Trong những ngày này, có thể nói được, thế giới đang nóng lên với “hai hồ sơ đời lẫn đạo”:

- Đời (hay “Hồ sơ chính trị”): “Cuộc đua vào Nhà Trắng và sự đối đầu Mỹ - Trung”.

- Đạo (hay “Hồ sơ tôn giáo”): “Tạm ước Vatican-Bắc Kinh và sự cố ‘Moviegate’ ”.

Nói cách khác, cuộc chạy đua nước rút vào “Nhà Trắng” của hai ứng viên đại diện cho hai chính đảng Cọng Hoà - Dân Chủ, và toàn cảnh chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung chính là “điểm nóng” của “địa chính trị thế giới” trong năm 2020 nầy. Trong khi đó, đối sách mục vụ của Vatican với Trung Quốc qua việc gia hạn thêm 2 năm tạm ước giữa Vatican và Bắc Kinh và những phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “kết hợp dân sự” cho các cặp hôn nhân đồng tính qua cuốn phim tài liệu Francesco vừa được công chiếu tại Rôma (“Moviegate”) lại là một “thời sự nóng bỏng về Công Giáo La Mã thu hút sự quan tâm, nhận định, kiến giải… của nhiều người, nhiều tổ chức trên khắp thế giới.


BÀI 1: Hồ sơ “chính trị Nhà Trắng”: NGỌN ĐUỐC CHO ĐỜI HAY “CÁNH RỪNG ĐANG MỌC”


Trước hết, có một điều gần như ai cũng đồng thuận, đó là: nhân vật Tổng Thống Mỹ chiếm một vị thế và vai trò tối quan trọng trong toàn cảnh “sinh hoạt chính trị” hay “địa chính trị” của cả thế giới, ít nhất, kể từ sau Đệ nhị thế chiến tới nay.

Cũng dễ hiểu thôi, Tổng Thống Mỹ với nhiệm kỳ 4 năm cùng với Nội các chính phủ của mình là chóp đỉnh của “nhánh Hành Pháp”, có trách nhiệm hoạch định và điều phối toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới. Và kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, đặc biệt, sau khi kết thúc “chiến tranh lạnh” giữa hai khối Đông-Tây, hay giữa “Thế giới Tự do” và “phe Xã hội chủ nghĩa”, vai trò “cầm chịch” cuộc cờ chính trị thế giới của Hoa Kỳ được khẳng định cách dứt khoát nhờ chính sức mạnh tự thân (kinh tế, quân sự, văn hoá…) và thông qua những “uỷ nhiệm” chính thức hay mặc nhiên của rất nhiều tổ chức, liên minh, hiệp ước, quan hệ đối tác… (Liên Hiệp quốc, khối NATO, khối G7, Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Ngân hàng thế giới WB…).

Chính vì lẽ đó, cứ mỗi sau 4 năm, thế giới chong mắt hướng về đất nước Hoa Kỳ để theo dõi, bình luận, đánh giá… về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ. Và cho dầu, “một con én không làm nổi mùa xuân”, nhưng, như lịch sử gần đây đã chứng minh: chỉ cần “dự đoán vị Tổng Thống sẽ đắc cử” thôi, thì “lò lửa của sự căng thẳng và cứng đầu của Iran hay Bắc Triều Tiên có thể hạ nhiệt”, đối sách ngoại giao của một số nước cực đoan Hồi Giáo và Israel ở Trung Đông có thể thay đổi, các cuộc đàm phán về hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân với Nga có thể được nối lại, các thoả thuận với liên minh NATO và quan hệ đối tác với Liên Âu sẽ được cải thiện, cuộc thương thảo đối tác thương mại với Trung Quốc tiếp tục được thương thảo….

Vì thế, chẳng lạ gì cuộc chạy đua đến Nhà Trắng vào ngày 3.11 tới đây của hai ứng viên D. Trump (Cọng Hoà) và J. Biden (Dân Chủ) đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Ai sẽ là “Ông chủ Nhà Trắng” trong nhiệm kỳ 4 năm tới vẫn còn là một “ẩn số” cho tới sau ngày 3.11. Tuy nhiên, dựa vào đường lối chính sách được phản ảnh qua các cuộc vận động tranh cử, đặc biệt, qua các cuộc tranh luận công khai và hệ thống phát ngôn của các cánh truyền thông “tả-hữu”, người ta có thể lượng định rằng:

