Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





Chương Dẫn nhập

Chân,Thiện, Mỹ

Từ sự viên mãn của Người, ta đã nhận được tất cả, hết ơn thánh này đến ơn thánh nọ.

Bất kể ai đó đích thân nghĩ hay tin gì về Người, Chúa Giêsu thành Nadarét đều là khuôn mặt nổi bật trong lịch sử văn hóa Tây Phương gần 20 thế kỷ qua. Nếu, bằng một thỏi nam châm cực mạnh, ta có thể hút từ lịch sử này mọi mảnh kim khí mang tên Người, thì còn lại bao nhiêu? Chính từ ngày sinh của Người mà nhân loại đã đánh dấu các cuốn lịch của mình, chính bằng tên Người hàng triệu người nguyền rủa và bằng tên Người hàng triệu người cầu nguyện.

“Chúa Giêsu là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Anh em đừng để mình bị dẫn đạo bởi các giáo huấn đa tạp và kỳ lạ” (Dt 13:8-9). Với những lời này, tác giả vô danh (và vẫn còn vô danh) của tài liệu thế kỷ thứ nhất mà sau này gọi là Thư Do Thái đã khuyên độc giả của mình, những người có lẽ mới từ Do Thái Giáo trở lại Kitô Giáo, hãy trung thành với kho ký thác truyền thống chân chính và có thẩm quyền của Chúa Kitô, vì nó đã được truyền đến họ qua các tông đồ của thế hệ Kitô hữu đầu tiên, mà một số vẫn còn đang sống.

“Là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” cuối cùng đã có một ý nghĩa siêu hình và thần học, vì “là một” được coi như muốn nói Chúa Giêsu Kitô, trong hữu thể đời đời của Người, là “hình ảnh của Thiên Chúa không thay đổi, và do đó cũng không thay đổi” (1). Nhưng vì mục đích của cuốn sách này, ý nghĩa lịch sử chứ không phải ý nghĩa siêu hình của câu nói khiến chúng ta lưu ý nhiều hơn. Vì, như sẽ trở nên hiển nhiên trong nhiều chi tiết, tuy là các chi tiết có thể gây bối rối, trước khi lịch sử các hình ảnh của Chúa Giêsu qua các thế kỷ hoàn tất, chính sự là một nhưng muôn hình muôn vẻ (kaleidoscopic) là nét nổi bật nhất. Há không chính xác sao khi ta thay thế công thức của thế kỷ thứ nhất “là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” bằng các lời lẽ thế kỷ 20 của Albert Schweitzer? Schweitzer viết rằng “mỗi thời đại nối tiếp nhau đều tìm thấy tư tưởng của riêng mình nơi Chúa Giêsu; đây quả là cách duy nhất trong đó có thể làm Người sống động”; vì, một cách đặc trưng, người ta “tạo ra Người phù hợp với cá tính riêng của họ”. Ông kết luận “không có trách vụ lịch sử nào biểu lộ bản ngã đích thực của người ta bằng việc viết về Cuộc Đời Chúa Giêsu” (2).

Cuốn sách này trình bầy lịch sử của các hình ảnh như thế về Chúa Giêsu như đã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ 20. Theo lời Schweitzer, chính vì đặc điểm của mỗi thời đại lịch sử là mô tả Chúa Giêsu phù hợp với các cá tính riêng của mình, nên phần quan trọng trong nhiệm vụ của chúng ta là đặt các hình ảnh này vào các ngữ cảnh lịch sử của chúng. Chúng ta cần biết mỗi thời đại đã đem những gì vào bức chân dung của họ về Người. Với mỗi thời đại, cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu tượng trưng cho một câu trả lời (hoặc thường xuyên hơn, câu trả lời duy nhất) cho những câu hỏi căn bản nhất của nhân sinh và nhân phận, và chính về khuôn dung Chúa Giêsu như đã được trình bầy trong các sách Tin Mừng mà các câu hỏi này đề cập. Nếu chúng ta muốn hiểu các câu trả lời mà các thế kỷ trước này đã tìm thấy ở đấy, chúng ta đi sâu vào các câu hỏi của họ, những câu hỏi phần lớn không phải là những câu hỏi của chúng ta và trong nhiều trường hợp thậm chí không minh nhiên là các câu hỏi của họ. Vì, trong một công thức khá khiêu khích của Alfred North Whitehead,
“Khi bạn phê phán (hay, ta có thể thêm, giải thích) nền triết lý của một thời đại, bạn đừng lưu ý tới những chủ trương trí thức được người trình bầy nó cảm thấy cần thiết một cách minh nhiên phải bảo vệ. Sẽ có một số giả định nền tảng được tất cả những người tin theo mọi hệ thống đa dạng của thời đại ấy tiền gỉa định một cách vô thức. Các giả định này tỏ ra hiển nhiên đến nỗi người ta không biết chúng giả định những gì vì không có cách nào khác đặt để sự vật từng xẩy ra cho chúng. Với những giả định này, một số có giới hạn các hệ thống triết lý đã trở nên khả hữu” (3).

