Trên đây là tựa đề bài xã luận do giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông, Andrea Tornielli, viết và phổ biến trên trang mạng Tòa Thánh VaticanNews. Tập chú của bài xã luận là: chỉ từ 2017 mới có những tin tức khả tín về những lời tố cáo tác phong tồi bại của cựu Hồng Y McCarrick và khi có các tin tức khả tín, Giáo Hội đã hành động một cách mau chóng và kiên quyết. Chúng tôi xin chuyển sang Việt Ngữ nguyên văn bài xã luận:



Vào thời điểm Theodore McCarrick được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Washington vào năm 2000, Tòa thánh đã hành động dựa trên thông tin phiến diện và không đầy đủ. Những gì bây giờ được đưa ra ánh sáng là những quên sót, đánh giá thấp và lựa chọn sau này được chứng minh là sai lầm, một phần là do sự kiện này là trong diễn trình lượng giá theo yêu cầu của Rôma vào thời điểm đó, những người được hỏi đã không luôn tiết lộ tất cả những gì họ biết. Cho đến năm 2017, chưa bao giờ có bất cứ cáo buộc chính xác nào liên quan đến việc lạm dụng hoặc quấy rối hoặc gây tổn hại tình dục cho một vị thành niên. Ngay sau khi nhận được báo cáo đầu tiên từ một nạn nhân vốn là một vị thành niên vào thời điểm vụ lạm dụng được thực hiện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phản ứng nhanh chóng đối với vị Hồng Y lớn tuổi, người đã nghỉ hưu trong tư cách đứng đầu tổng giáo phận vào năm 2006, bằng cách trước hết tước bỏ chiếc mũ đỏ của ông và sau đó loại ông khỏi bậc giáo sĩ. Đó là điều trích dẫn từ Phúc trình về Nhận thức Thể chế và Việc ra Quyết định của Tòa Thánh liên quan đến Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick (1930 đến 2017) do Phủ Quốc Vụ Khanh công bố.

Một đáp ứng chi tiết

Chính việc biên soạn và xuất bản Phúc trình, do tính sâu rộng và nội dung của nó, đã đáp ứng yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, muốn việc ra quyết định liên quan đến McCarrick phải được điều tra kỹ lưỡng và kết quả cuộc điều tra phải được công bố.

Phúc trình cũng chứng tỏ hành động chăm sóc mục vụ của Đức Giáo Hoàng đối với cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ, những người bị tổn thương và đau khổ khi McCarrick được bổ nhiệm và thăng thưởng tới chức vụ cao trong Giáo hội. Cuộc điều tra được tiến hành trong hai năm nay đã được bắt đầu khoảng cuối mùa hè năm 2018, trong nhiều tuần lễ căng thẳng đáng kể lên đến đỉnh điểm là lời tố cáo của cựu Sứ thần Tòa thánh tại Washington, Carlo Maria Viganò, người, trong một chiến dịch truyền thông quốc tế, đã công khai kêu gọi sự từ chức của Đức Đương kim Giáo hoàng.

Không có cáo buộc lạm dụng tình dục các vị thành niên cho đến năm 2017

Điểm mạnh của Phúc trình không chỉ nằm ở tính đầy đủ của nó mà còn ở cái nhìn tổng quan mà nó cung cấp. Từ cái nhìn tổng quan này, một số điểm chủ chốt xuất hiện mà ta cần xem xét. Điểm đầu tiên liên quan đến những sai lầm đã được thực hiện; những điều này đã dẫn đến việc thông qua các quy định mới trong Giáo hội, giúp tránh việc lịch sử tự lặp lại. Yếu tố thứ hai là, cho đến năm 2017, không có cáo buộc chuyên biệt nào liên quan đến việc lạm dụng tình dục các vị thành niên do McCarrick vi phạm. Đúng là vào những năm 1990, một số lá thư nặc danh ám chỉ việc lạm dụng vị thành niên đã được các vị Hồng Y và tòa sứ thần ở Washington nhận được, nhưng không cung cấp bất cứ chi tiết, tên hoặc hoàn cảnh nào: những bức thư này đáng tiếc bị coi là không đáng tin cậy vì thiếu các yếu tố cụ thể. Thực thế, lời buộc tội chuyên biệt đầu tiên liên quan đến một vị thành niên chỉ xuất hiện cách đây ba năm, dẫn đến việc mở ngay lập tức một diễn trình giáo luật kết thúc với hai quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô - quyết định đầu tiên là tước bỏ chiếc mũ đỏ khỏi vị Hồng Y hưu trí và thứ hai đã loại ông khỏi bậc giáo sĩ. Những người đứng ra làm chứng chống lại McCarrick khi diễn trình giáo luật diễn ra phải được khen ngợi vì đã giúp sự thật của họ được biết đến và cần được cảm ơn vì đã làm như vậy trong khi phải vượt qua nỗi đau của việc nhớ lại tất cả những gì họ đã kinh qua.