- Nếu ngài D. Trump tiếp tục thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa thì khuynh hướng “bảo thủ và truyền thống để duy trì tư thế siêu cường số một” sẽ ảnh hướng đến đường hướng chính trị và các chính sách của Hoa Kỳ: Mỹ sẽ tiếp tục “cầm chịch” thế giới bằng sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao; xã hội Hoa kỳ tiếp tục được củng cố trên nền tảng luân lý đạo đức truyền thống: tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống và nhân quyền, thượng tôn pháp luật và ổn định xã hội…; kinh tế Hoa Kỳ đã đến lúc cần phá thế “chuỗi cung ứng hoàn cầu từ Trung quốc”, ưu tiên phát triển tại nội địa và công bằng giao thương; tiếp tục duy trì tư thế mạnh trong đối sách ngoại giao và quốc phòng hùng mạnh… để đạt tới mục tiêu cuối cùng: “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”…

- Nếu ngài J. Biden trúng cử, khuynh hướng “cấp tiến” xưa nay của Đảng Dân Chủ sẽ chi phối: Đáp ứng yêu cầu hưởng dụng và khát vọng tự do của đại đa số quần chúng, duy trì hệ thống bảo hiểm OBAMACARE, chấp nhận một triết lý chính trị mang chiều hướng “xã hội chủ nghĩa”, một nền đạo đức xã hội cởi mở, cấp tiến, tự do: phá thai, đồng tính…; đấu dịu với các đồng minh và và sẵn sàng thoả hiệp với các đối tác thù nghịch để đôi bên cùng có lợi; tập chú vào đối sách “bảo vệ môi trường sinh thái” và chống “biến đổi khí hậu”, hổ trợ người nghèo, da màu, dân nhập cư, siết chặt thuế khoá các doanh nghiệp công ty ăn nên làm ra, liên minh với các đại gia kinh tế và cánh truyền thông khuynh tả… với mục tiêu cuối cùng: một nước Mỹ giàu có và thế tục !

Thế nhưng, theo nhận định của phần đông những ai từng quan tâm đến chính trường Mỹ quốc, thì cho dù Tổng Thống thuộc Đảng nào, Cộng Hoà hay Dân Chủ, thì chính sách xuyên suốt của Hoa Kỳ về đối nội cũng như đối ngoại cũng đều hướng tới một mục tiêu chung và luôn được điều tiết, kiện toàn, kiểm tra và cân bằng qua hệ thống Tam quyền phân lập: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Và đó chính là nét ưu việt của hệ thống chính trị của Hoa Kỳ mà các nhà lập quốc và kiến quốc đã tiên liệu từng hàng trăm năm trước để ổn định và phát triển cho mãi tới hôm nay.

Tuy nhiên, theo những gì đang diễn ra trong bối cảnh chính trị hiện nay thông qua “hồ sơ tranh cử Tổng Thống” của hai nhân vật đại diện cho hai chính đảng, thế giới mới tận mắt chứng kiến cả một “đầm lầy” nhầy nhụa trong “hồ sơ các chính khách Hoa Kỳ” cùng những “lệch lạc của hệ thống truyền thông cánh tả”, một “đầm lầy” mà vị đương nhiệm Tổng Thống đã từng dị ứng và lấy làm “chướng tai gai mắt” đến độ phải “bỏ cả sự nghiệp kinh doanh thuộc đẳng cấp tỉ phú đô-la” để “tát cạn đầm lầy” theo kiểu “khẩu khí” của một Cao Bá Quát: “xin tống bần quỷ ra đến miền Đông hải,… đeo vòng thư kiếm, quyết xây bạch ốc lại lâu đài; tống cùng thần ra đến đất Côn Lôn,… gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”[1].

Thật vậy, như một nhà văn Úc – Morris West[2] từng phát biểu trong cuốn tiểu thuyết luận đề “Trong và ngoài tình yêu”[3]: “Con người vốn bất toàn, nên bất cứ cơ cấu nào do con người lập nên cũng đều không toàn thiện”, cho nên, dù cho cơ cấu chính trị của Hoa Kỳ có ưu việt tới đâu thì cũng ẩn chứa những rạn nứt, những vết đen, vết mờ, những “đầm lầy hôi hám”; nhất là nơi chính những con người trong guồng máy chính trị đó mà cụ thể nhất là “quả bom tấn tháng mười” vừa được tờ New York Post tung ra khi “bạch hoá các nội dung email trong ổ cứng máy tính” của con trai cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, Hunter Biden”[4]…

