Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha và 11 Tân Hồng Y đã đồng tế thánh lễ tạ ơn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Các bài đọc hôm nay gợi lên hai cụm từ then chốt cho Mùa Vọng: đó là sự gần gũi và sự tỉnh thức. Sự gần gũi với Thiên Chúa và sự tỉnh thức của chúng ta: trong khi tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, thì Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng khuyên chúng ta phải tỉnh thức trong khi chờ đợi Người.
Sự gần gũi. Tiên tri Isaia bắt đầu bằng cách kêu lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con” (Is 63:16). Và vị Tiên tri tiếp rằng: “từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa” (Is 64:3). Những lời trong sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc chúng ta nhớ rằng “có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4:7). Mùa vọng là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã ngự xuống với chúng ta. Nhưng Tiên tri Isaia còn đi xa hơn nữa và kêu cầu Thiên Chúa ngự đến một lần nữa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19). Chúng ta cũng đã kêu cầu điều đó trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (x. Tv 79:15.3). “Lạy Chúa, xin hãy đến và cứu con” thường là phần mở đầu của lời cầu nguyện của chúng ta: bước đầu tiên của đức tin là nói với Chúa rằng chúng ta cần Ngài, cần sự gần gũi của Ngài.
Đây cũng là thông điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của năm phụng vụ, đó là chúng ta hãy nhận ra Thiên Chúa là Đấng đang gần gũi; và thân thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Người muốn đến gần ta, nhưng Người chỉ đề xuất, mà không áp đặt; hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta đừng mệt mỏi thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Đó là lời cầu nguyện của Mùa Vọng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào thời viên mãn. Nhưng, chúng ta tự hỏi mình, hai lần ngự đến này để làm gì nếu nó không đi vào cuộc sống của chúng ta ngày nay? Vì thế, chúng ta hãy mời Người. Chúng ta hãy tự biến mình thành lời kêu gọi truyền thống của Mùa Vọng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22:20). Với lời kêu gọi này, Sách Khải huyền kết thúc: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.” Chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện đó vào đầu mỗi ngày và lặp lại thường xuyên, trước khi nhóm họp, học tập và làm việc, trước khi đưa ra các quyết định, trong mọi thời điểm quan trọng hoặc khó khăn hơn trong cuộc đời: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Đó là một lời cầu nguyện nhỏ, nhưng là một lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim. Chúng ta hãy lặp lại điều đó trong Mùa Vọng này. Chúng ta hãy lặp lại điều đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”
Nếu chúng ta cầu khẩn Chúa Giêsu đến gần mình, chúng ta sẽ rèn luyện cho mình biết tỉnh thức. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình bày cho chúng ta phần cuối trong diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, diễn từ ấy có thể tóm gọn trong ba từ: “Hãy tỉnh thức!” Chúa lặp lại những lời này bốn lần trong năm câu (xem Mc 13: 33-35.37). Điều quan trọng là phải luôn tỉnh thức, bởi vì một sai lầm tai hại vô cùng trong cuộc đời là đắm chìm vào hàng nghìn thứ và không để ý đến Chúa. Thánh Augustinô nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Bài giảng 88: 14-13), “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không chú ý”. Bị trói buộc trong những mối quan tâm hàng ngày của chính chúng ta (chúng ta biết quá rõ điều này!), Và bị phân tâm bởi quá nhiều thứ viển vông, chúng ta có nguy cơ mất đi những gì là thiết yếu. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa lặp lại: “Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13:37). Hãy tỉnh thức, hãy chú ý.
Tuy nhiên, thái độ phải tỉnh thức cho thấy rằng bây giờ đã là đêm. Chúng ta không sống trong ánh sáng ban ngày, nhưng đang chờ đợi bình minh, giữa chập chùng bóng tối và mệt mỏi. Ánh sáng của ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúng ta đừng ngã lòng: ánh sáng ban ngày sẽ đến, bóng đêm sẽ bị xua tan, và Chúa, Đấng đã chết vì chúng ta trên thập tự giá, sẽ xuất hiện để làm quan xét xử chúng ta. Tỉnh thức trông chờ Chúa đến có nghĩa là không để chúng ta bị sự nản lòng khuất phục. Đó là sống trong hy vọng. Cũng như trước khi chúng ta chào đời, những người thân yêu của chúng ta đã chờ đợi chúng ta đến với thế giới, cũng thế Tình yêu nhập thể đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta được chờ đợi trên Thiên đàng, thì tại sao chúng ta lại phải vướng bận với những mối bận tâm của trần thế? Tại sao chúng ta phải lo lắng về tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những thứ ấy đều sẽ qua đi? Tại sao chúng ta phải lãng phí thời gian để phàn nàn về đêm đen, khi ánh sáng ban ngày đang chờ đợi chúng ta? Tại sao chúng ta phải tìm kiếm “những người đỡ đầu” để giúp chúng ta thăng tiến trong sự nghiệp? Tất cả những điều này sẽ qua đi. Hãy tỉnh thức, Chúa nói với chúng ta như thế.
