Như chúng tôi đã đưa tin, do chứng đau thần kinh tọa gây đau đớn, Đức Thánh Cha đã không thể chủ sự buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum cuối năm. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thay cho ngài và Đức Hồng Y đã đọc bài giảng sau của Đức Thánh Cha Phanxicô

Anh chị em thân mến!

Việc cử hành buổi tối này luôn có một khía cạnh kép: với phụng vụ, chúng ta bước vào lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đồng thời chúng ta kết thúc năm dương lịch với bài thánh thi ngợi khen tuyệt vời.

Khía cạnh đầu tiên sẽ được thảo luận trong bài giảng sáng mai. Tối nay chúng ta dành không gian để tạ ơn vì một năm sắp kết thúc.

“Te Deum laudamus”, “Chúng con ngợi khen Chúa, Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa”. Có vẻ như chúng ta bị buộc phải miễn cưỡng cảm tạ Chúa vào cuối một năm như thế này, được đánh dấu bởi đại dịch. Suy nghĩ của tôi hướng đến những gia đình mất đi một hoặc nhiều thành viên; chúng ta nghĩ đến những người đã bị bệnh, những người phải chịu đựng sự cô đơn, những người bị mất việc làm...

Đôi khi có người hỏi: một thảm kịch như thế này thì để làm gì? Chúng ta không nên vội vàng khi trả lời câu hỏi này. Ngay cả Thiên Chúa cũng không đáp lại những câu hỏi “tại sao” đau buồn nhất của chúng ta bằng cách viện đến những “lý do cao siêu”. Lời đáp của Thiên Chúa dõi theo con đường của nhập thể, như Điệp Ca cho bài Magnificat chút nữa đây sẽ hát rằng: “Vì tình yêu cao cả Người đã yêu chúng ta, mà Thiên Chúa đã sai Con Người đến trong thân xác phàm nhân”.

Một Thiên Chúa đã hy sinh con người cho một hoạch định tuyệt vời, ngay cả một thiết kế tốt nhất có thể đi chăng nữa, chắc chắn không phải là Thiên Chúa đã mạc khải Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta. Thiên Chúa là cha, “Cha đời đời”, và nếu Con Ngài trở thành người phàm, thì đó là vì lòng nhân từ bao la của Chúa Cha. Thiên Chúa là Cha và là mục tử, và người mục tử nào lại thí bỏ dù chỉ một con chiên, vì nghĩ rằng dù thế đi nữa mình vẫn còn lại nhiều con? Không, vị thần độc ác và tàn nhẫn này không tồn tại. Đây không phải là Thiên Chúa mà chúng ta “ca tụng” và “loan báo”.

Người Samaritanô nhân hậu, khi gặp người đàn ông sống dở chết dở ở bên đường, đã không diễn thuyết cho anh ta nghe một diễn văn giải thích ý nghĩa những gì đã xảy ra với anh ta, có lẽ là để thuyết phục anh ta rằng điều đó chung cuộc lại là điều tốt cho anh ta. Người Samaritanô, động lòng trắc ẩn, đã cúi xuống trước người lạ đó, coi anh ta như huynh đệ của mình và lo cho anh ta làm mọi việc trong khả năng của mình (x. Lc 10:25-37).

Ở đây, vâng, có lẽ chúng ta có thể tìm thấy một “cảm thức” về thảm kịch là đại dịch này, cũng như những tai họa khác ảnh hưởng đến nhân loại: đó là một cảm thức khơi dậy lòng trắc ẩn trong chúng ta và khơi dậy những thái độ, những cử chỉ gần gũi, quan tâm, đoàn kết, yêu thương.

Đây là điều đã xảy ra và cũng đang diễn ra ở Rôma trong những tháng gần đây; và trên hết vì điều này, đêm nay, chúng ta tạ ơn Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những điều tốt đẹp đã xảy ra trong thành phố của chúng ta trong thời gian cô lập và nói chung, trong thời điểm đại dịch, mà tiếc thay vẫn chưa đến hồi kết thúc. Có nhiều người, không hề gây ồn ào, đã cố gắng làm cho trọng lượng của thử thách này có thể chịu được. Với sự dấn thân hàng ngày của họ, được thúc đẩy bởi tình yêu đối với người lân cận, họ nhận ra những lời đó trong bài thánh thi Te Deum: “Mọi ngày chúng con cảm tạ và cung chúc tôn thờ, chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô”. Bởi vì lời chúc tụng và ngợi khen mà Thiên Chúa vui lòng nhất là tình anh em.

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe - bác sĩ, y tá, y công, tình nguyện viên - ở tuyến đầu, và vì điều này, họ đặc biệt được nhớ đến trong lời cầu nguyện của chúng ta và đáng được chúng ta biết ơn; cũng như nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, những người đã làm hết sức mình với lòng quảng đại và tận tụy. Nhưng đêm nay, lời cảm ơn của chúng ta xin gửi đến tất cả những ai đang cố gắng mỗi ngày để giữ cho gia đình của họ hoạt động tốt nhất và những người dấn thân phục vụ lợi ích chung. Chúng ta hãy nghĩ đến những người quản lý các trường học và các thầy cô giáo, những người đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, và những người phải đối mặt với một tình huống rất phức tạp. Chúng ta cũng nghĩ đến với lòng biết ơn những người quản lý nhà nước, những người biết cách quý trọng tất cả các nguồn lực tốt hiện có trong thành phố và trong lãnh thổ, những người không dính bén đến tư lợi hay lợi ích phe phái. Vì sao? Thưa: Bởi vì họ thực sự tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, thiện ích chung, và những điều tốt đẹp bắt đầu từ những người thiệt thòi nhất.

Tất cả điều này không thể xảy ra nếu không có ân sủng, nếu không có lòng thương xót của Chúa. Chúng ta biết rõ điều này từ kinh nghiệm của mình là trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng ta bị cám dỗ để tự bảo vệ mình - điều đó là tự nhiên. Chúng ta có khuynh hướng bảo vệ chính mình và những người thân yêu, bảo vệ lợi ích của chúng ta… Như thế thì làm sao lại có rất nhiều người, không có phần thưởng nào khác hơn là được làm điều thiện, có thể tìm thấy sức mạnh để lo lắng cho người khác? Điều gì khiến họ phải từ bỏ những thứ thuộc về bản thân, sự thoải mái của họ, thời gian của họ, của cải của họ để trao những thứ ấy cho người khác? Rốt cuộc, cho dù bản thân họ không nghĩ về điều đó, chính sức mạnh của Chúa thúc đẩy họ, là điều còn mạnh hơn cả tâm lý ích kỷ của chúng ta. Vì lý do này, buổi tối hôm nay chúng ta ngợi khen Ngài, bởi vì chúng ta tin và biết rằng tất cả những điều tốt lành được thực hiện hằng ngày trên trái đất này, cuối cùng, đều đến từ Ngài, mọi điều thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa. Cầu xin lòng thương xót Chúa luôn ở với chúng ta, trong Chúa chúng con đã hy vọng. Lạy Chúa là niềm tin và hy vọng của chúng con.


Source:Holy See Press Office