Kẻ thù quỷ quyệt của Giáo Hội dường như đã thành công vẻ vang khi duy trì được truyền thống chia rẽ giữa Vatican và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, mỗi lần có ngày nhậm chức của tân tổng thống nước này.



John L. Allen Jr., chủ bút tạp chí CruxNow, ngày 22 tháng 1 năm 2021, muốn nói như thế khi phân tích tin tức về các thông điệp lẫn lộn mà phía Giáo Hội Công Giáo gửi cho Biden.

Theo ông, trong số nhiều truyền thống xung quanh lễ nhậm chức tổng thống, người Công Giáo hình như đã tạo ra một truyền thống riêng của họ, đặc biệt khi đó là một tổng thống Dân chủ: các thông điệp lẫn lộn từ Vatican và Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Mười hai năm trước, khi Barack Obama đắc cử, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã gửi một bức thư chúc mừng vào ngày 5 tháng 11, không giống thói quen chờ đến ngày nhậm chức, và tờ báo của Vatican, L'Osservatore Romano, đã hân hoan tràn trề về biểu tượng hy vọng trong chiến thắng của Obama. Sau đó, chủ biên lúc đó là Gian Maria Vian đã bảo vệ Obama trước các lời chỉ trích của phe phò sự sống, nhấn mạnh rằng ông ta không phải là một “tổng thống phò phá thai”.

Tất cả những điều đó hoàn toàn trái ngược với đường lối cứng rắn hơn của các giám mục Hoa Kỳ thời cố Hồng Y Francis George của Chicago, lúc đó là chủ tịch hội đồng, trên hết về vấn đề phá thai, và thỉnh thoảng một số khiếu nại hậu trường gay gắt ngỏ với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Hôm thứ Tư, cả Vatican lẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đều đưa ra các tuyên bố về lễ nhậm chức, và một lần nữa chúng ta lại thấy Câu chuyện Hai Giọng Điệu.

Lời chúc mừng ngắn gọn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho Tổng thống Joe Biden rất cao quí và tránh những lãnh vực có thể có bất đồng, trong khi một thông điệp dài hơn của Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hứa hẹn cầu nguyện và ủng hộ nhưng cũng cảnh báo chính quyền mới đừng “thúc đẩy các tệ nạn đạo đức và đe dọa sự sống và phẩm giá của con người”, rõ ràng đã vẽ ra những đường phân rẽ rõ ràng về các vấn đề “phá thai, ngừa thai, hôn nhân, giới tính ”.

Theo hồ sơ, đây không phải là trường hợp "cảnh sát tốt / cảnh sát xấu", nghĩa là một chiến lược phối hợp giúp Đức Giáo Hoàng treo lơ lửng củ cà rốt trong khi các giám mục thì giơ cây roi. Cả với Obama lẫn với Biden, đó là một căng thẳng thực sự giữa Rôma và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, không bên nào đặc biệt vui mừng với phương thức của bên kia.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa năm 2009 và năm 2021 là tám năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Khi Obama nhậm chức, các giám mục Hoa Kỳ khá đoàn kết trong việc tập chú vào vấn đề phá thai, trong khi ngày nay có đủ “các giám mục của Đức Phanxicô” ở Hoa Kỳ để đưa ra một đối trọng lớn tiếng, một đối trọng gần gũi hơn với đường lối của Vatican.

Hôm thứ Tư, tiếng nói đó đến từ Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, được nhiều người coi là một trong những đồng minh trung thành nhất của Đức Phanxicô trong số các giám mục Hoa Kỳ, người đã lên Twitter gọi tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez là “thiếu cân nhắc” và phản đối điều được ngài mô tả là thiếu tham vấn để biết phải soạn thảo ra sao.

Cupich xem ra cũng đưa ra một cảnh báo cho rằng ngài không sẵn sàng bỏ qua điều này, khi nói rằng "phải giải quyết các thất bại định chế nội bộ có liên quan".

Như thế, hiện nay chúng ta có ba nhóm, chứ không phải hai, mâu thuẫn nhau trong cơ cấu quyền lực Công Giáo: Vatican, ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và một nhóm giám mục ngày càng có ảnh hưởng, những người bất đồng với sự lãnh đạo đó.

