CHIẾC ÁO CƯỚI CỦA TÔI

Trong những tiệc tùng, cách riêng đám cưới ngày nay, ai nấy đều diện lên những bộ áo quần lộng lẫy, rực rỡ, sang trọng khi được mời tham dự. Lẽ dĩ nhiên, mọi người tổ chức cũng như tham dự viên đều luôn vui tươi, hớn hở, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau những lời chúc đằm thắm, và đôi khi cũng ‘có cánh’ nữa!

Tiệc cưới trần gian hoành tráng, cao sang, trịnh trọng, rực rỡ thế nào, thì tiệc cưới Nước Trời vượt xa những sự chóng quá, phù phiếm và vô thường như vậy. Tuy nhiên, khách được mời dự tiệc Nước Trời đã không chịu đến, mặc dù tiệc mừng đã dọn sẵn, đã hạ bò, thịt bê béo, mọi sự đã tươm tất (x. Mt 22, 3. 4. 8). Chúng ta thấy rằng tất cả những lí do, lời biện giải mà khách mời đưa ra hoàn toàn không xứng tầm với ơn diễm phúc được dự tiệc Nước Trời; nào là “chẳng thèm đếm xỉa, lại bỏ đi: kẻ đi thăm trang trại, người thì đi buôn, có khi còn bắt các đầy tớ, nhục mạ và giết chết” (x. Mt 22, 5-6). Nhìn thật kỹ và gần, chúng ta sẽ nhận ra chi tiết đó phản phất hình dáng và cuộc sống của bản thân chúng ta. Với thái độ khước từ, lãnh đạm, dửng dưng trước lời mời gọi tha thiết, nhẫn nại của Thiên Chúa theo dòng thời gian; ngược lại, chúng ta lao vào thói đời, đam mê thú vui trần thế. Chúng ta nhanh nhẹn dang tay, đưa chân cho những thứ vật chất chóng qua, tàn lụi qua năm tháng, dẫn dắt đến mức biến chúng ta thành kẻ lệ thuộc vào nó. Thay vì làm chủ vật chất, giờ đây, chúng ta trở nên ‘tôi tớ’ của nó, tệ hơn, là ‘nộ lệ’ kiểu mới của thú vui, triết thuyết, ý thức hệ đượm tính ‘vô sinh’ như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích trong Thông điệp mới nhất Fratelli Tutti (Tất cả là Anh chị em): “các ý thức hệ khác nhau chi phối, tạo ra nhiều hình thái của thói ích kỷ, và đánh mất cảm thức xã hội với chiêu bài đội lốt bảo vệ lợi ích quốc gia…Hơn nữa, ý thức hệ được truyền bá nhằm huỷ hoại hay phá hoại tất cả các đặc tính khác biệt đa dạng, để dễ dàng cai trị mà không lo bị chống đối hoặc phản kháng nào” (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 11 và 13 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).