Trong hai ngàn năm qua, ít có vấn đề nào, nếu có, đã trì chí cho thấy các “giả định nền tảng” này của mỗi thời đại như nỗ lực muốn hiểu ý nghĩa của khuôn mạo Chúa Giêsu thành Nadarét.

Tuy nhiên, chính vì lý do trên, đảo đề (converse) trong mối tương quan giữa điều Whitehead gọi là “nền triết lý của một thời đại” và hình ảnh của nó về Chúa Giêsu cũng lại đúng: cách một thời đại đặc thù mô tả Chúa Giêsu đôi khi chính là thiên tài của thời đại ấy. Bất kể như một sinh viên chuyên nghiệp hay một sinh viên tài tử về lịch sử, chúng ta, những người tìm cách hiểu và đánh giá bất cứ thành phần nào của quá khứ đều liên tục bị thất vọng, không những bởi việc không có sẵn những khoảnh khắc biểu lộ rõ nhất kinh nghiệm ấy (vì chỉ có những mãnh vụn chứ không nhất thiết là những mảnh có tính đại diện nhất, đã được truyền đến ta) mà còn bởi chúng ta thiếu những dây ăngten thích đáng để thu nhận các dấu hiệu của các thời và nơi chốn khác. Ta không thể, và cũng không nên, tín thác vào lương tri của mình để tự ban cho mình việc phiên dịch đúng các ngoại ngữ trong quá khứ - mọi ngôn ngữ quá khứ, theo định nghĩa, đều là ngoại ngữ, cho dù quá khứ nói tiếng Anh đi nữa. Một nhậy cảm đối với sự thất vọng này là một điều tiên quyết cần thiết, nhưng nó cũng có thể trở thành một thứ bệnh nghề nghiệp của nhà sử học nào kết cục thất vọng vì đã cố gắng và trở nên một nạn nhân của điều vốn được gọi là “sự tê liệt của phân tích” (paralysis of analysis).

