Theo tin Zenit, trong buổi tiếp kiến trực tuyến ngày 11 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hình như được ai đó nói với ngài rằng ngài nói quá nhiều về việc cầu nguyện, điều đó không cần thiết. Và, đúng như dự đoán, ngài đã bác bỏ lời khuyên này.
Có lẽ để bảo vệ danh tiếng của người phê bình, ngài đã không nhắc đến tên hoặc địa điểm nhưng trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, ngài tiếp tục dạy về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Bài giáo lý đã được phát tuyến trực tiếp từ Thư viện thuộc Tông Điện, với số lượng khán giả trực tiếp bị hạn chế do đại dịch coronavirus.
Sau đây là bài giáo lý đầy đủ của Đức Thánh Cha, dựa vào Bản Tiếng Anh do Vatican cung cấp:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện. Có người nói với tôi: “Đức Thánh Cha nói quá nhiều về sự cầu nguyện. Điều ấy không cần thiết". Vâng, nó cần thiết. Vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức mạnh để tiến tới trên đường đời. Cầu nguyện giống như dưỡng khí của sự sống. Cầu nguyện kéo xuống cho chúng ta sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn dẫn chúng ta về phía trước. Vì lý do này, tôi nói rất nhiều về việc cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã nêu gương về sự cầu nguyện liên tục, kiên trì thực hành nó. Đối thoại liên tục với Cha của Người, trong im lặng và trong hồi tâm, là điểm tựa trong toàn bộ sứ mệnh của Người. Các sách Tin Mừng cũng tường thuật những lời huấn dụ của Người cho các môn đệ, để họ có thể kiên trì cầu nguyện không mệt mỏi. Sách Giáo lý nhắc lại ba dụ ngôn trong Tin Mừng Luca nhấn mạnh đặc điểm này của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (xin xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2613).
Trước hết, lời cầu nguyện phải kiên trì: giống như người trong dụ ngôn, phải tiếp đón một người khách bất ngờ vào lúc nửa đêm, đến gõ cửa một người bạn và xin anh ta một ít bánh. Người bạn trả lời: “Không!”, Vì anh ta đã ở trên giường rồi - nhưng người bạn nhất quyết và nài nỉ cho đến khi buộc được bạn mình đứng dậy và cho anh ta một ít bánh mì (xem Lc 11: 5-8). Quả là một yêu cầu kiên trì. Nhưng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta hơn thế, và ai gõ cửa Trái tim Người một cách đầy đức tin và kiên trì sẽ không thất vọng. Thiên Chúa luôn đáp ứng. Luôn luôn. Cha chúng ta biết rõ chúng ta cần gì; sự nài nỉ là điều cần thiết không phải để thông tri cho Người hoặc để thuyết phục Người, nhưng cần thiết để nuôi dưỡng ước muốn và kỳ vọng trong chúng ta.
Dụ ngôn thứ hai là về người đàn bà góa đến gặp quan tòa để được giúp đỡ trong việc đòi công lý. Quan tòa này thật thối nát, ông ta là một người không chút áy náy lương tâm, nhưng cuối cùng, bực tức trước sự nài nỉ của bà góa, ông đã quyết định chiều lòng bà ta (xem Lc 18:1-8)… Ông ta nghĩ: “Nhưng, tốt hơn nên giải quyết vấn đề này và làm cho bà ấy khuất khỏi lưng mình để bà ấy không tiếp tục đến làm phiền mình nữa”. Dụ ngôn này làm chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là một sự lựa chọn nhất thời, mà là một thiên hướng can đảm trong việc kêu cầu Thiên Chúa, thậm chí “tranh luận” với Người, chứ không cam chịu điều tệ hại và bất công.