Quả thật, tiệc cưới Nước Trời trước tiên được mở ra cho dân Do thái. Nhưng vì họ lòng chai dạ đá, khước từ, và chẳng đoái hoài, “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời lại không xứng đáng…”, nên Thiên Chúa đã thi ân, ban phát rộng rãi, kêu mời tất cả các dân nước cùng đến thông phần tiệc vui khôn tả này “vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” (x. Mt 22, 8-9 theo thứ tự trích dẫn trên). Cảm tạ Chúa đã đoái thương, và trao ban ơn sủng dự phần vào sự hạnh phúc viên mãn của Ngài! Bất luận nam hay nữ, già hay trẻ, văn hoá, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo khác nhau chăng nữa, tất cả được Chúa ưu ái gọi mời hết mọi người chia san đặc tính chân-thiện-mỹ, mà được nhận lãnh từ Ngài, là nguồn Chân-Thiện-Mỹ. Hơn nữa, là Ki-tô hữu, khi chịu Bí tích Thanh tẩy (Rửa tội), chúng ta cũng được khoác lên mình tấm áo trắng, dấu chỉ biểu trưng cho ‘tạo vật mới và mặc lấy Đức Ki-tô’ như lời trong nghi thức Rửa tội “…con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh” (theo “Sách lễ nghi Giám mục”, cuốn De Benedictionibus được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành 31/5/1984). Chiếc áo trắng này phản phất hình ảnh áo cưới dự tiệc Nước Trời. Lẽ dĩ nhiên, Chúa đã kêu mời tất cả vào Thiên quốc, và Ngài cũng trao cho chúng ta áo cưới để giúp chúng ta xứng đáng và hưởng trọn vẹn hạnh phúc tiệc mừng ấy. Áo cưới ấy không gì khác hơn chính là ân sủng cần thiết, là đặc sủng, ơn công chính hoá, ơn trở nên thụ tạo mới, ơn tha tội, ơn được làm con cái Chúa, và nhất là ơn ‘mặc lấy Đức Ki-tô’. Nghĩa là: bỏ con người cũ, bỏ những thói hư tật xấu của bản thân, mà mặc lấy lối sống, cách suy nghĩ, ánh nhìn, thái độ, tư tưởng, hành vi, cung cách đối nhân xử thế của Đức Ki-tô. Ngài yêu thương mọi người, không loại trừ ai, không giản lược ai thành đồ vật hay phương tiện để đạt mục đích riêng; trong khi đó, chúng ta thường mến mộ với kiểu thiên vị, bè phái, loại trừ tha nhân, và có thái độ rút gọn, giảm thiểu anh chị em dựa trên não trạng hẹp hòi, thiển cận của cá nhân. Đức Ki-tô hằng quan tâm, an ủi vỗ về những ai bé mọn, nghèo hèn, những ai bị bỏ rơi trong quên lãng do thái độ dửng dưng, phớt lờ của con người cũng như cộng đồng xã hội. Ngài luôn thương xót, tha thứ cho kẻ tội lỗi biết ăn năn trở về; Ngài đón nhận hết thảy những ai bị ‘nhốt trong tường luỹ ngăn cách của hận thù, mê muội, vô tri’, cũng như ôm trọn tất cả mọi người có lòng thiện chí, hy sinh, dấn thân cho công lý-hoà bình-công ích, v.v…Như vậy, khi tôi được trao áo cưới để tham dự tiệc Nước Trời, thì tôi phải mặc lấy Đức Ki-tô, mặc lấy con người của Ngài trong mọi phương diện.

Quả vậy, nhờ mặc lấy Đức Ki-tô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mà Thánh Tông đồ Phao-lô dám quả quyết với giáo đoàn Phi-líp-phê: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi…” (x. Pl 4, 13), và đanh thét hơn “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20). Thánh nhân đã được nhận chiếc áo cưới, và khoác nó trên mình, đến độ chẳng rời xa bao giờ. Ngài giữ nó mãi tinh tuyền như con người Đức Ki-tô; ngài mặc nó trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc; ngài chia sẻ Tin Mừng (chính Đức Ki-tô Giê-su) và tất cả những gì thuộc về Đức Ki-tô cho anh chị em khác, bất luận Do Thái hay Hy Lạp, tín hữu hay dân ngoại, tự do hay nô lệ, vượt xa hết thảy định kiến thấp hèn của con người về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo. Còn bạn và tôi, là Ki-tô hữu, chúng ta cũng đã được khoác trên mình chiếc áo cưới trắng ấy. Chúng ta sẽ mặc nó mãi, giữ cho nó tinh tuyền, và chia san mọi nét phú túc vinh sang của nó qua cuộc sống hằng ngày, qua môi trường làm việc, gặp gỡ mọi người, qua các lĩnh vực chuyên môn của chúng ta chứ? hay ngược lại, trở nên nhát đảm, cất giấu như hình ảnh người không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn, hoặc phủ lên nó những gì trần tục, chóng qua của vật chất, danh vọng, thành đạt hão huyền, tệ hơn là đánh mất, vứt bỏ nó như thể nền văn hoá ‘vứt bỏ/bỏ đi/huỷ hoại’ ngày nay, thứ văn hoá mà Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô khuyến cáo nhiều lần (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 18 và 19 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).

Sau cùng, chúng ta cùng mượn lời của Thánh Tông đồ Phao-lô trong gửi cho giáo đoàn Ga-lát mà chung lời nguyện xin: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3, 27).

Chiếc áo cưới tinh tuyền
Chẳng được mua bằng tiền
Nhưng chính nhờ Bửu Huyết
Rửa sạch hết tội nhơ.
Bạn và tôi ghi nhớ:
Khoác áo cưới mỗi ngày
Mặc lấy con người Thầy
Yêu thương và tha thứ
Dự tiệc cưới Nước Trời. Amen!


Lm. Xuân Hy Vọng