Một yếu tố của bất cứ phương pháp nào để đương đầu với sự thất vọng trên hẳn phải là tìm tòi các điển hình liên tục ngay trong các thay đổi và đa dạng, và nếu có thể, tìm ra các vấn đề hay chủ đề làm tài liệu cho các thay đổi và liên tục tính ấy cùng một lúc. Ta có thể minh họa điểm vừa nói bằng cách tham chiếu lãnh vực nghiên cứu sử học khác hẳn các quan tâm của cuốn sách này. Không hề gián đoạn kể từ thời Thánh Kinh Do Thái và Homer, dầu ôliu là thành phần ăn uống, thuốc thang và giao thương chính của các dân tộc chung quanh Địa Trung Hải, đến nỗi, một trong các sử gia xã hội và kinh tế nổi tiếng nhất đương thời, Fernand Braudel, có thể định nghĩa vùng Địa Trung Hải về phương diện địa dư là “vùng trải dài từ giới hạn phía bắc của cây ôliu tới giới hạn phía bắc của cây cọ (palm). Cây ôliu đầu tiên trên đường đi nam đánh dấu điểm khởi đầu của vùng Địa Trung Hải và cây cọ chắc nịch mọc ở điểm cuối cùng” (4). Nhưng chỉ cần so sánh giữa Homer và Thánh Kinh Do Thái, ta vẫn thấy một số tính đa dạng cả theo nghĩa chiểu tự lẫn nghĩa phóng dụ trong việc sử dụng dầu ôliu. Do đó, nếu người ta phải nghiên cứu lịch sử của nó như một thứ thức ăn hay một chất thẩm mỹ, như một văn hóa hay một hàng hóa, thì người ta có thể khám phá ra nhiều tính liên tục, và nhiều tính bất liên tục trong 3 thiên niên kỷ qua của thế giới Địa Trung Hải.
Tương tự như thế, lịch sử các hình ảnh về Chúa Giêsu cũng minh hoạ nhiều tính liên tục và bất liên tục cùng một lúc trong hai thiên niên kỷ qua. Arthur O. Lovejoy, người sáng lập ra lịch sử ý niệm như một khoa trong nền bác học Hoa Kỳ hiện đại, đã dùng nó để chỉ minh họa các tính bất liên tục. Ông viết trong The Great Chain of Being (Chuỗi Hữu thể Vĩ đại), “Hạn từ ‘Kitô giáo’ không phải là tên chỉ bất cứ đơn vị đơn nhất nào của loại mà sử gia của các ý niệm chuyên biệt tìm kiếm”. Vì Lovejoy coi lịch sử Kitô giáo không hề như một đơn vị đơn nhất nhưng đúng hơn như “một loạt sự kiện mà nếu gọp chung như một toàn bộ thì gần như không có gì chung cả trừ cái tên”. Dù ông sẵn sàng thừa nhận, như loạt sự kiện này buộc ông phải thừa nhận, rằng một điều chúng có chung là “lòng sùng kính đối với một người nào đó”, con người của Chúa Giêsu Kitô, ông nói thêm: “bản tính và giáo huấn của Người... đã bị quan niệm hết sức đa dạng, đến nỗi sự thống nhất cả ở đây cũng phần lớn chỉ là một đơn vị tên mà thôi” (5). Ấy thế nhưng Lovejoy cũng từng buộc phải thừa nhận rằng mỗi cách giải thích gần như bất tận, và khác nhau một cách bất tận, tên ấy đều có thể có quyền đòi một chứng nhận đâu đó trong bức chân dung (hay các bức chân dung) về Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Và do đó, có một tính liên tục trong lịch sử ấy, đúng thế; nhưng đặc tính cũng không kém nổi bật trong các cách giải thích tên ấy xưa nay vẫn là tính bất liên tục của chúng.

Một hậu quả của tính bất liên tục là sự đa dạng lớn lao và không đồng đều trong các ý niệm và hạn từ từng được dùng để mô tả ý nghĩa này, từ ngây thơ và chất phác nhất tới sâu sắc và phức tạp nhất. Theo các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu cầu nguyện "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Những lời này dùng để nhắc nhở các nhà thần học và triết học rằng “sự biện phân của con người bị áp đảo đến nỗi bị ngăn cản không hiểu thấu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, những điều chỉ ‘được mặc khải cho những người bé mọn’” (6). Nhưng những lời của Chúa Giêsu ở câu kế tiếp đưa ra tuyên bố này "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho" (Lc 10:22). Cần đến hàng thế kỷ suy đoán và tranh cãi bởi một số tâm trí “khôn ngoan thông thái” trong lịch sử tư tưởng thăm dò các hệ luận của câu tuyên bố này (7).

Thành quả là một truyền thống siêu hình, từ Thánh Augustinô tới Hegel, giải thích Thiên Chúa Ba Ngôi như mầu nhiệm sâu sắc nhất của hữu thể. Do đó, một số hình ảnh được mô tả ở đây khá rõ ràng và đơn giản, một số khác khá tế vi và khó nắm được; nhưng các chương về cả hai khía cạnh này phải là thành phần của lịch sử. Trong phúng dụ ưa thích của các giáo phụ, các sách Tin Mừng là một con sông trong đó con voi có thể bị chết đắm nhưng con chuột lại có thể bơi lội được. Mặt khác, vì một số trong cùng những lý do này, các hình ảnh trong các chương sau của cuốn sách thường sẽ rườm rà hơn các chương trước rất nhiều; vì thiên niên kỷ thứ hai của lịch sử này là thời kỳ tiếng tăm của Kitô Giáo định chế từ từ suy giảm ở xã hội Tây Phương. Nhưng, nghịch lý thay, nó lại là một thời kỳ trong đó, vượt ra ngoài các biên giới của giáo hội có tổ chức, tầm cỡ của Chúa Giêsu như một cá nhân đã gia tăng và tiếng tăm của Người lan rộng.

