Một bức tượng Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm đã bắt đầu một cuộc hành hương vào hôm thứ Sáu tới các giáo xứ trên khắp nước Ý, đánh dấu kỷ niệm 190 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré ở Pháp.

Sau Thánh lễ tại chủng viện Collegio Leoniano ở Rôma, bức tượng được rước đến Nhà thờ San Gioacchino ở Prati gần đó vào tối ngày 27 tháng 11.

Trong suốt tháng 12, bức tượng sẽ đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác ở Rôma, dừng lại ở 15 nhà thờ khác nhau.

Sau đó, nếu các hạn chế về coronavirus cho phép, bức tượng sẽ được đưa đến các giáo xứ trên khắp nước Ý, kết thúc vào ngày 22 tháng 11 năm 2021, trên đảo Sardinia.

Một trong những điểm dừng trên tuyến đường sẽ là Nhà thờ Thánh Anne, nằm ngay bên trong các bức tường của Vatican.

Cuộc hành hương này là một sáng kiến Tân Phúc âm hóa của Hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn. Trong một tuyên bố, Hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn nói rằng cuộc hành hương kéo dài một năm của tượng Đức Mẹ sẽ giúp công bố tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào một thời điểm “ được đánh dấu bởi những căng thẳng kinh hoàng trên mọi lục địa của thế giới”.

Ngày 27 tháng 11 hàng năm là một ngày đặc biệt trong lịch sử bức tượng Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm vì đó là ngày Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Thánh Catherine Labouré, khi đó đang là tập sinh của Dòng Nữ Tử Bác Ái ở Paris, bên Pháp, để cho thánh nữ thấy mề đay mà Đức Mẹ muốn thánh nữ phổ biến rộng rãi trên tòa thế giới.

Ngày 19 tháng 7 năm 1830, đêm trước lễ Thánh Vincent de Paul, nữ tu trẻ Catherine Labouré tỉnh dậy sau khi nghe thấy tiếng nói của một đứa trẻ gọi chị đến nhà nguyện. Đến nơi chị nghe tiếng Đức Trinh Nữ Maria nói với chị, “Thiên Chúa muốn trao cho con một nhiệm vụ. Con sẽ là cớ cho người ta chống báng, nhưng đừng sợ, con sẽ có ân sủng để làm những gì cần thiết. Con hãy nói với cha linh hướng của con tất cả những gì được Mẹ truyền cho con. Đây là thời điểm đầy tội lỗi và những sự gian ác ở Pháp và trên thế giới.”

Ngày 27 tháng 11 năm 1830, Catherine báo cáo rằng Đức Mẹ đã trở lại sau giờ kinh tối. Đức Mẹ hiện ra trong một khung hình bầu dục, đứng trên một quả địa cầu. Mẹ đeo nhiều trên tay các chiếc nhẫn chiếu tỏa những tia sáng trên quả địa cầu. Xung quanh khung hình có dòng chữ “Lạy Mẹ Maria, được hoài thai vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ chạy đến cùng Mẹ”.

Sau đó, khung hình bầu dục quay ngược lại và Catherine thấy một vòng tròn 12 ngôi sao, bên trong có một chữ “M” lớn, đè lên cây thập tự, với một thanh ngang dưới chân. Chữ “M” được hiểu là chữ viết tắt của danh thánh Maria. Phía dưới có hình Trái Tim Chúa Giêsu bị vòng gai bao quanh và trái tim Mẹ Người bị một thanh gươm đâm thấu.

Catherine kể lại với linh mục linh hướng của mình về cuộc hiện ra, xin ngài đúc một mề đay và những người đeo nó sẽ nhận được nhiều ân sủng.

Sau hai năm âm thầm điều tra, vị linh mục linh hướng mới đem câu chuyện này trình lên Đức Tổng Giám Mục Paris. Vị giám mục tỏ ra có thiện cảm với câu chuyện và mề đay Đức Mẹ Ban Ơn được sản xuất hàng loạt bởi thợ kim hoàn Adrien Vachette.

Một trong những phép lạ tiêu biểu liên quan đến mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn xảy ra vào năm 1841, đó là sự hoán cải của Alphonse Ratisbonne. Ông là một người lăng mạ và thù ghét đạo Công Giáo. Sau khi bị thuyết phục khá lâu, Ratisbone đã miễn cưỡng đeo mề đay và đọc kinh. Và khi Alphonse đi vào nhà thờ thánh Anrê delle Frate để sắp xếp tang lễ cho một người bạn thân, Alphonse đã thấy thị kiến Đức Maria như trong mề đay đang đeo. Ông ta đã được ơn hoán cải ngay lập tức và xin lãnh bí tích Rửa tội sau đó trở thành một linh mục.

Năm 1876, Catharine qua đời. Năm 1933, xác cô được khai quật để phong chân phước và đặt trong Nhà nguyện Nhà Mẹ của các Nữ Tử Bác Ái ở Rue du Bac Paris, Pháp và trở thành một địa điểm thăm viếng của hàng ngàn người Công Giáo mỗi năm.

Biểu tượng này cũng được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II sửa đổi một chút để thành huy hiệu Giáo hoàng của ngài: một cây thánh giá đơn giản với một chữ M nằm dưới, bên phải, có nghĩa là Maria đứng dưới chân cây thập giá khi Chúa Giêsu bị đóng đinh.


Source:Catholic News Agency