1. Đức Thánh Cha cử hành lễ các đẳng linh hồn tại nghĩa trang Teutonico trong nội thành Vatican.
Theo thông báo của Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, chiều hôm nay, 2 tháng 11, lễ các đẳng linh hồn, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Campo Santo Teutonico, ở Vatican.
Thánh lễ này được cử hành dưới hình thức riêng và chỉ có một số rất nhỏ tín hữu tham dự, vì các biện pháp an ninh vệ sinh chống đại dịch.
Nghĩa trang Teutonico ở nội thành Vatican, chỉ cách nhà trọ thánh Marta, nơi Đức Thánh Cha cư ngụ khoảng 100 mét.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện tại nghĩa trang trước khi xuống hầm Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện trước mộ của các Đức Giáo Hoàng.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng cho biết sáng thứ Năm, 5 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Bàn thờ Ngai tòa, trong Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng Y và giám mục qua đời trong 12 tháng qua. Số tín hữu tham dự cũng bị giới hạn vì đại dịch.
2. Biden chào hàng ‘cảm hứng’ đức tin Công Giáo, mặc dù tiếp tục ủng hộ phá thai và đòi hạn chế tự do tôn giáo
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tuần này cho biết đức tin Công Giáo thúc đẩy sự nghiệp chính trị của ông và làm cơ sở cho kế hoạch cầm quyền, nhưng không đề cập đến việc ông ủng hộ phá thai, và có kế hoạch chấm dứt bảo vệ tự do tôn giáo cho các nữ tu, và cả việc ông ủng hộ việc mở rộng quy mô của dự luật chuyển giới. Tất cả những điều này đều bị các giám mục Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ.
Viết trên tờ The Christian Post hôm thứ Năm 29 tháng 10, trong một bài bình luận Biden khẳng định “10 điều răn Đức Chúa Trời là những gì lớn nhất đã định hướng chính trị cho tôi.” Ông cũng thảo luận về việc ông phải đối phó ra sao với những mất mát người thân trong gia đình, quan niệm về việc thực thi các chức vụ công quyền và kế hoạch của ông nếu được giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, ông cẩn thận không đề cập đến Hunter Biden, là con trai ông đang bị một số phương tiện truyền thông vạch trần các trò ăn chơi sa đọa, và nhận hối lộ của Ukraine và Trung Quốc; cũng như các dính líu của bản thân ông trong việc lạm dụng chức vụ phó tổng thống để tạo điều kiện cho cậu quý tử nhận được những “lại quả” của Trung Quốc, Ukraine, và Nga.
“Những nguyên tắc - yêu Chúa và yêu người khác - là nền tảng đức tin của tôi”, Biden viết. Ông nhấn mạnh rằng trong suốt 47 năm làm chính trị, “những giá trị này đã giúp tôi có cơ sở cho những gì quan trọng nhất, và là nền tảng để xây dựng gia đình chúng tôi.”
Biden đã biến đức tin Công Giáo của mình trở thành một phần trong thông điệp vận động tranh cử của mình trong những tuần gần đây, khi ông cố gắng tiếp cận các cử tri Công Giáo ở các bang đông đúc, những người mà lá phiếu có thể rất quan trọng trong các bang trong tình trạng nghiêng ngửa.
Hôm thứ Năm, Biden đã viết rằng “Đức tin Công Giáo đã truyền vào tôi một chân lý cốt lõi - rằng mọi người trên trái đất đều bình đẳng về quyền và phẩm giá, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người con yêu dấu của Chúa”.
“Tất cả chúng ta đều được tạo ra theo hình ảnh Chúa, đẹp đẽ, độc đáo, với các giá trị vốn có,” Biden viết.
Trong khi ông viết rằng tất cả mọi người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, Biden đã không thảo luận về việc tuyên bố về niềm tin này có liên quan như thế nào đến việc ông ủng hộ phá thai cho đến tận khi sinh và việc tăng tài trợ liên bang cho việc phá thai, cả hai là những cam kết nền tảng rõ ràng của ông chiến dịch vận động tranh cử.