Bất kể con số hỗn tạp các bức chân dung về Chúa Giêsu có tạo ra sự lu mờ nào về hình ảnh Người, đối với con mắt của một đức tin muốn quả quyết Người vẫn “là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi”, chính sự đa dạng này là một kho báu cho lịch sử văn hóa, qua cách nó phối hợp cả tính liên tục lẫn tính bất liên tục. Mà chân dung Chúa Giêsu trong bất cứ thời kỳ nào cũng không bị giới hạn vào lịch sử đức tin mà thôi, dù nó quan trọng bao nhiêu đối với lịch sử này. Dĩ nhiên, điều thích đáng (hay, như kiểu nói trong Sách Cầu Nguyện Chung, “phù hợp, chính đáng và sinh ích”) là lịch sử đức tin ấy, nhất là lịch sử đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, nên tạo thành một chất liệu chủ đề cho một cuộc nghiên cứu và trình bày bác học trong tư cách riêng của nó. Việc xuất hiện của khoa sử học về tín lý Kitô Giáo ở đầu thế kỷ 19 như một môn nghiên cứu lịch sử riêng, khác biệt với khoa lịch sử triết học, lịch sử giáo hội Kitô giáo, và khoa thần học tín lý, dù có liên hệ với cả ba khoa này, đã tạo thành một chương quan trọng trong lịch sử nền bác học hiện đại (8). Nhưng câu truyện nói về diễn biến phức tạp của tín lý về Chúa Kitô, được định nghĩa như “những gì giáo hội của Chúa Giêsu Kitô tin, giảng dậy, và tuyên xưng dựa trên lời Thiên Chúa” (9) vẫn chưa bắt đầu múc cạn lịch sử ý nghĩa mà Chúa Giêsu vốn có đối với việc phát triển văn hóa con người. Vì, theo lời Tin Mừng Gioan, “từ sự viên mãn [pleroma] của Người, chúng ta đã lãnh nhận được hết ơn thánh này đến ơn thánh nọ” (Ga 1:16), một sự viên mãn đã tự chứng tỏ là không thể múc cạn cũng như không thể bị giản lược vào bất cứ công thức nào, bất luận có tính tín điều hay phản tín điều. Nói theo sự phân biệt của Werner Elert, song song với “tín điều về Chúa Kitô”, luôn luôn có “hình ảnh về Chúa Kitô” (10). Cuốn Jesus Through the Centuries này là một lịch sử “hình ảnh [hay các hình ảnh] về Chúa Kitô”.

Nhưng đây không phải là cuộc đời Chúa Giêsu cũng không phải là lịch sử Kitô giáo như một phong trào hay một định chế. Việc phát minh ra văn thể tiểu sử dưới danh nghĩa Cuộc Đời Chúa Giêsu, nói cho đúng, là một hiện tượng của thời cận đại, lúc các học giả đã tiến tới chỗ tin rằng nhờ áp dụng phương pháp luận của khoa chép sử có phê phán vào các tư liệu nguồn trong các sách Tin Mừng, họ có thể tái dựng được lịch sử đời Người; cuốn Quest of the Historical Jesus (Truy Tầm Chúa Giêsu Lịch Sử) của Albert Schweitzer vẫn còn là trình thuật tiêu chuẩn về việc phát triển của văn thể này từ thế kỷ 18 tới thế kỷ 20. Dĩ nhiên, các cuộc tái dựng cuộc đời Chúa Giêsu ở bất cứ thời nào, bắt đầu với các tái dựng trong chính các sách Tin Mừng, sẽ được dùng như những tạo tác (artifacts) không thể thiếu về lịch sử Chúa Giêsu qua các thế kỷ. Nhưng ở đây, chúng ta không nên chỉ quan tâm tới lịch sử các ý niệm, bất luận là các ý niệm thần học hay không thần học, hay, các ý niệm phản thần học. Thí dụ, các cố gắng mô tả con người Chúa Giêsu dưới hình thức thị giác cũng là “các tạo tác” đối với câu truyện của chúng ta. Chúng sẽ thực hiện chức năng này không những lúc, như trong thời đế quốc Byzantine của các thế kỷ thứ 8 và thứ 9 và một lần nữa thời Cải Cách thế kỷ 16, tính hợp lệ của các cố gắng này đã trở thành chủ đề cho cuộc thảo luận mãnh liệt, với nhiều hệ luận sâu rộng đối với lịch sử nghệ thuật và mỹ thuật cũng như đối với lịch sử chính trị Âu Châu, cả đông lẫn tây. Nhưng trong mỗi chương, các mô tả về Chúa Kitô trong các công trình nghệ thuật này như các thập giá bên vệ đường ở Vùng Anglô Saxông Northumbria và các bức tiểu họa thời Charlemagne hoặc các bức tranh thời Phục Hưng cũng sẽ cung cấp cho chúng ta tư liệu thô cho một lịch sử văn hóa về Chúa Giêsu, và chúng ta thường tập trung vào một điển hình của các mô tả ấy. Tương tự như thế, suốt trong cuốn sách này, chúng ta sẽ khai thác đi khai thác lại các công trình văn chương, từ cuốn Dream of the Road (Giấc Mơ Con Đường) bằng tiếng Anh Cổ qua cuốn Divine Comedy (Thần Kịch) tới câu truyện về Quan Tòa Ly Giáo Vĩ Đại của Dostoesky trong Brothers Karamazov (Anh em Nhà Karamazov), để có thể đánh giá tác động của Chúa Giêsu đối với văn hóa.