Lượng giá trước chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng

Phúc trình cho thấy tại thời điểm đầu tiên ông được đưa vào danh sách ứng viên giám mục (1977), cũng như khi ông được bổ nhiệm tới Metuchen (1981), và sau đó tới Newark (1986), không ai trong số những người được hỏi ý kiến cung cấp thông tin tiêu cực liên quan đến hành vi luân lý của Theodore McCarrick. Việc “lượng giá” không chính thức đầu tiên về một số cáo buộc liên quan đến hành vi của Tổng giám mục Newark lúc bấy giờ đối với các chủng sinh và linh mục từ giáo phận của ông chỉ xuất hiện vào giữa những năm 1990, trước chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thành phố đó. Chính Đức Hồng Y Tổng Giám mục của New York, John O’Connor, đã thực hiện cuộc lượng giá: ngài đã hỏi những người khác, kể cả các giám mục Hoa Kỳ, để biết thông tin và sau đó kết luận rằng không có “cản trở” nào đối với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến thành phố mà McCarrick là mục tử tại thời điểm đó.

Lá thư của Hồng Y O’Connor

Điểm quan trọng trong vụ này chắc chắn là việc McCarrick được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Washington. Trong những tháng khi xuất hiện việc McCarrick có thể được chuyển đến tòa ở Hoa Kỳ mà theo truyền thống vốn do một Hồng Y lãnh đạo, đáng chú ý trong một số ý kiến tích cực có ảnh hưởng đến con người của ông là ý kiến tiêu cực của Đức Hồng Y O’Connor. Dù thừa nhận rằng ngài không có thông tin trực tiếp nào, Đức Hồng Y giải thích trong một bức thư, đề ngày 28 tháng 10 năm 1999, gửi cho Sứ thần Tòa thánh, rằng ngài tin Việc bổ nhiệm McCarrick đến một văn phòng mới là một sai lầm: thực thế, nguy cơ xảy ra một vụ tai tiếng nghiêm trọng có đó vì những tin đồn rằng trong quá khứ McCarrick đã ngủ chung giường với những thanh niên trưởng thành tại nhà xứ và các chủng sinh ở một căn nhà ở bãi biển.

Quyết định đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Về phương diện này, điều quan trọng là phải làm nổi bật quyết định ban đầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thực thế, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Sứ thần xác minh cơ sở của những lời buộc tội này. Một lần nữa, cuộc điều tra bằng văn bản không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào - thực vậy, ba trong số bốn giám mục từ New Jersey được hỏi ý kiến đã cung cấp thông tin mà Phúc trình tiết lộ là “không chính xác và không đầy đủ”. Mặc dù Đức Giáo Hoàng đã biết McCarrick từ năm 1976, gặp ông trong chuyến đi đến Hoa Kỳ, nhưng ngài đã chấp nhận lời đề nghị của Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ lúc đó là Gabriel Montalvo và sau đó của Tổng trưởng Bộ Giám mục lúc bấy giờ là Giovanni Battista Re, bỏ việc ông ta làm ứng viên. Các ngài lập luận rằng ngay cả khi không có các chi tiết chuyên biệt, không nên chấp nhận rủi ro khi chuyển vị giáo phẩm đến Washington. Các ngài tin rằng những lời buộc tội dù bị cho là vô căn cứ nhưng có thể xuất hiện trở lại và gây ra những vụ bối rối và tai tiếng. Do đó, McCarrick dường như có định mệnh phải ở lại Newark.

Lá thư của McCarrick gửi cho Đức Giáo Hoàng

Một điều gì đó đã xảy ra làm thay đổi hoàn toàn tiến trình các sự kiện. Chính McCarrick, sau khi biết rõ mình là một ứng viên, và các dè dặt đối với mình, đã viết thư cho Đức cha Stanislaw Dziwisz lúc ấy, thư ký riêng của vị Giáo hoàng người Ba Lan vào ngày 6 tháng 8 năm 2000. McCarrick tuyên bố mình vô tội và thề rằng ông đã “chưa từng có quan hệ tình dục với bất cứ người nào, nam hay nữ, già hay trẻ, giáo sĩ hay giáo dân”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đọc lá thư và tin chắc rằng vị Tổng Giám mục Hoa Kỳ này nói sự thật và những “tin đồn” tiêu cực chính xác là như thế - chỉ là những tin đồn vô căn cứ, hoặc ít nhất chưa được chứng minh. Do đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, hành động qua các chỉ thị chuyên biệt truyền đạt cho Quốc vụ khanh lúc bấy giờ là Angelo Sodano, người đã xác lập rằng McCarrick nên được phục hồi trong danh sách ứng viên rút gọn. Và cuối cùng, chính ngài là người đã chọn McCarrick cho tòa Washington. Phù hợp với các lời khai được trích dẫn trong Phúc trình, để hiểu rõ hơn bối cảnh của thời kỳ đó, cũng có thể hữu ích khi nhớ lại rằng trong những năm ngài còn là Tổng Giám mục ở Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chứng kiến việc chế độ sử dụng các cáo buộc sai lầm để làm mất uy tín của các linh mục và giám mục.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô

