VỀ CỘI

Khi ngắm nhìn những chiếc lá xa cành, những người đầu bạc từng trải thường nghĩ đến ngày chúng ta phải từ giã cõi đời này vì trần gian chỉ là nơi tạm trú. “Sinh ký, tử qui”, quan niệm sống – chết của các dân tộc Á đông nói chung và dân tộc Việt nói riêng đã đem lại cho chúng ta những giáo huấn khôn ngoan, những suy tư sáng suốt về cuộc đời. Vì vậy, người ta thường “nói” với người đã khuất “sống khôn chết thiêng” với ngụ ý chỉ có ai biết sống khôn thì mới được chết thiêng!

Như một nốt nhạc trầm rơi vào khoảng không tĩnh lặng khi nhận được tin một người bạn qua đời trong những ngày bận rộn với công việc. Bao kỉ niệm của thời thanh xuân với sức sống căng tràn hiện về lung linh trước mắt. Thời của những nỗ lực vươn lên, của những phấn đấu … để thoát khỏi khó khăn chung của thời bao cấp cộng hưởng với những tình cảm éo le của cuộc sống gia đình.

Bạn cùng tôi đều sinh ra trong gia đình đạo gốc, cùng sinh hoạt gắn bó với nhau ngay từ thuở nhỏ với những lớp giáo lý, giờ kinh buổi lễ …Rồi cùng nhau học tập và trở thành những cô giáo giảng dạy tại chính nơi mình lớn lên. Thay đổi là từ đây, tôi vốn dĩ nhút nhát và an phận thủ thường nên tạm hài lòng với đồng lương ba cọc ba đồng. Bạn thì vốn khôn ngoan và lanh lợi ngay từ nhỏ nên đã trở thành cô giáo nổi danh và được nhiều học trò thụ giáo. Nhất là những năm khi việc dạy thêm, học thêm trở thành phổ biến.

Rồi thì quan hệ tình cảm cũng đến và chín mùi khi bạn thuyết phục được cha mẹ đồng ý cho lập gia đình với người bạn đời không cùng tôn giáo với phép chuẩn cho đời sống hôn nhân “đạo ai người đó giữ”. Tôi biết cha mẹ bạn buồn lắm nhưng vì thương con nên cũng đành chấp nhận và cố gắng thuyết phục được anh chồng để đứa con trai đầu lòng được chịu các phép Bí tích như bao đứa trẻ Công Giáo khác. Cuộc sống vẫn tiếp tục và tình bạn của chúng tôi vẫn khắng khít về cả về phần đời lẫn phần đạo khi vẫn cùng nhau tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng khác.

Nhưng sau khi cha mẹ bạn khuất núi, anh chị em định cư phương xa, công việc càng ngày càng thuận lợi nên bạn tôi đã có điều kiện mua đất xây nhà ở một địa phương khác. Từ đó hiếm khi chúng tôi có dịp gặp nhau vì mỗi người mỗi việc. Buồn thay, nơi ở mới lại xa nhà thờ và bạn tôi lại tham công tiếc việc nên việc giữ đạo cứ từ từ vơi dần và đứa con gái ra đời sau đó cũng không còn được may mắn theo đạo.

Những chiếc lá được sinh ra và nuôi dưỡng bởi chất nhựa từ gốc rễ đưa lên cành. Nhưng cũng có nhiều chiếc bị môi trường xấu tác động, hoặc sâu bọ cắn phá làm cho tự thân nó không hấp thu được nhựa sống. Con người cũng vậy, cũng được sinh ra từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa. Rồi khi lớn lên sinh hoạt giữa dòng đời, có những người bị đam mê trần thế cùng hỉ nộ ái ố của cuộc đời làm cho họ dần dần xa rời Thiên Chúa.

Chính vì vậy, Thánh Kinh đã nhắc bảo chúng ta: ”Hãy nhớ rằng cái chết không trì hoãn đâu, và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết!” (Hc 14,12) và Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo: ”Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44).

Khi đến tuổi hưu, bạn vẫn còn là một người hạnh phúc khi con cái thành đạt, nhà cao cửa rộng và vẫn còn tiếp tục đào tạo những lứa học trò kế tiếp. Nhưng tự nhiên trí nhớ của bạn mỗi ngày một sút giảm, mất bao tiền của, đi bao bệnh viện, khám bao bác sĩ vẫn không cải thiện được. Bạn trở nên như đứa trẻ, không còn nhận ra chúng tôi khi gặp dù trong ánh mắt vẫn còn có một chút gì đó lóe lên cùng những giọt lệ. Nhìn bạn mỗi ngày một héo hon như ngọn đèn dầu sắp lụi tàn, chúng tôi quyết định ngỏ lời cùng người chồng với lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để thuyết phục cho bạn được chịu các Bí tích cuối cùng và được chôn cất theo nghi thức Công Giáo

Thiên Chúa là khởi thủy, từ Thiên Chúa mới có muôn loài muôn vật, có con người. Và ngay từ khi lấy bụi từ đất nặn ra con người, Thiên Chúa đã nói với họ: ”Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19). Mọi người giầu nghèo sang hèn, giỏi dốt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở lại thân phận bụi đất.

Có thể nói cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết. Khi sự sống bắt đầu thì nó cũng đã hàm chứa một điểm dừng. Đó là đích đến của một chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người. Chuyến đi cô đơn nhất trở về nơi cội nguồn trong cuộc lữ hành trần thế.

Chết là một án lệ dành cho mỗi người và không ai có thể trốn tránh được. Người Công Giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ trở về cùng cội nguồn Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình. Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất và ta phải chuẩn bị cho ngày đó như thế nào?

Có chiếc lá chao nghiệng mấy vòng rồi rụng xuống gốc, nhưng cũng có những chiếc lá bị gió cuốn đi vòng vèo nơi xa lắc. Lá rụng nhưng chưa về cội! Cũng thế, nếu lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa chắc sẽ được về cùng Chúa. Về được với Chúa hay không, cái đó còn tùy ở cách sống của mỗi người và lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa.

Như một phương thuốc mầu nhiệm, nét mặt bạn tôi trở nên thanh thản sau khi được chịu các Bí tích cuối đời. Có lẽ chính giờ phút đó Lòng Chúa Thương Xót đã mở ra với bạn và Chúa Thánh Thần đã soi sáng để người chồng đồng ý nhờ chúng tôi liên hệ tiến hành an táng bạn theo nghi thức Công Giáo. Tạ ơn Chúa, thế là sau bao năm bị những cơn gió cuộc đời đưa đẩy, bạn tôi đã được Chúa thương cho rụng về cội.

Bạn ơi! Xin vĩnh biệt bạn. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu là phần rỗi các Linh hồn xót thương đón nhận bạn về nơi nguồn cội. Ở đó có ông bà, cha mẹ, những người đi trước …đã bao năm chờ bạn quay về.