Các giám mục Hoa Kỳ đã nói rằng việc chấm dứt tình trạng nhà nước bảo vệ và ủng hộ phá thai là “ưu tiên hàng đầu” trong chính trị vì tính chất nghiêm trọng của việc phá thai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập luận rằng việc bảo vệ hợp pháp cho thai nhi là một tiền đề cần thiết cho một xã hội công bằng. Ngài cũng so sánh các bác sĩ phá thai với những kẻ sát nhân, và việc thực hành phá thai với thuyết ưu sinh kiểu Đức Quốc xã.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sẽ có nhiều thay đổi lớn ở Vatican
Sắp có nhiều thay đổi lớn tại Vatican khi Tòa Thánh tiếp tục chống tham nhũng tài chính bên trong các bức tường của mình, Đức Thánh Cha cho biết như trên nhưng ngài dè dặt nói về khả năng thành công.
Phát biểu với hãng thông tấn Ý AdnKronos trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tham nhũng là một vấn đề sâu xa, lặp đi lặp lại trong lịch sử của Giáo hội, mà ngài đang cố gắng chống lại bằng “những bước đi nhỏ nhưng cụ thể”.
“Thật không may, tham nhũng là một câu chuyện theo chu kỳ, nó lặp đi lặp lại, sau đó sẽ có người đến dọn dẹp và chỉnh trang, nhưng sau đó nó lại đến, bắt đầu chờ người khác đến chấm dứt sự thoái hóa này,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 30 tháng 10.
“Tôi biết tôi phải làm điều đó, tôi đã được kêu gọi để làm điều đó, rồi Chúa sẽ nói nếu tôi làm tốt hay nếu tôi làm sai. Thành thật mà nói, tôi không lạc quan cho lắm.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “không có chiến lược cụ thể nào” về cách Vatican chống tham nhũng. “Chiến thuật rất tầm thường, đơn giản, là tiến lên và không dừng lại. Bạn phải thực hiện từng bước nhỏ nhưng cụ thể”.
Ngài chỉ ra những thay đổi đã thực hiện trong 5 năm qua, và nói rằng nhiều thay đổi sẽ được thực hiện “rất sớm”.
“Chúng tôi đã đi sâu vào vấn đề tài chính, chúng tôi có những nhà lãnh đạo mới tại viện giáo vụ, tóm lại, tôi đã phải thay đổi nhiều thứ và nhiều thứ sẽ thay đổi rất sớm,” ngài nói.
Cuộc phỏng vấn được đưa ra khi tòa án thành phố Vatican được cho là đang điều tra nhiều vụ bê bối tài chính và các cáo buộc liên quan đến Đức Hồng Y Angelo Becciu.
Các luật sư của Hồng Y Becciu phủ nhận tin tức cho rằng ngài đã được chính quyền Vatican liên hệ.
Vào ngày 24 tháng 9, Hồng Y Becciu đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu từ chức mọi công việc ở Vatican và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y sau các báo cáo cáo buộc rằng ngài đã sử dụng hàng triệu euro quỹ bác ái của Vatican trong các khoản đầu tư đầy rủi ro, bao gồm các khoản vay cho các dự án do anh em ngài sở hữu và điều hành.
Hồng Y Becciu, người trước đây là nhân vật số hai tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng là trung tâm của một vụ bê bối liên quan đến việc mua một tòa nhà gây tranh cãi ở London. Ông cũng được cho là đứng sau việc thuê và trả tiền cho một phụ nữ Ý và bị cáo buộc lạm dụng quỹ Vatican dành cho hoạt động nhân đạo để tặng cho vị phụ nữa này mua sắm xa hoa các đồ dùng cá nhân.
Hồng Y Becciu đã bị buộc tội sử dụng Cecilia Marogna, để xây dựng mạng lưới tình báo “ngoài luồng”.
Hồng Y Becciu cũng bị truyền thông Ý cáo buộc rằng ngài đã chuyển tiền sang Úc nhằm can thiệp vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell.
Một tuyên bố ngày 17 tháng 10 từ luật sư của Đức Hồng Y Becciu, là ông Fabio Viglione, cho biết Đức Hồng Y, “đứng trước sự chú ý dai dẳng của một số nhà báo đến phiên tòa của Đức Hồng Y Pell, buộc phải nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng ngài chưa bao giờ can thiệp vào phiên tòa này bằng bất kỳ cách nào”.
