Chúa Nhật 1 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ với bài Phúc Âm sau, trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Mở đầu bài huấn đức ngắn, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong ngày lễ trọng kính Các Thánh này, Giáo hội mời gọi chúng ta suy tư về niềm hy vọng lớn lao dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô: Chúa Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ sống lại với Người. Các Thánh và các Chân phước là những nhân chứng có thế giá nhất cho niềm hy vọng Kitô giáo, vì các ngài đã sống trọn vẹn chứng tá ấy trong cuộc đời của mình, giữa những hân hoan và đau khổ, các ngài thực hiện các Mối Phúc mà Chúa Giêsu đã rao giảng và ngày nay đang vang dội trong Phụng vụ (x. Mt 5, 1- 12a). Thực ra, Tám Mối Phúc Thật được đề cập đến trong bài Tin Mừng là con đường nên thánh. Giờ đây tôi muốn đề cập đến hai Mối Phúc, thứ ba và thứ hai.
Mối Phúc thứ ba là thế này: “Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an”. Những lời này có vẻ mâu thuẫn, bởi vì khóc không phải là dấu chỉ của niềm vui và hạnh phúc. Những lý do khiến người ta bật khóc và đau khổ là cái chết, bệnh tật, nghịch cảnh đạo đức, tội lỗi và sai lầm: đó là những điều thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, ghi dấu bởi sự mong manh, yếu đuối và những khó khăn. Cuộc đời của mỗi người trong chúng ta thường được ghi dấu bởi những tổn thương và thử thách gây ra bởi những thái độ vô ơn và hiểu lầm. Chúa Giêsu tuyên bố chúc phúc cho những ai khóc vì những thực tại này và, bất chấp mọi sự, anh chị em hãy tin cậy vào Chúa và đặt mình dưới bóng của Ngài. Các thánh không phải là những người thờ ơ, cũng chẳng phải là những người lòng dạ đã chai sạn vì đau đớn, nhưng các vị là những người biết kiên nhẫn hy vọng vào ơn an ủi của Chúa. Và các ngài đã trải nghiệm được niềm ủi an ấy ngay trong cuộc sống này.
Trong Mối Phúc thứ hai, Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp”. Anh chị em thân mến, hãy hiền lành! Hiền lành là đặc điểm của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Người như sau: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29). Những người hiền lành là những người biết cách thống trị bản thân, biết nhường chỗ cho tha nhân, lắng nghe và tôn trọng người khác trong cách sống, nhu cầu và yêu cầu của người ấy. Họ không có ý định lấn át hoặc xem thường người khác, họ không muốn chi phối và quyết định mọi thứ, cũng không áp đặt ý tưởng và lợi ích của mình lên trên hết để làm tổn hại đến người khác. Những người này, những người mà tâm lý thế gian không đánh giá cao, thay vào đó lại quý giá trong mắt Thiên Chúa, Đấng ban cho họ đất hứa, tức là sự sống đời đời làm cơ nghiệp. Mối phúc này cũng bắt đầu từ đây, dưới gầm trời này, và sẽ được viên mãn trên Thiên đàng, trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời điểm này của cuộc sống thế giới, nơi có quá nhiều xung đột, nhân đức hiền hòa này cần thiết biết bao. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày cũng thế, điều đầu tiên chúng ta thường bộc lộ là tính hiếu chiến, và tâm lý phòng thủ. Chúng ta cần sự hiền lành để tiến bước trên con đường nên thánh. Lắng nghe, tôn trọng, không tấn công, nhưng hiền lành.
Anh chị em thân mến, hãy chọn sự trong sạch, hiền lành và thương xót; hãy chọn phó thác chính mình cho Chúa trong tinh thần thanh bần và yêu mến; dấn thân cho công lý và hòa bình. Tất cả những điều này có nghĩa là đi ngược lại với tâm lý hiện tại của thế giới này, đi ngược lại thứ văn hóa chiếm hữu, đi ngược lại những thú vui vô nghĩa, chống lại sự kiêu ngạo khinh chê những người yếu đuối nhất. Con đường Phúc âm hóa này đã được các Thánh và Chân phước đi qua.
Lễ trọng hôm nay, lễ kính Các Thánh, nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của từng cá nhân và tất cả mọi người, đồng thời mang đến cho chúng ta những khuôn mẫu chắc chắn cho cuộc hành trình này, mỗi người bước đi theo những cách riêng, không thể lặp lại. Anh chị em hãy nghĩ đến cơ man những ân sủng và những câu chuyện cụ thể xảy ra nơi các thánh. Các ngài không giống nhau, mỗi người đều có cá tính riêng và đã phát triển đời sống thánh thiện theo những sắc thái cá biệt của mình. Mỗi chúng ta đều có thể làm được, hãy đi theo con đường đó. Hãy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng và chúng ta sẽ đi đến sự thánh thiện.
Gia đình bao la các môn đệ trung thành của Chúa Kitô có người Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta tôn kính Mẹ với danh hiệu Nữ Vương các Thánh, nhưng trước hết Mẹ là một người Mẹ, là Đấng dạy dỗ mỗi người đón nhận và bước theo Con Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng khao khát nên thánh, và bước đi trên con đường của các Mối Phúc Thật.
Source:Holy See Press Office