Hơn nữa, vào thời điểm ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Washington, không có nạn nhân nào - người lớn hay vị thành niên - liên lạc với Tòa thánh hoặc với Sứ thần tại Hoa Kỳ để trình bày một cáo buộc về bất cứ tác phong không đứng đắn nào được quy cho Tổng giám mục. Hơn nữa, không có gì không phù hợp về tác phong của McCarrick đã được báo cáo trong những năm ông làm Tổng giám mục ở Washington. Vào năm 2005, khi những cáo buộc quấy rối và lạm dụng đối với người lớn một lần nữa lại nổi lên, Đức tân giáo hoàng, Bênêđíctô XVI, nhanh chóng yêu cầu Hồng Y người Mỹ từ chức, người mà ngài vừa gia hạn nhiệm vụ thêm hai năm. Năm 2006, McCarrick rời vị trí đứng đầu Tổng giáo phận Washington, trở thành Tổng giám mục hưu trí của nó. Phúc trình chứng minh rằng trong thời kỳ này, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, với tư cách là người Đại diện của Đức Giáo Hoàng, đã báo cáo thông tin về việc McCarrick có thể liên lụy với những người lớn, một thông tin đã phát xuất từ Tòa sứ thần gửi tới các cấp trên của mình ở Phủ Quốc Vụ Khanh, nêu bật tính nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, trong khi báo động, ngài cũng hiểu rằng không có sự kiện nào được chứng minh. Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone đã trình bày vấn đề trực tiếp với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Trong bối cảnh đó, khi không có nạn nhân nào là vị thành niên, và vì đương sự là một Hồng Y đã rời bỏ chức vụ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã không mở một diễn trình giáo luật chính thức để điều tra McCarrick.

Khuyến nghị, không phải trừng phạt

Trong những năm sau đó, bất chấp những dấu chỉ McCarrick nhận được từ Bộ Giám mục phải sống một cuộc sống yên tĩnh và kín đáo hơn và từ bỏ việc xuất hiện thường xuyên trước công chúng, vị Hồng Y vẫn tiếp tục di chuyển đó đây, từ nơi này sang nơi khác của quả địa cầu, kể cả Rôma, nói chung với sự hiểu biết và ít nhất là sự chấp thuận ngầm của Sứ thần Giáo hoàng. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về bản chất thực sự trong lời yêu cầu mà McCarrick nhận được từ Tòa thánh phải sống một cuộc sống ẩn dật hơn. Từ các tài liệu và lời khai hiện đã được công bố trong Phúc trình, có thể thấy rõ ràng là "các biện pháp trừng phạt" không hề được áp đặt. Đúng hơn, chúng là những khuyến nghị, được đưa ra bằng miệng, gửi cho ông vào năm 2006 và sau đó bằng văn bản vào năm 2008, mà không nói rõ rằng đây là mong muốn rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Chúng là những đề nghị vốn giả định thiện chí và sự sẵn sàng tôn trọng của McCarrick. Sự kiện vị Hồng Y vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục du hành, và vẫn đã hoàn thành nhiều sứ mệnh khác nhau ở các quốc gia khác nhau (trong đó có thông tin hữu ích), mặc dù ông không được Tòa thánh ủy nhiệm, cho thấy hoạt động của ông được dung thứ. Sau khi nhận được một cáo buộc mới chống lại McCarrick vào năm 2012, Viganò, người trong thời gian đó đã được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Hoa Kỳ, đã nhận được chỉ thị từ Bộ trưởng Bộ Giám mục để điều tra. Tuy nhiên, Phúc trình cho thấy ngài đã không thực hiện tất cả các cuộc điều tra đã được yêu cầu nơi ngài. Hơn nữa, qua việc tiếp tục làm theo cùng phương thức vốn được sử dụng cho đến thời điểm đó, ngài đã không thực hiện các bước quan trọng để hạn chế hoạt động của McCarrick hoặc các chuyến du lịch trong nước và quốc tế của ông ta.

