1. Bộ Giáo lý Đức tin chỉ trích những lời kêu gọi của các nhà thần học Đức cho người Tin lành được rước lễ.
Trong một lá thư gửi cho Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng đề xuất cho người Tin Lành rước lễ không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
Bức thư đề ngày 18 tháng 9, đã được ký bởi Đức Hồng Y Tổng trưởng Luis Ladaria và thư ký của bộ này Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi, đồng thời kèm theo một ghi chú giáo lý dài bốn trang.
Bức thư và ghi chú, được đưa ra sau việc công bố một tài liệu có tên “Cùng nhau nơi Bàn tiệc của Chúa,” do Nhóm Nghiên cứu Đại kết gồm các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, gọi tắt là ÖAK, phát hành vào tháng 9 năm ngoái, 2019.
Văn bản dài 57 trang chủ trương “sự hiếu khách có qua có lại của Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành, dựa trên những thỏa thuận đại kết trước đây về Bí tích Thánh thể và mục vụ.
Thư Bộ Giáo Lý Đức Tin viết: “Vấn đề về sự hiệp nhất Thánh Thể và Giáo hội bị đánh giá thấp trong tài liệu nói trên”. Bộ Giáo Lý Đức Tin lưu ý rằng “Thánh Thể giả định phải có sự hiệp nhất trong tình hiệp thông với Giáo hội và đức tin của Giáo hội, với Đức Thánh Cha và các giám mục”.
“Những hiểu biết cần thiết và không thể thiếu về thần học Thánh Thể của Công đồng Vatican II, vốn được chia sẻ rộng rãi với truyền thống Chính thống giáo, rất tiếc đã không được phản ánh đầy đủ trong bản văn.”
Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục của Tòa Thánh, đã yêu cầu bộ đánh giá về mặt giáo lý tài liệu này vào tháng Năm sau khi các giám mục Đức đã mang văn bản này ra thảo luận tại cuộc họp toàn thể của các ngài tại Mainz.
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng ÖAK đã thông qua tài liệu dưới sự đồng chủ tọa của Đức Cha Bätzing và vị Giám mục Lutheran đã nghỉ hưu Martin Hein.
Đức Cha Bätzing đã đi xa đến mức gần đây đã thông báo rằng các khuyến nghị của văn bản này sẽ được đưa vào thực hiện tại Đại hội Giáo hội Đại kết ở Frankfurt vào tháng 5 năm 2021.
ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Nó độc lập với cả hội đồng giám mục Công Giáo Đức và Giáo hội Tin lành ở Đức, gọi tắt là EKD, là một tổ chức đại diện cho 20 giáo phái Tin lành.
Bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh rằng vẫn còn những khác biệt đáng kể giữa những người Tin lành và Công Giáo trong cách hiểu về Bí tích Thánh Thể và thừa tác vụ.
Bộ cho biết: “Sự khác biệt về giáo lý vẫn còn quan trọng đến mức chúng loại trừ việc hiệp thông Thánh Thể.”
“Vì vậy, tài liệu không thể dùng như một hướng dẫn cho một quyết định lương tâm của các cá nhân liên quan đến hiệp thông Thánh Thể”.
Bộ Giáo Lý Đức Tin nói thêm rằng văn bản của ÖAK lẽ ra nên truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận thần học sâu xa hơn nữa. Nhưng Bộ cảnh báo chống lại bất kỳ quyết định cụ thể nào đối với việc hiệp thông Thánh Thể.
Bộ cảnh cáo rằng:
“Việc Giáo Hội Công Giáo mở ra mối tương giao hiệp thông Thánh Thể với các giáo hội thành viên của EKD trong tình trạng thảo luận thần học hiện nay chắc chắn sẽ mở ra những rạn nứt mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống, không chỉ ở Đức mà còn trên phạm vi toàn thế giới.”
Source:Catholic News Agency
2. Ðức Hồng Y Tổng giám mục giáo phận Koeln cảnh giác về nguy cơ ly giáo tại Ðức.
Ðức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, cảnh giác rằng “Tiến trình công nghị” đối thoại để cải tổ Giáo hội tại Ðức có thể dẫn đến một “Giáo hội quốc gia Ðức”.
Tuyên bố với hãng tin Công Giáo Ðức KNA, hôm 16 tháng 9 năm 2020, Ðức Hồng Y Woelki nói: “Kết quả tệ hại nhất, là khi Tiến trình công nghị đưa tới sự phân rẽ, và Giáo hội tại Ðức ra khỏi tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Ðiều tệ nhất là từ đó nảy sinh một Giáo hội quốc gia Ðức.”
Ðồng thời, Ðức Hồng Y Woelki cũng đánh giá tích cực những cuộc thảo luận mới đây trong tiến trình công nghị, vì đại dịch, được chia làm năm diễn đàn, tại năm vùng khác nhau. Cuộc thảo luận trong những nhóm nhỏ hơn làm cho các tham dự viên có thể trao đổi những lý luận dễ hơn so với trường hợp đại hội đồng, với sự hiện diện của hơn 200 người.