Thế nhưng hạn từ văn hóa trong phụ đề “Chỗ đứng của Người trong Lịch sử Văn hóa” ở đây không hoàn toàn chỉ điều ngày nay người ta gọi là “văn hóa cao cấp” (high culture) được coi như những gì các thi sĩ, triết gia, và nghệ sĩ sáng tạo ra. Há không mỉa mai hay sao nếu một ai đó bị người cùng thời tấn công vì có liên hệ với những người bị xã hội lịch thiệp và đáng kính loại bỏ lại được giải thích hoàn toàn dựa trên sự đóng góp của họ vào việc cải thiện và làm đẹp cuộc đời và tư tưởng của giai cấp giầu có và có học? Tuy nhiên, vì văn hóa đã được dùng ở đây, nó có nghĩa gần như nó có trong khoa nhân học, bao gồm cả cuộc sống của xã hội và của nhà nước cũng như văn chương, triết học và mỹ thuật. Vì chúng ta sẽ lưu ý tới cả lịch sử chính trị, xã hội, và kinh tế của việc giải thích về Chúa Giêsu, và chúng ta phải lồng vào câu truyện của chúng ta các điển hình trong thực hành liên tiếp việc nại tới danh Chúa Giêsu để hợp pháp hóa hoạt động chính trị, vì thực hành này đã trở thành hiển thị trong lịch sử của cả các phong trào cực đoan lẫn phản động.

Cái khung ý niệm có tính bao gồm nhất của loạt hình ảnh này đã được cung cấp bởi cặp ba cổ điển Chân, Thiện, Mỹ, một cặp ba tự nó đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tư tưởng Kitô Giáo (11). Tương ứng với cặp ba cổ điển, dù không hoàn toàn đồng nhất với nó, là cặp ba kinh thánh về Chúa Giêsu Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống, như Người được mô tả là đã tự đồng nhất hóa với trong Tin Mừng Gioan (Ga 14:6). Công thức trong Tin Mừng Gioan này trở thành chủ đề quán xuyến (motif) cho hình ảnh tuyệt vời của Chúa Giêsu trong Nhà Nguyện Tổng Giám Mục ở Ravenna: “EGO SUM VIA VERITAS ET VITA” (12). Như một văn sĩ Kitô giáo thuở xưa đã viết ở thế kỷ đầu tiên: “Đấng nói ‘Ta là Đường’... định hình chúng ta một lần nữa giống hình ảnh riêng của Người” được phát biểu, như một tác giả tiên khởi khác đã viết, trong “phẩm tính cái đẹp” (13); Chúa Kitô như Sự Thật đã tiến đến chỗ được coi như sự hoàn tất và hiện thân của mọi điều Chân Thật, “ánh sáng chân thật soi sáng mọi con người” (Ga 1:9); còn Chúa Kitô như Sự Sống là “nguồn suối” cho mọi điều thiện hảo chân chính (14). Do đó, bức tranh ghép ở Ravenna đã tóm lược Chúa Kitô như là Đường, Sự Thật và Sự Sống, và đồng thời nó tóm lược Chúa Kitô như Chân Thiện Mỹ.

