1. Lăng mộ của Bậc Đáng Kính Carlo Acutis được mở để tôn kính trước khi phong chân phước

Ngôi mộ của Bậc Đáng Kính Carlo Acutis đã được mở cửa cho công chúng tôn kính vào thứ Năm trước lễ phong chân phước cho ngài. Khi còn sống, ngài là một thiếu niên lập trình máy tính.

Một phát ngôn viên của buổi lễ phong chân phước cho Acutis nói với CNA rằng toàn bộ cơ thể của ngài vẫn y nguyên, nhưng “không phải là không bị hủy hoại”.

“Hôm nay chúng ta… gặp lại anh ấy trong cơ thể phàm trần. Một cơ thể đã mai một, sau những năm được chôn cất ở Assisi, đã trải qua quá trình phân hủy thông thường, là di sản của thân phận con người sau khi tội lỗi đã tách con người khỏi Chúa, là nguồn gốc của sự sống. Nhưng cơ thể phàm trần này được tiền định để phục sinh,” Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino của Assisi nói trong thánh lễ mở cửa mộ hôm 1/10.

Đức Cha giải thích rằng cơ thể Acutis được “tái tạo lại với nghệ thuật và tình yêu.”

Thi thể của thiếu niên sẽ được tôn kính trong một ngôi mộ bằng kính cho đến ngày 17 tháng 10, trong lễ tưởng nhớ cuộc đời của Acutis ở Assisi.

Acutis, qua đời vì bệnh bạch cầu năm 2006 khi mới 15 tuổi, được biết đến với kỹ năng lập trình máy tính, và tình yêu đối với Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria.

Trái tim của Acutis, hiện có thể được coi là một di tích, sẽ được trưng bày trong một đền thờ ở Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi. Mẹ anh nói rằng gia đình anh muốn hiến tặng khi anh qua đời nhưng không thể thực hiện được vì căn bệnh ung thư máu.

“Carlo là một cậu bé của thời đại chúng ta. Một cậu bé của thời đại internet, và là hình mẫu của sự thánh thiện trong thời đại kỹ thuật số, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu cậu trong bức thư gửi những người trẻ trên toàn thế giới. Máy tính đã trở thành một phương tiện đi qua các đường phố trên thế giới, giống như các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, để mang đến cho những trái tim và các gia đình thông báo về hòa bình thực sự, làm dịu cơn khát khao vô hạn đang tồn tại trong trái tim con người,” Đức Cha Sorrentino nói.

Giám đốc đền thánh Spoliation ở Assisi, nơi có lăng mộ của Acutis, nói với EWTN rằng công việc tái tạo lại khuôn mặt của Acutis là cần thiết trước khi công chúng đến xem lăng mộ.

Acutis bị xuất huyết não vào thời điểm ngài qua đời, và ngài đã dâng sự đau khổ của mình như một lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và Giáo hội.

“Thi thể của anh ấy được phát hiện vẫn còn nguyên toàn bộ, dù không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn đủ mọi phần, với tất cả các phần của cơ thể. Công việc tô điểm đã được thực hiện trên khuôn mặt của anh”, Cha Carlos Acácio Gonçalves Ferreira nói.

“Bằng cách nào đó, khuôn mặt trần thế của anh ấy sẽ được nhìn thấy lại. Nhưng khuôn mặt đó - chúng ta đừng quên - bây giờ không chỉ về chính mình, mà là chỉ về Chúa,” Đức Tổng Giám Mục Sorrentino nói.

Lăng mộ của Acutis mở cửa cho công chúng tôn kính từ ngày 1-17 tháng 10 tại Assisi để cho phép càng nhiều người càng tốt đến viếng thăm cầu nguyện trong những tuần trước và sau khi ngài được phong chân phước vào ngày 10 tháng 10, mặc dù các biện pháp coronavirus có thể sẽ hạn chế số người tham dự.

Trong cuộc phỏng vấn với EWTN, Cha Ferreira đã ca ngợi Acutis như một nhân chứng rằng sự thánh thiện có thể đạt được đối với các thanh thiếu niên.

Trong lăng mộ, Acutis mặc bộ quần áo bình thường mà anh thường mặc trong cuộc sống hàng ngày.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy một vị thánh mặc quần jean, giày thể thao và áo thung,” cha Giám đốc đền thánh nói.

“Đây là một thông điệp tuyệt vời đối với chúng tôi, chúng tôi có thể cảm thấy sự thánh thiện không phải là một điều xa vời mà là một điều gì đó rất trong tầm với của mọi người nhờ ơn sủng của Chúa là Chúa của chúng ta.”

Một năm trước khi anh qua đời, thiếu niên người Ý đã nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể để tạo ra một danh mục trang web và chia sẻ thông tin này với những người khác.