Nếu xâu chuổi các biến cố liên tục diễn ra trên đất Mỹ kể từ khi con “Virus Vũ Hán” hoành hành trên xứ Cờ Hoa: cuộc luận tội Tổng Thống D. Trump của phe Dân Chủ, xuống đường bạo loạn với phong trào BLM (Black lives matter), giật sập các tượng đài, đòi giải thể cơ quan cảnh sát, đe doạ và tấn công các nhóm ôn hoà phò sinh, bi đát hoá và lạm dụng con cờ covid-19 trong ý đồ chính trị, sự khuất tất và chằng chịt các hợp đồng đen tối và phi vụ tham nhũng bất minh của các chính khách và “đại gia công nghệ” (Microsoff, Google…), thiếu trung thực và không còn khả tín của các “đại gia truyền thông” (New York Times, Washington Post, CNN, NBC…), quả thật, xã hội Mỹ đang trải qua một “cơn khủng hoảng chính trị xã hội” trầm trọng mà cuộc bầu cử năm 2020 nầy có thể là một “lựa chọn” một mất một còn, giữa chính và tà, giữa những giá trị truyền thống nền tảng của Mỹ quốc và những khuynh hướng cấp tiến tháo thứ của một thứ “xã hội chủ nghĩa” bị giật dây và lạm dụng bởi đảng Cọng sản Trung quốc[5].

Đứng trước tình trạng khá đen tối và hiểm nguy này, những người thuộc cánh truyền thống bảo thủ sẽ cho rằng “một nhiệm kỳ nữa của Tổng Thống Trump là giải pháp tối ưu”; bởi vì, hình như trong 4 năm qua, chính quyền Tổng Thống Trump mới chi đi được một “đoạn đường ngắn” trong chính sách “Make America Great Again”, mà đoạn đường đó gần như bị phá đổ tan tành bởi con “Cúm Tàu” ! Như vậy, cần phải có 4 năm nữa với một vị Tổng Thống mạnh mẽ quyết đoán, nói được làm được - D. Trump…, để có cơ hội thực hiện chiến lược chính trị và xã hội đầy thách thức trước một Trung Quốc hung hăng muốn qua mặt Mỹ trên cuộc cờ thế giới. Dĩ nhiên, với những ai “cuồng Dân Chủ” thì bất cứ giá nào cựu Phó Tổng Thống J. Biden phải là người nắm quyền để “xây bạch ốc lại cơ đồ” của một nước Mỹ rạn nứt, phân hoá, cục bộ, mất khả năng và uy tín lãnh đạo…

Thôi thì cứ để cho nhân dân Mỹ lựa chọn. Chắc chắn với sự thông minh và kinh nghiệm đầy người của một xã hội tự do dân chủ, cử tri Mỹ hoàn toàn có khả năng lựa chọn đúng vị lãnh đạo tối cao của đất nước họ, bất chấp những “lèo lái, tung hoả mù, kết quả thăm dò…” của cả một hệ thống truyền thông cánh tả “nước trong”, một thứ “đệ tứ quyền” bất khả xâm phạm, cùng với những chiêu trò ma mảnh của các thế lực chính trị “nước ngoài”. Kết quả bầu cử năm 2016 là một bằng chứng rõ nét cho luận chứng trên, mà đã từng có tờ báo mỹ dè bỉu rằng đó là chuyện “ăn may” tình cờ hoạ hiếm như một cú “sét đánh” !

Ở đây chỉ góp thêm một chút nhận định: đâu là ngọn đuốc để để soi đường cho hiện tại và tương lai nước Mỹ.

Con người là một chuyện. Đúng là “Tổng Thống” Mỹ, trong cương vị lãnh đạo tối cao “nhánh Hành Pháp”, có vai trò quan trọng trong việc điều hành hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội… Mỹ quốc cũng như “bang giao quốc tế”. Tuy nhiên, người ta có thể đồng thuận rằng: chính hệ thống “Pháp Quyền” mới là yếu tố quyết định cho sự ổn định, mạnh mẽ và phát triển của xứ “Cờ Hoa”. Nước Mỹ là một đất nước có truyền thống thượng tôn pháp luật; và bản Hiến Pháp Hoa Kỳ đã được xem như là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”[6]. Vì thế không lạ gì, cả lưỡng Đảng Hoa Kỳ, cùng với toàn dân Mỹ, hồi họp và trân trọng cách linh thiêng đặc biệt giây phút Bà Amy Coney Barrett nhậm chức Thẩm Phán Toà Tối Cao Pháp Viện vào tối thứ Hai ngày 26.10.2020 tại Toà Bạch Cung. Điều nầy, có thể nói, được phản ảnh qua chính lời phát biểu của Tổng Thống D. Trump trong đêm nhậm chức ấy: “Đây là một ngày quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với hiến pháp Hoa Kỳ và đối với pháp quyền công bằng và khách quan”[7].