Luật sư cũng cho biết “ để bảo vệ danh dự của mình, đã bị tổn hại nghiêm trọng,” Đức Hồng Y Becciu có thể nhờ đến pháp lý chống lại một số phương tiện truyền thông vì họ liên tục đưa tin về “nhằm bôi nhọ mặc dù không có bằng chứng nào ngài đã can thiệp vào phiên tòa để chống lại Đức Hồng Y Pell. “
Những thông tin cho rằng Đức Hồng Y Becciu có thể đã chuyển tiền sang Australia để chống lại Đức Hồng Y Pell đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha đề cập đến các chỉ trích liên quan đến thoả hiệp với Trung Quốc và luật dành cho kết hiệp dân sự
Trong cuộc phỏng vấn ngày 30 tháng 10 với hãng thông tấn Ý AdnKronos, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi về những lời chỉ trích gần đây mà ngài nhận được, bao gồm việc gia hạn thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc và sự chấp thuận rõ ràng của ngài về việc hợp pháp hóa các kết hiệp đồng tính trong một bộ phim tài liệu được phát hành gần đây.
Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài sẽ không nói sự thật nếu ngài nói rằng những lời chỉ trích không làm ngài bận tâm.
Ngài nói thêm, không ai thích những lời chỉ trích được đưa ra một cách thiếu thiện chí. “Tuy nhiên, cũng với một niềm tin như thế, tôi nói rằng những lời chỉ trích có thể mang tính xây dựng, và sau đó tôi chấp nhận tất cả vì những lời chỉ trích khiến tôi tự kiểm tra bản thân, kiểm tra lương tâm, tự hỏi bản thân xem tôi đã sai chưa, ở đâu và tại sao tôi đã sai, tôi đã làm tốt hay tôi đã làm sai, và tôi có thể làm tốt hơn hay không.”
Sự thật đơn giản là những lời nhận xét của Đức Giáo Hoàng trong cuốn phim tài liệu “Francesco” đang khiến cuộc sống của các tín hữu Công Giáo khó khăn hơn. Sẽ khó khăn hơn cho các trường học Công Giáo nào không muốn dạy về chủ thuyết tình dục mới đang được thế giới tôn vinh. Sẽ khó khăn hơn cho các chủ tiệm bánh Công Giáo bị buộc phải làm một chiếc bánh có hình cờ cầu vồng. Sẽ khó khăn hơn cho các nhân viên văn phòng Công Giáo bị buộc tham gia các khóa đào tạo về hôn nhân đa dạng. Sẽ khó khăn hơn cho những người đồng tính Công Giáo trẻ tuổi có những bạn bè xã hội không thể hiểu tại sao anh ta không muốn vượt qua cơn say tôn giáo của mình và bắt đầu hẹn hò với các bạn bè đồng tính. Sẽ khó khăn hơn cho các bậc cha mẹ Công Giáo đang cố gắng làm cho con cái của họ tin vào những lời dạy cứng rắn của Giáo hội. Tất cả họ sẽ phải đối mặt với câu hỏi khó khăn đầy chế giễu “Nhưng chẳng phải Giáo hoàng đã nói... như thế sao?”
Thật vậy, điều này đã xảy ra. Tại Phi Luật Tân, nơi các kết hiệp đồng giới đang được tranh luận, một phát ngôn viên của Tổng thống vừa tuyên bố: “Ngay cả Giáo hoàng cũng ủng hộ điều đó, tôi nghĩ rằng ngay cả những người bảo thủ nhất trong số tất cả những người Công Giáo trong Quốc hội cũng không còn cơ sở để phản đối.”
Một số người bảo vệ Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng, bằng cách lên tiếng như thế, ngài sẽ giúp đỡ những người đồng tính bị gia đình và cộng đồng từ chối hoặc bị luật pháp tàn nhẫn tấn công. Nhưng Đức Phanxicô có thể can thiệp cho họ mà không cần kêu gọi hình thành luật cho các kết hiệp dân sự. Có những xã hội truyền thống nơi người đồng tính bị coi là vật tế thần; Đức Giáo Hoàng có thể thúc giục các xã hội đó tôn trọng phẩm giá con người, đồng thời trấn an họ rằng điều này không có nghĩa là họ buộc phải công nhận tình trạng pháp lý đặc biệt cho các mối quan hệ đồng giới. Trái lại, thông điệp của ngài như hiện nay sẽ bị đánh đồng với “chủ nghĩa thực dân ý thức hệ” của phương Tây trong cố gắng xác định lại hôn nhân và gia đình trên toàn thế giới.
Source:Catholic News Agency