Là một phần của lễ kỷ niệm 17 ngày lễ phong chân phước cho Acutis ở Assisi, hai nhà thờ đang tổ chức triển lãm các phép lạ Thánh Thể và các cuộc hiện ra của Đức Mẹ do Acutis lập danh mục.


Source:Catholic News Agency

2. Tân Chân Phước Carlo Acutis là ai?

Carlo Acutis sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991 và qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 là một thiếu niên Công Giáo Ý. Cậu có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể cách đặc biệt nên đã thiết lập một trang Web ghi lại các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới trước khi chết vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15. Bí tích Thánh Thể đã trở thành chủ đề cốt lõi của cuộc đời ngắn ngủi của cậu trên dương thế.

Sau khi cậu bé qua đời những lời kêu gọi Tòa Thánh tuyên phong Chân Phước cho cậu nổi lên từ nhiều nơi trên thế giới. Ngày 15 tháng Hai 2013, Đức Hồng Y Angelo Scola chính thức mở án tuyên thánh cho cậu ở cấp giáo phận. Ngày 13 tháng Năm cùng năm, cậu được tuyên phong bậc Tôi Tớ Chúa. Ngày 5 tháng Bẩy năm ngoái 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận các nhân đức anh hùng của cậu và tuyên phong bậc Đáng Kính.

Hôm 8 tháng Tư vừa qua, vị cáo thỉnh viên án phong thánh cho Carlo Acutis nói với một đài truyền hình Ý rằng sau 12 năm chôn cất thi thể của vị Đáng Kính không hề bị hư hại.

Cha Nicola Gori nói với Tv2000 rằng “cơ thể của Carlo Acutis vẫn còn nguyên vẹn”.

Thi thể của bậc Đáng Kính trẻ tuổi được tường trình là sẽ được đưa đến tu viện dòng Phanxicô Capuchin ở Assisi, trước khi được đưa đến nhà thờ Đức Bà Cả ở Assisi, nơi các tín hữu có thể đến kính viếng.

Trong Tông huấn “Christus Vivit”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Carlo Acutis như là nguồn cảm hứng cho những người trẻ. Ngài viết:

“Quả thật, thế giới kỹ thuật số có thể khiến các bạn có nguy cơ quá loay hoay với chính mình, cô lập và khoái cảm trống rỗng. Nhưng đừng quên rằng có các người trẻ ngay ở kia vẫn đang biểu lộ óc sáng tạo và thậm chí thiên tài. Đó là trường hợp của người tôi tớ trẻ tuổi của Thiên Chúa là Carlo Acutis.

Carlo ý thức rõ rằng toàn bộ bộ máy truyền thông, quảng cáo và kết mạng xã hội có thể được sử dụng để ru ngủ chúng ta, khiến chúng ta ghiền chủ nghĩa tiêu thụ và mua các thứ mới nhất trên thị trường, bị ám ảnh với thời gian rảnh rỗi, bị cuốn vào sự tiêu cực. Tuy nhiên, ngài biết cách sử dụng kỹ thuật truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng, để truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp.

Carlo không rơi vào bẫy. Ngài thấy nhiều người trẻ, vì muốn trở nên khác biệt, thực sự kết cục đã nên giống như mọi người khác, chạy theo bất cứ thứ gì kẻ quyền thế đặt trước mặt họ bằng các cơ chế tiêu dùng và phân tâm. Theo cách này, họ không sản sinh các năng khiếu mà Chúa đã ban cho họ; họ không cống hiến cho thế giới các tài năng bản thân độc đáo mà Chúa đã ban cho mỗi chúng ta. Kết quả, Carlo cho biết, “mọi người đều được sinh ra như một nguyên bản, nhưng nhiều người kết cục đã chết như những bản sao. Đừng để điều đó xảy ra với các bạn!”


Source:Aleteia

3. Tông thư Ðức Thánh Cha nhân 1,600 năm thánh Giêrônimô qua đời.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương thánh Giêrônimô hăng say yêu mến và học hỏi Lời Chúa qua Kinh thánh.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong Tông thư “Sacrae Scripturae affectus”, Lòng quí mến Kinh thánh, nhân dịp kỷ niệm đúng 1,600 năm thánh Giêrônimô qua đời.

Trong văn kiện dài 15 trang này, Ðức Thánh Cha gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời thánh Giêrônimô, một linh mục đan sĩ nghiên cứu không biết mệt mỏi về Kinh thánh, dịch thuật, chú giải và hăng say phổ biến Lời Chúa. Thánh nhân qua đời ngày 30/9/420, thọ 75 tuổi, trong cộng đoàn do ngài thành lập, tại Bethlehem, gần hang đá máng cỏ Giáng sinh.