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng Y Tổng giám mục giáo phận Koeln mạnh mẽ cảnh giác rằng về đề tài truyền chức linh mục cho phụ nữ, Tiến trình công nghị sẽ khơi lên những hy vọng không thể đạt được, từ đó dẫn đến sự bất mãn, vì vấn đề Giáo hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ đã được Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phán quyết chung kết. Ðức Hồng Y nói: “Tôi không thể bàn về vấn đề này như thể đó vẫn còn là một vấn đề mở ngỏ. Vì thế, cuộc thảo luận diễn ra ngoài đạo lý của Giáo hội”.
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng Y Woelki phê bình trình độ thần học của một số văn kiện làm việc trong Tiến trình công nghị và nói: “Toàn thể thế giới hiện đang nhìn vào Giáo hội tại Ðức và Tiến trình công nghị này, vì thế chúng ta không thể để cho mình bị nhạo cười về thần học do sự thơ ngây.” Ðức Hồng Y kêu gọi các nhà thần học nam nữ, trong và ngoài công nghị, tham gia vào các cuộc thảo luận.
Ðồng thời, Ðức Hồng Y Woelki bày tỏ hy vọng Tiến trình công nghị thực sự đạt tới một cuộc cải tổ mà Giáo hội đang cần: cuộc cải tổ này phải loại bỏ tất cả những hình ảnh bề ngoài và thực tại, khiến cho Giáo hội xa lìa yếu tính của mình. Vấn để ở đây là đừng hiểu Giáo hội như một cơ cấu xã hội học thuần túy, nhưng là hiểu Giáo hội là một công trình của Thiên Chúa. Mục đích của mỗi cuộc cải tổ phải là làm sao đưa con người đến gần Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài”.
Ðức Hồng Y Tổng giám mục giáo phận Koeln than rằng, “nhiều tín hữu Công Giáo ở Ðức không còn biết Chúa Kitô là ai, Giáo hội là gì, họ không còn biết bí tích là gì, đâu là cơ cấu bí tích của Giáo hội.”
Source:Catholic News Agency
3. Ngoại trưởng Hoa Kỳ thúc giục Vatican thách thức Trung Quốc về tự do tôn giáo
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã viết một bài báo mới cho tạp chí tôn giáo First Things, trong đó ông cho rằng thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã khiến người Công Giáo bối rối và thúc giục Tòa thánh lên tiếng nhiều hơn về những vi phạm của Trung Quốc đối với các quyền con người.
“Tòa thánh có một khả năng và nhiệm vụ độc đáo là huy động sự chú ý của thế giới đối với những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là những vi phạm do các chế độ độc tài như Bắc Kinh gây ra,” ông Pompeo viết trong bài báo đăng ngày 18 tháng 9.
Ông Pompeo lưu ý rằng trong suốt thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo với “sức mạnh của chứng tá đạo đức” đã đóng một vai trò quan yếu trong việc kết liễu chủ nghĩa cộng sản trên khắp Trung và Đông Âu, và trong việc thách thức các chế độ “độc đoán và độc tài” ở cả châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Ông Pompeo cho rằng: “Sức mạnh của chứng tá đạo đức nên được nhắm đến Đảng Cộng sản Trung Quốc”, và lưu ý rằng Công Đồng Vatican II, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đều giữ nguyên quan điểm, theo đó tự do tôn giáo là “quyền tối thượng trong các quyền công dân”.
“Những gì Giáo hội dạy thế giới về tự do và tình liên đới giờ đây nên được Vatican truyền đạt một cách mạnh mẽ và bền bỉ trước những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm uốn nắn tất cả các cộng đồng tôn giáo theo ý chí của Đảng và chương trình toàn trị của nó,” ông nói.
Ông Pompeo đã nhắc cụ thể đến tình trạng lạm dụng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc, bao gồm cả việc cưỡng bức triệt sản và phá thai, và giam giữ họ trong các trại “cải tạo”. Ông cũng chỉ ra những lạm dụng như bắt giữ tùy tiện và quản thúc tại gia đối với các giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo, cũng như việc ủi sập các nhà thờ Công Giáo.
Đề cập đến thỏa thuận tạm thời năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, ông lưu ý rằng các điều khoản “chưa bao giờ được tiết lộ công khai”.
