Thứ bẩy 17.10.2020 Tuần 28 TN. Lc 12, 8-12
Tuyên Xưng Đức tin
Bài trích phúc âm theo Thánh Luca Lc 12, 8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
“Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.
Phúc âm của Chúa.
Trong bài phúc âm hôm nay: Chúa Giêsu sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, đã kêu gọi các môn đệ can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. “Hãy mạnh dạn sống và rao giảng Phúc Âm, đừng sợ.” Ngài đưa ra hai lý do để họ luôn được an tâm:
Một, trong ngày phán xét chính Chúa sẽ nhận những người dám can đảm làm chứng cho Ngài. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Lý do thứ hai là sẽ có Thánh Thần soi sáng để họ có thể ăn nói và ứng phó mà không ai có thể bắt bẻ được. “Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.
Chúa Giêsu không chỉ nói với các môn đệ vào lúc đó, mà còn mời gọi chúng ta hướng về một đức tin xác quyết, một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, và một lòng can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế.
Cuộc sống của người môn đệ không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những giới răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”. Thực vậy, tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình/ đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Đời sống đạo của chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, độc tài, tôn thờ tiền tài và quyền lực nên còn gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên có những hành xử kém hiểu biết và thiếu nhân bản như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống đạo lại càng sống động bấy nhiêu.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả/ chính là những trào lưu tục hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng đĩa xấu, những ham mê tiền tài, thời trang, trò chơi, v.v… Đặc biệt trong thế giới công nghệ thông tin hiện đại, con người đắm chìm vào trào lưu kỹ thuật số, máy móc, nhất là trong các thành thị và các nước xã hội phương tây. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong làm băng hoại đời sống đạo đức, luân lý; làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình và đức tin nơi con người. Thay vì đối thoại và sinh hoạt chung, con người lại sống trong thế giới ảo riêng tư của mình. Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô 16 đã cảnh tỉnh vào năm 2011: “Chẳng ai cấm cản nhưng chính các phương tiện truyền thông giải trí lại khiến con người tự nguyện bỏ Lễ và rất có thể “tự nguyện bỏ đạo.”“ Có lẽ chúng ta cảm nghiệm qua trong gia đình và xã hội chúng ta đang sống. Nhiều người than phiền rằng con cháu không giữ đạo, mấy đứa bé lao đầu vào trò chơi điện tử, còn mấy đứa lớn thì “giữ đạo tại tâm - không cần đi nhà thờ.” Có lẽ chúng ta cần phải quan tâm về hậu quả của đại dịch CoVid này trên đức tin và cách sống đạo của con cháu trong tương lai. Đây mới là thử thách đáng phải quan tâm!
Sống trong xã hội như thế, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh... Khước từ những điều không phù hợp với luân lý Kitô giáo và cần được thể hiện qua hành động, dù chỉ là những hành động đơn giản ngắn gọn. Thánh Phalô nói với giáo dân tại Êphêsô (4:30-32): “anh em hãy bỏ hẳn dối trá... Ðừng để ma quỉ thừa cơ!... đừng trộm cắp... đừng gây phiền muộn cho Thánh Thần của Thiên Chúa... Mọi kiểu cay chua, gắt gỏng, nóng giận, la lối chửi rủa, nhất nhất phải đánh bạt khỏi nơi anh em. Trái lại, anh em hãy chia sẻ với người túng thiếu... lời lẽ phải lương thiện, ăn ở nhân hậu, chạnh thương, biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.”
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin hồng ân và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết can đảm vượt qua những trói buộc của thế giới ngày nay cũng như những đam mê, ích kỷ, ham muốn, lo sợ để làm chứng cho Chúa trong lời nói và việc làm.
Nguyện xin hồng ân và bình an của Chúa Kitô luôn ở cùng anh chị em và gia đình anh chị em luôn mãi. Amen.