Diễn trình được Đức Phanxicô mở ra

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu, McCarrick đã hơn tám mươi tuổi và do đó, bị loại khỏi mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các chuyến đi theo thông lệ của ông không có gì thay đổi, và Đức Tân Giáo hoàng không được cung cấp tài liệu hoặc lời khai nào để ngài nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc, liên quan đến người lớn, chống lại cựu Tổng giám mục Washington. Những gì được truyền đạt tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô là: đã có những cáo buộc và "tin đồn liên quan đến tác phong vô luân với người lớn" trước khi McCarrick được bổ nhiệm đến Washington. Theo quan điểm của ngài, các cáo buộc đã được điều tra và đã bị Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bác bỏ, đồng thời nhận thức rõ rằng McCarrick vẫn hoạt động trong triều Giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô không cho rằng cần phải sửa đổi “diễn trình đã được các vị tiền nhiệm chấp nhận”. Do đó, điều không đúng [khi nói] ngài hủy bỏ hoặc làm suy yếu các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế đối với vị Tổng Giám mục hưu trí. Như đã đề cập, mọi điều đã thay đổi, khi cáo buộc lạm dụng tình dục một vị thành niên đầu tiên xuất hiện. Đã có đáp ứng ngay lập tức. Một diễn trình giáo luật nhanh chóng đã kết thúc bằng biện pháp sa thải nghiêm trọng và chưa từng có một cựu Hồng Y khỏi bậc giáo sĩ.

Giáo hội đã học được gì

Điều đáng kể trong số lượng khổng lồ các lời khai và tài liệu hiện được cung cấp qua bản Phúc trình, chắc chắn là một trang bi thảm trong lịch sử gần đây của Đạo Công Giáo, một câu chuyện đau lòng mà toàn thể Giáo hội đã học được. Thực thế, người ta có thể đọc một số biện pháp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện sau Cuộc họp tháng 2 năm 2019 về việc Bảo vệ các vị thành niên qua lăng kính vụ McCarrick. Thí dụ, người ta có thể thấy điều này là trong Tự Sắc Vos estis lux mundi, có chứa các chỉ thị liên quan đến việc trao đổi thông tin giữa các Bộ sở và giữa Rôma và các Giáo hội địa phương, sự tham dự của Vị Giám Mục Giáo đô vào cuộc điều tra ban đầu, định mức cho thấy các cáo buộc phải được thẩm định nhanh chóng, cũng như việc hủy bỏ bí mật giáo hoàng. Tất cả những quyết định này đã xem xét những gì đã xảy ra, học hỏi từ những gì không hữu hiệu, từ những thủ tục không được thực hiện đúng cách, từ những đánh giá thấp đáng tiếc đã được thực hiện ở nhiều bình diện khác nhau. Giáo hội tiếp tục học hỏi từ cuộc chiến đấu chống lại hiện tượng lạm dụng tình dục, kể cả trong trường hợp này. Điều này cũng trở nên rõ ràng vào tháng 7 năm 2020 với việc công bố Vademecum (Thủ Bản) của Bộ Giáo lý Đức tin mời các mục tử và người đứng đầu các dòng tu không tự động vứt bỏ các đơn tố cáo nặc danh.

Khiêm tốn và sám hối

Do đó, trên đây là bức tranh tổng thể xuất hiện từ tài liệu được trình bày trong Phúc trình, sau khi dựng lại một thực tại chắc chắn có tính chi tiết và phức tạp hơn so với những gì đã được biết cho đến nay. Trong hai thập niên qua, Giáo Hội Công Giáo đã tiến tới chỗ nhận thức rõ hơn nỗi thống khổ khôn tả của các nạn nhân, sự cần thiết phải bảo đảm việc bảo vệ các vị thành niên, tầm quan trọng của các chuẩn mực có khả năng chống lại hiện tượng này. Giáo hội cũng đã tiến tới chỗ nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ chống lại sự lạm dụng đối với những người trưởng thành dễ bị tổn thương, và nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ chống lại sự lạm dụng quyền lực. Đối với Giáo Hội Công Giáo, ở Hoa Kỳ và ở Rôma, vụ Theodore McCarrick - một giáo phẩm sở hữu trí thông minh và sự chuẩn bị đáng kể, có khả năng kết nối nhiều mối quan hệ cả trong chính trị cũng như giữa các tôn giáo - vẫn còn là một vết thương chưa lành, trước hết và quan trọng nhất cho những nỗi đau và nỗi khổ gây ra cho nạn nhân của ông. Vết thương này không thể chỉ được điều trị bằng luật lệ mới hoặc các quy tắc ứng xử hữu hiệu hơn bao giờ hết, bởi vì tội ác cũng là một tội lỗi. Để chữa lành vết thương này, cần có sự khiêm nhường và sám hối, cầu xin Chúa tha thứ và chữa lành.