Trong khi Tòa thánh hy vọng thỏa thuận này sẽ cải thiện tình hình cho những người Công Giáo, ông Pompeo nói rằng hai năm sau thỏa thuận này, “rõ ràng là thỏa thuận Trung Quốc -Vatican đã không bảo vệ được người Công Giáo khỏi sự bách hại của đảng, chưa nói đến cách đối xử khủng khiếp của đảng đối với Kitô hữu khác, Phật tử Tây Tạng, tín đồ Pháp Luân Công và tín đồ các tôn giáo khác. “
Là một phần của thỏa thuận năm 2018, “Vatican đã hợp pháp hóa các linh mục và giám mục Trung Quốc mà lòng trung thành với Tòa Thánh vẫn không rõ ràng, gây hoang mang cho những người Công Giáo Trung Quốc luôn tin tưởng vào Giáo Hội”. Ông Pompeo lưu ý rằng nhiều người đi nhà thờ vẫn tránh những nơi thờ phượng được nhà nước công nhận vì nỗi sợ hãi rằng khi xuất hiện công khai như thế, “họ sẽ phải chịu đựng những sự ngược đãi giống như những gì họ chứng kiến nơi những tín đồ khác phải chịu đựng dưới bàn tay của chủ nghĩa vô thần ngày càng hung hãn của bọn cầm quyền Trung Quốc.”
Thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Các quan chức hàng đầu của cả hai bên đã cho biết thỏa thuận có thể sẽ được gia hạn.
Ông Pompeo được tường thuật là sẽ đến Ý và Vatican vào cuối tháng này. Theo hãng tin AGI của Ý, ông Pompeo dự kiến sẽ dừng chân tại Rome vào ngày 30 tháng 9, nơi theo dự trù ông sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà chức trách Ý.
Để kết luận, ông Pompeo viết:
“Tôi cầu nguyện rằng, khi đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tòa thánh và tất cả những ai tin vào ánh sáng thần linh soi đường dẫn lối cuộc sống của mỗi con người sẽ chú ý đến lời của Chúa Giêsu trong Phúc âm của Thánh Gioan, ‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’”.
Source:Crux
4. Ðức Thánh Cha Phanxicô: Mỗi người đều xinh đẹp đối với Thiên Chúa.
Hôm thứ Hai 21 tháng 9, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón một nhóm 42 trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, đang được điều trị tại phòng khám “Ánh sáng mặt trời” ở St. Polten, bên Áo hay còn gọi là Austria. Ngài cảm ơn tất cả mọi người vì công việc tuyệt vời dành cho các bạn trẻ.
Ðức Thánh Cha bày tỏ niềm vui chào đón các em, phụ huynh của các em và đội ngũ nhân viên của trung tâm “Ánh sáng mặt trời”. Ngài nói: “Tôi vui mừng nhìn thấy gương mặt của anh chị em và tôi đọc thấy trong mắt anh chị em niềm vui gặp tôi trong chốc lát.”
Các trẻ em được điều trị tại Phòng khám ngoại trú “Ánh sáng mặt trời”, một trung tâm được thành lập năm 1995. Việc điều trị kết hợp chẩn đoán, tư vấn và trị liệu cho trẻ em và thanh thiếu niên có nhu cầu đặc biệt.
Nói về tên Ánh sáng mặt trời của trung tâm, Ðức Thánh Cha nói với các em: “Cha có thể tưởng tượng tại sao những người phụ trách lại chọn cái tên này. Bởi vì ngôi nhà của các con trông giống như một vườn hoa lộng lẫy dưới ánh mặt trời, và những bông hoa của ngôi nhà này chính là các con! Chúa đã tạo ra thế giới với muôn vàn loài hoa đủ màu sắc. Mỗi người trong chúng ta cũng xinh đẹp trong mắt Thiên Chúa, và Người yêu thương chúng ta”.
Ðức Thánh Cha nói tiếp: “Ðiều này khiến chúng ta cảm thấy cần phải thưa với Chúa: Cảm ơn! Cảm ơn vì món quà cuộc sống, vì tất cả các sinh vật! Cảm ơn mẹ và bố! Cảm ơn gia đình của chúng ta và cảm ơn những người bạn của Trung tâm Ánh sáng mặt trời!” Ðức Thánh Cha nói rằng lời cảm ơn là một lời cầu nguyện tốt đẹp và Thiên Chúa thích lời cầu nguyện này.
Ngài gợi ý với các em thêm vào lời cầu nguyện một lời cầu xin: “Chúa Giêsu ơi, Chúa có thể giúp bố mẹ trong công việc của họ không? Chúa có thể an ủi bà con đang bị bệnh một tí không? Chúa có thể ban thức ăn cho các trẻ em trên toàn thế giới đang không có thức ăn? Hoặc: Chúa Giêsu ơi, xin hãy giúp Ðức Giáo hoàng lãnh đạo tốt Giáo hội. Nếu các con cầu xin trong đức tin, Chúa chắc chắn lắng nghe các con.”
Cuối cùng Ðức Thánh Cha cảm ơn các phụ huynh, những người đồng hành, bà Chủ tịch và mọi người hiện diện. Ngài cảm ơn sáng kiến tốt đẹp và sự dấn thân của họ đối với các em. Ngài nói: “Tất cả những điều anh chị em làm cho một trong những người bé nhỏ nhất này là anh chị em là cho Chúa Giêsu!”
Source:Vatican News