Chúa nhật 20 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng, cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng trước khi chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh.

Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ:

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Truyền Tin. “Hãy vui mừng”, sứ thần nói với Đức Maria: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:28-31). Đó dường như thuần tuý là một lời loan báo về một niềm vui, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ hạnh phúc: vì ai trong số những người phụ nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách rất lớn đối với Đức Maria. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Đức Maria đã “hứa hôn” (câu 27). Trong tình huống này, Luật Môisê quy định rằng không được có bất cứ quan hệ luyến ái hay chung sống. Vì thế, nếu sinh con, Đức Maria đã phạm lề luật, và những hình phạt dành cho phụ nữ phạm vào tội đó thật khủng khiếp: việc ném đá đã có thể hình dung ra trước (x. Đnl 22: 20-21). Chắc chắn sứ điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong trái tim của Đức Maria; tuy nhiên, Mẹ cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nói “Vâng” với Chúa, tức là mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống mình, hoặc từ chối lời mời này và tiếp tục con đường bình thường của mình.

Mẹ đã làm gì? Thưa: Mẹ trả lời như thế này: “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1: 38). Nhưng trong ngôn ngữ mà Tin Mừng được viết ra, là tiếng Hy Lạp, nó không chỉ đơn giản là “xin vâng như thế”. Biểu hiện bằng lời nói của Đức Mẹ cho thấy một mong muốn mạnh mẽ, biểu thị ý chí mong muốn một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu phải xảy ra như thế, thì đành để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác hơn được…”. Tiếng xin vâng của Đức Mẹ không phải là một sự cam chịu. Nó không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, nó thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát vọng sống động. Nó không bị động, nó đang chủ động. Mẹ không miễn cưỡng chịu khổ vì Chúa, Mẹ tuân theo lời Người. Mẹ là một người yêu mến Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa của mình trong mọi việc và ngay lập tức. Mẹ có thể xin một thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc xin được giải thích thêm về những gì sắp xảy ra; và có thể đặt một số điều kiện... Nhưng thay vào đó, Mẹ không làm mất thời gian, Mẹ không khiến Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.

Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ về chính mình. Đã bao nhiêu lần, biết bao nhiêu lần, cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những sự trì hoãn, ngay cả trong cuộc sống tinh thần! Ví dụ: Tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… “ ngày mai nhé, ngày mai vậy, ngày mai, ngày mai…”. Hãy trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết việc giúp đỡ ai đó là quan trọng - vâng, tôi nên giúp đỡ họ. Mai nhé. Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Đó là một chuỗi liên tục những ngày mai… những trì hoãn trong mọi thứ. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Đức Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”: “Tôi có nên cầu nguyện không?” “Vâng, nên lắm”. “Tôi có nên giúp đỡ người khác không? Vâng, nên lắm”. Làm thế nào để thực hiện những điều đó? Tôi làm ngay không chút trì hoãn. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó, chắc chắn rồi, nhưng giá phải trả ấy luôn luôn ít hơn những gì tiếng “xin vâng” dũng cảm của Đức Mẹ “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” phải trả. Đó là tiếng “xin vâng” mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.

Và chúng ta có thể nói tiếng “xin vâng” nào? Trong thời điểm khó khăn này thay vì phàn nàn về những gì đại dịch cản trở chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn chúng ta: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người nghèo khó mà không ai nghĩ đến! Và đây là một lời khuyên khác: để Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn: chúng ta hãy tiến bước và cầu nguyện. Chúng ta đừng để cho mình bị chủ nghĩa tiêu dùng “khiêng đi”: “Tôi phải mua những món quà này, tôi phải làm điều này, điều nọ...” Chúng ta đừng điên cuồng làm nhiều thứ vì chỉ có một điều quan trọng là Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Giáng Sinh của chúng ta. Chủ nghĩa tiêu dùng không có trong máng cỏ Bêlem: nhưng ở đó chỉ có nghèo đói và tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như Mẹ Maria đã làm: xa lánh tội lỗi, và sẵn sàng đón Chúa.

“Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Đó là câu cuối cùng của Đức Trinh Nữ vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, và đó là lời mời gọi thực hiện một bước cụ thể hướng tới Lễ Giáng Sinh. Bởi vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta - của tôi, của anh chị em, của tất cả mọi người - nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống, thì Lễ này sẽ trôi qua vô ích. Trong kinh Truyền Tin chúng ta đọc bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “xin lời Chúa được ứng nghiệm trong tôi”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của mình. Bằng thái độ này trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh.

Sau khi đọc Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, đại dịch coronavirus đã gây ra sự đau khổ đặc biệt cho những người đi biển. Nhiều người trong số họ - ước tính khoảng 400,000 người trên toàn thế giới - đang bị mắc kẹt trên những con tàu vượt quá thời hạn hợp đồng mà không thể trở về nhà. Tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao Biển, an ủi những người này và tất cả những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, và tôi kêu gọi các chính phủ làm mọi thứ có thể để giúp họ trở về với những người thân yêu của mình.

Năm nay, những nhà tổ chức có ý tưởng rất hay là thực hiện cuộc triển lãm “100 cảnh Chúa Giáng Sinh” dưới hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô. Có nhiều máng cỏ dùng để dạy bảo đức tin cho dân Chúa. Tôi mời anh chị em đến thăm những máng cỏ dưới hàng cột, để hiểu cách mọi người cố gắng trình bày Chúa Giêsu được sinh ra như thế nào. Những máng cỏ dưới hàng cột là một bài giáo lý tuyệt vời về đức tin của chúng ta.

Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia, các gia đình, các giáo xứ, các hiệp hội và cá nhân. Ước gì Lễ Giáng Sinh, đang đến gần, là một dịp đổi mới nội tâm, cầu nguyện, hoán cải, tiến bước trong đức tin và tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta hãy nhìn xung quanh chúng ta, chúng ta hãy nhìn trước hết đến những người nghèo khổ: những người anh em đau khổ, dù đến từ đâu cũng là những người anh em của chúng ta. Đó là Chúa Giêsu trong máng cỏ: người chịu đau khổ là Chúa Giêsu. Hãy suy nghĩ một chút về điều này. Và có thể Giáng Sinh là một sự gần gũi với Chúa Giêsu trong anh chị em này. Nơi đó, nơi người anh em thiếu thốn đó, là cái nôi mà chúng ta phải đi đến với tình liên đới. Đây là cảnh Chúa Giáng Sinh đang sống: cảnh Chúa Giáng Sinh trong đó chúng ta sẽ thực sự gặp Chúa Cứu Thế trong những người trong cảnh quẫn bách. Với ý tưởng đó, chúng ta hãy hướng đến Đêm Thánh và chờ đợi sự hoàn thành mầu nhiệm Cứu độ.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!


Source:Holy See Pres Office