Giữ cho mình tỉnh thức không phải là điều dễ dàng; nó thực sự là khá khó khăn. Ban đêm ngủ vùi là chuyện đương nhiên. Ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không thức nổi khi Người bảo họ hãy tỉnh thức “dù là chiều tối, lúc nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng” (x. câu 35). Đó là những lúc họ không tỉnh táo: buổi tối, trong bữa Tiệc Ly, họ phản bội Chúa Giêsu; vào nửa đêm, họ ngủ gật; lúc gà gáy, họ chối bỏ Người; vào buổi sáng, họ để Người bị kết án tử hình. Họ đã không tỉnh thức. Họ ngủ thiếp đi. Nhưng chính cơn buồn ngủ đó cũng có thể chế ngự chúng ta. Có một kiểu ngủ vùi nguy hiểm: đó là ngủ say trong những điều tầm thường. Nó xảy ra khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình và trở nên hài lòng với sự thờ ơ, chỉ quan tâm đến một hiện sinh không rắc rối. Nếu không cố gắng yêu mến Thiên Chúa hàng ngày và chờ đợi sự mới mẻ mà Ngài không ngừng mang lại, theo thời gian, chúng ta trở nên tầm thường, và hờ hững. Và điều này từ từ ăn mòn đức tin của chúng ta, vì đức tin trái ngược hẳn với những điều tầm thường: đức tin là lòng khao khát nhiệt thành đối với Chúa, đi kèm với nỗ lực hoán cải táo bạo, can đảm yêu thương, tiến bộ không ngừng. Niềm tin không phải là nước dập tắt ngọn lửa, nó là ngọn lửa bùng cháy; Nó không phải là liều thuốc an thần cho những người đang bị căng thẳng, nó là một câu chuyện tình yêu dành cho những người đang yêu! Đó là lý do tại sao trên hết mọi sự, Chúa Giêsu rất ghét sự thờ ơ (xem Kh 3:16). Thiên Chúa rõ ràng chán ghét sự hững hờ.
Làm thế nào chúng ta có thể vực dậy bản thân để khỏi say ngủ trong những điều tầm thường? Thưa: với sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta thắp một ngọn nến trong bóng tối. Lời cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tẻ nhạt của một hiện sinh thuần túy theo chiều ngang và giúp chúng ta nâng tầm nhìn lên những điều cao cả hơn; và làm cho chúng ta hòa hợp với Chúa. Cầu nguyện cho phép Chúa gần gũi chúng ta; cầu nguyện giải phóng chúng ta khỏi sự cô độc và mang đến cho chúng ta hy vọng. Cầu nguyện là điều thiết yếu cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, cũng thế chúng ta không thể là Kitô hữu mà không cầu nguyện. Chúng ta cần biết bao những Kitô hữu, những người luôn canh giữ cho những kẻ ngủ mê, những người thờ phượng cầu thay nguyện giúp ngày đêm, mang đến trước mặt Chúa Giêsu, ánh sáng của thế giới, và bóng tối của lịch sử. Chúng ta cần những người thờ phượng biết bao. Chúng ta đã đánh mất một điều gì đó liên quan đến cảm thức thờ phượng của chúng ta, đến việc đứng yên trong thinh lặng tôn thờ trước mặt Chúa. Chúng ta đã quen với những điều tầm thường, với sự hờ hững.
Cũng có một loại say ngủ nội tâm khác: đó là ngủ vùi trong sự thờ ơ. Những người thờ ơ xem mọi thứ đều giống nhau, như thể trong đêm đen; họ không quan tâm đến những người xung quanh họ. Khi mọi thứ xoay quanh chúng ta và quanh các nhu cầu của chúng ta, chúng ta thờ ơ với nhu cầu của người khác, màn đêm dần buông xuống trong tâm hồn chúng ta. Trái tim của chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta ngay lập tức bắt đầu phàn nàn về mọi thứ và mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và trở nên cay đắng với mọi thứ. Đó là một vòng luẩn quẩn. Ngày nay, màn đêm đó dường như đã chụp xuống trên quá nhiều người, những người chỉ đòi hỏi những thứ cho bản thân và đui mù trước nhu cầu của người khác.
Làm thế nào để chúng ta vực dậy bản thân khỏi giấc ngủ của sự thờ ơ? Thưa: với sự tỉnh thức của lòng bác ái. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong những điều tầm thường và sự lạnh nhạt đó, cần có sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong sự thờ ơ, cần có sự tỉnh thức của lòng bác ái. Bác ái là nhịp tim đập của Kitô hữu: cũng như người ta không thể sống mà không có nhịp tim đập, thì người ta cũng không thể là Kitô hữu mà không có lòng bác ái. Một số người dường như nghĩ rằng lòng nhân ái, giúp đỡ và phục vụ người khác là dành cho những người thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, đây là những điều duy nhất mang lại chiến thắng cho chúng ta, vì chúng ta đã biết hướng tới tương lai, hướng đến ngày của Chúa, tất cả những điều khác sẽ qua đi và chỉ có tình yêu mới tồn tại muôn đời. Chính nhờ những việc làm của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa. Đây là những gì chúng ta kêu cầu trong lời nguyện mở đầu thánh lễ hôm nay: “xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến”. Đó là quyết tâm chạy ra để gặp Chúa Kitô bằng những việc lành phúc đức. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp Người được đánh dấu rõ ràng: đó là thông qua các công việc bác ái.
Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó là ý nghĩa của sự tỉnh thức. Khi Giáo Hội thờ phượng Chúa và phục vụ người lân cận của chúng ta, thì Giáo Hội không sống trong đêm đen. Bất kể yếu đuối và mệt mỏi, Giáo Hội đang hành trình về phía Chúa. Giờ đây chúng ta hãy cầu khẩn Người. Lạy Chúa, xin hãy đến! chúng con cần Chúa! Xin Chúa đến bên chúng con. Chúa là ánh sáng. Xin đánh thức chúng con khỏi ngủ vùi trong những điều tầm thường; xin đánh thức chúng con khỏi bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy biến tâm hồn xao lãng của chúng con thành những trái tim tỉnh thức. Xin khơi dậy trong chúng con khát vọng cầu nguyện và nhu cầu yêu thương.
Source:Libreria Editrice Vaticana