Chúa nhật 27 tháng 12 là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Vài ngày sau lễ Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật tuyệt khi suy ngẫm về sự thật rằng giống như tất cả trẻ em, Con Thiên Chúa muốn có sự ấm áp của một mái gia đình. Chính vì thế, gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là mẫu gương của các gia đình, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm quy chiếu chắc chắn của họ và là một nguồn cảm hứng chân thật. Cuộc sống phàm nhân của Con Thiên Chúa đã nảy mầm tại Nadarét, vào lúc Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nguyên của Đức Maria. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu diễn ra trong niềm vui giữa những bức tường hiếu khách của ngôi nhà Nadarét, được bao quanh bởi lòng từ mẫu của mẹ Maria và sự chăm sóc của thánh Giuse, nơi ngài, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa (x. 2).
Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực. Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” - chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.
Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến tấm gương truyền giáo trong gia đình, đề xuất cho chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngày 19 tháng Ba tới đây là kỷ niệm 5 năm công bố. Và sẽ có một năm kéo dài từ 19 tháng Ba, 2021 đến 19 tháng Ba, 2022 để suy ngẫm về Amoris Laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu này.
Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đồng và gia đình trong Giáo hội, để đồng hành với họ. Từ giờ trở đi, tôi mời mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được cổ vũ trong năm đó và sẽ được điều phối bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống. Chúng ta giao phó cuộc hành trình này với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nadarét, đặc biệt là cho Thánh Giuse, người chồng và người cha ân cần.
Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà chúng ta giờ đây hướng về trong kinh Truyền Tin, xin cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng bị cuốn hút bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho một nhân loại mới, và cho một tình liên đới cụ thể và phổ quát
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,Tôi chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu, những người đang theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những gia đình đã mất đi một hay nhiều người thân trong những tháng gần đây hoặc bị thử thách do hậu quả của đại dịch. Tôi cũng đang nghĩ đến các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên y tế, những người dấn thân rất lớn khi đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi rút đã gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cuộc sống gia đình.
Và hôm nay tôi giao phó mọi gia đình cho Chúa, đặc biệt là những gia đình bị thử thách nhiều nhất bởi những khó khăn của cuộc sống và bởi những vết thương của sự thiếu cảm thông và chia rẽ. Nguyện xin Chúa Hài Đồng, giáng sinh tại Bết-lê-hem, ban cho mọi người sự thanh thản và sức mạnh để hiệp nhất bước đi theo đường ngay nẻo chính.
Và đừng quên ba từ này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sống hiệp nhất trong gia đình: “xin phép” – để tôn trọng người khác chứ không xâm phạm - “cảm ơn” - cảm ơn lẫn nhau trong gia đình - và “xin lỗi” khi chúng ta làm một điều xấu. Và hãy ghi nhớ điều này “xin lỗi” - sau khi anh chị em đã chiến đấu - hãy nói trước khi một ngày kết thúc: hãy làm hòa trước khi trời tối.
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana