng này sẽ bước vào sân khấu toàn cầu như một cộng đồng hòa giải của hy vọng và hòa bình. Hãy để chúng tôi giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại.
Hòa bình là có thể. Hòa bình là con đường duy nhất. Dân chủ là ánh sáng duy nhất cho con đường đó.
Hồng Y Charles Maung Bo
Tổng giám mục Yangon Myanmar
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Myanmar
Chủ tịch Liên Hội đồng các Giám mục Á Châu
Đồng chủ tịch phong trào Các Tôn Giáo Vì Hòa Bình Miến Điện
Source:Archdiocese of Yangon