Bất kể sự bùng phát đáng báo động của đại dịch coronavirus, hôm Chúa Nhật 13 tháng 12, quảng trường Thánh Phêrô đã đông hẳn hơn các ngày Chúa Nhật khác. Thời tiết thật đẹp và quảng trường được trang trí huy hoàng với cây thông và cảnh Giáng Sinh. Tuy nhiên, lý do chủ yếu nhất cho sự đông đảo này là vì hôm nay là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng mà theo một truyền thống đã được bắt đầu từ ngày Chúa Nhật 21 tháng 12, năm 1969, các trẻ em mang những tượng Chúa Hài Đồng đến cho Đức Giáo Hoàng làm phép. Truyền thống này tiếng Ý gọi là “Bambinelli”.

Trước khi chúng tôi tường thuật buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm nay, xin mạn phép trình bày bài huấn dụ lịch sử của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục hôm 21 tháng 12, 1969, là bài huấn dụ đã khai mở truyền thống tốt đẹp kéo dài trong suốt 51 năm qua này.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 21/12/1969

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục nói như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta đang tiến gần đến lễ Giáng Sinh.

Trong số rất nhiều công việc chuẩn bị, chúng ta vui mừng khi thấy nhiều người đang làm các cảnh Chúa Giáng Sinh: trong nhà nguyện, trong trụ sở của các cơ quan, những nơi tôn vinh danh Chúa, và đặc biệt là trong các gia đình tốt lành và hạnh phúc với sự hiện diện của trẻ em và người trẻ.

Máng cỏ Giáng Sinh làm cho sống động ký ức về sự kiện trọng đại là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Cảnh Chúa Giáng Sinh tiêu biểu cho những gì đã diễn ra tại Bê Lem với sự đơn giản chân thực và chất phác; và nó trở thành một khung cảnh truyền giáo, nó trở thành một bài học trong tinh thần Kitô giáo, cũng như một thông điệp về văn hóa và truyền thống. Máng cỏ Giáng Sinh cho chúng ta biết Chúa Giêsu muốn bước vào thế giới của chúng ta như thế nào: nghèo nàn, nhỏ bé, bị những người tha thiết với các giá trị trần tục của trái đất này từ chối. Chúa Giêsu đã đến như thế để những người nghèo, những người bé nhỏ, những người bị ruồng bỏ có thể là những người đầu tiên đến gần Ngài.

Ngài đến để biến mình thành quà tặng cho chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi trở ngại, mọi sợ hãi; và ngay lập tức mang đến cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về thiên đàng, về vẻ đẹp không gì sánh được và niềm vui tối thượng: trong đó có vinh quang Thiên Chúa, và hòa bình cho nhân loại.

Trong những dấu chỉ khiêm tốn, quá quen thuộc nhưng quá cao siêu này, đã có một khúc dạo đầu cho cuộc sống mới, khúc dạo đầu sơ đẳng đến nỗi ngay cả trẻ em cũng hiểu được. Các em biết rằng điều đáng giá là lòng nhân lành, sự giản dị, biết quý trọng mọi thứ như một ân sủng đến từ Thiên Chúa, và như những gì chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa.

Chúng ta cảm thấy thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống phức tạp và trần tục, cảm thấy hồn nhiên, cảm thấy tất cả là bạn bè và anh chị em với nhau. Chúng ta cùng được sưởi ấm trong lò sưởi của tình yêu tốt đẹp và trong sáng, và chúng ta cảm thấy một chút hiểu biết hơn về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, cuộc sống của chúng ta theo thời gian, và trên trái đất này.

Máng cỏ thật đẹp phải không các trẻ em? Có đúng không, các bạn nhỏ? Vâng, máng cỏ thật đẹp; và vì thế, cha sẽ ngay lập tức ban phép lành, từ cửa sổ này, cho các bức tượng Chúa Hài Đồng của các con, và sau đó cha sẽ đi xuống quảng trường, để làm phép cho cảnh Giáng Sinh.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 13/12/2020

Chúa nhật 13 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui Mừng trong đó Phụng Vụ bắt đầu với bài ca nhập lễ sau: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.”

Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô cho chúng ta biết như sau về sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả:

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Sự chờ mong chúng ta đang sống là một niềm vui, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu quý, chẳng hạn như một người bạn, hay một người thân mà lâu rồi chúng ta không được gặp. Chúng ta đang sống trong niềm vui mong đợi. Và chiều kích của niềm vui này dâng trào cách đặc biệt vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, được mở đầu với lời khích lệ của Thánh Phaolô trong bài Ca Nhập Lễ “Hãy luôn vui mừng trong Chúa” (x. Pl 4: 4,5). “Hãy vui lên!” Đó là niềm vui của người Kitô hữu. Và lý do của niềm vui này là gì? Thưa vì “Chúa đã gần đến” (câu 5). Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Ngài càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các tín hữu Kitô. Có lần một triết gia đã nói đại loại như thế này: “Tôi không hiểu làm thế nào đến ngày hôm nay mà bạn còn có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có khuôn mặt ngái ngủ. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt như thế, vâng, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt của nỗi buồn. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu mến anh chị em! Mà sao anh chị em không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một lúc và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật trong Kinh thánh. Ngoại trừ Đức Mẹ và Thánh Giuse, ông là người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nhất trong nỗi chờ mong Đấng Mêsia và trong niềm vui khi thấy Người đến. Cố nhiên, chúng ta đang đề cập đến đến Thánh Gioan Tẩy Giả (x Ga 1:19-28).