Dụ ngôn thứ ba trình bày một người biệt phái và một người thu thuế đến Đền thờ để cầu nguyện. Nhưng người đầu tiên hướng về Thiên Chúa khoe khoang công trạng của mình; người kia thì cảm thấy không xứng đáng ngay cả việc bước vào đền thánh. Trong khi Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của người đầu tiên, tức là của những người kiêu căng, thì Người đã chấp nhận lời cầu nguyện của người khiêm nhường (x. Lc 18: 9-14). Không có lời cầu nguyện chân chính nào nếu không có tinh thần khiêm tốn. Chính lòng khiêm nhường dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện.
Giáo huấn của Tin Mừng rất rõ ràng: chúng ta cần cầu nguyện luôn luôn, ngay cả khi mọi chuyện xem ra đều vô ích, khi Thiên Chúa dường như câm và điếc và dường như chúng ta chỉ mất thì giờ. Cho dù bầu trời phủ mây đen, Kitô hữu cũng vẫn không ngưng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của một Kitô hữu luôn vững bước với đức tin của họ. Có rất nhiều ngày trong cuộc đời chúng ta khi đức tin dường như là một ảo ảnh, một nỗ lực vô dụng. Có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta, và trong những khoảnh khắc đó, đức tin dường như chỉ là ảo ảnh. Nhưng việc thực hành cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận cả nỗ lực này. “Thưa cha, con cầu nguyện nhưng không cảm thấy gì… Cảm giác như trái tim con khô cằn, trái tim con khô khan”. Nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng trong những khoảnh khắc khó khăn, những khoảnh khắc trong đó chúng ta không cảm thấy gì. Nhiều vị thánh đã trải qua đêm đen của đức tin và sự im lặng của Thiên Chúa - khi chúng ta biết và Chúa không đáp lại - và những vị thánh này đã kiên trì.
Trong những đêm đen của đức tin ấy, người cầu nguyện không bao giờ cô độc. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ là một nhân chứng và là người dạy cầu nguyện; Người còn hơn thế nữa. Người chào đón chúng ta trong lời cầu nguyện của Người để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Vì lý do này, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhân danh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Thánh Gioan cung cấp cho chúng ta những lời lẽ sau đây của Chúa: “Bất cứ điều gì các con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, hầu cho Chúa Cha được vinh hiển trong Chúa Con” (14:13). Và Sách Giáo Lý giải thích rằng “việc biết chắc các lời thỉnh cầu của chúng ta sẽ được lắng nghe là dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” (n. 2614). Nó đem lại đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn mong muốn sở hữu.
Ở đây, làm sao chúng ta có thể không nhớ lại những lời của Thánh vịnh 91, tràn đầy tín thác, phát xuất từ một tấm lòng hy vọng mọi sự sẽ đến từ Thiên Chúa: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân : lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa” (câu 4-6). Chính trong Chúa Kitô, lời cầu nguyện tuyệt vời này được hoàn thành, và trong Người, nó tìm thấy sự thật trọn vẹn của nó. Không có Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ bị giản lược thành nỗ lực của con người, phần lớn sẽ thất bại. Nhưng Người đã tiếp nhận vào chính Người mọi tiếng kêu, mọi rên rỉ, mọi hân hoan, mọi khẩn cầu… mọi lời cầu nguyện của con người. Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta; chính Người dẫn chúng ta tới việc cầu nguyện, Người dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Người là hồng phúc mà Chúa Cha và Chúa Con đã ban cho chúng ta để phát huy cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và khi chúng ta cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Thánh Augustinô đã nói điều này bằng một cách diễn đạt đầy soi sáng mà chúng ta cũng tìm thấy trong Sách Giáo Lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là linh mục của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Đầu của chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện với trong tư cách là Thiên Chúa của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận tiếng nói của chúng ta trong Người và tiếng của Người trong chúng ta ”(n. 2616). Đây là lý do tại sao Kitô hữu nào cầu nguyện sẽ không sợ gì cả, họ tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta như một hồng phúc và là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, thúc đẩy việc cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần, Thầy cầu nguyện, dạy chúng ta con đường cầu nguyện.