Trong một loạt các bài nói chuyện công cộng thực hiện ở Đại Học Bá Linh trong năm học 1899-1900, học giả nổi tiếng nhất của Đại Học này, Adolf von Harnack, đã nhận trả lời câu hỏi “Kitô giáo là gì?” Cuốn sách ghi lại các bài nói chuyện này đã đạt được một lưu hành trên 1 trăm ngàn bản ngay trong ấn bản đầu tiên, đã được dịch sang hơn một tá ngôn ngữ, và hiện vẫn còn đang được xuất bản bằng tiếng Đức và tiếng Anh (15). Phần dẫn nhập của Harnack bắt đầu bằng những lời lẽ có thể dùng làm kết luận cho phần dẫn nhập này:

“Triết gia vĩ đại người Anh, John Stuart Mill, có lần nhận định rằng nhân loại khó có thể bị quá nhắc nhở rằng có lúc đã có một người tên là Socrates. Điều ấy đúng, nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là nhắc nhân loại nhớ rằng một người tên là Giêsu Kitô có lần đã đứng giữa họ” (16).

Các hình ảnh trong cuốn sách này đại diện cho hàng loạt các nhắc nhớ như thế “qua các thế kỷ”.
_________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú

(1) Thánh Athanasius, Discourses Against the Arians, 1.10.36
(2) Albert Schweitzer, The Quest of the Historical Jesus, bản tiếng Anh của William Montgomery (1956, New York: McMillan, 1961) tr. 4
(3) Alfred North Whitehead, Science and the Modern World (1925; New York: Mentor Editions, 1952) tr. 49-50
(4) Fernand Braudel, The Mediterranean and the Mediterranean World in the Age of Philip II, bản tiếng Anh của Sian Reynolds, 2 vols. (New York: Harper and Row, 1972), 1:168
(5) Arthur Lovejoy, The Great Chain of Being: A Study of the History of an Idea (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1936) tr.6
(6) John Calvin, Institutes of the Christian Religion 3.2.34. chủ biên John Thomas McNeill, 2 vols. (Philadelphia: Westminster Press, 1960) 1:581.
(7) Xem, chẳng hạn, Thánh Athanasius, On Luke 10:22; Thánh Gregory thành Nyssa, Against Eunomius 2.4. Cũng xin xem tr.41
(8) Jaroslav Pelikan, Historical Theology: Continuity and Change in Christian Doctrine (New York: Corpus Books, 1971) tr.33-67: “The Evolution of the Historical”.
(9) Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine, 4 vols. Cho đến nay (Chicago: University University Press 1971), 1:1.
(10) Werner Elert, Der Ausgang der altkirchlichen Christologie (Berlin Lutheriches Verlagshaus, 1957) các tr. 12-25: “Christusbild und Christusdogma”.
(11) Xem Jaroslav Pelikan, Fools for Christ: Essay on the True, the Good, and the Beautiful (Philadelphia: Muhlenberg Press, 1955)
(12) Về hình ảnh này trong tương quan với những hình ảnh tương tự tại Ravenna, xem Spiro K. Kostof, The Orthodox Baptistery of Ravenna (New Haven: Yale University Press, 1965) tr. 67-68.
(13) Thánh Gregory thành Nyssa, Against Eunomius 2.10; Thánh Augustine, On the Trinity 6.10.11
(14) Thánh Augustine, Tractates on the Gospel of John 22.8
(15) Agnes von Zahn-Harnack, Adolf von Harnack, 2nd ed. (Berlin: Walter de Gruyter, 1951) tr.181-188
(16) Adolf von Harnack, What is the Christianity? Bản tiếng Anh của Thomas Bailey Suanders (1900; New York: Harper Torchbooks, 1957) tr. 1; trích dẫn là từ John Stuart Mill, On Liberty, ch.2, trong The English Philosophers from Bacon to Mill do Edwin A. Burtt chủ biên (New York: Modern Library, 1939) tr. 967