Theo một báo cáo mới từ Aid to the Church in Need International, gọi tắt là ACN, tức là tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm cuộc bách hại các tín hữu Kitô ở một số nơi.

Đứng trước tình trạng kinh hoàng này, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã mời gọi các dinh thự chính phủ, các đền đài, nhà thờ và các địa điểm du lịch chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong suốt tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ để nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có mặt tại 23 quốc gia, được công bố vào ngày 25 tháng 11, cho biết:

“Tác động tàn khốc và chưa từng có của COVID-19 trên toàn thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng liên quan đến việc giam giữ bất công.”

Báo cáo đã tập trung vào hoàn cảnh của các tù nhân Kitô Giáo trên khắp thế giới. Với tiêu đề “Hãy giải phóng cho những người bị bắt cóc”, báo cáo nêu chi tiết về những vụ bắt cóc và giam giữ các tín hữu Kitô bởi các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước.

“Trên khắp thế giới, các chiến binh, và cả những người có thiện cảm với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những người có quan điểm rất khác với niềm tin Kitô, bao gồm những kẻ cực đoan từ các truyền thống tín ngưỡng khác, đã nhắm mục tiêu vào các nhóm Kitô thiểu số với mức độ thường xuyên đáng báo động,” báo cáo của ACN cho biết.

Ngoài ra, “có một xu hướng đáng lo ngại là các thành viên nhà nước đang ra sức bắt giữ bất công các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số”

Theo báo cáo của nhóm Open Doors, trung bình có 309 tín hữu Kitô bị “bỏ tù một cách vô cớ” mỗi tháng và hơn 1,000 người khác bị bắt cóc. Trong tù, họ phải đối mặt với những phiên tòa giả tạo, giam giữ tùy tiện, tra tấn và tình trạng quá tải của nhà tù.

Báo cáo cho biết, khi đại dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn thế giới vào những tháng đầu năm 2020, các vụ bắt giữ các tín hữu Kitô đã giảm xuống do các quốc gia phải tập trung chống lại đại dịch và một số tù nhân đã được thả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đàn áp các tín hữu Kitô đã gia tăng với mức độ nghiêm trọng, cả khi đại dịch đang lây lan nhanh và đặc biệt là khi một số quốc gia mở cửa trở lại sau các biện pháp cách ly.

Sự lây lan của vi-rút có nghĩa là một số tòa án phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do đó, trì hoãn việc xét xử các tín hữu Kitô đang mòn mỏi trong tù vì những lời cáo gian xuất phát từ lòng thù hận đức tin.

Khi các nhà thờ ngừng các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong thời gian khóa cửa và tiến hành các cử hành trực tuyến, một số chính phủ đã tận dụng cơ hội để tăng cường giám sát các Kitô hữu. ACN bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với một đoạn phim cho thấy cảnh sát ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đột kích vào một buổi lễ của Giáo Hội thầm lặng vào tháng 5 và lôi kéo, đánh đập những người tham dự buổi cầu nguyện

Các quốc gia và các nhóm chiến binh đã sử dụng các biện pháp khoá cửa ở địa phương và tình trạng tập trung toàn cầu nhằm chống virus, để tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa chống lại các tín hữu Kitô. Tại Nigeria, các chiến binh Fulani đã tăng cường tấn công các Kitô hữu ngay trong nhà của họ trong thời gian cách ly.

Về phần mình, Trung Quốc đã tăng cường đàn áp các tín hữu Công Giáo trong thời đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới tập trung vào COVID.

Khi các cộng đồng bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian bị đóng cửa, một số chính phủ đã khôi phục việc theo dõi các cộng đồng Kitô hữu. Tại Iran, các nhân viên tình báo đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu tại ba thành phố vào tháng Bảy.

Gần một phần ba số vụ bắt giữ các tín hữu Kitô mà không cần đưa ra xét xử đã xảy ra ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian 12 tháng. Từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019, Bắc Kinh đã bỏ tù hoặc giam giữ không xét xử hơn 1,100 Kitô hữu vì các lý do liên quan đến đức tin.

Các Kitô hữu phải đối mặt với nạn bắt cóc lan rộng bởi các tay súng thánh chiến ở Nigeria, với hơn 220 người bị bắt cóc mỗi năm. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng nhấn mạnh đến “sự gia tăng” trong các vụ bắt cóc các linh mục và nam nữ tu sĩ.

Tại các quốc gia như Pakistan và Ai Cập, các phụ nữ Công Giáo bị bắt cóc và bị cưỡng bức cải đạo và bị cưỡng bức kết hôn. Chỉ riêng tại một tỉnh của Pakistan, trong năm 2018 đã có 1,000 trường hợp cưỡng bức những phụ nữ Công Giáo và Ấn Giáo phải theo đạo Hồi.

Bắc Triều Tiên được biết đến là một trong những nơi đàn áp các Kitô hữu tồi tệ nhất, với hơn 50,000 Kitô hữu bị giam cầm trong các trại lao động khắc nghiệt.

Tại Eritrea, quốc gia được một số người gọi là “Bắc Triều Tiên của Châu Phi”, hơn 1,000 Kitô hữu được báo cáo đã bị giam giữ và chỉ trong vòng vài tháng của năm 2020, khoảng 300 Kitô hữu chưa ghi danh đã bị bắt.


Source:Catholic News Agency