Các giám mục Ái Nhĩ Lan đã gặp thủ tướng trong tuần này để phản đối các hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng vì coronavirus.

“Chúng tôi đã và đang làm mọi thứ có thể để giữ an toàn cho các nhà thờ của mình, và không có bằng chứng nào cho thấy các nhà thờ và các cử hành Phụng Vụ thực sự là nguồn lây lan hoặc truyền nhiễm, vì vậy tôi phải nói rằng tôi rất thất vọng và tôi đã nói điều đó với thủ tướng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 30 tháng 10, sau cuộc họp.

Việc thờ phượng nơi công cộng đã bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan kể từ ngày 7 tháng 10 do một sắc lệnh của chính phủ Ái Nhĩ Lan đặt toàn bộ đất nước dưới các hạn chế “Cấp 3” do sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus. Đây là lần thứ hai các thánh lễ công cộng ở Ái Nhĩ Lan bị đình chỉ trong năm nay. Các hạn chế “Cấp 3” đe dọa phạt tiền và phạt tù những cuộc tụ họp có từ 3 người trở lên trong những nơi được cho là “không thiết yếu” trong sinh hoạt xã hội. Rõ ràng các hạn chế này nhắm trực tiếp đến các nơi thờ phượng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tuam, Đức Tổng Giám Mục Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Giám mục Dermot Farrell của Ossory đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Micheál Martin vào ngày 28 tháng 10 để bày tỏ “ ước muốn lớn lao được trở lại thờ phượng sớm nhất có thể”.

“Các Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài hoàn toàn ủng hộ các thông điệp Y tế Công cộng nhưng nhấn mạnh rằng việc tụ tập với nhau trong cầu nguyện và thờ phượng, đặc biệt là trong Thánh lễ và các Bí tích, là nền tảng của truyền thống Kitô giáo và là nguồn nuôi dưỡng cuộc sống và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng”, một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

Ái Nhĩ Lan đã từng được xem là quốc gia Công Giáo nhất hoàn cầu nhưng cách đây 2 năm các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã phải bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý này, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, 2018, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”


Source:Catholic News Agency