Một số người có thể thấy sự chia rẽ này thật đáng buồn, nhất là vào thời điểm lúc một tân tổng thống đang kêu gọi người Mỹ đoàn kết. Tuy nhiên, đây là cách hiểu kiểu “nửa ly nước đầy”: Trong một thời điểm khi “các sự kiện” dường như ai muốn nắm thế nào thì nắm, ít nhất cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược phản ảnh trong những thông điệp đó có đức tính trung thực của nó.

Quan trọng hơn cả, đây không phải chỉ là, hoặc thậm chí chủ yếu, là căng thẳng giữa Rôma và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hoặc giữa Tổng Giám Mục Gomez và Hồng Y Cupich. Thay vào đó, đây là một đường đứt gãy chạy xuyên qua tâm trí của nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ.

Nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ thực sự muốn thấy Giáo hội hợp tác với chính phủ mới để giúp xây dựng một xã hội hậu đại dịch được đánh dấu bằng sự hòa nhập nhiều hơn, công bằng chủng tộc nhiều hơn, môi trường lành mạnh nhiều hơn và nhiều mục tiêu cấp bách khác.

Ở bình diện bản thân, nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ thấy rất nhiều điều đáng ngưỡng mộ nơi Biden, không chỉ là đức tin Công Giáo sùng mộ của ông mà còn là cam kết của ông đối với sự đứng đắn bản thân, và họ không muốn nhìn thấy Giáo hội của họ - một Giáo Hội, dù sao, cũng là của cả tổng thống nữa- trở thành kẻ thù của ông ta, nhất là ngay từ ngày đầu tiên.

Tuy nhiên, giống như Gomez, nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ cũng coi việc bảo vệ sự sống của thai nhi là “ưu tiên ưu việt” và đấu tranh để dung hòa sự nhiệt tình của họ đối với giọng điệu lịch thiệp và nghị trình đầy cảm thương của Biden với thực tại ông ta chắc chắn sẽ theo đuổi các chính sách về phá thai mà họ vốn không thể ủng hộ. Thí dụ, bác sĩ Anthony Fauci nói với Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Năm rằng Biden đang chuẩn bị đảo ngược Chính sách Mexico City, cấm Hoa Kỳ tài trợ cho các nhóm ở nước ngoài cung cấp hoặc giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở phá thai.

Khi điều đó xảy ra, ít nhất một số người Công Giáo có khuynh hướng muốn dành cho Biden một cơ hội cảm thấy đau buồn và lo lắng về những gì có thể xảy ra sau đó.

Nói cách khác, coi các thông điệp hỗn hợp của ngày thứ Tư như một cuộc xung đột giữa hai phe phái riêng biệt không phải là toàn cảnh. Đúng, có một số giám mục có xu hướng gây chiến với Biden và có những giám mục khác muốn thực hiện một cuộc hòa bình riêng, và chắc chắn các ngài sẽ tiếp tục tranh cãi - trừ khi, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tìm ra cách giải quyết những mâu thuẫn như vậy một cách im lặng hơn và ít công khai hơn.

John Allen kết luận rằng: Nếu bạn là một người Công Giáo cố gắng sống với đức tin thay vì lập trường đảng phái, một phần nào đó trong bạn chắc hẳn có thiện cảm với cả Rôma lẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư, với cả Gomez lẫn Cupich. Ông mong những người Công Giáo này tìm được một công thức có tính ma thuật, có khả năng đoàn kết cả hai.

Đối với riêng Biden, Allen cho rằng: Với tư cách là tổng thống Công Giáo Rôma thứ hai của đất nước, mối liên hệ của Biden với Giáo Hội của ông chắc chắn sẽ là một phần của bi hài kịch trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Việc ông ta lèo lái ra sao vẫn còn phải chờ xem, nhưng có lẽ hoàn toàn không phải là một điều tồi tệ mà vào ngày đầu tiên, ông ta nhận được lời nhắc nhở cho thấy việc đó khó khăn và đòi hỏi ra sao.