Thánh Giêrônimô sinh khoảng năm 345 tại Stridone, ngày nay thuộc vùng biên giới giữa miền Dalmazia và Pannonia, nay thuộc lãnh phổ Croát và Sloveni, được giáo dục vững chắc trong một gia đình Kitô. Ngài theo học tại Roma và say mê văn chương Latinh cổ điển, nổi bật là văn hào Cicero. Thánh Giêrônimô kể lại mình được ơn hoán cải, qua một thị kiến có lẽ vào Mùa chay năm 375, khi được 30 tuổi: khi bị điệu đến trước Chúa là vị Thẩm Phán và “chịu tra hỏi về hoàn cảnh của tôi, tôi trả lời mình là Kitô hữu. Nhưng vị Thẩm Phán đáp: “Ngươi nói dối! Ngươi là người theo Cicero chứ không phải là Kitô hữu”. Quả thực ngay từ nhỏ, Giêrônimô đã say mê vẻ đẹp trong sáng của các tác phẩm Latinh cổ điển, và so với các văn bản ấy, Giêrônimô thấy các sách Kinh thánh chỉ là những văn bản thô kệch, sai văn phạm, và quá thô đối với sở thích văn chương tinh tế của mình. Sau giai thoại đó, Giêrônimô quyết định tận hiến cho Chúa Kitô và Lời của Ngài, dành trọn cuộc sống để làm cho Kinh thánh trở nên gần gũi với những người khác, qua công tác dịch thuật không ngừng và chú giải. Biến cố ấy đánh dấu một hướng đi mới mẻ và quyết liệt trong cuộc đời thánh nhân, đó là trở thành người phục vụ Lời Chúa”.

Ðức Thánh Cha cũng gợi lại những giai đoạn phục vụ trong đời sống thánh Giêrônimô, qua nhiều nơi khác nhau, đặc biệt thời kỳ làm cố vấn cho Ðức Giáo hoàng Damaso. Sau đó, thánh nhân đến định cư vĩnh viễn tại Bethlehem, năm 386 cho đến khi qua đời. Tại đây, ngài thành lập hai đan viện, nam và nữ, với nhà trọ đón tiếp các khách hành hương.

Ðức Thánh Cha viết: “Chính trong Kinh thánh, khi đặt mình trong tư thế lắng nghe, thánh Giêrônimô đã tìm được bản thân, khuôn mặt của Thiên Chúa và anh chị em, đồng thời gia tăng lòng yêu mến đời sống cộng đoàn”... Tại Bethlehem, thánh nhân sống thời kỳ phong phú và khẩn trương nhất trong cuộc đời, hoàn toàn dấn thân học hỏi Kinh thánh, dịch toàn bộ Kinh thánh Cựu ước, từ nguyên bản Do Thái. Ðồng thời, ngài chú giải các sách Ngôn sứ, Thánh vịnh, các thư thánh Phaolo, viết những tài liệu giúp nghiên cứu Kinh thánh”.

Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao bản dịch toàn bộ Kinh thánh ra tiếng Latinh, gọi là bản Vulgata, ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử văn hóa của Tây phương. Âu châu thời Trung cổ đã học cách đọc, cầu nguyện và suy luận về các trang Kinh thánh do thánh Giêrônimô dịch. Về sau, Kinh thánh này được tu chính và được thánh Gioan Phaolô II công bố ấn bản mẫu vào năm 1979, gọi là “Tân Vulgata”.

Ðức Thánh Cha nhận định rằng: “Khi kỷ niệm 16 thế kỷ thánh Giêrônimô qua đời, chúng ta hướng nhìn về sức sinh động truyền giáo đặc biệt, được biểu lộ qua việc dịch Lời Chúa trong hơn 3.000 ngôn ngữ. Bao nhiêu thừa sai đã thực hiện những công trình soạn văn phạm, từ điển và các dụng cụ ngôn ngữ khác, mang lại những nền tảng cho sự đả thông của con người với nhau và là một phương tiện để giấc mơ truyền giáo đi tới tất cả mọi người”.

Trong Tông thư, Ðức Thánh Cha cũng đề cao lòng gắn bó của thánh Giêrônimô với Tòa Thánh Phêrô, coi đây là điểm tham chiếu chắc chắn. Thánh nhân nói: “Tôi không theo ai khác ngoài Chúa Kitô, nhưng tôi liên kết trong tình hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô. Tôi biết rằng trên đá tảng này Giáo hội được xây dựng”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “hãy yêu mến điều mà thánh Giêrônimô yêu mến”. Ðiều này càng cấp thiết hơn trước tình trạng “dốt nát về tôn giáo” nơi nhiều người ngày nay. Ðức Thánh Cha viết: “Làm sao không lắng nghe ngày nay điều mà thánh Giêrônimô không ngừng thúc giục những người đồng thời của ngài: “Bạn hãy đọc thường xuyên Kinh thánh; đúng hơn, ước gì đôi tay bạn không bao giờ rời bỏ Sách thánh”. (Ep. 52,7: CSEL 54, 426)


Source:Vatican News