Vị Thánh Sử giới thiệu Thánh Gioan Tẩy Giả một cách trang trọng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến […] Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (câu 6-7). Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng mạng sống mình. Tất cả các sách Phúc âm đều đồng ý rằng thánh nhân đã hoàn thành được sứ mệnh của mình bằng cách chỉ ra cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo. Trong thời của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhà lãnh đạo. Danh tiếng ngài đã lan rộng khắp miền Giuđêa và xa hơn nữa, đến tận miền Galilê. Nhưng ngài đã không đầu hàng dù chỉ trong phút chốc trước cám dỗ thu hút sự chú ý về phía mình; trái lại thánh nhân luôn hướng về Đấng sẽ đến. Ngài nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ngài luôn hướng sự chú ý đến Chúa, cũng như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Các thánh là những người luôn loan báo Chúa cho mọi người. Những ai không loan báo Chúa thì không phải là thánh!

Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: đừng đặt bản thân mình ở trung tâm, nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là sự tha hóa bản thân, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đã đến trong thế gian này. Chính năng động của tình yêu này khiến tôi đi ra khỏi chính mình, không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm thấy chính mình trong khi trao ban chính mình cho tha nhân, và tìm kiếm điều tốt đẹp của người khác.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã đi một chặng đường dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Con đường của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi. Cần phải làm việc để luôn có niềm vui. Thánh Gioan Tẩy Giả đã bỏ tất cả mọi thứ, từ khi còn trẻ, để đặt Chúa lên trên hết, để lắng nghe Lời Ngài bằng cả lòng trí và sức lực của mình. Thánh Gioan Tẩy Giả rút vào sa mạc, tước bỏ mọi thứ phù phiếm, để được tự do dõi theo làn gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số tính cách của ngài là độc đáo, không thể lặp lại, và không phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng lời chứng của ngài là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình và niềm vui thực sự. Đặc biệt, Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những ai trong Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách biệt khỏi chính mình và khỏi tinh thần thế gian, không thu hút mọi người chú ý đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu. Niềm vui là thế này: là định hướng nơi Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là dấu chỉ đức tin của chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, niềm vui nội tâm là biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với chúng ta, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống của chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: Chúng ta nên cư xử như thế nào? Chúng ta có phải là người vui mừng, biết cách truyền đạt niềm vui khi trở thành một Kitô hữu không, hay chúng ta luôn giống như những người buồn bã, mà tôi đã đề cập trước đó, những người với khuôn mặt ngái ngủ? Nếu tôi không có niềm vui vì đức tin của mình, tôi sẽ không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin mà buồn hiu như thế, chẳng thà đừng có thì hơn”.

Giờ đây, khi chúng ta đọc kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được hiện thực viên mãn nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ yên lặng chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; chào đón, lắng nghe, và đón nhận. Trong Mẹ Chúa trở nên gần gũi. Vì lý do này, Giáo hội gọi Đức Maria với tước hiệu “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những người hành hương.

Một cách đặc biệt, tôi chào đón nhóm đại diện cho các gia đình và trẻ em Rôma, nhân dịp ban phép lành “Bambinelli”, một dịp do Trung tâm mục vụ giới trẻ Rôma tổ chức. Năm nay có ít các bạn ở đây vì đại dịch, nhưng tôi biết rằng nhiều trẻ em và thanh niên đang tập trung trong các nguyện đường và trong nhà của họ và theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Tôi gởi lời chào thăm từng người và chúc phúc cho những bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ được đặt trong máng cỏ, là một dấu chỉ của hy vọng và niềm vui. Trong thinh lặng, chúng ta hãy chúc lành cho các trẻ nhỏ: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi các bạn cầu nguyện tại nhà, trước máng cỏ với gia đình, hãy để cho mình được lôi cuốn bởi sự dịu dàng của Chúa Giêsu Hài Đồng, chào đời trong nghèo khó và mong manh giữa chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đừng quên vui lên nhé! Kitô hữu phải có niềm vui trong lòng, ngay cả trong thử thách; chúng ta vui mừng vì được ở gần Chúa Giêsu: chính Người đem lại niềm vui cho chúng ta. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt anh chị em!


Source:Libreria Editrice Vaticana

Source:Libreria Editrice Vaticana