Gọi là ‘hiện tượng’ vì đây không phải là một ngôi sao mà chỉ là sự trùng lặp cuả hai ngôi sao Mộc và Thổ ở trên trời, tạo ra cái cảnh quan như có một ngôi sao mới, to và sáng rực rỡ. Kể từ thời Trung Cổ người ta đã đặt tên hiện tượng ấy là “Sao Bê Lem” vì nó xuất hiện đúng vào dịp Giáng Sinh.
Theo nhà thiên văn học Patrick Hartigan của Đại học Rice thì sự gặp nhau giữa Sao Mộc và Sao Thổ là hiếm, xảy ra khoảng 20 năm một lần. Tuy nhiên, sự trùng lặp đặc biệt này (tức là những người từ dưới đất nhìn lên chỉ thấy có một ngôi sao) được chứng kiến lần cuối cách đây hơn 800 năm, tức là vào thời Trung Cổ.
"Bạn sẽ phải quay trở lại ngày 4 tháng 3 năm 1226, ngay trước bình minh, để thấy sự trùng lặp chặt chẽ hơn giữa các vật thể này trên bầu trời đêm,” Ông Hartigan nói.
Nhà thiên văn học cuà NASA, cô nữ tiến sĩ Amber Straughn, giải thích thêm như sau: “Thái Dương Hệ hoạt động giống như những chiếc kim đồng hồ. Chúng ta có thể theo dõi chu kỳ các hành tinh di chuyển trên bầu trời, và từ đó chúng ta có thể chạy kim đồng hồ để tính xem vào ngày nào thì các hành tinh xếp hàng như thế nào”.
“Đây thực sự là một lần trong đời.” Cô Straughn cho biết, “Nhưng hai ngôi sao chỉ ở gần nhau như thế này mỗi 800 năm. Lần kế tiếp mà chúng ở kha khá gần nhau để có thể được gọi là ‘Sao Bê Lem’ sẽ là khoảng 60 năm kể từ bây giờ.”
Như vậy những người hiện đang sống ngày hôm nay là những người may mắn được chứng kiến một hiện tượng ‘duy nhất trong đời’…thực ra phải nói là 32 đời thì mới đúng (vì mỗi thế hệ là 25 năm). Còn các hậu duệ cuả chúng ta thì phải đợi 32 đời nữa lại mới có dịp.
Ở bắc bán cầu, những ai muốn ngắm sao thì hãy nhìn về phía tây nam của bầu trời khoảng 45 phút sau khi mặt trời lặn, bắt đầu từ ngày 21 tháng 12 cho đến 1 tuần sau đó. Nếu trời trong, Sao Bê Lem sẽ nhìn thấy ở gần chân trời, rất sáng không thể nhầm lẫn được, và sẽ lặn xuống dưới chân trời khoảng vài giờ sau.
"Vào buổi tối ngày 21 tháng 12 là lúc hai ngôi sao tiếp cận gần nhau nhất, chúng sẽ trông giống như một hành tinh đôi, cách nhau chỉ bằng 1/5 đường kính của trăng tròn," nhà thiên văn học Hartigan cho biết. “ Còn đối với những người có kính thiên văn, thì họ có thể thấy không những cả hai hành tinh (Mộc và Thổ) mà còn thấy một số vệ tinh lớn nhất của chúng vào buổi tối hôm đó."