Điều đáng nói ở đây chính là “yếu tố con người” của Vị Tân Thẩm Phán nầy. Là một trí thức uyên bác chuyên ngành Luật, một tín hữu Công Giáo thuần thành và truyền thống, kiên định trong các Giáo huấn nền tảng của Hội Thánh Công Giáo về đức tin và luân lý (Bảo vệ sự sống…); và đặc biệt nhất, là một “người vợ và người mẹ của 7 đứa con” trong một gia đình thuận hoà hạnh phúc. Hồng phúc của dân Mỹ là có được một công dân tuyệt vời như thế, và hệ thống chính trị Mỹ có được một “cán bộ” hoàn mỹ như thế, đúng như Thượng Nghị sĩ Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell nhận định: “Đây là một trong những ứng cử viên sáng giá, được ngưỡng mộ và có trình độ tốt nhất trong thời đại của chúng ta. Thưa các đồng nghiệp, dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào, thì Thẩm phán Barrett đều xứng đáng được xác nhận vào Tối cao Pháp viện”[8].

Vâng, nếu “ngọn đuốc của Nữ thần Tự do” luôn là biểu tượng sáng ngời của một Nước Mỹ “dân chủ pháp quyền và tự do”, thì nền chính thị và xã hội Mỹ hôm nay, một đất nước hùng mạnh nhưng đang trên đã bất ổn và phân hoá trầm trọng, đang cần những “ngọn đuốc” bằng xương bằng thịt như Amy Coney Barrett.

D. Trump hay J. Biden có thể làm vang động nước Mỹ và cả thế giới cách “ồn ào như một cây cổ thụ đang đổ”, nhưng, những con người như bà Amy Coney Barrett sẽ âm thầm gieo một ảnh hưởng sâu đậm để hồi sinh và dẫn dắt nước Mỹ như “một cánh rừng đang mọc”[9].


(Còn tiếp: Bài 2: VÌ SAO CHO ĐẠO HAY “HẠT CẢI ÂM THẦM”


Trương Đình Hiền (2.11.2020)

[1] CAO BÁ QUÁT, bài Tài tử đa cùng phú

[2] Morris Langlo West (1916-1999), một tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Úc, nổi tiếng với các tiểu thuyết The Devil's Advocate (1959), The Shoes of the Fisherman (1963), Ambassador (1965) và The Clown of God (1981)… Các tác phẩm của West thường tập trung vào chính trị thế giới và vai trò của Giáo Hội Công Giáo La Mã trong các vấn đề quốc tế. Trong Đôi giày của người đánh cá, ông mô tả cuộc bầu cử một người Slav làm Giáo hoàng, như một dự báo 15 năm trước cuộc bầu cử lịch sử: vị Giáo Hoàng đến từ Ba Lan: Karol Wojtyła tức Giáo hoàng John Paul II. Cuốn sau đó (Phần II), Những chú hề của Chúa, mô tả một vị Giáo hoàng kế vị đã từ chức để sống ẩn dật, cũng dự báo 32 năm trước khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI thoái vị vào năm 2013.

[3] Cuốn Devil’s Advocate được dịch giả Vũ Đình Lưu dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Trong và ngoài tình yêu” (1972); còn cuốn Ambassador, Chu Việt dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Ông Đại Sứ” (1969) viết về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cuộc chính biến 1.11.1963.

[4] Hunter Biden làm gì ở Ukraine và Trung Quốc. Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-54629549

[5] TIẾN SĨ TẠ ĐIỀN: Tổng tuyển cử Hoa Kỳ 2020 phân định thiện ác, chính tà. Nguồn: https://trithucvn.org/the-gioi/ts-ta-dien-tong-tuyen-cu-hoa-ky-2020-phan-dinh-thien-ac-chinh-ta.html

[6] Câu nói của Thủ tương Anh, William Ewart Gladstone (1809-1898). Nguồn:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Hoa_K%E1%BB%B3

[7] Theo trang BBC NEWS TIẾNG VIỆT. Bài viết: Bà Mamy Coney Barrett trở thành Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ. Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-54701477

[8] Nguồn: Trang mạng EPOCH TIMES, TIẾNG VIỆT. Bài viết: Bà Amy Coney tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tối cao Pháp viện. https://etviet.com/us/ba-amy-coney-barrett-tuyen-the-nham-chuc-tham-phan-toi-cao-phap-vien.html

[9] Câu ngạn ngữ của Trung Hoa: “Một cây đổ thì ồn ào hơn một cánh rừng đang mọc”.